Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Chuyến 'Bắc tuần' đầu tiên của vua Gia Long

Năm 1803, vua Gia Long có cuộc "Ngự giá Bắc tuần" để nhận tuyên phong của nhà Thanh với quốc hiệu Việt Nam.

Chuyến đi kéo dài từ tháng 8/1803 đến tháng 2/1804 (tính theo âm lịch). Kế hoạch là khi nhà Thanh đưa thư nói sứ thần nhà Nguyễn là Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đã đến Yên Kinh, vua Thanh sai án sát sứ Quảng Tây là Tế Bố Sâm sang tuyên phong. Lễ tuyên phong được quy định tại cố đô Thăng Long.
Trước đó, đánh xong quân Tây Sơn, vua Gia Long đã cho Trịnh Hoài Đức vượt biển đem ấn tín nhà Thanh phong cho nhà Tây Sơn sang nộp để báo cáo. Hè 1803, vua lại sai sứ đoàn Lê Quang Định sang xin sắc phong, với ý định xin đặt quốc hiệu là Nam Việt.
Vua Càn Long không đồng ý, do sợ gây nhầm lẫn với nước Nam Việt của Triệu Đà xưa. Vua Gia Long nhiều lần gửi thư biện giải, tỏ ý nếu không chấp nhận quốc hiệu thì không xin thụ phong nữa. Vua Càn Long mới đồng ý, đổi tên thành nước Việt Nam. 
Đại nam thực lục Chính biên, Đệ nhất kỷ viết, vua sai các tướng Nguyễn Văn Trương, Lê Chất, Nguyễn Đức Xuyên đem quân sở bộ và các quân Thị trung, Thị nội, Túc trực, Thần sách đi theo hầu. 
Ngày 4/8/1803, vua bắt đầu khởi hành, ngày 8/8 mới đến Quảng Bình. Ngày 11/8, vua đến Nghệ An, đóng tại Hành cung Hà Trung. Vua dụ rằng dân sở tại sửa đắp đường quan cứ mỗi 15.000 trượng thì cấp cho 10.000 phương gạo, người cung ứng cỏ rơm cho voi ngựa thì mỗi ngày cấp 15 phương gạo. Cầu cống có gãy nát thì dùng quân lính mà sửa chữa, không được huy động sức dân.
Trong dịp này, vua Gia Long sắc cho các xã dân từ Nghệ An ra Bắc, ai có việc đau khổ oan khuất thì cho đến tâu bày. Vì vậy, sử đã chép "Lòng dân vui mừng".
Tới ngày 24/8, vua mới đến hành cung Nghệ An. Lúc này, một người huyện Nghi Xuân là Nguyễn Công Trứ điều trần mười việc, vua sai Bộ Lại duyệt kỹ để tâu. Nguyễn Công Trứ sau này là vị quan nổi tiếng của triều Nguyễn.
Ngày 9/9, vua Gia Long rời Nghệ An, đến ngày 13/9 dừng tại hành cung Thanh Hóa. Vua sai Đặng Đức Siêu đến Nguyên miếu (miếu thờ Trừng Quốc công thân phụ Nguyễn Kim) làm lễ yết cáo sau đó hạ chiếu lấy Gia Miêu ngoại trang, quê tổ phát tích của nhà Nguyễn làm Quý hương, huyện Tống Sơn làm Quý huyện, cho hậu duệ tổ tiên nhà Nguyễn là Nguyễn Hữu Triêm làm Cai đội, Nguyễn Hữu Kỷ làm Đội trưởng coi dân lệ thuộc để phụng giữ việc thờ cúng ở Nguyên miếu.
chuyen-bac-tuan-dau-tien-cua-vua-gia-long
Vua Gia Long. Ảnh tư liệu.
Ngày 9/10, thuyền ngự xuất phát từ sông Chu, vua sai Đốc trấn Thanh Hoa là Tôn Thất Chương theo hầu, sai Nguyễn Đức Xuyên đem quân bộ đi trước đến Bắc Thành. Thấy binh lính đi hộ vệ từ Phú Xuân ra mệt nhọc, nhà vua cho các binh ốm quê ở Thanh Hoa và Nghệ An về quê an dưỡng; những người quê ở Quảng Bình về Nam thì lưu ở Thanh Hoa điều trị.
Ngày 12/10, vua ra Ninh Bình, thăm núi Dục Thúy. Ngày 16/10, xa giá đến thành Thăng Long. Trong thời gian chờ phái đoàn nhà Thanh đến, vua sai diễn trận pháp của các quân, hoặc đi thăm đê ở Thanh Trì, bàn chuyện giữ đê hay bỏ đê, định lương bổng cho các quan Bắc thành.
Tháng 12/1803 sứ đoàn Lê Quang Định trở về. Tết Giáp Tý, vua Gia Long và phái đoàn tùy tùng ăn Tết tại thành Thăng Long. 
Tháng 1/1804, vua Càn Long nhà Thanh sai Án sát sứ tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong, lại ban cho vua Gia Long gấm đoạn mãng, tức gấm thêu rồng bốn móng, là phẩm phục nhà Thanh ban cho cấp hoàng tử. 
Để đón tiếp sứ đoàn, vua Gia Long phái 3.500 biền binh và 30 thớt voi theo hậu mệnh sứ ở cửa quan để nghênh tiếp, 1.000 biền binh theo hậu tiếp sứ đến địa đầu Kinh Bắc đứng chờ. 
Ngày 13/1/1804, vua làm đại lễ tuyên phong. Hôm ấy sáng sớm, vua sai đặt lễ bộ đại giá ở sân điện Kính Thiên đến cửa Chu tước, bến sông Nhị Hà thì bày nghi vệ binh tượng; sai thân thần Tôn Thất Chương đến công quán Gia Quất, Đô thống chế Phan Văn Triệu, Hộ bộ Nguyễn Văn Khiêm, Tham tri Hộ bộ Nguyễn Đình Đức đến nhà tiếp sứ ở bến sông để nghênh tiếp sứ giả.
Vua ngự ở cửa Chu tước, hoàng thân và trăm quan theo hầu. Sứ giả nhà Thanh là Bố Sâm đến, vào điện Kính Thiên làm lễ tuyên phong. Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành sung việc thụ sắc, chưởng Thần võ quân Phạm Văn Nhân sung việc thụ ấn.
Lễ xong, vua mời Bố Sâm đến điện Cần Chánh, thong thả mời trà rồi lui. Vua Gia Long đặt yến ở công quán Gia Quất, tặng biếu phẩm vật. Bố Sâm nhận lấy the, lụa, vải, sừng tê, kỳ nam, còn dư đều trả lại. Vua sai thu nhận một vài thứ để yên lòng. Bố Sâm tạ từ ra về, vua sai Tôn Thất Chương đưa đi một trạm và quan hậu mệnh hộ tống ra cửa ải.
Ngay sau lễ tuyên phong, vua Gia Long lấy Lê Bá Phẩm làm Tham tri Hình bộ sung chánh sứ sang Thanh, Trần Minh Nghĩa và Nguyễn Đăng Đệ sung Giáp ất phó sứ, đem phẩm vật sang tạ. 
Ngày 21/1, vua rời Thăng Long trở về và ngày 25 tới Thanh Hóa, yết Nguyên miếu, giảm tô thuế 1 phần 10 cho nhân dân từ Nghệ An ra Bắc.
Ngày 8/2/1804, vua về đến kinh sư. Từ lúc này, vua Gia Long công bố quốc hiệu là Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng suốt thời vua Gia Long và đầu thời vua Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua mới xuống chiếu đổi quốc hiệu thành Đại Nam.
Theo sử sách, tên gọi Việt Nam có thể xuất hiện trước thời Nguyễn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền".
Hai chữ "Việt Nam" còn được tìm thấy trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17. Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). 
Lê Tiên Long
:

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét