Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Chuyện xưa ở Đại Điền

Nếu ở huyện Giồng Trôm có "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc" thì ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, có "Bánh dừa Giồng Luông". Loại bánh này được làm bằng gạo nếp, nước cốt dừa, nhân đậu, có khi là nhân chuối. Bánh được gói từ lá đọt dừa nước non, bà con ta gọi là cà bắp, bởi rừng dừa nước ở Thạnh Phú chiếm 50% diện tích dừa nước toàn tỉnh Bến Tre. Không chỉ có chiếc bánh lá dừa được khắp nơi ưa chuộng, xã Đại Điền còn nổi tiếng với nhiều câu chuyện truyền kỳ đến nay còn lưu dấu tích.
Đại Điền từng là nơi diễn ra lễ xuất quân của Tiểu đoàn Anh hùng 307 vang lừng "đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy". Hiện nay, tại trung tâm xã Đại Điền, có bia lưu niệm về ngày lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307. Lịch sử của Tiểu đoàn ghi lại rằng Tiểu đoàn 307 là đơn vị chủ lực đầu tiên của Khu 8, cũng là đơn vị cơ động đầu tiên của Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Tiểu đoàn được thành lập ngày 1-5-1948 gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành. Một số cán bộ của Trung đoàn 99 được bổ nhiệm vào Ban chỉ huy Tiểu đoàn 307 như Đỗ Huy Rừa- Trung đoàn phó làm Tiểu đoàn trưởng; Nguyễn Văn Sĩ làm Tiểu đoàn phó; và Hồng Long- Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 99 làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Sau 2 tháng tập trung huấn luyện ở Bến Tre, ngày 5-7-1948 Tiểu đoàn 307 đã làm lễ xuất quân tại Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú). Sau đó Tiểu đoàn liên tiếp lập nhiều chiến công vang dội ở Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long Châu Hà. Ngày 5-7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Tiểu đoàn 307.
Không chỉ là đất lịch sử, Đại Điền còn là đất của trí thức. Xứ sở này vì ngày xưa đất đai rộng lớn (mới có tên Đại Điền), nhiều người giàu có, nên đầu thế kỷ 20 không ít người cho con đi du học bên Pháp. Trong đó có ông Dương Văn Giáo, đạt bằng Tiến sĩ Luật năm 1926, về nước tham gia hoạt động yêu nước cùng ông Nguyễn An Ninh, viết báo đấu tranh chống đối chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Dương Văn Giáo từng là bạn đồng học với nguyên Thủ tướng Ấn Độ Nehru và Hoàng thân Thái Lan Luang Pradit, làm Bộ trưởng trong nội các Thái Lan.
   Nhà cổ họ Huỳnh. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam
Theo quan niệm xưa, do đất Đại Điền phong thủy tốt, nên có nhiều người giàu có, để lại cho đời những câu chuyện về thời mở đất và công trình kiến trúc nghệ thuật vô giá. Tiêu biểu là ông Hương Liêm, tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927). Ông là người miền Trung di cư vào đây lập nghiệp. Nhờ siêng năng, chuyên cần, lại tiết kiệm, sống giản dị nên dần giàu lên. Tuy giàu có, quyền uy nhưng Hương Liêm có lòng nhân đức. Ông góp tiền của, đất đai để xây dựng nhiều đình chùa ở vùng này. Hiện trong sổ sách nhiều đình, chùa ở đây còn ghi công đức của ông là người sáng lập. Đặc biệt hơn, nhà và khu mộ cổ Huỳnh phủ ở Phú Khánh (xã giáp ranh với Đại Điền) của họ tộc cụ Hương Liêm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2011. Công trình được giới chuyên môn đánh giá tiêu biểu cho kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vật liệu làm nhà như cột, kèo, đòn tay… được mua từ Campuchia chở về bằng đường thủy. Qua thời gian có ít nhiều chỗ xuống cấp, nên gần đây được ngành chức năng tỉnh Bến Tre chỉ đạo trùng tu lại.
Trong các địa chủ giàu có ở Đại Điền xưa, Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hinh, 1874-1945) quyền hành cao nhất và đất đai cũng nhiều nhất. Theo tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương, ông nhậm chức Đốc Phủ sứ năm 1939 (không viết ở phủ nào). Từng được Pháp trao nhiều huy chương, trong đó có huy chương cao nhất Bắc đẩu Bội tinh. Theo tài liệu thống kê năm 1956, thời Ngô Đình Diệm, đất đai ông và dòng họ có 3.906 mẫu Tây. Giàu có là vậy, ít ai biết hồi nhỏ nhà nghèo, Phủ Kiểng đi ở đợ nhiều nơi. Khi giàu có quyền chức, ông có mười người con đều cho ăn học đến nơi đến chốn. Trong đó có ông Nguyễn Duy Quang du học ở Pháp, Trường Cao đẳng Thương mại. Năm 1935, khi về nước Nguyễn Duy Quang từng làm bí thư, Chánh Văn phòng cho ông hoàng Bảo Đại và từng giữ chức Bố chánh tỉnh Thanh Hóa. Phủ Kiểng để lại ngôi nhà xây dựng năm 1923, theo lối kiến trúc Châu Âu. Vì quá đồ sộ đến ba tầng lầu, nên người dân ở đây đến cuối của những năm 1980 vẫn quen gọi là Thành Phủ Kiểng. Dinh thự này nằm trong khuôn viên rộng 6.000m2, có hàng rào kiên cố, cột đèn bằng bê tông dựng lên dọc hàng rào, hồ chứa nước ngọt âm dưới đất hàng ngàn mét khối, đường dẫn xuống kho lúa rộng lớn, hai cầu thang làm bằng đá hoa cương dẫn lên sân thượng. Trên sân thượng có bể tắm. Ngoài ra, bên hông dinh thự còn có ga-ra xe, trước sân đầy hoa kiểng và vườn cây ăn trái. Vật liệu được mua về từ bên Pháp. Tài liệu xưa cho rằng, dinh thự Phủ Kiểng như dinh Tham biện (tỉnh trưởng), hay tòa Đốc lý của các thành phố lớn. Sau khi đất nước thống nhất, nơi đây được lưu dụng làm Trường Đoàn mang tên Lê Văn Quang của tỉnh Bến Tre.
Nếu khách phương xa tham quan dãy đất cù lao Minh của tỉnh Bến Tre, qua các điểm du lịch như Khu du tích Lịch sử Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Chùa Tuyên Linh chừng 10km rẽ trái 2km, thì sẽ tới làng cổ Đại Điền. Ở đây, có những câu chuyện xưa về lịch sử đấu tranh giành độc lập, những con người mở đất, những công trình nghệ thuật kiến trúc đậm văn hóa Nam Bộ và nhiều câu chuyện truyền kỳ hé mở tính cách người phương Nam cũng như một thời hào hoa quá vãng.
PHẠM BỘI ANH THUYÊN
Tài liệu tham khảo:
- Địa chí Bến Tre, NXB Khoa học –
Xã hội Hà Nội – Đoàn Tứ - Thạch Phương – 2001.
- Hứa Hoành - vnthuquan.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét