Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Về Quảng Trị nếm thử đặc sản dân dã

(Dân trí) - Những ai đi qua mảnh đất từng hứng chịu nhiều bom đạn thời chiến tranh đều không thể bỏ qua các món ăn mang đậm tình quê hồn hậu. Đặc biệt, những món ăn này đã trở thành một phần kí ức không thể quên trong nỗi nhớ của người con xa xứ.

Bánh rong biển
Bát bánh rong biển chính là sự chắt chiu tinh túy từ biển cả, kết hợp với bàn tay khéo léo của người chế biến để tạo nên hương vị riêng cho ẩm thực Quảng Trị. Địa phận Cửa Tùng (huyện Gio Linh, Quảng Trị) là nơi có khá nhiều loại rong biển.
Từ rong biển có thể chế biến ra nhiều món ăn nhưng đặc trưng hơn cả là bánh rong biển. (Ảnh: 3mienvn)
Từ rong biển có thể chế biến ra nhiều món ăn nhưng đặc trưng hơn cả là bánh rong biển. (Ảnh: 3mienvn)
Để hái được rong biển cũng khá kì công. Người dân phải đi lúc nắng chang chang và khi nước xuống, thường là khoảng 13h chiều ngày rằm hàng tháng. Muốn hái rong, người dân phải quen với những con sóng, từng mỏm đá để biết chỗ nào có con nước sâu, nước cạn, chỗ nào nhiều rong biển.
Rong sau khi hái về thì được ngâm nước có ướp thêm chút gừng để át đi mùi tanh. Đặc biệt, rong phải được ngâm với nước lạnh, rửa sạch cùng nước muối nhạt rồi băm nhuyễn. Sau công đoạn sơ chế, rong được cho vào nồi đun trên bếp lửa liu riu cho đến khi mềm. Tiếp theo là dùng muôi đánh tan rong biển đến khi nào đặc sánh lại là được.
Rong biển đặc biệt ở hương vị đặc trưng thanh mát. (Ảnh: 3mienvn)
Rong biển đặc biệt ở hương vị đặc trưng thanh mát. (Ảnh: 3mienvn)
Khi có khách ăn, người chế biến sẽ múc những muôi rong biển vào trong chiếc bát đã lót sẵn loại lá bai, chờ chút cho đông lại. Thực khách chỉ cần xắn từng miếng, chấm bánh rong biển với đường là có thể thưởng thức ngay vị thơm đặc trưng, thanh mát hấp dẫn và bổ dưỡng.
Mít luộc chấm mắm nêm
Quy trình chế biến món ăn không mấy phức tạp, tuy nhiên cần sự khéo léo để khi sơ chế không bị mủ (nhựa) dính vào tay. Muốn vậy, trái mít lúc vừa hái xuống phải mang ra gọt vỏ dưới vòi nước để mủ trôi theo. Con dao dùng để bổ mít cũng phải bôi một lớp dầu ăn để mủ không dính vào.
Cứ đến mùa hè, mâm cơm của người Quảng Trị lại có thêm món mít luộc chấm mắm nêm. (Ảnh: dacsanquangtri)
Cứ đến mùa hè, mâm cơm của người Quảng Trị lại có thêm món mít luộc chấm mắm nêm. (Ảnh: dacsanquangtri)
Trước lúc bổ mít, bạn cần chuẩn bị một chậu nước lã để sau khi xắt thành từng miếng nhỏ có thể thả ngay vào. Làm như vậy, mít sẽ nhả mủ và không bị thâm đen. Khi luộc, miếng mít cũng trắng và đẹp mắt hơn. Khâu luộc mít là quan trọng nhất, quyết định chất lượng của món ăn. Nếu luộc không chín, mít sẽ bị sần, cứng, không nhả hết mủ nên sẽ có vị chát và ít thơm. Ngược lại, nếu luộc quá lửa, mít bị mềm, nhão, làm mất đi độ giòn.
Bát mắm nêm pha thêm đường, chanh, ớt, tỏi hấp chín tỏa mùi thơm đậm đà là một phần không thể thiếu, làm nên hương vị của món ăn. Khi thưởng thức, mít luộc có thể chấm mắm ăn trực tiếp hoặc dùng kèm cùng các loại rau thơm.
Thịt trâu lá trơng
Món ăn mang tên hai nguyên liệu chính làm nên sự đặc biệt: thịt trâu và lá trơng (trơơng). Thịt trâu vốn bổ dưỡng, chữa được nhiều bệnh như đau lưng, phù chân, phong thấp… Thậm chí có người còn cho rằng nó tốt hơn thịt bò. Nhiều địa danh ở Việt Nam có món đặc sản thịt trâu nhưng dám chắc rằng không đâu có vị như ở Quảng Trị.
Món thịt trâu lá trơng dân dã nhưng có sức hấp dẫn thực khách. (Ảnh: dacsanquangtri)
Món thịt trâu lá trơng dân dã nhưng có sức hấp dẫn thực khách. (Ảnh: dacsanquangtri)
Sự kết hợp giữa thịt trâu non và loại lá rừng mọc hoang khắp Quảng Trị đem lại mùi thơm cay rất đặc trưng của món ăn. Có 2 món chính được khách ưa chuộng nhất là thịt trâu lá trơng nướng và thịt trâu xào lá trơng.
Người thích vị ngọt mềm, thơm nức của thịt trâu còn nguyên vị thì gọi thịt nướng ăn với rau cải, tiêu ớt xanh và nước tương pha tương ớt. Người muốn đậm đà nhiều vị hơn thì gọi thịt xào vừa chín tới. Món nào cũng thơm ngon vô cùng. Đặc biệt thịt trâu lá trơng mà ăn vào những ngày mưa lạnh thì tuyệt.
Bắp hầm
Để có được món bắp hầm ngon, người ta phải chọn những hạt bắp nếp căng tròn bóng bẩy sáng loáng vàng tươi. Đem bắp đãi thật sạch và ngâm qua một đêm. Sáng sớm hôm sau, người ta vớt bắp ra khi những giọt sương đêm chưa kịp tan hết, bỏ vào nồi và đun nhẹ lửa bằng củi khô.
Bắp hầm Quảng Trị có thể điểm xuyết lên chút mỡ hành béo ngậy. (Ảnh: monngon)
Bắp hầm Quảng Trị có thể điểm xuyết lên chút mỡ hành béo ngậy. (Ảnh: monngon)
Đợi khi bắp vừa chín tới thì cho vào những thứ gia vị đã chuẩn bị sẵn từ trước như đậu xanh luộc, đường, muối, tiêu, thêm một ít mè (vừng) trộn đều vào nhau. Bắp hầm là một món ngon riêng có của đất Quảng Trị khó có thể quên khi bạn đến thăm nơi này.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét