Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Cẩm Kim, “ốc đảo” xanh liền kề phố Hội

Vào một ngày đẹp trời, khi đã quen với cảnh phố cổ Hội An đông đúc, tấp nập khách du lịch, hoặc đơn giản hơn là muốn tìm một không gian nào đó yên bình, mới lạ ở gần phố Hội để thay đổi tầm mắt, du khách có thể thong thả thuê một chiếc xe đạp rồi túc tắc đạp xe đến Cẩm Kim. Chỉ mất khoảng 15 phút đạp xe từ trung tâm phố cổ ra tới cầu Cẩm Kim là khách du lịch đã được bước sang một không gian hoàn toàn mới: Xanh mướt, yên bình và quá đỗi trong lành.


Ấn tượng ban đầu khi tới làng Cẩm Kim là một màu xanh mát rượi bao phủ cả ngôi làng. Những hàng rào dây leo, hoa cỏ dại, những cánh đồng cỏ, đồng ngô trải dài miên man, bất tận, tạo ra một bức tranh với tông màu xanh  chủ đạo, khá mát mắt. Mùa hè miền Trung với cái nắng nóng chói chang, gắt gỏng nhưng đã được xoa dịu bởi màu xanh mướt mát khắp con đường quanh làng. Tôi vừa đạp xe thong dong, vừa hít hà cái hương vị thơm mát ấy lan tỏa ra từ những cánh đồng ở hai bên đường đi. Làng Cẩm Kim trồng nhiều ngô bắp, là nơi có những bãi bồi, bãi cồn phù sa bao bọc với diện tích đất trồng ngô khá lớn. Chẳng thế mà món ngô luộc ở Hội An khá nổi tiếng, ăn vào có vị ngọt, đậm rất riêng mà nhiều vùng trồng ngô khác không có được. Ngoài bắp luộc, Hội An còn có những món ngon khác được chế biến từ bắp như chè ngô, sữa ngô… được khách du lịch khá yêu thích.


Vốn là một ốc đảo, thật may mắn khi đầu năm 2016, cầu Cẩm Kim được xây dựng, nối liền làng Cẩm Kim với thị xã Hội An, giúp cho giao thông ngày càng thuận tiện, mở rộng. Điều này còn giúp cho cuộc sống người dân nơi đây bớt cảnh nơm nớp, bị cô lập khi lũ về…
Làng mộc Kim Bồng cũng thuộc Cẩm Kim. Đây là một trong những làng nghề cổ ở Hội An với các sản phẩm gỗ đục đẽo, chạm khắc tinh tế như bàn, ghế, tượng Phật… được xuất khẩu đi nhiều nước. Đến Kim Bồng, Cẩm Kim, du khách sẽ nghe thấy những âm thanh đục, đẽo vang khắp mọi ngóc ngách trong làng.
Cách đây khá nhiều năm, làng mộc Kim Bồng đã từng trở thành một địa chỉ du lịch để du khách ghé thăm trong những tour du lịch theo ngày. Du khách được ngồi thuyền men theo dòng sông Thu Bồn rồi ghé thăm các làng nghề. Đến nay, khi cầu Cẩm Kim được xây dựng, du khách có thể tự mình đạp xe thăm thú và khám phá ngôi làng theo cách riêng mà không phải phụ thuộc vào giờ tàu bè chạy. Nhưng nếu vẫn muốn thưởng thức cuộc sống sông nước và trải nghiệm cảm giác được đi thuyền qua sông giống người dân địa phương như trước kia, khách du lịch vẫn có thể ra bến thuyền ở gần chợ Hội An rồi đợi đò, xuồng máy đi tới Cẩm Nam. Xe đạp, hành lý nhẹ nhàng vẫn được đi theo lên thuyền. Vé đò, thuyền máy chỉ từ vài ngàn đến trên chục ngàn đồng cho một lần sang sông. Tất cả những trải nghiệm dù ở dưới nước hay đạp xe qua cầu đều mang đến những cảm giác tuyệt vời.


Dù không xa phố cổ Hội An, nhưng Cẩm Kim vẫn là một ngôi làng nguyên sơ, chưa bị “du lịch hóa”. Thường thì các khách du lịch theo tour chỉ biết đến làng mộc Kim Bồng, là một không gian nhỏ thuộc làng Cẩm Kim chứ họ chưa “ùa” đến Cẩm Kim đông như ở phố cổ. Chính vì thế mà Cẩm Kim chưa có nhiều dịch vụ về nhà trọ, khách sạn hay các quán xá kiểu cách, sang trọng. Đến giờ, Cẩm Kim vẫn là một cô gái thôn quê hiền hậu, chân chất và dịu dàng nằm bên bờ sông Thu Bồn hiền hòa.



Buổi chiều thong dong đạp xe ở Cẩm Kim, khách lãng du sẽ được hít hà một không gian thật thoáng đãng, trong lành và mát rượi. Màu xanh của ngô, lúa, hoa cỏ dại phủ bóng khắp làng xóm. Thứ màu xanh mượt mà, sóng sánh ấy mang đến những cảm giác thật nhẹ nhàng, thảnh thơi. Màu xanh xua tan mệt mỏi. Màu xanh của lá ngô, lá lúa mềm mại, lất phất như dải lụa mềm bay khi gió ùa tới. Hít một hơi thật sâu cho căng lồng ngực khi không gian đang toàn một màu xanh.



Đã từng là một “ốc đảo” nên đạp xe quanh Cẩm Kim là sẽ lượn dọc theo triền sông Thu Bồn. Quán nhậu chiều trong làng khá đông khách, chủ yếu là dân địa phương. Chúng tôi ngồi ở quán nhậu ven sông ăn tối. Gió thổi mát rượi, thỉnh thoảng ngẩng lên lại thấy có con tàu từ bên kia sông chạy lại. Dù cầu Cẩm Kim đã đi vào hoạt động hơn một năm nay nhưng phương tiện giao thông bằng thuyền bè vẫn khá phổ biến. Một phần vì việc di chuyển này đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt, thói quen của người dân trong làng. Tiếp đến là quá trình di chuyển bằng thuyền, tàu có thể mang vác hàng hóa nhiều hơn so với việc chở bằng xe máy hoặc xe đạp.
Vào mùa thu hoạch, những chiếc thuyền chuyên chỉ chở ngô từ làng Cẩm Kim vào phố hoặc đi tới các làng khác bằng đường thủy. Làng Cẩm Kim “bồng bềnh” trên sông, trên nước từ bao đời nay, đến giờ không thể ngay lập tức mà bỏ thuyền chuyển qua đường bộ hết được. Cầu Cẩm Kim ra đời  nối gần khoảng cách giữa làng với phố, giúp người dân bớt vất vả hơn khi lũ về.


Chiều tới, bọn trẻ trong làng ùa ra khu đất trống chạy nhảy, đá bóng. Mấy đứa trạc tuổi học cấp II, cấp III dáng người bé nhỏ, nhưng rắn rỏi. Chúng chạy chơi trên nền đất cỏ, nhảy múa cùng trái bóng trong ráng chiều chạng vạng. Đàn bò thong thả gặm cỏ. Một bức tranh làng quê ban chiều thong dong và bình yên. Lũ trẻ nhà chúng tôi cũng xin phép người lớn tháo dép chạy nhảy dưới vùng đất cỏ kia để được tung tăng chân trần như lũ trẻ quê rắn rỏi đang tung hứng với trái bóng.


Về lại phố cổ Hội An, chúng tôi may mắn bắt được con thuyền cuối ngày nhận “thồ” đủ người, đủ đồ, đủ xe. Lênh đênh trên con nước chỉ khoảng 15 phút là về tới phố. Đứng từ bờ bên này nhìn sang bên kia là Cẩm Nam vẫn thấy xa xa một khoảng màu xanh ngắt, yên bình và hiền hòa như chính cuộc sống giản dị ở ngôi làng vậy…



Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét