Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Hà Nội có bao nhiêu phố bắt đầu bằng từ 'hàng'?

Theo bài thơ cổ còn lưu truyền tới nay, Hà Nội xưa có 36 phố phường và hầu hết bắt đầu bằng từ "hàng".
Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn...
sai-ha-noi-co-48-pho-ten-goi-bat-dau-bang-chu-hang
Hà Nội có 48 phố bắt đầu bằng chữ "hàng".
Tuy nhiên, trong Phố và đường Hà Nội của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (xuất bản năm 2004), thủ đô hiện có tới 48 phố bắt đầu bằng chữ "hàng", hầu hết thuộc huyện Thọ Xương xưa. Trừ một số tên phố mới xuất hiện gần đây (do gộp nhiều phố cổ nhỏ), còn lại đều được hình thành từ thế kỷ thứ 15 đến 19.
Đặc điểm chung của các phố này là ngắn, dưới 1.000 m, có phố chưa tới 100 m. Tên gọi thường gắn với nghề hoặc mặt hàng bán buôn trên phố. Do nằm ở trung tâm của đô thị Hà Nội trong nhiều thế kỷ, các con phố gắn với chữ "hàng" là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, tập trung nhiều công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người Hà Nội.

Hàng Bông dài nhất

Phố Hàng Bông dài 932 m, nối phố Hàng Gai với phố Cửa Nam. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, cái tên Hàng Bông thực ra mới có khoảng dăm chục năm nay. Trước kia, Hàng Bông chia ra nhiều đoạn phố với những tên gọi riêng.
Đoạn đầu, ngay chỗ giáp với phố Hàng Gai đến đầu phố Hàng Mành có tên là phố Hàng Hài vì thời trước ở đây sản xuất và bày bán các loại hài. Hài thật đế bằng gỗ vuông, mũi bằng lụa thêu kim tuyến; hài giả bằng giấy ngũ sắc dùng cho việc thờ tự.
Nối tiếp Hàng Hài là Hàng Bông Đệm, bắt đầu từ phố Hàng Mành đến đầu phố Hàng Da, là nơi bật bông và bán các loại chăn đệm. Tiếp đó là đoạn phố Hàng Bông Cửa Quyền, có ngôi miếu nhỏ thờ Cô Quyền. Cạnh miếu có cây đa cũng gọi là cây đa Cô Quyền hoặc Cửa Quyền. Sau ngôi miếu đó bị sét đánh đổ, cây đa bị đốn đi, nhưng cái tên Cô Quyền, hoặc Cửa Quyền vẫn còn.
Nối với Hàng Bông Cửa Quyền là phố Hàng Bông Lờ, bắt đầu từ ngõ Hội Vũ tới đầu phố Cửa Nam. Gọi như vậy vì ở đây bán các loại lờ - dụng cụ đánh cá. Trước nữa, phố này gọi là Hàng Lam, chuyên nhuộm vải màu xanh.
Phố Hàng Bông còn giữ được nhiều đình miếu cổ, tiêu biểu là đền Phúc Hậu, đình Tam Thánh, đình Lương Ngọc, đình Kim Hội, đền Vọng Tiên, đình Thiên Tiên, đình Đông Mỹ... Đình Kim Hội số nhà 95 thờ Trần Hưng Đạo, đình Thiên Tiên ở số nhà 120 thờ Lý Thường Kiệt.
Trong những năm đầu thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã lập trường tiểu học đầu tiên của thành phố ở phố này. Những nhà in đầu tiên của tư sản Việt Nam cũng được hình thành ở phố Hàng Bông, như: Nghiêm Hàm ấn quán, Trung Bắc, Mạc Đình Tư.. Nhà thơ Tản Đà từng mở hiệu sách ở số 58, gọi là Tản Đà thư quán.
Tại ngôi nhà 177 phố Hàng Bông, vào đầu tháng 6/1930, Ban chấp hành Đảng bộ chính thức thành phố Hà Nội đã thành lập và cử ông Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư Thành ủy.
Hàng Bông, Hàng Bài và Hàng Bún lần lượt là 3 phố dài nhất trong 48 phố hàng, tương ứng 932 m; 616 m và 484 m.
 Theo Phố và đường Hà Nội, phố Hàng Chỉ dài 64 m, từ phố Tô Tịch đến phố Hàng Hòm. Đây nguyên là đất thôn Tố Tịch, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ).
Phố này thời xưa có một số nhà làm nghề xe chỉ, do đó thành tên. Thời Pháp thuộc, đây cũng là ngõ Hàng Chỉ (ruelle de Hàng Chỉ), chính quyền cách mạng sau đó vẫn giữ tên này.
Con phố ngắn thứ hai là Hàng Bút dài 68 m, Hàng Chai (bán chai lọ) dài 80 m
Phố Hàng Bút dài 68 m, đi từ phố Thuốc Bắc đến phố Bát Sứ. Đây nguyên là phần đất của thôn Đông Thành, tổng Tiền Túc (sau đổi là Tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay ở số nhà 5 phố Hàng Bút là ngôi đền của thôn Đông Thành cũ.
Ca dao Hà Nội xưa còn có câu:
Hàng Cân, Hàng Cót, Hàng Đồng
Hàng Mụn, Hàng Bát, Hàng Bông, Hàng Bài
Hàng Mụn chính là Hàng Bút ngày nay. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, con phố này xưa kia có những cửa hàng chuyên dùng đầu vải, mụn vải để may thành mũ áo trẻ em, đặc biệt là khâu những chùm "bùa tua bùa túi" cho trẻ em đeo trong dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch.
Thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue Combanère. Chính quyền thành phố sau đó đổi thành Hàng Bút, có thể vì tên Hàng Mụn không hay và cạnh đó có phố Hàng Bút, nhưng đã bị gộp vào phố Thuốc Bắc.

Hàng Đào gắn với nghề nhuộm vải

Phố Hàng Đào dài 260 m, đi từ phố Hàng Ngang đến đầu phố Hàng Gai. Đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã ghi tên phố này vào sách Dư địa chí của ông: "Phường Hàng Đào nhuộm điều". Dân phường này đã làm nghề nhuộm và chuyên về nhuộm màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào... Tới cuối thế kỷ 18, phố này nhuộm thêm nhiều màu khác, còn nhận cả "chuội" tơ lụa cho trắng nõn ra.
Số nhà 90A phố Hàng Đào là đình Hoa Lộc do dân làng Đan Loan ở huyện Bình Giang (nay là tỉnh Hải Dương) lên cư trú lập ra. Vì dân Đan Loan làm nghề nhuộm màu và buôn bán tơ lụa nên ở đình thờ tổ nghề nhuộm và là thành hoàng làng Đan Loan.
Tới thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào tập trung buôn bán tơ lụa. Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ mặt hàng dệt bằng tơ tằm. Tại đây, mỗi tháng có sáu phiên chợ họp ngay trên đường phố vào các ngày 1 và 6, gọi là chợ Hàng Tơ. Người các làng La Khê, La Cả ra bán the. Người làng Mỗ ra bán cấp. Trừ gấm vóc là dệt bằng tơ đã nhuộm, các thứ khác để mộc.
Đầu thế kỷ 20, một số người Ấn Độ đến mở hiệu bán các thứ vải len dạ nhập từ phương Tây. Thời kỳ này, trên phố mọc lên một số hiệu tạp hóa, vàng bạc, làm mũ..., nhưng chủ yếu Hàng Đào vẫn là phố bán tơ lụa. Thực dân Pháp đã đặt tên phố là Rue de la Soie (phố hàng tơ lụa), nhưng chính quyền thành phố sau đó giữ tên gọi Hàng Đào.
Số nhà 10 Hàng Đào trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/1907 là trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Hàng Thịt là tên ngõ

Theo Phố và đường Hà Nội, Hà Nội có 6 tên ngõ bắt đầu bằng từ "hàng" gồm: Hàng Bông Lờ, Hàng Bột, Hàng Cỏ, Hàng Hành, Hàng Hương, Hàng Thịt. Đặc điểm chung các ngõ là ngắn, dài nhất ngõ Hàng Hành chỉ 128 m. 
Ngõ Hàng Thịt ở cuối phố Hai Bà Trưng, cạnh số nhà 79 rẽ chéo vào. Đây là ngõ cụt, xưa kia là nơi cư ngụ của những người bán thịt rong, phần nhiều là thịt lậu thuế từ các cửa ô đưa vào.
Ngõ Hàng Thịt nằm trên đất phường Nam Ngư, ngày trước là lối vào hồ A Bảo. Hồ nằm trong lòng khu tứ giác được giới hạn bởi các phố và đường Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Nam Ngư và Phan Bội Châu.

Bảy ngõ phố Hà Nội hiếm người biết nguồn gốc


Hà Nội có 48 phố, 6 ngõ bắt đầu bằng chữ "hàng", hầu hết thuộc huyện Thọ Xương xưa, nay là quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. Trừ một số tên phố mới xuất hiện, còn lại đều hình thành từ thế kỷ thứ 15 đến 19. Đặc điểm chung của các phố này là ngắn, phổ biến 100-300 m, dài nhất phố Hàng Bông 932 m.
Tên gọi ngõ, phố thường gắn với nghề hoặc mặt hàng bán buôn ở đó. Có một số tên dễ gây nhầm lẫn do mặt hàng, hoặc nghề đó giờ không còn.
bay-ngo-pho-ha-noi-hiem-nguoi-biet-nguon-goc
Phố Tràng Tiền, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Hàng Bài xuất phát từ ý bán các loài bài

Phố Hàng Bài dài 616 m, đi từ cuối phố Tràng Tiền đến phố Hàm Long. Theo Phố và đường Hà Nội của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, gọi là phố Hàng Bài vì xưa kia đầu phố tập trung nhà làm bán các cỗ bài lá, như tổ tôm, tam cúc...
Thời Pháp thuộc, phố này được gọi là đại lộ Đồng Khánh (tên một ông vua nhà Nguyễn). Nghề làm bài lá bị trục xuất khỏi phố, nhường chỗ cho các công sở và hãng buôn của thực dân, tư sản.
Ngay đầu phố là hãng buôn tạp hóa lớn nhất Hà Nội với tên gọi "Liên hợp thương mại Đông Dương", dân chúng quen gọi là hiệu Gô-đa, nay là chỗ Tràng Tiền Plaza. Trên phố có trường trung học dành riêng cho nữ sinh người Việt, trường duy nhất ở Hà Nội, cũng là duy nhất ở Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trường mang tên Đồng Khánh, nay là trường THCS Trưng Vương.
Sau năm 1945, chính quyền đổi tên đại lộ Đồng Khánh thành Triệu Quang Phục. Trong thời tạm chiếm (1947-1954), chính quyền cũ lấy lại tên Đồng Khánh. Sau năm 1954, cái tên Hàng Bài được khôi phục.

Hàng Bè xưa kia bán bè luồng và gắn với tên chợ

Phố Hàng Bè dài 172 m, đi từ phố Hàng Mắm đến phố Hàng Dầu. Xưa kia, do ở gần cửa ô Mỹ Lộc (chỗ Hàng Mắm nối với phố Hàng Bạc ngày nay), giáp bờ sông Hồng, các bè luồng nứa được đưa lên bán, người mua kẻ bán họp thành chợ, gọi là chợ Hàng Bè.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, mới đầu chợ họp ở đầu phố Hàng Tre, chỗ bây giờ là khách sạn Royal, sau mới dời dần vào phố Hàng Bè ngày nay, do đó thành tên phố.
Đoạn đầu phố Hàng Bè có một thời được gọi là phố Hàng Cau, vì tập trung nhiều cửa hàng bán cau khô. Người Pháp đặt tên phố này là rue des Radeaux (phố Hàng Bè). Chính quyền Hà Nội sau đó chính thức hóa tên gọi Hàng Bè.

Hàng Chuối xưa kia trồng nhiều chuối

Phố Hàng Chuối dài 460 m, đi từ phố Hàn Thuyên đến phố Nguyễn Công Trứ. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, phố này xưa kia là dải đất nằm trên bờ phía đông của hồ Hữu Vọng. Vì đất ven hồ trồng nhiều chuối nên khi thành ra phố, dân chúng gọi luôn là Hàng Chuối.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên tướng Bây-li-ê (rue Général Beylié). Ông là sĩ quan cấp tướng, nhà khảo cổ học, có công trình nghiên cứu văn hóa Khmer. Ông ở Bắc Kỳ những năm 1885-1896, chết ở Luang Prabang (Lào) năm 1910

Hàng Đậu xưa kia bán các loại hạt đậu

Phố Hàng Đậu dài 272 m, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Phan Đình Phùng. Trên con phố này, chỗ ngã tư Hàng Đậu - Nguyễn Thiếp xưa có một cửa ô, tên là Phúc Lâm. Dân chúng gọi một cách nôm na là cửa ô Hàng Đậu.
Sở dĩ có tên Hàng Đậu là xưa kia có nhiều cửa hàng bán các thứ đậu hột như đậu xanh, đậu nành, đậu đen... Người Pháp gọi tên phố này là rue des Graines (phố các hạt) cũng là dịch thoát tên cổ truyền phố Hàng Đậu.

Hàng Dầu từng bán các loại dầu thảo mộc

Phố Hàng Dầu dài 184 m, đi từ phố Hàng Bè đến phố Đinh Tiên Hoàng. Phố này xưa kia bán các thứ dầu thảo mộc như dầu lạc, dầu vừng, dầu bông... dùng để ăn và thắp đèn, do đó mà thành tên.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên rue du Lac. Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Dầu là một tuyến lửa phía Nam của Liên khu I.

Hàng Điếu từng bán các loại điếu hút thuốc lào

Phố Hàng Điếu dài 276 m, đi từ phố Hàng Gà đến phố Đường Thành. Phố này xưa kia bán các loại điếu hút thuốc lào, như điếu ống bịt bạc bịt vàng, điếu bát, điếu cày... Đến đầu thế kỷ 20, các loại điếu được bán trên phố Bát Đàn, Bát Sứ, phố Hàng Điếu chỉ còn vài ba nhà bán mặt hàng này, còn lại là cửa hàng làm và bán đồ da. 
Cũng là đồ da, nhưng Hàng Điếu khác với Hà Trung. Phố Hà Trung làm yên ngựa, túi súng, cặp sách bằng da Tây cứng, còn Hàng Điếu làm giày dép bằng da ta, ban đầu là dép quai ngang, giầy da lộn..., sau mới làm giầy dép kiểu Âu bằng da Tây hoặc da của nhà máy Da Thụy Khuê. Các cửa hàng giầy da này đều thuộc dân làng Chắm (Trúc Lãm) từ phố Hàng Giầy, ngõ Hài Tượng dời sang. 
Thời Pháp thuộc, dù phố có nhiều cửa hàng bán giày dép, song chính quyền Pháp vẫn gọi là rue des Pipes (phố Hàng Điếu). Sau cách mạng tháng tám, chính quyền chính thức hóa tên gọi này.

Hàng Bông Lờ xưa bán dụng cụ đánh cá

Ngõ Hàng Bông Lờ dài 88 m, đi từ phố Tống Duy Tân đến phố Hàng Bông. Theo Phố và đường Hà Nội, sở dĩ gọi là Hàng Bông Lờ vì nơi đây xưa kia bán dụng cụ đánh cá đồng, cá sông, như lờ, đó, chúm...
Thời Pháp đây là phố Lông-đơ. Sau chính quyền Hà Nội đổi là phố Cẩm Chỉ theo cách gọi của người dân, vì xưa kia chỗ này "cấm chỉ", không cho ai đi tới khi đã có trống thu không (vào lúc chiều tối).
Tháng 6/1964, chính quyền đổi lại phố Cấm Chỉ thành ngõ Hàng Bông Lờ'
Hồng Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét