Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Dòng sông mang tên vị Chánh tổng bị đầu độc ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Trong một lần thương lượng đề nghị hòa hoãn với người Xá, ông Lang Văn Nguyên đã bị đối thủ hạ độc chết trên sông. Về sau dòng sông này được người dân bản địa quen gọi theo tên ông.
Sông Hội Nguyên được hợp bởi suối Chà Hạ và Khe Líp. Nó bắt nguồn từ xã Yên Hòa và đổ ra sông Lam ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An). Con sông dài trên 20km mang tên vị Chánh tổng phủ Tương Dương thời Pháp thuộc, đó là ông Lang Văn Nguyên. Những cao niên bản địa quen gọi là Xống Nguyên hoặc Lang Vi Nguyên.
Cuộc sống thường nhật trên dòng Hội Nguyên ngày nay
Cuộc sống thường nhật trên dòng Hội Nguyên ngày nay. Ảnh: Hồ Phương
Một phần lớn lưu vực sông được người dân bản địa gọi bằng cái tên "Huồi Nguyên" nay thuộc lòng hồ thủy điện Khe Bố. Con sông chảy qua những bản mường người Thái vốn giàu huyền tích. Mỗi khúc sông, dòng suối đều có một tích riêng và hấp dẫn nhất vẫn là chuyện về những ông quan bản, quan mường của vùng đất. Về mặt nào đó quyền uy của họ có thể sánh ngang với ông vua, bà chúa phong kiến.
Các cao niên ở những xã như Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Na huyện Tương Dương ngày nay còn lưu truyền chuyện về ông Xống Nguyên (Chánh tổng Nguyên). Ông Nguyên là con quan phủ Tương Dương được cha cử làm Chánh tổng của vùng đất. Bản tính phóng khoáng, giao lưu với nhiều tầng lớp trên địa bàn phủ. Ông cùng với Xống Át là 2 vị Chánh tổng nổi tiếng nhất phủ Tương Dương.
Cầu Huồi Nguyên
Cầu Huồi Nguyên bắc qua dòng sông mang tên vị Chánh tổng.
Là Chánh tổng của cả một vùng rộng lớn gốm nhiều mường người Thái như Xiêng My, Xiêng Men, Xiềng Nứa… nên được xem là người có công đối với vùng đất. Khi ông Xống Nguyên mất, con sông lớn thuộc vùng đất được đặt theo tên ông. Về sau văn tự thời Pháp thuộc gọi là sông Hội Nguyện vì nó thuộc huyện Hội Nguyên phủ Tương Dương.
Theo các cao niên, thời ông Lang Văn Nguyên làm chánh tổng trong vùng rất ít khi xảy ra bệnh dịch, nhưng thường bị quấy rối bởi những nhóm bộ tộc di cư đến. Người xưa gọi là “xấc Xá” (giặc người Xá). Người Xá dựng nên nhiều đồn bốt bằng tre nứa để cố thủ, cũng để dễ bề tấn công những làng bản người Thái. Hiện nay vẫn còn dấu tích của đồn bốt này ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương).
Người dân đánh chài trên sông Hồi Nguyên
Người dân đánh chài trên sông Hội Nguyên. Ảnh Hồ Phương
Người Xá rất thiện chiến, có tài bắn cung tên lại di chuyển nhanh. Thoắt ẩn, thoắt hiện trong rừng rậm. Họ bất thần xuất hiện, bắn chết người bằng tên độc rồi rút đi không để lại dâu vết. Còn khi cần phòng thủ, người Xá rút vào những thành lũy bằng tre nứa, rất khó công phá bằng những phương tiên quân sự thô sơ thời bấy giờ. Dù được trang bị súng ống từ chính quyền, nhưng Xống Nguyên cũng không thể đánh dẹp được nhóm người này.
Đánh mãi không thắng, ông Nguyên tìm cách nghị hòa với người Xá. Trong một cuộc hẹn gặp với người đứng đầu phía địch, Lang Văn Nguyên bị đầu độc và chết trôi trên sông.
Ngày nay, tại bản Văng Lin xã Yên Thắng (Tương Dương) vẫn còn dấu tích ngôi đền thờ Xống Nguyên và ông Xống Thài (Lang Văn Sài). Theo ông Vi Tiến Dung trú bản Văng Lin, cháu nội của Xống Thài thì ông Xống Thài là con trai của Xống Nguyên. Xống Thài kế vị chức vị của cha sau khi ông này mất và tiếp tục chống lại người Xá.
2.jpg
Ngôi đền thờ cha con ông Lang Văn Nguyên giờ chỉ còn lại là một khoảng rừng hoang vắng. Đã nửa thế kỷ nay không ai còn hương khói tại nơi linh thiêng này nữa
Phế tích ngôi đền thờ cha con Lang Văn Nguyên ở bản Văng Lin chỉ còn lại nền móng được ghép bằng đá. Xung quanh ngôi đền là một số gốc cổ thụ, trong đó một cây săng lẻ lớn chừng bốn người ôm. Ông Dung cho biết, từ khoảng năm 1960 đến nay, ngôi đền không còn được người dân trong vùng để tâm đến. Tuy nhiên, người dân vẫn giữ lại gốc cổ thụ vì theo họ đó là những cây thiêng trong bản.
3.jpg
Bút tích của Viên thanh tra thường trú Pháp phong cho Lang Văn Sài làm Chánh tổng Bảo an huyện Hội Nguyên Phủ Tương Dương
Hiện ông Vi Tiến Dung vẫn còn lưu giữ được bằng cấp chính quyền Pháp phong cho Lang Văn Sài. Còn chuyện về ông Lang Văn Nguyên chỉ còn là những huyền tích. Theo văn bản được gia đình ông Dung coi như vật gia bảo, viên Thanh tra thường trú Nghệ An ký bằng phong ông Lang Văn Sài làm Chánh tổng Bảo an huyện Hội Nguyện, phủ Tương Dương vào tháng 1 năm 1911.
4.jpg
Bản chữ Thái của người bản địa về văn bản phong chức cho Lang Văn Sài
Dòng họ Lang có gốc gác từ họ Vi nổi tiếng nhất Tây Nam Nghệ An thời Pháp thuộc. Trong họ có 3 người từng làm chức Tri phủ và 5 người làm Tri huyện. Khi lên nắm quền, những quan chức cấp phủ, huyện thường cắt cử người thân trong họ giữ chức chánh tổng, lý trưởng trong vùng và trở thành hệ thống chức sắc kiểu “gia đình trị” ở khu vực tây nam Nghệ An.
Hữu Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét