Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Lễ đặt tên của người Khơ mú

(Baonghean) - Khi sinh ra, một đứa trẻ được xem như là một con người mới. Đứa trẻ cần có một cái tên để cộng đồng - đặc biệt là bà Chằm Xuốn, tạm gọi là bà chủ vườn, chấp thuận. Đó là quan niệm về lễ đặt tên của người Khơ mú ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn - Nghệ An)…

Lễ đặt tên
Bản Huồi Phuôn 1 là một cộng đồng thuần Khơ mú. Một ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi đã viếng thăm bản nhỏ này cũng là nơi đứng chân trụ sở xã. Quãng đường từ Thành phố Vinh lên huyện Kỳ Sơn rồi vào Huồi Phuôn dài hơn 300km, xa hơn từ Vinh ra Hà Nội. Đây là địa bàn xa nhất của huyện Kỳ Sơn và cũng là của tỉnh Nghệ An. Dù xa xôi, xứ sở của người Khơ mú này còn nhiều điều bí ẩn và thú vị. Lễ đặt tên là một trong những điều thú vị như thế.
Lễ cúng trong ngày đặt tên cho trẻ của người Khơ mú xã Keng Đu (Kỳ Sơn).
Lễ cúng trong ngày đặt tên cho trẻ của người Khơ mú xã Keng Đu (Kỳ Sơn).
Một đứa trẻ sinh ra là sự kiện vui trong cộng đồng. Gia đình, dòng họ ăn mừng bằng những cuộc rượu cần thâu đêm suốt sáng, nhất là khi đón chào một bé trai. Đó sẽ là người đàn ông của gia đình, dòng họ về sau này. Tuy vậy, dù là trai hay gái thì một đứa trẻ khi chào đời vẫn là sự kiện vui.
Khoảng 7 ngày tuổi, đứa trẻ người Khơ mú có buổi lễ cúng đầu tiên trong đời. Người ta gọi là lễ cúng đặt tên “chuột”. Tên gọi này thường dùng khi ở nhà, có thể lấy theo tên một con khe, ngọn núi nào đó. Khi một đứa trẻ tròn tháng tuổi, người Khơ mú làm lễ đặt tên cho nó. Tên gọi này sẽ dùng trong giấy khai sinh, cũng là tên gọi cho nó sau này khi đi ra xã hội.
Ông Lo Phò Xiêng, một cựu giáo chức người Khơ mú xã Keng Đu, hưu trí đã nhiều năm nay. Là người thông thạo các nghi lễ tín ngưỡng nên ông được cử làm mo của bản Huồi Phuôn. Ông Phò Xiêng cho biết: Cũng như nhiều thứ lễ lạt khác, lễ đặt tên được cử hành trong căn bếp vốn chỉ dành tổ chức các nghi lễ của người Khơ mú ở cạnh cái bếp vẫn thường dùng nấu ăn hàng ngày. Không gian này chỉ để những người trong dòng họ ngồi vào những dịp gia đình tổ chức nghi lễ tín ngưỡng. Điều này chúng tôi đã từng đề cập trong một vài bài viết trước đây. Sau cuộc rượu cần đầu tiên, một con gà được mổ để cúng tế cho tổ tiên, báo cáo với các cụ về thành viên mới của gia đình còn chưa có tên gọi. 
Một phần quan trọng trong buổi lễ là tìm một cái tên phù hợp cho đứa trẻ. Bởi nếu đứa trẻ “thích” cái tên được chọn thì nó sẽ được sống lâu, mạnh khỏe với cộng đồng. Đứa trẻ sẽ được người chủ lễ bói tìm tên bằng cách bốc một số hạt gạo trong mâm cúng. Người chủ lễ chọn một cái tên và khấn: Nếu nó thích tên này thì hãy cho số hạt gạo là chẵn (hoặc lẻ) nhé. Sau 3 lần bói, số hạt gạo đều là chẵn, hoặc lẻ thì coi như đứa trẻ đã chấp nhận cái tên đã chọn. Nếu những lần bói cho kết quả khác nhau thì phải bói chọn tên khác. Ông Phò Xiêng cho biết, có trường hợp chỉ bói một vài lần là được, có khi phải bói cả buổi mới chọn được cái tên mà đứa trẻ “thích”.
Chọn được cái tên cho trẻ rồi chưa phải đã xong buổi lễ, mà còn phải cử hành một lễ cúng cho bà Chằm Xuốn. Đây là một thần linh trong tín ngưỡng của người Thái và Khơ mú, được cho là người đã mang sự sống đến cho đứa trẻ, người đã dắt đứa trẻ từ chỗ Pỏ Then (Vua Trời) đến với cõi người. Lễ cúng bà Chằm Xuốn gồm một mâm cúng có 1 con gà luộc, 1 cây chuối nhỏ, 1 cây mía để cảm tạ bà đã mang lại sự sống cho con người mới trong cộng đồng, cầu xin bà phù hộ cho từ nay về sau đứa bé được mạnh khỏe, không ốm đau, con trai thì giỏi săn bắn, con gái giỏi giang làm lụng.
Chuyện bà Chằm Xuốn
Liên quan đến lễ cúng bà Chằm Xuốn, có một câu chuyện cổ tích. Xưa, gia đình nọ sinh được 2 cô con gái, cô chị tên Y, cô em tên Ay. Người cha thương yêu Y và dành mọi thứ cho cô này còn bà mẹ thì lại quý mến Ay hơn. Ông bố cũng ghét bà mẹ nên hãm hại bằng cách dùng chiếc xẻng đâm vào đầu khi bà này đang đứng dưới gầm sàn. Bà lão không chết mà chỉ bị thương và chạy đi biệt xứ. Ông bố lại tìm cách hại cô Ay. Một hôm ông dẫn hai chị em vào rừng sâu nơi không có dấu chân người cũng như dấu dao chặt cây, đem cho mỗi cô một ống nứa sai đi vác nước. Ông bố cố tình chọc thủng chiếc ống nứa của cô Ay. Cô Y lấy được nước về còn cô Ay cứ múc mãi đến tối mịt mà ống nước chẳng chịu đầy. Trong khi đó ông bố đã dẫn Y về nhà bỏ mặc Ay ở lại nơi rừng sâu.
Ay bị một con đười ươi bắt đi và đòi ăn thịt. Cô xin làm người hầu hạ cơm nước, ruộng nương nhưng nó không nghe. Cô lại xin bắt chấy rận, miễn sao đừng ăn thịt. Đười ươi bằng lòng. Trong khi đang bắt chấy trên đầu Ay nhìn thấy vết thương, chạnh nhớ đến người mẹ bị hãm hại nên cô khóc thảm thiết. Đười ươi hỏi han thì cô mang câu chuyện gia đình kể lại. Hóa ra, con đười ươi chính là bà mẹ sống lâu ngày ở chốn rừng sâu hóa thành. Hai mẹ con mừng rỡ ôm lấy nhau từ đó không rời nhau nữa. Họ có một căn nhà, một khu vườn sum xuê chuối, mía ở nơi rừng sâu. Nàng Ay lớn lên, bà mẹ kén Tạo Quẻ làm chồng cho cô. Họ có một bé trai là Tạo Quắc.
Lại nói cô chị nghe tin em gái đã trở nên giàu sang và lấy được Tạo Quẻ nên tìm đường đến thăm. Trong khi ở lại nhà em gái lại tìm cách hại chết để chiếm chồng. Ay chết hóa thành con chim đến vạch tội. Cô Y lại giết chim ăn thịt, xương đem đốt trong bếp lửa. Bà Chằm Xuốn tìm cách cứu con gái mới giả bộ đến xin lửa nhưng cốt để gắp xương con về. Bà bỏ trong một cái chum làm phép cho nàng Ay sống lại và càng xinh đẹp hơn xưa. Bà Chằm Xuốn giấu biệt con gái trong buồng. Nhờ con trai là Tạo Quắc, Tạo Quẻ tìm lại được vợ. Bà Chằm Xuốn bắt Tạo Quẻ phải cưới lại lần 2 và thách cưới bằng số lượng bạc nén đủ để nối dài từ nhà Tạo Quẻ sang nhà cô Ay…
Câu chuyện kết thúc có phần giống truyện cổ tích Tấm Cám của người Việt. Vì muốn đẹp như cô em, cuối cùng Y phải chết trong hố nước sôi. Cộng đồng người Thái tại nhiều nơi cũng lưu truyền truyện cổ tích này. Đối với người Khơ mú thì bà Chằm Xuốn có phép cải tử hoàn sinh và là người đã tạo ra sự sống cho con người. Cũng chính bà đã dắt con người từ cõi trời về với cõi người, vì thế mới có tục cúng bà Chằm Xuốn trong lễ đặt tên cho trẻ. Cây chuối, mía, và gạo trong mâm cúng tượng trưng cho khu vườn sum xuê hoa trái của bà Chằm Xuốn ngày nào và cũng là niềm mơ ước về một cuộc sống sung túc của cộng đồng.
Bài, ảnh:  HỮU VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét