Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Trải nghiệm bắt cá bống dừa “xây tổ uyên ương”

Đối với người dân ở xứ dừa Bến Tre, kiểu bắt cá bống dừa “xây tổ uyên ương” vốn không có gì lạ lẫm. Vào thời điểm trăng Rằm hoặc cuối tháng Âm lịch không trăng, từng cặp cá bống dừa sẽ vào các bẹ dừa để giao phối. Lúc đó chỉ cần dùng một cái que nhỏ thọt vào nách bẹ dừa, cá bống dừa sẽ tự động nhảy ra ngoài. Người bắt cá chỉ cần dùng cái rổ hứng cá để mang về làm món. Cá bống dừa “xây tổ uyên ương” con nào con nấy ú na ú nần khi chế biến thành món ăn sẽ có mùi vị ngọt lành đậm đà hương vị miền quê sông nước.


Ca bống dừa là đặc sản của vùng đất Bến Tre
Đến Bến Tre, ấn tượng ban đầu đập vào mắt du khách là những hàng dừa xanh mướt trải dài. Dưới sông, những rặng dừa nước xanh um mọc hai bên bờ có nhiệm vụ chắn gió, chắn nước bảo bọc làng quê. Dưới những rặng dừa ấy là nơi cá bống dừa sinh sống. Con cá bống gắn bó với dân quê Đồng Khởi tự bao đời, thường có mặt trong những bữa cơm quê nghèo khó.

Bẹ dừa nước là nơi cá bống dừa “xây tổ uyên ương”
Không giống như các loài cá khác, cá bống dừa không thể dùng chài lưới để đánh bắt. Loại cá này thường núp dưới rễ dừa nước, chui vào những trái dừa bị chuột khoét lỗ để mà sinh sống. Những tay bắt cá bống dừa có nghề thường không mang theo dụng cụ, cứ dùng tay hì hụi mò cá dưới rễ những rặng dừa nước. Vài giờ đồng hồ sẽ có xâu cá bống dừa dài ngoằng trên tay mang về làm món. Có một cách bắt cá bống dừa độc đáo mà dân quê Bến Tre ai cũng biết đó là bắt cá “mắc cặp” hay còn gọi là bắt cá “xây tổ uyên ương”.

Cá bống dừa mắc cặp mập ú
Do đặc điểm giao phối, cá bống dừa thường chọn thời điểm trăng rằm hoặc cuối tháng Âm lịch. Khi ấy, cá chọn những bẹ dừa (nách dừa) để trú ngụ, dân quê gọi là “xây tổ uyên ương”. Tờ mờ sáng lúc nước ròng, người dân cầm một cái que dài độ nửa mét lội bì bõm cặp mé sông bên những rặng dừa nước để tiến hành bắt cá mắc cặp. Khi nước rút, những nách dừa còn nước ứ lại là nơi mà cặp cá bống trú ẩn. Lúc đó, dùng tay đập mạnh vào bẹ dừa, cá bống tức thì nhúc nhích làm đục nước. Dùng que đưa vào nách dừa, cá sẽ nhảy tọt ra ngoài, dùng rổ hứng cá nhảy xôi xối trông mê mắt.

Thân cá đen trũi rất dễ phân biệt với nhiều loại cá khác
Khác với loại cá bống trú ẩn dưới rễ dừa nước, con hơi nhỏ, cá bống dừa “xây tổ uyên ương” mập ú, đặc biệt là con cái do tới thời kỳ sinh sản. Da cá đen bóng, chỉ cần vài ba cặp cá là đủ cho một bữa ăn thịnh soạn theo kiểu miền quê. Cá bống dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn và món ăn nào cũng là đặc sản của xứ dừa. Kỳ công một chút là món cá bống nấu cà ri hay kho khế, đơn giản dễ ăn là cá bống nướng hoặc chiên xù, rất đưa cơm.

Cá bống dừa kho tiêu rất dễ đưa cơm
Thịt cá bống dừa ngọt lành, béo ngậy thơm ngon, thịt mềm và rất bổ dưỡng. Tô canh cá bống dừa nấu bồ ngót giúp cho người dùng giải cảm những khi trái gió trở trời. Cá bống dừa chiên giòn ăn với cơm nóng chính là bữa ăn dân dã mang đậm chất hương đồng nội cỏ miền Tây. Ở miền quê, hầu như ai ai cũng thích cá bống dừa, đặc biệt là cá bống dừa mập ú khi bắt cặp. Khách phương xa đến Bến Tre không quên thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá bống dừa, bởi từ lâu nó đã trở thành đặc sản đặc trưng của quê hương Đồng Khởi.
Trước đây, cá bống dừa mắc cặp nhiều vô số do người dân chỉ bắt cá để ăn. Hiện tại, loại cá bống có thân đen trũi này đã được nhiều nơi ưa chuộng nên dân quê tranh thủ bắt cá để cải thiện cuộc sống. Cũng vì thế mà cá bống dừa “xây tổ uyên ương” đã khan hiếm dần đi. Tuy nhiên, cứ đến ngày giữa hoặc cuối tháng Âm lịch, đi dọc mé sông quê, vẫn còn đâu đó vài ba lão nông cởi trần lội bì bõm dưới mé sông tìm bắt cá bống dừa mắc cặp. Người dân quê cho biết rằng, đó chính là thú vui đã làm nên những nét đặc trưng vùng miền riêng biệt mà cha ông đã làm nên ngay từ thuở mới khai hoang, lập ấp.

Hoàng Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét