Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Điểm danh những thương hiệu bánh Trung thu đã gắn bó với người dân Việt suốt bao mùa trăng

Mùa trăng tháng Tám lại về, từ Bắc chí Nam đều rộn rã với những tiệm bánh Trung thu và lồng đèn trên khắp các nẻo phố. Hãy cùng Saostar điểm qua những thương hiệu bánh gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ.

Hình ảnh những chiếc bánh Trung thu vàng ươm, thơm ngon đã in sâu vào tâm trí người Việt từ lúc nào chẳng ai biết được. Chỉ biết mỗi khi thấy sắp đến đêm trăng tháng Tám là những hộp bánh Trung thu trở thành món quà đặc trưng để dành biếu tặng và tất cả thành viên trong gia đình sẽ tề tựu thưởng bánh, chuyện trò rôm rả. Và những thương hiệu bánh Trung thu quen thuộc cũng song hành cùng nét văn hóa mừng ngày đoàn viên đó của người Việt.
Từ những cơ sở sản xuất bánh Trung thu lâu năm tại miền Bắc
Ở Hà Nội, để tìm lại hương vị thân quen trong chiếc bánh Trung thu cổ truyền, người dân nơi đây phải xếp hàng dài vài km trước những cơ sở sản xuất bánh nổi tiếng như:
Bánh Trung thu Bảo Phương
Cảnh tượng xếp hàng dài trước tiệm Bảo Phương vào mùa Trung thu của người dân Thủ đô thường được báo đài khắp nơi đăng tải. 
Nằm ở đường Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội), cơ sở sản xuất bánh cổ truyền Bảo Phương luôn tấp nấp người xếp hàng mua bánh vào mỗi dịp Trung thu. Những chiếc bánh nướng vàng ươm với hương vị quyến rũ của nhân thập cẩm, nhân đậu xanh… với vị ngọt vừa phải và trứng muối thơm ngon ở đây luôn gắn liền với tuổi thơ của biết bao người Hà thành.
Bánh Trung thu Bà Dần
Bánh Trung thu Bà Dần là hương vị yêu thích của nhiều thế hệ người dân Hà Nội. Ảnh sưu tầm.
Tiệm bánh gia truyền lâu đời này đã quá nổi tiếng khắp Hà thành với những loại bánh dẻo đậu xanh trứng mặn hay bánh nướng thập cẩm. Tiệm nằm trên phố Hàng Bè, Hoàn Kiếm rất mộc mạc, không bảng hiệu lớn mà treo một tấm bạt nhỏ in thông tin cửa hàng nhưng lúc nào cũng bán liền tay không ngơi khách. Tại Hà Nội, bánh Trung thu Bà Dần được bán tại 2 địa chỉ duy nhất là Hàng Bè, Hoàn Kiếm và ngõ 26/554 Trường Chinh, không có bất kì đại lý nào khác.
Bánh Trung thu Phương Soát
Chiếc bánh nướng đáng yêu dành cho thiếu nhi ở cơ sở bánh Trung thu Phương Soát. Ảnh sưu tầm.
Tiệm bánh Trung thu Phương Soát cũng là một địa chỉ tin cậy và thân thuộc của những người dân Thủ đô mỗi khi muốn thưởng thức hương vị bánh xưa cũ. Tiệm nằm trên tầng 2 của một căn nhà cũ kỹ trên phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm) nhưng lúc nào cũng tập nập người mua. Tại cơ sở sản xuất này, bạn còn có thể tìm lại ký ức yêu thương trong miếng bánh hình con heo, con cá chép, con rùa đáng yêu dàng riêng cho trẻ em thuở nào.
Sang những phố bánh cổ truyền lấn át bánh “công nghiệp”  ở Hải Phòng và Huế
Ông bà ta có câu “Buôn có bạn, bán có phường” nên muốn mua bánh Trung thu trên đất cảng Hải Phòng thì chỉ cần ghé phố Cầu Đất, nơi nổi tiếng với nghề làm bánh Trung thu. Trong phố đó, nổi danh hơn cả có lẽ là thương hiệu bánh Trung thu Thanh Lịch. Còn nếu như đến với cố đô Huế thì phải ghé qua cơ sở bánh Trung thu Phúc Hưng để “mục sở thị” một trong trong những cơ sở làm bánh Trung thu truyền thống Huế thơm ngon, vẫn còn duy trì đến tận ngày nay.
Bánh Trung thu Thanh Lịch - Hải Phòng
Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Thanh Lịch một trong những thương hiệu bánh cổ truyền trứ danh đất Cảng. Ảnh sưu tầm.
Lớp vỏ mỏng, giòn tan, nhân béo ngậy, ngọt bùi, dậy mùi thơm của lá chanh và hoa bưởi là tất cả những gì tinh tế nhất mà ai đã từng một lần nếm thử bánh Trung thu Hải Phòng đều sẽ cảm nhận và lưu nhớ mãi. Trong suốt 30 năm sản xuất bánh Trung thu, cở sở Thanh Lịch vẫn luôn gìn giữ trọn vẹn hương vị truyền thống đó. Song song với việc phát triển phong phú hơn các loại nhân bánh khác, Thanh Lịch còn đầu tư bao bì đẹp mắt để bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng.
Bánh Trung thu Phúc Hưng - Thành phố Huế
Bánh Trung thu Phúc Hưng, một trong những cơ sở bánh Trung thu truyền thống uy tín ở Cố đô Huế. Ảnh sưu tầm.
Cơ sở làm bánh Phúc Hưng có truyền thống hơn 20 năm sản xuất bánh Trung thu cổ truyền ở Huế. Đây là một trong những cơ sở còn duy trì và phát triển mạnh về loại hình làm bánh này. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày cơ sở Phúc Hưng sản xuất hơn 1.000 chiếc bánh mới đủ đảm bảo cung cấp cho thị trường. Mặc dù tiệm bánh ở trong một con hẻm nhỏ của thành phố Huế nhưng ai cũng tìm đến tận nơi để mua cho bằng được hộp bánh mang về làm món quà ý nghĩa.
Đến những lò bánh Trung thu truyền thống ở Sài Gòn vẫn luôn nượm nượp khách
Đông Hưng Viên và Phương Diêm Thuận là những cơ sở sản xuất bánh Trung thu “đình đám” một thời của “hòn ngoc Viễn Đông” còn sót lại, vẫn tập nập khách mua hàng mỗi năm.
Bánh Trung thu Đông Hưng Viên
Những chiếc bánh trung thu vàng ươm, thơm nồng hương vị thân thương của biết bao thế hệ người Sài Gòn xưa. Ảnh sưu tầm.
Đông Hưng Viên là một trong những thương hiệu lâu năm quen thuộc với người Sài Gòn từ trước năm 1975 vẫn còn hoạt động đến nay. Dù công việc sản xuất không còn làm bánh thủ công 100% như thời xưa bởi có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng bánh Trung thu Đông Hưng Viên vẫn giữ được hương vị truyền thống lâu đời của thương hiệu. Hàng năm cứ vào mùa Trung thu, người dân Sài thành gốc lại tìm về địa chỉ thân quen này mua bánh.
Bánh Trung thu Phương Diêm Thuận
Những chiếc bánh Trung thu nóng hổi, thơm phức của cơ sở Phương Diêm Thuận vừa ra lò. Ảnh: Saigonamthuc.
Cơ sở sản xuất Phương Diêm Thuận có lẽ chẳng xa lạ đối với người dân quận 5, quận 6. Đây là một thương hiệu bánh Trung thu nức tiếng trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn trong suốt gần 30 năm nay. Tiệm bánh này ra đời từ trước năm 1975, tuy nhiên thời đó chỉ nổi danh về các loại bánh Âu như cookie, bánh ngọt và mặn các loại. Đến tận năm 1987, tiệm mới bắt đầu chuyển sang sản xuất bánh Trung thu. Bánh Trung thu của tiệm được sản xuất theo phong vị của người Triều Châu với nhiều loại nhân phong phú và có vị ngọt vừa phải.
KẾT
Dù trên thị trường hiện nay có nhiều sự lựa chọn đi nữa, những người yêu quý hương vị truyền thống vẫn tìm về những hàng xưa, quán cũ để thưởng thức và phần nào tìm lại những ký ức tuổi thơ trong hương vị của từng chiếc bánh Trung thu cổ truyền. Bởi bánh Trung thu cổ truyền không đơn thuần là thức quà đáng quý mỗi mùa trăng, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp văn hoá và phát triển ngành nghề truyền thống của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét