Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

DINH SƠN TRUNG - ĐỀN THỜ ANH HÙNG DÂN TỘC TRẦN VĂN THÀNH

Khu di tích Dinh Sơn Trung là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Trần Văn Thành, một trong những lãnh tụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp (1867 - 1873). Dinh này tọa lạc tại ấp Long Châu 1, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nằm bên phải tỉnh lộ 491 về hướng thị trấn Tri Tôn, trên cánh đồng Láng Linh, cách thành phố Long Xuyên khoảng 30km.
Khu Di tích được xây dựng trên diện tích 1 hécta, có đền thờ chính nằm ở giữa, bên phải là văn phòng làm việc của Ban quản trị đền và nhà để xe, bên trái là nhà khách và nhà ăn xây dựng trên nền đất gò cao. Trong khu vực này còn có khu di tích Lò rèn Bảy Thưa gồm các công trình phục dựng lò rèn ngày xưa, cùng khu thờ Tam hoàng Ngũ đế- xây dựng trên phần đất ruộng, theo kiểu nhà sàn nền bằng bê tông lát gạch, được nối từ khu đền chính ra bằng 2 cây cầu song song dài hơn 100 mét.
Theo tư liệu của Ban quản lý di tích ghi lại: Đức Quản cơ Trần Văn Thành sinh năm 1820 (khoảng cuối triều Gia Long) tại ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trong một gia đình trung nông. Thân phụ, thân mẫu của ông đến nay chưa được hiểu rõ, chỉ biết gia đình ông có 4 người anh em trai. Ông là anh cả, còn 3 người em tên Trần Văn Lập, Trần Văn Hạ và Trần Văn Ấn.
Ông lớn lên trong hoàn cảnh đất nước nhiều biến động sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Với lòng yêu nước và mong muốn được trực tiếp đánh đuổi ngoại xâm, ông gia nhập quân đội nhà Nguyễn vào năm 1840. Nhờ có vóc dáng cao to, tư chất thông minh và tài thao lược, ông được phong suất Đội chỉ huy 50 người đóng ở tổng trấn An Giang. Đến thời Vua Thiệu Trị, quân Xiêm xâm lấn nước ta, dưới sự chỉ huy của các tướng Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhân… quân đội của ông đã góp công lớn đánh thắng quân Xiêm, ông được phong từ chức Đội lên Chánh Quản Cơ, chỉ huy 500 binh sĩ đóng tại An Giang. Ngoài ra ông còn được Vua ban chiếu khen "Quản Cơ Tân Bình" và tặng thưởng nhiều phẩm vật.
Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha từ Đà Nẵng đánh chiếm một số tỉnh Nam kỳ, sau khi thành Gia Định thất thủ, triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước giao nộp 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho Pháp. Năm 1865 triều đình còn ra sắc lệnh cấm người dân 3 tỉnh miền Tây không được chiêu mộ nghĩa quân kháng Pháp.
Bất bình trước sự bạc nhược triều đình, Đức Quản Cơ Trần Văn Thành tập hợp lực lượng vũ trang riêng chống Pháp vào tháng 6-1867, đóng quân ở Hàng Tràm, xã Bình Thạnh Đông với chủ trương chống phá việc thiết lập bộ máy thống trị của giặc, trừng trị bọn tay sai hương chức làm việc cho Pháp, tấn công các toán quân Pháp.

Mở đầu, vào tháng 11-1867, nghĩa quân Trần Văn Thành tập trung lực lượng tấn công lớn vào thành An Giang ở Châu Đốc nhưng thất bại. Quân Pháp với vũ khí tối tân đã phản công và truy kích, bắt một số nghĩa quân ở vùng Thất Sơn và đày đi Côn Lôn (Côn Đảo). Sau những trận giao chiến với quân Pháp ông thấy tương quan lực lượng giữa hai bên không cân sức, cần phải phát triển nghĩa quân đông và mạnh hơn mới có thể đương đầu với giặc. Vì vậy, vào đầu năm 1868 ông phiên chế nghĩa quân thành nhiều đội, rút sâu vào cánh đồng Láng Linh hoang vu, xây dựng tại rừng Bảy Thưa một hệ thống đồn lũy khá kiên cố, tích lũy lương thực, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ… Từ đó, uy danh thanh thế của ông ngày càng mở rộng, quy tập nghĩa quân ngày càng đông và được phiên chế thành nhiều đội tích cực ngày đêm luyện tập.
Tháng 4-1872, biết căn cứ đã bị giặc phát hiện, ông Trần Văn Thành quyết định chủ động tấn công trước. Ông sắp xếp lại lực lượng lấy danh hiệu là Đội binh Gia Nghị và chính thức tuyên bố cuộc khởi nghĩa chống thực Pháp, tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ của giặc đóng xung quanh căn cứ Bảy Thưa. Quân giặc sau lúc bị động ban đầu, đã phản công. Chúng từ Long Xuyên, Châu Đốc hành quân đổ bộ vào bờ Sông Hậu, dùng tàu nhỏ tiến vào rạch Mặc Cần Đưng tấn công và chiếm đồn Giồng Nghệ. Sau đó bị nghĩa quân bao vây chặn đường tiếp tế, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, Pháp phải tháo chạy sau 15 ngày chiếm giữ.
Đánh không được, đầu năm 1873, Pháp lại dùng nhiều biện pháp chiêu dụ, chiêu hàng ông Trần Văn Thành, hứa sẽ ban thưởng và cho làm quan to. Cụ thể, Tôn Thọ Tường, tay sai cho thực dân Pháp, đã viết tờ triệu thị khuyến dụ gởi ông có đoạn như sau:
"… Thiếu chi kẻ anh hùng lỗi lạc
Cũng phục tùng mà hộ quốc tùy dân
Còn như mình triết bảo thân
Thì thói độn mà an sanh lạc nghiệp
Có chăng phường đạo kiếp
Bày ra chuyện mộ quân
Ấy là chước kiếm tiền
Ấy là mưu trốn sự
Kiếm chỗ vắng mà bắt lính, mà đồi lương
tở mở
Khoe tài trong rừng bụi
Khen cho hay múa gậy rừng hoang
Lừa hồ cơ mà phất cờ giống trống
nhộn nhàng
Muốn địch với quân binh
Ví chẳng khác bắt cầu qua biển cả…"
Và kèm theo một bức thư chiêu dụ khác.
Nhưng ông cương quyết từ chối. Không mua chuộc được, Pháp quyết định dùng lực lượng vũ trang tấn công với qui mô lớn, điều động lính mã tà từ Cần Thơ và Long Xuyên chia làm 2 cánh quân do Trần Bá Tường và Phó Quản Hiếu trực tiếp chỉ huy, cùng với nhiều tàu chiến và vũ khí hiện đại để tấn công vào căn cứ Bảy Thưa. Chiến dịch của giặc dưới sự điều hành trực tiếp của một Đại úy Pháp và Tham biện chủ tỉnh Long Xuyên.
Cuộc tấn công bắt đầu từ sáng sớm ngày 19-3-1873 (20 tháng 2 năm Quý Dậu), cánh quân thứ nhất dùng tàu chiến đổ quân vào rạch Mặc Cần Đưng tấn công đồn Giồng Nghệ, cánh thứ hai từ Châu Đốc tiến xuống Bình Thạnh Đông tấn công đồn Hàng Tràm và đồn Hờ. Ngày 20-3-1873 tiến đánh đồn Cái Môn đến trưa chiếm được đồn. Sau trận chiến không cân sức, các toán nghĩa quân rút lui về đồn Sơn Trung, dũng cảm ngoan cường chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng đồn Sơn Trung cũng thất thủ. Đội Nhất Năng (Nguyễn Văn Năng) tự sát, Đội Chín Văn tử trận, ông Trần Văn Chải bị thương ở đùi bị giặc Pháp bắt.
Ngày 20-3-1873, quân Pháp tập trung lực lượng đánh đồn Hưng Trung, đại bản doanh của căn cứ Bảy Thưa. Tại đây, Đức Quản Cơ Trần Văn Thành mặc áo đỏ đứng bên chiến lũy trực tiếp đốc thúc nghĩa quân chiến đấu. Cuộc chiến ác liệt kéo dài đến tối, nghĩa quân thương vong rất nhiều, thành lũy bị phá, đồn Hưng Trung rơi vào tay giặc. Trong đồn lúc đó chỉ còn lại 18 nghĩa quân bị bắt, trong số đó có 5 người bị thương rất nặng.
Trong trận càn quét quy mô này, giặc Pháp không bắt được ông Trần Văn Thành và từ đó bặt vô âm tín, không ai còn nghe thấy ông ở đâu nữa. Giặc san bằng các đồn trú và tổ chức Đội binh Gia Nghị cùng các nghĩa quân tan rã hoàn toàn.
Cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa tuy không thành công, nhưng đã cho thấy ý chí quật cường, truyền thống yêu nước bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.
***
Để ghi nhớ công lao vị anh hùng dân tộc, nhân dân trong vùng đã xây dựng đền thờ ông vào năm 1952. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Khu Di tích Dinh Sơn Trung được trùng tu và xây dựng bổ sung dần cho đến nay, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 12-12-1986.
Hằng năm, vào các ngày 19 đến 22 tháng 2 âm lịch, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú cùng hàng ngàn người dân trong vùng tổ chức lễ giỗ Đức Quản Cơ Trần Văn Thành và các nghĩa quân đã hy sinh. Đây là một lễ hội truyền thống văn hóa lịch sử và tâm linh của địa phương, được tổ chức rất trọng thể với nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian.
Trần Quốc Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét