Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Nhà văn khai sinh nhân vật Xuân Tóc Đỏ

Ông nổi tiếng với những tác phẩm như Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Lấy nhau vì tình, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô…

nha-van-nao-khai-sinh-nhan-vat-xuan-toc-do
Tạo hình nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong phim "Số đỏ".
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Số đỏ là tiểu thuyết nổi tiếng của ông, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7/10/1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938.
dung-dap-an-la-nha-van-vu-trong-phung
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường. Tác phẩm được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc Đỏ, từ chỗ bị xem là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó.
Từ điển văn học (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, tập 2, năm 1984) đánh giá, bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị Việt Nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm lố lăng đương thời.
Tác giả đả kích cay độc các phong trào "Âu hóa", "thể thao", "giải phóng nữ quyền" đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh "văn minh", "tiến bộ", "cải cách xã hội" mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp đạo đức truyền thống.
Xuân là đứa bé mồ côi, lên chín tuổi được ông bác họ nuôi, do hư đốn nên bị đuổi. Xuân lấy đầu hè xó chợ làm nhà, lấy sấu ở các phố, lấy cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Tóc hắn đỏ như lông gà vì phơi nắng, trèo me, trèo sấu nên người ta gọi là Xuân Tóc Đỏ. 
Lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp, Xuân Tóc Đỏ trong một hoàn cảnh đặc biệt được nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, những con người đang ôm ấp mộng Âu hóa và cải cách xã hội như bà Phó Đoan, ông bà Văn Minh.
Hội nhập với xã hội thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ gặp nhiều vận may và với bản tính láu cá, hắn nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng trong gia đình ông bà Văn Minh. Tính cách lưu manh của Xuân cứ phát triển trong môi trường thuận lợi đó. Anh ta biết cách luồn lách, dùng mưu mẹo thủ đoạn để làm lợi cho mình.
Từ một đứa nhặt banh quần vợt, Xuân Tóc Đỏ trở thành danh thủ, niềm hy vọng của giới quần vợt Bắc Kỳ. Hắn cũng biết chấp nhận thua theo đề nghị của quan trên trước nhà vô địch quần vợt Xiêm La để được trở thành anh hùng cứu quốc, bậc vĩ nhân.
Thế giới nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng rất đa dạng, thường là ông chủ, bà chủ, thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỷ trước. 
Trong Số đỏ, điển hình cho nhân vật tha hóa này là ông Văn Minh, ông Phán mọc sừng, Tuyết, cậu Tú Tân, ông Típ Phờ Nờ (TYPN). Ông Típ Phờ Nờ - TYPN là người thiết kế thời trang của tiệm Âu Hóa, đưa ra những mẫu quần áo tân thời. 
Chương 5 của tiểu thuyết Số đỏ, có đoạn giới thiệu về nhân vật này.
Xuân Tóc Đỏ ngẩn mặt ra như người bằng gỗ đến năm phút rồi mới hỏi lại:
- Bẩm ông... Ông Típ Phờ Nờ?
- Phải! Chính thế. Ông ấy đâu?
- À, đây không có ai tên là ông Típ Phờ Nờ ạ!
- Có lắm. Chính là ông mỹ thuật Đông Dương, ông cai thợ may, cái ông vẫn ký tên ở các báo mục phụ nữ là TYPN, nghĩa là: Tôi yêu phụ nữ! Ông cải cách xã hội mà lại còn không biết? Thế ông cải cách từ bao giờ?
Tiểu thuyết Giông tố xuất bản 1936, khi đăng trên Hà Nội báo có tên Thị Mịch. Tác phẩm dài 30 chương và thêm một đoạn kết, nhưng sự việc xảy ra trong một thời gian cũng ngắn vậy.
dung-day-la-hai-nhan-vat-trong-tieu-thuyet-giong-to
Tiểu thuyết Giông tố.
Trong bài viết trên báo Nhân dân, số ra ngày 27/10/1956, Nguyễn Tuân cho biết như lời Vũ Trọng Phụng ghi vào lòng truyện, sự việc mở ra vào tháng 10/1932 và kết thúc vào mùa hè 1933. Những niên hiệu này nói lại rất nhiều về hoàn cảnh chính trị và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Tiểu thuyết gồm nhiều thứ người, từ thôn quê, thành thị và cả nhân vật từ quê ra tỉnh. Có người là thôn nữ bị bán làm lẽ thứ mười hai cho nhà giàu, có người là thư ký, có người là du thủ du thực, có người là gái tân thời, có người là đốc học, có người làm cách mạng.
Nhưng trội lên hết để người đọc suy nghĩ, đặt thành vấn đề thì có hai nhân vật Thị Mịch và Nghị Hách. Hai nhân vật tiêu biểu cho những kẻ chỉ sống với đồng tiền, lấy đồng tiền ra mà bắt nạt, điều khiển cuộc sống, đặt cho cuộc sống một khuôn phép.
Năm 1936, Vũ Trọng Phụng viết sáu tác phẩm, bấy giờ đăng trên các báo, những năm sau mới xuất bản thành sách. Cho đến nay vẫn có ba cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao và được in ấn gồm Giông tốVỡ đêSố đỏ.
Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. 
Viết nhiều tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là người đạo đức và sống rất kham khổ. Mắc bệnh lao phổi, những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này".
Ông mất ngày 13/10/1939 khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy một tuổi.
dung-vu-trong-phung-con-viet-nhieu-vo-kich
Bộ tem được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Dù cuộc đời ngắn ngủi song Vũ Trọng Phụng để lại hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.
Một số vở kịch tiêu biểu của ông như Không một tiếng vang (1931), Tài tử (1934), Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc (1937).
Tiến sĩ sử học Peter Zinoman (Đại học California, Mỹ), một đồng dịch giả tác phẩm Số đỏ sang tiếng Anh nhận xét: "Tôi có cảm tưởng rằng Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn, rất lớn, không kém nhà văn lớn nào của các nền văn học khác. Càng đọc văn ông, tôi càng ngạc nhiên về tuổi trẻ, sức trẻ trong sự sáng tạo của ông. Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi; ở tuổi ấy, nhà văn Pháp Balzac còn hầu như chưa viết được gì đáng kể".

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét