Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Tục cúng họ của người Mông

(Baonghean) - Hàng năm, một số dòng họ người Mông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thực hiện nghi lễ cúng họ. Đây là một nét đẹp trong phong tục tập quán của người Mông thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, cầu mong sự an lành, tốt đẹp...
Lễ cúng cơm của người Mông.
Lễ cúng cơm của người Mông.
Chúng tôi tìm về bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) khi dòng họ Lầu đang bước vào những ngày cúng họ. Ông Lầu Vả Tu - Trưởng dòng họ cho biết: “Lễ cúng dòng họ của người Mông thường diễn ra trong vòng ba ngày. Dòng họ Lầu tổ chức cúng họ từ ngày 25 đến ngày 27 tháng Giêng, muộn nhất cũng phải xong trước ngày 29, không để bước sang tháng 2. Một số dòng họ khác như họ Thò, họ Và thì chọn cúng vào những ngày cuối tháng 7 và tháng 9 âm lịch”. Tính chất cộng đồng của người Mông thể hiện trong việc họp dòng họ để thống nhất cách thức tiến hành. Mỗi dòng họ đều cử ra một ban tổ chức lễ cúng, có nhiệm vụ điều khiển, chịu trách nhiệm về lễ cúng cho đến lúc hoàn thành. Theo đó, các hộ gia đình sẽ góp tiền, gạo và rượu đưa đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên mình.
Theo phong tục người Mông, thầy cúng phải đủ 4 người. Họ đều là những người thấu hiểu tiếng nói của vong hồn người đã khuất, thấu hiểu tiếng nói của thần linh. Già làng Lầu Xái Phia cho biết: “Bốn thầy cúng này mỗi người làm một nhiệm vụ khác nhau. Ba thầy sẽ cúng trong 2 ngày đầu để tập hợp vong hồn người đã khuất của các hộ gia đình về nhà trưởng họ. Các vong hồn này qua thầy cúng sẽ nói lên những điều xấu, những điều không may mắn của năm cũ. Mỗi thầy như vậy cúng cho một số hộ gia đình nhất định. Ngày cuối cùng sẽ cúng để tiễn đưa những điều xấu, không may ấy đi chỗ khác, cầu một cuộc sống an lành hạnh phúc và may mắn”.
Lễ cúng tại sân.
Lễ cúng tại sân.
Đến ngày thứ 3, sau khi thầy cuối cùng cúng xong sẽ tổ chức lễ cúng trước sân dòng họ. Tại đây, thầy cúng tập trung con em trong họ và tiến hành nghi thức buộc một con gà trống to nhất vào 3 cây cỏ lau. Mọi người đều hướng về phía mặt trời lặn. Thầy cúng vừa đi vừa cúng theo chiều kim đồng hồ 3 vòng và sau đó quay ngược lại 3 vòng. Người Mông quan niệm, những điều xấu và không may mắn phải được đưa đi về phía mặt trời lặn, tuyệt đối không được hướng về phía mặt trời mọc nhằm thể hiện sự tôn kính đối với đấng sinh thành và thần linh núi rừng. 
Loài vật được người Mông chọn để cúng là dê. Do đó, dù thiếu thốn đến đâu dòng họ nào cũng phải chuẩn bị được một con dê to nhất để cúng. Thịt dê sau khi cúng và làm thịt xong không được ăn ở nhà mà phải đem vào rừng. Tại nhà, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi thức để con dê mang những điều xấu, không may mắn của dòng họ đi theo. Trên mình dê được gắn các tờ giấy đủ màu sắc do người Mông tự tay làm ra mang hình người hay hình các con vật tượng trưng cho điều xấu của các hộ gia đình. Sau khi thầy cúng thực hiện xong mới đem ra làm thịt để đưa vào rừng.
Vào rừng là nghi thức cuối cùng của lễ cúng họ. Người Mông thường chọn các khu rừng có vị trí rộng, đủ cho con em trong họ có thể ngồi ăn uống thoải mái. Cả dòng họ hướng về khu rừng có mặt trời lặn để đi. Khi đi họ mang theo thịt dê, 1 con chó nhỏ và 1 con gà trống để thực hiện công việc tống tiễn điều xấu, cầu mong điều tốt đẹp. Khi đi qua con suối, các chàng trai trong họ đã làm sẵn một chiếc cống nhỏ, tại đây, thầy cúng tiến hành cúng và giết thịt con chó, lấy đầu chôn xuống bên cạnh cống. Việc làm này nhằm thể hiện ý nghĩa: chú chó này sẽ canh giữ con đường không cho điều xấu quay trở lại làm hại dòng họ mình. 
Sau khi ăn hết thịt dê ở trong rừng, cả dòng họ quay trở về nhà trưởng họ tiếp tục liên hoan. Mọi người chúc nhau một năm may mắn, an lành, hạnh phúc. 
Đào Thọ

Cả bản cúng họ vào ngày 30 Tết của đồng bào Mông

(Baonghean.vn) - Ngày Tết, bà con người Mông trên đỉnh Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương thường tổ chức một phong tục rất độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là lễ cúng họ cho cả bản.
Thanh niên tập trung dựng 2 cây pò già ngay tại sân trung tâm của bản. Ảnh: Hiến Chương
Từ sáng sớm ngày 30 Tết, thanh niên trai tráng trong dòng họ Và rủ nhau vào rừng chặt 2 cây pò già cao khoảng 1,5- 2 mét, rồi đem về đào hố dựng 2 bên ngay tại sân trung tâm của bản. Tiếp đó, lấy cỏ tranh tết thành sợi dây dài vắt từ cây này sang cây kia, ở giữa có những vòng cỏ tranh được tết tròn tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp. Theo tục lệ, đến 15h chiều, cả bản sẽ tập trung lại nơi dựng cây nêu và bắt đầu làm lễ cúng.
Công đoạn tết cỏ tranh. Ảnh: Hiến Chương
Lúc này, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ mang tới một bó lá tre, gom lại thành một bó to gọi là lữ su đưa cho thầy mo. Thầy mo phải là già làng có uy tín của bản hoặc trưởng dòng tộc, trong tay cầm một con gà trống đang sống và một bó lữ su, miệng đọc lời cúng, còn tay sẽ quay con gà và bó lá tre theo vòng tròn. Trong lúc đó, người dân cả bản sẽ đi quanh cây nêu cho đến khi thầy cúng đọc xong bài cúng.
“Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của đồng bào Mông chúng tôi, chỉ tổ chức mỗi năm 1 lần vào dịp Tết. Trong ngày Tết, chúng tôi phải tổ chức cúng họ cho cả bản để cầu mong cho mọi người, mọi gia đình được mạnh khỏe trong năm mới, con cháu học hành giỏi giang, gia đình nào cũng gặp may mắn, cuộc sống no đủ sung túc”- già làng Và Chư Xênh cho biết.
Việc thầy mo quay con gà sống và bó lữ su theo vòng tròn có ý nghĩa xua đuổi sự đen đủi của năm cũ và cầu mong cho cả dòng họ sẽ đón một năm mới tốt lành, làm ăn, buôn bán theo ý muốn của từng người. Khi đọc hết lời cúng, thầy mo ném con gà và bó lữ su qua dây cỏ tranh, nếu con gà vẫn còn sống, khỏe mạnh thì lời cúng sẽ hiệu nghiệm.
 
Thầy mo tiến hành nghi lễ trong tục cúng họ cho cả bản. Ảnh: Hiến Chương
Ở xã Nhôn Mai, hiện nay dân tộc Mông là một trong những dân tộc giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có lễ cúng họ. Đây là một nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào được lưu truyền từ xa xưa cho đến ngày nay, như là một hình thức cảm ơn thổ địa, thổ công một năm qua đã phù hộ cho mùa màng, gia súc, gia cầm, con người khỏe mạnh…
Nhổ lông gà chấm tiết đem dán lên tấm xử ca- được xem là bàn thờ của đồng bào Mông. Ảnh: Hiến Chương
Kết thúc lễ cúng họ, mọi người ai về nhà nấy và lựa chọn con gà trống đẹp nhất, sau khi khấn vái thần linh rồi đem mổ. Gia chủ sẽ nhổ lấy 3 chòm lông ở cổ của con gà chấm tiết rồi dán lên tấm xử ca- được xem là bàn thờ của đồng bào Mông. Điều này mang ý nghĩa bảo vệ cho mọi người, đặc biệt là trẻ em trong nhà tránh được tai ương, bệnh tật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét