Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Ngẩn ngơ ngắm đèo Sa Mù “giao điểm” giữa đất và trời

Với nhiều phượt thủ, những cung đường Tây Bắc luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ bởi cảnh sắc vô cùng tuyệt đẹp. Tuy nhiên, với những người thích khám phá ở miền Trung, không cần phải di chuyển hằng trăm kilomet, ngay tại Quảng Trị, con đường đèo Sa Mù cũng đủ khiến các phượt thủ mê mệt bởi cảnh sắc huyền ảo.


(Lưu Tuấn Anh)
Nối từ xã Hướng Phùng tới Hướng Việt, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, con đường đèo Sa Mù có độ dài gần 40km. Trong đó, đoạn đường đèo có độ dài là 19,8 km, cao gần 1.400m so với mặt nước biển. Vào mùa hè, nếu như miền Tây Quảng Trị do ảnh hưởng của gió Lào nóng rát thì ở đỉnh đèo Sa Mù không khí vẫn khá…lạnh và có sương mờ lãng đãng trôi. Vào mùa này, dường như cung đường Sa Mù đẹp hơn bao giờ hết khi sương mù dường như dang tay ôm lấy núi, vây lấy đèo, cộng với cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng, tất cả tạo nên sắc màu vô cùng huyền ảo và khác biệt.

(Lưu Tuấn Anh)
Thế nên, có người nói rằng dù thời gian nào đi chăng nữa, sương mù vẫn luôn giăng trên những tán cây, trôi lững lờ. Có khi, người đi đường ngỡ như chạm vào những sợi mây giăng giăng trước mặt. Màu trắng của mây, màu xanh của cây lá, màu đỏ của đất, màu vàng xám của đường… tất cả tổng hòa tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, con đường đèo quanh co, uốn lượn hòa mình vào đất trời càng khiến các phượt thủ thích thú. Vậy nên, xa thì xa thật, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn đây là điểm đến của mình trong những chuyến đi du lịch khám phá.
Trên thực tế, đèo Sa Mù được xếp vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, bên cạnh những cái tên như: Mã Pì Lèng, Pha Đin, Hải Vân... Cũng đúng thôi, khi con đèo này có nhiều dốc đứng, quanh co, vô cùng hiểm trở. Trong những ngày sương mù nhiều, con đường trơn trượt, tầm nhìn thấp,việc di chuyển càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Với vị trí đặc biệt của mình khi giáp biên giới Việt Lào, trong chiến tranh chống Mỹ, Sa Mù – Khe Sanh là vùng đất gắn liền với nhiều trận chiến lịch sử và cũng là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt nhất. Thuở ban đầu, người dân bản xứ cho biết, đường lên đỉnh đèo Sa Mù trước nay chưa hề có dấu chân người. Đêm đến, ngoài tiếng vượn hú còn có cả tiếng voi rống hổ gầm... Cũng chính vì vậy, việc di chuyển vô cùng khó khăn khi người dân, bộ đội không có cách nào khác để vượt đèo mà phải đi vòng hơn 30km để đến được bên kia chân đèo. Sau đó, Đoàn công binh Lũng Lô (thuộc Bộ tư lệnh Công binh) đã khai thông phía nam đèo để tiện giao thông qua lại. Đến giữa năm 1997, Bộ Quốc phòng chính thức cho triển khai xây dựng tuyến vượt đèo Sa Mù dài 12km để thuận tiện cho việc đi lại.

Ngày nay, đèo Sa Mù trở thành một trong những địa điểm du lịch được nhiều phượt thủ đặc biệt yêu thích. Không chỉ có vậy, cũng nằm trên cung đường này, miền Tây Quảng Trị còn có nhiều điểm du lịch vô cùng đẹp mắt, vẫn còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ như Khu Du lịch sinh thái Rào Quán; Thác và động Tà Puồng, Thác Chênh Vênh… Tuy nhiên, trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều dự án du lịch được triển khai, ngoài việc miền Tây Quảng Trị sẽ trở thành điểm khai thác du lịch tiềm năng trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, rất có thể sự hoang sơ sẽ không còn, nên đi nhanh kẻo lỡ…

Anh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét