Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

'Vương quốc dừa sáp'

vuong-quoc-dua-sap-o-tinh-nao
Dừa sáp.
Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, có cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái thường, nước đặc lại trong veo. Đây là đặc sản của Trà Vinh.
Có tài liệu cho rằng cây dừa sáp xuất hiện ở huyện Cầu Kè khoảng năm 1940-1960 do một nhà sư người Khơ me sang thăm Campuchia mang về làm giống. Do đột biến gen, hoặc do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết ở vùng đất Cầu Kè khiến dừa cho trái sáp đặc biệt.
Nhìn rễ, thân, lá, dạng trái và tình trạng vỏ trái, dừa sáp giống dừa bình thường. Hiện Trà Vinh có 5 giống dừa sáp phân biệt theo hình dạng, màu vỏ, gồm: dừa tròn, dài, có cạnh, vỏ xanh và vỏ vàng.
Cây dừa sáp có dạng trái, màu sắc khác nhau cho cơm dừa dầy, mỏng khác nhau. Nếu không là gia chủ, khó phân biệt cây nào là dừa sáp, cây nào là dừa thường.
Trà Vinh hiện có 276 hecta dừa sáp, nhiều nhất cả nước nên được gọi là "vương quốc dừa sáp". Loài cây này trồng nhiều tại các xã Hòa Tân, Hòa Ân, Thông Hòa và thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè). 
Giá dừa sáp dao động 80.000-150.000 đồng mỗi trái, tùy từng mùa trong năm
Bị chi phối bởi quy luật kiến tạo địa chất cùng những lần biển tiến, biển lùi, vùng đất có tên gọi Trà Vang - tiền thân của Trà Vinh - được hình thành từ lâu đời. Khi đó, Trà Vang là vùng đất hoang vu, các loại cây rừng trùm lên những giồng đất, đầm lầy và sông rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt.
Sự hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh có thể được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1732 đến năm 1900, Trà Vinh có từ trước khi chúa Nguyễn lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ vào năm 1732. Lúc bấy giờ, đất Trà Vinh thuộc châu Định Viễn.
Năm 1876, thống đốc Nam Kỳ phân chia Nam Kỳ thành 4 khu hành chính lớn. Khu hành chính Vĩnh Long gồm 4 tiểu khu Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc. Từ năm 1900, tên tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức trên các văn bản tiếng Pháp là Province de Trà Vinh.
Giai đoạn 2 từ năm 1900 đến năm 1992, vùng đất là tỉnh Trà Vinh ngày nay được chia tách, sáp nhập nhiều lần. Năm 1951, 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Trà.
Tháng 2/1976, Vĩnh Long và Trà Vinh được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long, đến 5/1992 lại được chia tách.

dung-tra-vinh-co-bo-bien-dai-65-km
Bãi biển Ba Động, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Báo Vĩnh Long
Trà Vinh là tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, phía đông giáp biển Đông với 65 km bờ biển, phía tây giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Sóc Trăng, phía bắc giáp Bến Tre.
Trà Vinh có hệ thống sông ngòi với tổng chiều dài 578 km, các sông lớn là Hậu và Cổ Chiên. Nhìn tổng thể, Trà Vinh có dạng như hình tứ giác với diện tích đất tự nhiên gần 2.300 km2.
Tỉnh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 7 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Duyên Hải, Tiều Cần, Cầu Kè, Trà Cú.
Trà Vinh là địa bàn sinh sống của 3 dân tộc chính là Kinh, Khơ me, Hoa và một số ít dân tộc khác. Dân số tỉnh khoảng một triệu (số liệu năm 2011).
Trong đó, người Kinh có tỷ lệ cao nhất, chiếm 67 %, người Khơ me khoảng 31%, còn lại là người Hoa và một số đồng bào Chăm, Dao…
dung-nguoi-kho-me-co-so-dan-dong-thu-hai-o-tra-vinh
Lễ hội cúng biển ở Trà Vinh.
Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống của người Khơ me như Chol chnam thmay (mừng năm mới), Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Dâng bông, Dâng phước. Trà Vinh cũng có các phong tục tập quán có giá trị văn hoá của người Kinh, người Hoa, như: Lễ hội nghinh Ông tại Mỹ Long (ngày 10-12/5), Vu Lan thắng hội, Tiết Trùng Cửu.
Chùa Cò ở Trà Vinh
Chùa Nodol hay còn gọi Cò là chùa Khơ me cổ và lớn ở xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về phía nam. Chùa gồm ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội..., có nét kiến trúc đặc trưng của nền văn hóa Khơ me ở Trà Vinh.
Ngôi chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và các hình tượng quen thuộc như thần Riehu (Reahu), thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt...
dung-chua-nodol-con-duoc-goi-la-chua-co
Chùa Cò. Ảnh: cinet.vn
Xung quanh chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu, sầu đâu, xa hơn là cánh đồng lúa. Người dân địa phương thường gọi chùa Nodol là chùa Cò vì hơn 100 năm qua, khuôn viên chùa rộng khoảng 4 hecta và những bờ tre bao bọc là nơi cư trú của hàng nghìn con cò, cồng cộc, bồ câu... Đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...
Ở Trà Vinh còn nhiều ngôi chùa độc đáo như chùa Âng, hay chùa Hang (chùa Kompông Chrây) với cổng phụ được thiết kế như một cái hang.
Cù lao Tân Quy
Cù lao Tân Quy cách thành phố Trà Vinh khoảng 45 km, cách thành phố Cần Thơ 50 km. Phần lớn diện tích cù lao thuộc huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) và một phần nhỏ thuộc huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).
Rộng 929 hecta, nằm giữa dòng sông Hậu, Tân Quy nổi tiếng là cù lao xanh, cây trái trĩu cành, rất đặc trưng miệt vườn sông nước Cửu Long. 
dung-do-la-cu-lao-tan-quy
Cù lao Tân Quy có nhiều loại trái cây đặc sản. Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Trà Vinh
Nhìn từ xa, cù lao nổi bật giữa vùng sông nước mênh mông với màu xanh của vườn cây ăn trái gồm măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cam sành, bưởi Năm Roi, dâu... Du khách có thể hái và thưởng thức trái cây ngay tại vườn.
Vào mùa trái cây chín (tháng 4-6 âm lịch), cả dải đất cù lao trở thành khu trưng bày trái cây đặc sản khổng lồ.

Món bún suông


dung-do-la-mon-bun-suong
Món bún suông ở Trà Vinh.
Trà Vinh có nền ẩm thực giao thoa của ba dân tộc Kinh, Khơ me và Hoa. Ngoài bún nước lèo, bánh canh Bến Có hay mắm bò hóc, du khách ghé qua vùng đất này còn bị hấp dẫn bởi món bún suông.
Bún suông với thành phần chính là bún, tôm và thịt ba chỉ. Phần hồn cốt của món ăn nằm trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Để chả thêm ngon, người ta thường phải lựa con tôm tươi, dày mình.
Để tô bún thêm hài hòa, người Trà Vinh còn cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.
Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét