Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Cọn nước Nà Khương

25 chiếc cọn nước ở bản Nà Khương (xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) như những chiếc bánh xe khổng lồ, bền bỉ quay, lấy nước tưới tiêu cho cánh đồng lúa, ập òa reo vui suốt đêm ngày như mời gọi du khách đến bên dòng Nậm Mu trong xanh giữa chốn núi rừng hoang sơ, không khí trong lành.
“Máy bơm” xứ Mường

Đối với các cư dân Thái, Mường, Tày, Nùng sinh sống ở vùng Tây Bắc, cọn nước như một nông cụ, giúp người dân lấy nước từ những con sông, suối thấp để tưới tiêu cho những thửa ruộng trên cao. Trên những cánh đồng lớn như Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), khách đường xa thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc cọn nước kẽo kẹt ngày đêm múc từng ống nước tưới tiêu cho đồng lúa đang thì con gái (thời lúa trổ đòng).

“Người Thái và người Mường khi ở đâu việc đầu tiên là chọn những địa thế có thung lũng rộng, xung quanh là núi tiện cho việc canh tác lớn, và dẫn nước từ núi về bản và từ suối vào ruộng. Tùy theo dòng chảy và yêu cầu lấy nước, người ta sẽ đặt nhiều hay ít các guồng liên tục, có những bãi guồng có đến vài chục cái lớn nhỏ. Guồng nhỏ thì đường kính 2,5 mét, lớn thì đường kính tới 7 - 8 mét, nó chính là biểu hiện của văn minh nông nghiệp của một thời”
(Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng - theo Đại Đoàn Kết)
Những có lẽ, nơi nhiều nhất, đẹp nhất của cả vùng Tây Bắc không đâu bằng cọn nước bản Nà Khương. Theo anh Lò Văn Các, một người dân ở bản  địa cho biết,  cứ vào tháng 9 âm lịch hằng năm, để có thêm nước tưới cho cánh đồng lúa chiêm xuân rộng hơn chục héc ta, dân bản lại cùng nhau dựng cọn nước dọc theo dòng suối Nậm Mu, lấy nước từ suối lên tưới cho lúa. Đến nay, đã có 25 con nước được dựng lên liền nhau, chạy dọc sông Nậm Mu.

Để làm cọn, người Thái ở Nà Khương chọn một thanh gỗ chính để làm trục giữa, thanh gỗ này nhẹ, bền và có khả năng chịu nước tốt. Tiếp đến là công đoạn làm nan cọn, nan cọn được làm bằng những cây vầu có thân thẳng. Sau đó, những cây nứa già được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt, nước chảy tác động vào những tấm phên này sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn và cuốn nước đổ lên cao.

Cọn nước ở bản Nà Khương có chiều cao khoảng 6m. Hằng năm, các cọn nước cũng chỉ được người dân sử dụng được đến trước mùa nước lũ. Khi có lũ về, các cọn nước thường bị cuốn trôi. Đến tháng 9 âm lịch hằng năm, người dân trong bản lại dựng lại những cọn nước mới.

Người Thái ví những chiếc cọn nước này là những chiếc máy bơm nước khổng lồ, mang nguồn nước đến đồng ruộng.  Những cọn nước ngày đêm miệt mài bên dòng sông, đưa nước phục vụ sản xuất đã tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp và bình dị thu hút hàng nghìn du khách đến tìm hiểu, khám phá.
 

Những chiếc cọn nước nổi bật giữa cánh đồng lúa bản Nà Khương xanh rì đang thì con gái.


Ống luồng được đục thông các mắt làm phương tiện dẫn nước từ nan quạt đến ruộng lúa.


Để một chiếc cọn được bền, người Thái ở bản Nà Khương chọn vật liệu nhẹ, bền,
sẵn có trên rừng và có khả năng chịu nước tốt. 



Những chiếc cọn nước khổng lồ với vòng quay chậm rãi từ lâu đã gắn liền với con sông Nậm Mu trong mát,
những cánh đồng lúa chín nặng bông. Đây cũng là một công cụ đặc biệt hỗ trợ đắc lực trong công việc dẫn nước
tưới cho bà con dân bản. 



Đến thăm cọn nước bản Nà Khương, du khách được tìm hiểu những tập tục gắn liền với sông nước Nậm Mu
của người Thái bản địa.



Những đứa trẻ bản Nà Khương di chuyển bè mảng trên sông Nậm Mu. 


Người dân bản Nà Khương bắc một cây cầu tre qua sông Nâm Mu
vào nước cạn để đưa du khách tham quan sang bên kia sông.



Cọn nước bản Nà Khương là điểm đến ưa thích của du khách và là sản phẩm mới
trong chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng Tây Bắc năm 2017.



Sau những giờ làm việc mệt nhọc, bà con bàn Nà Khương lại rủ nhau ra cọn nước để tắm mát, nghỉ nghơi.
Hình ảnh những cô gái e ấp, ẩn mình trong làn nước trong xanh bên những guồng quay khổng lồ
tạo nên vẻ đẹp tinh khôi, nguyên sơ chốn núi rừng trong mắt du khách.



Hiện nay, cả bản Nà Khương đã có 20/64 hộ tham gia làm du lịch bên bờ sông Nậm Mu.
Bình quân mỗi ngày, mỗi hộ cũng thu được từ 500 – 600 ngàn đồng từ cho thuê trang phục và chế biến món ăn.



Du khách nghỉ ngơi, thư giãn, vui đùa, thưởng thức
các món ăn địa phương và được hòa mình cùng nắng, gió của núi rừng.



Những đứa trẻ thuê trang phục truyền thống của dân tộc Thái nô đùa trong dòng nước mát lành sông Nậm Mu.


Cọn nước bản Nà Khương tô điểm thêm cho cảnh sắc bản làng, đồng ruộng,
thể hiện sự sáng tạo của bà con trong việc chinh phục thiên nhiên.


Để trải nghiệm cuộc sống của người dân ở Bản Bo, du khách được đi bắt cá
và chế biến món cá nướng ngay bên bờ sông Nậm Mu.



Xã Bản Bo đang quy hoạch lại một số khu vực để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại bản Nà Khương.
Theo đó, một số hộ dân có nhà sàn trong bản sẽ được di chuyển ra vùng triền đồi thấp bên cạnh con suối Nậm Mu
để phát triển loại hình du lịch lưu trú tại nhà (homestay).



 Xã Bản Bo cũng đã cử một đội 10 người gồm lãnh đạo bản, công an viên, đoàn thanh niên để thu vé
và trông coi xe, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực cọn nước nơi khách đến tham quan.
Vé vào tham quan cọn nước bản Nà Khương là 10.000 đồng/người.

Trải nghiệm nông cụ cổ xưa

Theo anh Lò Văn Các, lúc đầu những người dân trong bản rất ngạc nhiên vì có rất nhiều du khách đến thăm quan, chụp ảnh, quay phim cùng cọn nước, ngắm dòng suối Nậm Mu.

"Thống kê qua việc thu vé, quý I năm 2017 đã có hơn 12.000 lượt du khách đến thăm quan, vui chơi ở con nước bản Nà Khương, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. 20 hộ dân ở bản làm dịch vụ có thu nhập trung bình mỗi ngày từ 500 - 600 ngàn đồng/ngày".
(Ông Đèo Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Bản Bo) 
Thấy du khách có nhu cầu ăn uống, thuê quần áo của đồng bào dân tộc để chụp ảnh, gia đình anh Các và nhiều hộ dân trong bản đã dựng lán ngay bên dòng Nậm Mu, gần cọn nước, đầu tư mua trang phục dân tộc Thái và mang các món ăn của bản ra phục vụ du khách.

Cọn nước Bản Bo đông vui nhất vào thứ Bảy và chủ Nhật. Khách đa phần là công chức từ Tp. Lai Châu muốn thay đổi không khí và từ Sa Pa (Lào Cai) sang. Bản Nà Khương chỉ cách kinh đô du lịch vùng Tây bắc là Sa Pa chỉ 40 km nên nhiều công ty lữ hành du lịch đã mở tour đưa du khách vượt đèo Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ sang Lai Châu khám phá địa danh này.  

Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, lượng khách đến với điểm du lịch bản Nà Khương rất đông, đây là tín hiệu vui cho du lịch của huyện trong năm 2017. Trong thời gian tới huyện sẽ nghiên cứu đầu tư cho điểm du lịch này để tạo thêm cảnh quan thu hút khách đến ngày càng đông hơn.

Sở Văn hóa – Du lịch và Thể thao Lai Châu đang trình UBND tỉnh công nhận Nà Khương là điểm du lịch và quy hoạch đến năm 2020 là điểm du lịch sinh thái trọng điểm của huyện Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung./.
 
Thực hiện: Thông Thiện - Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét