Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Bản Xèo thoát nghèo nhờ khôi phục nghề làm miến đao

Từ khi khôi phục nghề làm miến truyền thống, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Bản Xèo (Lào Cai) giảm từ 65% xuống còn 10%.

Vào đầu những năm 80, mặc dù nghề sản xuất miến còn nhỏ lẻ, chưa đi vào quy củ, song đã nuôi sống người dân thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Ông Cồ Như Nghệ, một trong những người làm miến đao đầu tiên ở Thành Sơn và bám trụ lâu nhất với nghề cho biết, miến có hương vị đặc biệt nhờ làm từ củ đao đỏ chỉ Bản Xèo mới có. Sản phẩm nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh, có thời điểm bà con làm không kịp bán.
Song cuối những năm 80, khi làn sóng thanh niên đổ ra thành thị kiếm việc làm ập đến bản Xèo, nhiều hộ làm miến lâu năm theo con cái ra phố. Những người trụ lại phần lớn chuyển sang buôn bán hàng hoá hoặc kinh doanh dịch vụ. Nghề làm miến 10 năm trước thưa dần, đứng trước nguy cơ biến mất.
polyad
Miến đao Thành Sơn có màu trắng đục, dù chế biến ở nhiệt độ cao hay để qua đêm vẫn giữ được độ dai, mềm; không bết, nhũn.
Tới năm 2010, Trung tâm khuyến nông huyện Bát Xát cùng địa phương triển khai dự án khôi phục lại nghề làm miến đao ở Bản Xèo. Ông Vương Mạnh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết, giai đoạn 2010 - 2014, xã tạo điều kiện cho bà con thuê đất trồng củ đao đỏ giống cổ xung quanh đập thuỷ điện Ngòi Phát, hỗ trợ kinh phí mua máy móc sản xuất. 
Ông Tuấn còn tập hợp, hướng dẫn bà con thành lập hợp tác xã Thành Sơn với 200 hộ tham gia, khôi phục lại làng nghề miến đao. Từ chỗ chỉ có một ha trồng năm 2000, đến nay diện tích trồng củ đao nguyên liệu đã tăng lên 390 ha.
Cây đao trồng từ khoảng tháng 3, đến tháng 11 bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ hợp đất và khí hậu bản Xèo nên cây không phải chăm bẵm kỹ lưỡng, chỉ cần bón phân hữu cơ bổ sung một lần vào giữa năm. Năm 2012, hợp tác xã Thành Sơn bắt đầu thu mua củ đao của bà con và đưa vào chế biến.
Đầu tiên, củ đao được nghiền thành bột, sau đó phơi khô và lưu trữ phục vụ sản xuất quanh năm. Đến công đoạn làm miến, bột đem ủ 3-4 ngày rồi tráng thành bánh, mang ra phơi 2-3 tiếng rồi cho vào máy cắt. Thành phẩm sợi miến được phơi thêm 2-3 tiếng thì đưa đi đóng gói. Ông Tuấn cho biết, quy trình nay khác với nhiều nơi, giúp sợi miến dai hơn, nấu rồi để qua đêm vẫn không bị nhũn.
Trung bình mỗi ngày, 8 công nhân có thể sản xuất ra 2,5 tạ miến. Trong 200 hộ tham gia hợp tác xã, chỉ 16 người có tay nghề trực tiếp tham gia vào quá trình chế biến.
polyad
Miến đao hiện có mặt tại các trung tâm xúc tiến thương mại của Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. 
Từ khi khôi phục nghề làm miến đao, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thành Sơn giảm từ 65% xuống còn 10%. Mỗi công nhân sản xuất và người trồng củ đao có thu nhập ổn định 4- 6 triệu đồng mỗi tháng. Ông Tuấn cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng vùng nguyên liệu và đưa sản phẩm đến các hệ thống siêu thị trong nước, sau đó sẽ nhắm tới xuất khẩu. 
Hiện, miến đao Thành Sơn được đóng gói với nhận diện thương hiệu và thông tin liên hệ rõ ràng. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chủ yếu bán cho thương lái lấy buôn tại Lào Cai và có mặt tại một số trung tâm xúc tiến thương mại ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM với giá bán 50.000 đồng mỗi túi 500g.
Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét