Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Chuyện các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ sau hải chiến Hoàng Sa 1974


Xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Sài Gòn - Ảnh: Báo Quảng Nam
Ngay sau khi cuộc hải chiến diễn ra, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc: “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH".
Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19.01.1974 đến nay vẫn để lại những xúc cảm khi Tết đến, cũng là một thời điểm cái Tết đến cận kề lúc bấy giờ khi vụ tranh chấp này xảy ra. Đặc biệt, những năm gần đây khi tình hình tranh chấp Hoàng Sa nói riêng và trên biển Đông nói chung càng phức tạp trong một bối cảnh mới, đã đặt ra những câu hỏi có nên hay không nên công nhận là người có công với Tổ quốc đối với những chiến sĩ Hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lúc bấy giờ đã chiến đấu và bỏ lại thân thể của mình ngoài vùng biển Hoàng Sa? Dù câu trả lời như thế nào đi chăng nữa, bài viết này đề cập đến việc trao trả các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ, thông qua nguồn tư liệu báo chí đương thời, sẽ làm rõ tính chính nghĩa về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này và ý chí bảo vệ chủ quyền có tính kế tục lịch sử của chính quyền đương thời.
Ngay sau khi cuộc hải chiến diễn ra, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH, vì vậy Trung Cộng (cách gọi Trung Quốc của báo chí miền nam trước 1975 - NV) phải có nhiệm vụ trả tự do ngay cho các người này, chứ không cần phải có một thời gian nào đó thuận tiện” (1). Dưới áp lực về ngoại giao và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Quốc đã tiến hành trao trả tổng số 48 tù binh (2), nhưng không được trao trả 1 đợt mà thành 2 đợt và tổ chức trong im lặng.
Đợt thứ nhất được trao trả vào ngày 31.01.1974 có 5 tù binh, “gồm 4 chiến sĩ VNCH và 1 người Mỹ tại Shumchun thuộc biên giới tỉnh Quảng Đông và Hương Cảng” (3). Đợt thứ hai vào ngày 17.02.1974 có “43 tù binh VNCH vừa được Trung Cộng thả hôm Chủ nhật có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa”(4). Trong số đó “có 13 hải quân, 23 chiến sĩ địa phương quân, 4 chiến sĩ công binh và 3 nhân viên khí tượng thuộc Đài khí tượng Hoàng Sa” (5). Trong đợt trao trả thứ nhất, chỉ có 5 tù binh (trong đó có 1 người Mỹ), đồng nghĩa với việc liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này sẽ tác động quyết định đến việc Trung Quốc cần trao trả càng sớm càng tốt. Trong lần trao trả thứ hai, “có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa. Vì anh ấy là tù binh duy nhứt nói được Hoa ngữ nên anh đã làm thông dịch viên cho tù binh VNCH. Thủy thủ Lý Chánh Hùng nói rằng anh không muốn ở lại Hoa lục vì mỗi ngày anh và các đồng đội phải trải qua 3 tiếng đồng hồ tuyên truyền chính trị của Trung Cộng mặc dù Trung Cộng cho ăn uống khá” (6), nghĩa là Trung Quốc cần giam giữ tù binh trong thời gian lâu hơn và có người Hoa để “tuyên truyền chính trị” nhằm xuyên tạc những sự thật lịch sử. Và, vô hình trung làm lộ rõ sự “bất chính” của Trung Quốc đối với sự kiện hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Bên cạnh đó, thái độ của Trung Quốc và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế muốn quá trình trao trả tù binh càng yên lặng càng tốt với lý do là vì sự tế nhị của biến cố Hoàng Sa. Các nhà báo của VNCH đi theo đoàn thực hiện trao trả, các báo tại Trung Quốc cũng như báo quốc tế đã không được phép tiếp cận các tù binh. “Hồng Thập Tự quốc tế muốn việc thả tù càng yên lặng càng tốt. Số người tiếp đón phái đoàn không quá 10 vì hệ thống an ninh tại phi trường Kaitak (7) được tăng cường tối đa, không một ai vô phận sự cần thiết được lọt vô khu vực phi cơ hàng không Việt Nam đậu, kể cả các nhà báo tại Hương Cảng (tức Hồng Kông). Khoảng hơn 10 phóng viên Việt Nam tháp tùng phái đoàn đi đón các chiến sĩ VNCH đã bị “giam lỏng” gần 2 giờ đồng hồ. Phái đoàn viên phi hành vào nhà ga được các nhân viên tại đây hỏi han lung tung về chuyến bay đặc biệt này. Khi đó họ mới vỡ lẽ ra, vì từ trước họ chỉ biết hôm nay có cuộc trả tự do tại biên giới Trung Cộng, Hương Cảng, chớ không hay gì về vụ đón người của Việt Nam Cộng hòa” (8). Căn cứ vào thái độ của các nước có liên quan, vào số lần, sự im lặng bất thường và “tuyên truyền chính trị” đối với tù binh cho thấy đằng sau đó là sự “e dè”, “bất chính” của Trung Cộng khi bị lên án vì dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, đồng thời đó là thái độ của Mỹ muốn sự việc nhanh chóng được khép lại trong “lặng lẽ” một khi Mỹ có được một thế cấn bằng tạm ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngược lại, chính quyền VNCH muốn “đường đường chính chính” việc trao trả tù binh phải diễn ra công khai và được báo chí xâm nhập để chứng minh tính “chính nghĩa” và là một “nạn nhân” như thế nào. Việc này VNCH không thể làm theo ý mình vì việc trao trả tù binh diễn ra trên ở Trung Cộng và do họ quyết định thời gian, địa điểm. Tuy nhiên, chính quyền VNCH đã chứng minh tính “chính nghĩa” bằng cách khác là tổ chức đón tiếp các chiến sĩ tham chiến khi về Việt Nam và thưởng cho họ một cách nồng hậu, các chiến sĩ trở thành đại diện cho ý chí của Việt Nam trong việc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trước hết là đối với các chiến sĩ chiến đấu trở về nhưng không bị bắt làm tù binh, thì ngày 30.1.1974 (số này không nằm trong 48 tù binh bị Trung Quốc bắt giữ, mà nằm trong tổng 121 như đã trình bày ở trên), “tuần dương hạm Lý Thường Kiệt về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn. Đề đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân VNCH đã trao Anh Dũng Bội tinh cho Trung tá Lê Văn Thứ, Hạm trưởng HQ.16 cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thủy thủ. Các nữ sinh cũng choàng vòng hoa chiến thắng và sau đó các thân nhân thủy thủ đoàn được mời lên thăm chiến hạm” (9). Đối với các tù binh được trao trả, khi về đến Sài Gòn, có “một buổi lễ tiếp đón vô cùng long trọng sẽ được Phủ TUDV (Tổng ủy Dân vận) phối hợp với Tổng cục CTCT (Chiến tranh Chính trị) và các Tòa Đô chánh tỉnh Gia Định, với sự tham dự các đoàn thể sinh viên học sinh của các Hội đồng dân cử, các thân hào nhân sĩ tổ chức ngay tại phòng khách Danh dự phi trường Tân Sơn Nhất” (10).
Đồng thời, để “tưởng thưởng những chiến sĩ Hải quân can trường chiến đấu tại Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao có một phái đoàn do ông Nguyễn Hoàn, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao hướng dẫn đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng một ngân phiếu một triệu đồng cho các thương binh và gia đình của tử sĩ Hải quân tham chiến tại Hoàng Sa ngày 19.01.1974 vừa qua. Cũng trong dịp này, ông Hoàn đã ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng hy sinh quả cảm cũng như sự chiến thắng vẻ vang của các chiến sĩ Hải quân (...) để bảo vệ chủ quyền và sự bảo toàn lãnh thổ của VNCH. Ngoài ra, để ghi ơn các anh hùng tử sĩ can đảm đã ngã gục lại hải đảo Hoàng Sa trong chiến trận vừa qua, tên tuổi của một số anh hùng có thể sẽ được chính quyền chấp thuận cho đặt tên một số đường phố tại Thủ đô” (11).
Như vậy, thông qua những thông tin mà báo chí lúc bấy giờ đề cập việc trao trả binh sĩ đã nói lên hai vấn đề: Một là, chính quyền VNCH có những phản ứng mạnh mẽ để khơi dậy tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Hải quân, thể hiện sự đồng thuận cao giữa chính quyền và các chiến sĩ cùng như các tầng lớp khác nhau trong xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Hai là, thông qua thái độ của Trung Quốc trong việc lợi dụng giam giữ các binh sĩ để tuyên truyền lén lút “bất chính” về chủ quyền của họ tại Hoàng Sa, đồng thời họ muốn sự việc diễn ra trong im lặng, là “việc đã rồi”, để giữ nguyên tình hình nhằm thực hiện chính sách bành trướng của mình trong bối cảnh tình hình thế giới lúc bấy giờ.
Võ Hà (Hội KHLS TP. Đà Nẵng)
===
[1] “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, Tia Sáng, ngày 28.01.1974.
[2] Con số 121 mà chính quyền VNCH đưa ra bao gồm tù binh, mất tích và bị trôi dạt trên biển chưa liên lạc được, chính quyền VNCH đưa ra như vậy bao hàm cả ý nghĩa đấu tranh ngoại giao, trên thực tế VNCH chưa thống kê được số lượng binh sĩ mất tích trên biển nên gộp chung lại thành số lượng tù binh. Trung Quốc thông báo chỉ giữ 48 tù binh.
[3] “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31.01/.1974. Người Mỹ này tên là Gerald Emil Kosh, 27 tuổi làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ đang giữ nhiệm vụ liên lạc với Hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng, tới Hoàng Sa ngày 15.01 trong một chuyến công tác thường lệ.
[4] “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, AP, ngày 17.02.1974.
[5] Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17.2 tiếp đón”, Tia Sáng, ngày 18.02.1974.
[6] “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, nđd.
[7] Phi trường Kaitak thuộc địa phận Hương Cảng (Hồng Kông), nằm giáp biên giới Shumchun (Quảng Đông).
[8] “Chuyến đi đón 5 binh sĩ do Trung Cộng thả: cả phái đoàn bị Giam lỏng ở sân bay Kaitak”, Điện Tín, ngày 02.02.1974.
[9] “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31.01.1974.
[10] “Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17.2 tiếp đón”, nđd.
[11] “Bộ Ngoại giao tặng các chiến sĩ Hải quân tham chiến đảo Hoàng Sa một triệu đồng”, Tía Sáng, ngày 16.02.1974.

Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến


Một công trình kiến trúc mang dấu ấn thời Hoàn Vương - Ảnh: PLVN
Thời kỳ “nước Hoàn Vương” có thể coi là thời kỳ quá độ, chuyển mình từ thời kỳ Lâm Ấp sang thời kỳ Chiêm Thành. Nhưng nước Lâm Ấp bên cạnh việc tiếp tục văn hóa Ấn Độ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán và gần gũi với cư dân người Việt cổ hơn. Còn nước Chiêm Thành về sau thì là một quốc gia Ấn hóa thực thụ.
Cuộc chiến đẫm máu với quân đội nhà Tùy năm 605 đã khiến nền tảng của nước Lâm Ấp bị lung lay tột độ. Nước Lâm Ấp bị mất đi thành Phật Thệ (Kandapurpura) cùng với phần lãnh thổ quan trọng ở phía bắc. Lưu Phương chẳng những chiếm đóng thành Phật Thệ mà còn xua quân cướp phá kinh thành Sư Tử (Simhapura) khiến vua Lâm Ấp bấy giờ là Phạm Chí ( hay Phạm Phạn Chi tức Sambhuvarman) phải bỏ thành chạy, quân dân người nước Lâm Ấp thương vong không thể kể xiết. 10 năm sau, nhà Tùy suy yếu, Phạm Chí đem quân chiếm lại được thành Sư Tử. Một vài năm sau nữa, người dân Lâm Ấp nổi dậy chiếm lại thêm một số phần đất đã mất khi nhà Tùy sụp đổ. Tuy nhiên, triều đình Lâm Ấp đã không còn giữ được sự thống nhất của đất nước nữa.
Các tiểu vương ở các xứ vừa bất mãn triều đình, vừa nhân cơ hội triều đình suy yếu mà nổi lên tự giữ lấy đất đai. Lâm Ấp từ đó bước vào thời kỳ phân liệt. Mãi sang thế kỷ thứ VIII, xứ Panduranga trở nên hùng mạnh và khuất phục được các xứ còn lại. Tiểu vương xứ Panduranga là Bhadravarman II sau khi thống nhất đất nước đã lên ngôi, xưng là Prithi Indravarman vào năm 758. Quốc hiệu mà nhà vua đặt cho đất nước mình là Champa (hoặc Campa), và nhiều khi cũng tự xưng quốc hiệu là Panduranga vốn là tên lãnh địa của mình. Sử sách Trung Hoa từ đây trở đi gọi Lâm Ấp là “nước Hoàn Vương”. Kinh đô của nước này sau đó được dời từ Simhapura sang kinh thành mới là thành Hùng Tráng (Virapura, thuộc Ninh Thuận ngày nay).
Thời kỳ nước Hoàn Vương, văn hóa Ấn vốn được người Panduranga tiếp thu mạnh mẽ từ nước Phù Nam xưa kia, nay được lan truyền mạnh mẽ khắp cả nước khiến cho người dân tại đây vốn đã trải qua những giai đoạn Ấn hóa, nay lại càng Ấn hóa nhiều hơn. Điều này dẫn đến việc người Hoàn Vương dứt bỏ hoàn toàn lớp áo của văn hóa Hán, chính thức bước vào hàng ngũ những nước theo văn minh Ấn Độ. Cùng với đó, những bản sắc từ thời kỳ cổ đại vẫn tồn tại và duy trì.
Các vua Hoàn Vương không còn giữ thái độ hiếu chiến với phương bắc như trong thời kỳ Lâm Ấp mà chủ động kết bang giao với đế quốc Đường. Đây là một trong những nền tảng hưng thịnh cho nước Hoàn Vương. Thế nhưng thế kỷ VIII là thời mà hai thế lực hiếu chiến khác vươn lên mạnh mẽ. Người Khmer sau khi diệt nước Phù Nam vẫn tiếp tục đà bành trướng, luôn chực chờ đánh cướp Hoàn Vương từ hướng tây và hướng nam. Ngoài phía biển, người Java (thuộc Indonesia ngày nay) dưới triều các vị vua Cailendra luôn coi mình là vua của thiên hạ và tìm cách đứng chân trên đất liền. Nhà Cailendra luôn nhòm ngó những vùng đất duyên hải giàu có của Hoàn Vương. Đó quả thực là những mối đe dọa thường trực và nghiêm trọng.
Năm 774, quân đổ bộ cướp phá hai xứ Kauthara và Panduranga. Vua Prithi Indravarman chết trong chiến trận khiến quân Hoàn Vương tan vỡ, các quý tộc Hoàn Vương phải chạy về vùng núi phía tây. Quân Java thả sức cướp phá các đền đài. Đền thờ Po Nagar, niềm kiêu hãnh của Hoàn Vương bị cướp đi rất nhiều tượng vàng, châu báu. Ngay sau đó, vị vua mới lên thay thế là Satyavarman dựa vào sự hỗ trợ của các tộc người sơn cước đã tập họp lại lực lượng, tiến hành phản công. Quân Hoàn Vương cuối cùng đánh đuổi được quân Java, khôi phục lại các vùng đất đã bị chiếm và dùng thủy quân rượt đuổi quân giặc chạy dài trên biển.
Năm 787 vương quốc Java lại cất quân xâm lược nước Hoàn Vương. Quân Java tràn vào cướp phá kinh đô Virapura, bắt cóc phụ nữ và giết hại rất nhiều. Vua Indravarman I phải bỏ kinh thành mà chạy về hướng tây. Một cuộc chiến trường kỳ đã diễn ra. Mãi đến 799 quân Chăm mới có thể đánh đuổi giặc biển ra khỏi bờ cõi.
Sang thế kỷ thứ IX, nước Hoàn Vương trở nên hùng mạnh và không còn bị uy hiếp bởi giặc biển như trước, trái lại các vua Hoàn Vương là Harivarman I và Vikrantavarman III còn nhân đà cường thịnh cất quân chinh phạt khắp nơi để trả đũa và cướp bóc các nước lân bang. Quân đội Hoàn Vương còn nhân cơ hội đế chế Đường suy yếu cất quân chiếm lại phần đất phía bắc, đưa biên giới dân đến phía nam dãy Hoành Sơn. Sau đó, quân Hoàn Vương còn tràn sang cướp châu Hoan và châu Ái. Đến năm 809, thái thú nhà Đường là Trương Chu đem quân đánh bại được quân Hoàn Vương
Lúc này đế quốc Khmer cũng bước vào giai đoạn cực thịnh, trở thành mối đe dọa chính cho Hoàn Vương. Nhiều trận chiến giữa hai bên đã nổ ra để tranh giành vùng cao nguyên Đồng Nai thượng. Cuộc chiến dai dẳng này đã khiến đất nước quốc lực cả hai bên hao tổn. Nhất là những xứ phía nam nước Hoàn Vương bị tàn phá nặng nề. Điều này tạo cơ hội cho dòng vương tôn phía bắc vươn lên nắm giữ vị thế cao trong triều.
Năm 854, vua Vikrantavarman III mất mà không có con nối. Lúc bấy giờ, vương tôn Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin xứ Indrapura đã lãnh đạo quân dân kiên cường chống giặc ngoại xâm phía nam, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Do đó, các vương tôn và triều thần đã tôn Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin lên ngôi vua vào năm 859. Vị vua mới lấy hiệu là Indravarman II, mở ra một triều đại mới. Quốc hiệu Champa vốn đã có từ trước, dưới thời vua Indravarman II được người Trung Hoa biết đến sau những chuyến đi sứ. Kể từ đó, trong sử sách Trung Hoa và sử Việt về sau gọi đất nước của vua Indravarman II là nước Chiêm Thành.
Thời kỳ “nước Hoàn Vương” có thể coi là thời kỳ quá độ, chuyển mình từ thời kỳ Lâm Ấp sang thời kỳ Chiêm Thành. Nhưng nước Lâm Ấp bên cạnh việc tiếp tục văn hóa Ấn Độ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán và gần gũi với cư dân người Việt cổ hơn. Còn nước Chiêm Thành về sau thì là một quốc gia Ấn hóa thực thụ. Nước Chiêm Thành ban đầu theo Phật giáo Đại thừa. Kinh đô Đồng Dương (Indrapura) được xây dựng đồng thời cũng là một trung tâm tôn giáo mới. Các vị Đạt ma và tu viện được coi trọng hơn bao giờ hết, được vua miễn không phải đóng thuế.
Kể từ thời vua Indravarman II, nước Chiêm Thành đã hùng mạnh và đủ khả năng chống đỡ cũng như phản công không khoan nhượng trước những thế lực hiếu chiến phía nam, đặc biệt là Java. Nhưng chẳng bao lâu sau, một sự kiện lớn đã diễn ra ở phía bắc Chiêm Thành. Năm 938, Ngô Quyền với đại thắng Bạch Đằng đã khôi phục lại nền độc lập cho dân tộc Việt, kết thúc hơn ngàn năm bắc thuộc đầy khổ nhục, tù túng. Vùng lãnh thổ một thời gian dài là một châu quận xa xôi của các triều đại phương bắc chuyển mình thành một quốc gia với những sức mạnh mới. Trong khi đó, người Chiêm Thành vẫn có thói quen đánh cướp các vùng đất phía nam Giao Châu cũ để cướp của, bắt nô lệ. Việc này sẽ là mầm mống cho những mối binh đao tàn khốc về sau.

Quốc gia cổ Hoàn Vương gồm 5 xứ:
- Xứ Indrapura bao gồm đất đai tương ứng với ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay. Cư dân vùng này là sự pha trộn giữa người Việt cổ và người Chăm cổ.
- Xứ Amaravati tương ứng với hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Xứ này từng là vùng trung châu của người Chăm qua nhiều thế kỷ.
- Xứ Vijaya tương ứng với tỉnh Bình Định ngày nay là vùng thương cảng quan trọng của cả đất nước
- Xứ Kauthara tương ứng với tỉnh Khánh Hòa ngày nay
- Xứ Panduranga tương ứng với hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Xứ này có cư dân pha trộn với người Phù Nam.
Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề:

Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...


Một góc công trình thời vương quốc Lâm Ấp
Trong hàng thế kỷ, các vị vua Lâm Ấp đã tiến hành nhiều cuộc chiến lớn nhỏ để bảo vệ và bành trướng lãnh thổ cả về phương bắc lẫn phương nam. Biên giới Lâm Ấp tùy theo lúc thịnh suy mà liên tục co duỗi.
Cuối thế kỷ thứ II, sau nhiều năm bền bỉ chiến đấu, người Chăm đã cuối cùng đã thoát khỏi được ách đô hộ phương bắc để lập nên nước Lâm Ấp. Chiến thắng này bên cạnh nguyên nhân chủ quan là ý chí kiên cường của nhân dân huyện Tượng Lâm thuộc Hán, còn nhờ vào những yếu tố khách quan là vị trí địa lý nằm xa trung tâm của đất Tượng Lâm và sự phản kháng của những dân tộc khác trong đế chế Hán đã góp phần kìm chế quân Hán không cho chúng có điều kiện đưa quân xuống phương nam xa xôi.
Nước Lâm Ấp có nền tảng là văn minh Sa Huỳnh cổ, ban đầu là một quốc gia có nhiều nét văn hóa tương đồng với nước Âu Lạc cũ và nước Hán. Từ khoảng thế kỷ thứ IV trở đi, nước Lâm Ấp bắt đầu quá trình Ấn hóa mạnh mẽ. Văn hóa Ấn Độ được Lâm Ấp tiếp thu từ nước láng giềng Phù Nam và thông qua các hoạt động thương mại. Người Chăm theo miêu tả của người Trung Hoa có da đen, mũi cao, mắt sâu, tóc xoăn. Họ búi tóc và siêng tắm gội, thích dùng hương liệu khử mùi cơ thể. Y phục của họ may bằng vải bông, quấn từ lưng đến chân.
Một trong những nét chủ yếu nhất của lịch sử nước Lâm Ấp chính là chiến tranh với láng giềng. Lãnh thổ sơ kỳ của Lâm Ấp chỉ bao gồm huyện Tượng Lâm. Các đời vua Lâm Ấp luôn có tham vọng bành trướng lãnh thổ. Trong hàng thế kỷ, các vị vua Lâm Ấp đã tiến hành nhiều cuộc chiến lớn nhỏ để bảo vệ và bành trướng lãnh thổ cả về phương bắc lẫn phương nam. Biên giới Lâm Ấp tùy theo lúc thịnh suy mà liên tục co duỗi.
Năm 248, lợi dụng việc Bà Triệu khởi binh chống Đông Ngô, quân Lâm Ấp chiếm trọn quận Nhật Nam và tràn vào tận quận Cửu Chân. Sau đó, quân Ngô dưới sự chỉ huy của tướng Lục Dận đánh bại được Bà Triệu. Nhân đà thắng, Lục Dận tiến đánh quân Lâm Ấp, buộc quân Lâm Ấp phải rút lui về phần đất cũ trước cuộc chiến.
Năm 270, vua Chăm là Phạm Hùng lên ngôi bắt đầu cuộc chiến thu phục các thành ấp dọc duyên hải miền trung. Lãnh thổ Lâm Ấp bấy giờ nhanh chóng mở rộng về phương nam. Kế đến, Phạm Hùng kết liên minh với Phù Nam và cho quân lấn lên phía bắc, chiếm đất đến bắc sông Gianh (thuộc Quảng Bình ngày nay), cho dựng thành Khu Túc làm nơi phòng thủ. Quân Lâm Ấp giao tranh với quân Tấn hàng mấy năm ròng hòng chiếm thêm đất đai. Đến năm 282, quân Lâm Ấp bị quân Tấn dưới sự chỉ huy của tướng Đào Hoàng đánh bại, Phạm Hùng chết trong chiến trận. Quân Lâm Ấp lui về nam. Con Phạm Hùng là Phạm Dật lên nối ngôi. Năm 284, Phạm Dật sai sứ hòa nghị với Tấn, hai bên hòa bình được hơn nửa thế kỷ.
Năm 331, vua Phạm Dật chết không có con nối. Tể tướng là Phạm Văn soán ngôi làm vua. Dưới triều Phạm Văn, quân đội Lâm Ấp được cải tổ trở nên hùng mạnh hơn trước. Quân số được biên chế khoảng 4-5 vạn người chia làm bộ binh và thủy binh. Vũ khí có gươm, giáo làm bằng sắt tốt, cung nỏ làm bằng tre. Tượng binh Lâm Ấp có đến hàng ngàn con voi chiến. Vua Phạm Văn cho xây dựng kinh thành mới là thành Phật Thệ (Kandapurpura, thuộc Huế ngày nay). Từ năm 336 đến năm 340, quân Lâm Ấp tiếp tục nam tiến, thu phục thêm nhiều thành ấp. Lãnh thổ Lâm Ấp bấy giờ bành trướng đến xứ Cattigara (tương ứng vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay), tiếp giáp trực tiếp với nước Phù Nam. Do bấy giờ Lâm Ấp và Phù Nam đang liên minh nên không tiện xâm lấn, Phạm Văn quay mũi giáo sang hướng bắc để tiếp tục tham vọng mở mang bờ cõi. Quân Lâm Ấp bắc tiến, chiếm trọn đất đai quận Nhật Nam, giết tướng nước Tấn là La Hầu Lãm, lấy dãy Hoành Sơn làm ranh giới với nước Tấn.
Năm 349, Phạm Văn bị thương trong một trận đánh và chết sau đó. Con ông là Phạm Phật lên nối ngôi tiếp tục cuộc chiến đẫm máu với nước Tấn. Phạm Phật tung quân tiến vây thành Cửu Chân khiến quân Tấn khốn đốn. Năm 353, quân Tấn dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Phu bắt đầu phản công, từng bước đánh đuổi quân Lâm Ấp chạy dài, hạ hơn 50 lũy. Năm 372, trước thế mạnh của quân Tấn, Phạm Phật phải cầu hòa và xin triều cống. Biên giới Lâm Ấp lùi về bờ nam sông Nhật Lệ (thuộc Quảng Bình ngày nay).
Năm 399, Lâm Ấp bấy giờ dưới sự cai trị của con trai Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt trở nên hưng thịnh lại tung quân bắc tiến. Lần này, quân Lâm Ấp chiếm luôn cả quận Nhật Nam và quận Cửu Chân, tiến vào cướp phá Giao Châu. Đỗ Viện dẫn quân Giao Châu chặn được quân Lâm Ấp, Phạm Hồ Đạt rút quân về giữ đèo Ngang. Năm 413, Phạm Hồ Đạt sai quân đánh cướp quận Cửu Chân, tướng Tấn là Đỗ Tuệ Độ đánh lui, chém được tướng Lâm Ấp. Năm 415, quân Lâm Ấp lại dong thuyền ra đánh Giao Châu rồi rút về.
Năm 420, ở chính quốc triều đình nhà Tấn đã suy yếu nhưng Giao Châu dưới sự cai trị của thứ sử Đỗ Tuệ Độ lại giàu mạnh. Đỗ Tuệ Độ dẫn quân tiến đánh nước Lâm Ấp với quy mô lớn. Quân Lâm Ấp đánh với quân Tấn bị thua to, chết đến quá nửa. Triều đình Lâm Ấp vì thế phải xin hàng phục, Tuệ Độ thuận cho vì tình hình chính quốc đang bất ổn không thể đánh dứt điểm được. Trong năm này, nước Tấn bị diệt. Lãnh thổ Trung Hoa phân rã, nhà Lưu Tống lên thay Tấn cai trị Giao Châu.
Năm 431, Lâm Ấp bấy giờ có vua mới là Phạm Dương Mại nhân tình thế phương bắc rối ren đã tung quân đánh Cửu Chân. Thừa thế thắng, vua Lâm Ấp lại cho sứ sang Lưu Tống “xin” đất Giao Châu. Tất nhiên, vua Lưu Tống từ chối với cớ là đường xá xa xôi. Chẳng những vậy, vua Lưu Tống Văn Đế còn ngấm ngầm lập mưu trả đũa Lâm Ấp.
Năm 436, vua Lưu Tống sai tướng Đàn Hòa Chi đem quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại chống không nổi phải bỏ cả kinh đô mà chạy. Quân Lưu Tống thả sức cướp bóc vàng lụa, châu báu. Tuy nhiên, quân Lưu Tống không đủ khả năng chiếm đóng lâu dài mà phải rút lui sau đó. Phạm Dương Mại dẫn quân trở về kinh đô Phật Thệ điêu tàn, lãnh đạo quân dân khôi phục lại đất nước. Lãnh thổ Lâm Ấp bị lùi sâu về nam, đến huyện Lô Dung (thuộc Thừa Thiên-Huế ngày nay). Đến năm 446, vua Phạm Dương Mại chết. Lâm Ấp sau đó rơi vào thời kỳ loạn lạc kéo dài.
Năm 541, Lí Bí đánh đuổi được quân Lương, làm chủ toàn bộ Giao Châu. Hai năm sau, năm 543 vua Lâm Ấp là Rudravarman I dẫn quân xâm lấn. Lí Bí sai tướng Phạm Tu đi đánh. Hai quân đụng trận tại quận Cửu Đức, vua Lâm Ấp thua chạy trước quân của Phạm Tu. Sau thắng lợi, Lí Bí xưng đế, dựng nước Vạn Xuân vào năm 544. Từ năm này về sau Lâm Ấp tạm yên mặt bắc do cuộc chiến kéo dài giữa nước Vạn Xuân với nhà Lương và chiến tranh Nam-Bắc triều khiến cho các quốc gia phía bắc Lâm Ấp xao nhãng phương nam. Thế nhưng Lâm Ấp không tận dụng được quãng thời gian này để đoàn kết lực lượng và khôi phục sức mạnh. Bởi thế, họ đã phải trả giá.
Đầu thế kỷ thứ VII, nước Tùy thống nhất được vùng Trung Nguyên, kết thúc cục diện Nam Bắc triều ở Trung Hoa. Nhà Tùy ngay sau đó liền tính đến chuyện nam chinh. Năm 602, tướng Tùy là Lưu Phương đem quân 27 doanh đi đánh nước Vạn Xuân, vua Hậu Lý Nam Đế phải chịu đầu hàng. Kế đến, nhà Tùy nghe tiếng Lâm Ấp có nhiều vàng bạc châu báu nên dẫn quân đánh xuống vào năm 605. Quân Lâm Ấp dưới sự lãnh đạo của vua Phạm Phạn Chí (Sambhuvarman) đã chống cự kiên cường nhưng không chống nổi quân Tùy thiện chiến. Kinh đô Phật Thệ bị mất vào tay giặc. Lần này nước Tùy đóng quân chiếm hẳn đất đai Lâm Ấp. Trong sử sách Việt và Trung Hoa kể từ đây coi như nước Lâm Ấp đã bị diệt vong. Đánh giá về nguyên nhân diệt vong của quốc gia này, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu chung lại, các sử gia cho rằng nước Lâm Ấp chỉ chăm vũ lực mà không lo củng cố nội trị. Đến khi bên ngoài thì gây oán với nước lớn hơn mình gấp hàng chục lần, bên trong thì nội bộ không đồng nhất nên chuốc lấy bại vong.
Thế nhưng lịch sử người Chăm chưa kết thúc mà chỉ sang một trang mới. Vua Phạm Phạn Chi sau khi bại trận lui về giữ xứ Amaravati (gồm Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay), cùng với phần đất còn lại ở phía nam tiếp tục duy trì đất nước. Ông đóng đô tại thành Trà Kiệu (Simhapura), là kinh đô thứ hai của người Chăm sau thành Phật Thệ. Đây là giai đoạn quá độ trong sử Chăm từ thời kỳ Lâm Ấp sang thời kỳ Chiêm Thành (Champa).
Quốc Huy

3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt


Trống đồng là biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn - Ảnh: Wikipedia
3 miền nước ta đều có những nền văn minh từ lâu đời. Đây là điều vô cùng đặc biệt vì không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được những nền văn minh sớm và đa dạng như đất nước chúng ta.
Thời tiền sử, Việt Nam là một trong những ngã tư đường của các luồng di cư. Trên lãnh thổ nước ta đã sớm xuất hiện các cộng đồng người tiền sử thuộc hai đại chủng Mogonloid và Australoid. Người người thuộc hai đại chủng này đã sinh sống trên lãnh thổ nước ta đã có sự hôn phối, hòa huyết với nhau tạo thành những chủng người mới. Do đời sống thời mông muội khá bấp bênh, chọn lọc tự nhiên khá gay gắt nên một số dòng di cư đã bị tuyệt diệt. Một số khác thích nghi được với điều kiện sống, sinh sôi và phát triển.
1. Văn minh Đông Sơn:
Theo huyền sử được chép trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Kinh Dương Vương đã lập ra nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước công nguyên tức khoảng 5.000 năm trước, là quốc hiệu đầu tiên của người Việt. Trên thực tế thì giai đoạn này hầu hết những vùng trên thế giới vẫn còn sống đời sống mông muội, trừ một vài vùng hiếm hoi ở Bắc Phi và Trung Cận Đông bắt đầu thoát khỏi thời kỳ đồ đá và biết làm nông nghiệp thành thục, biết xây dựng thành phố. Ở nước ta, 5.000 năm trước cư dân vẫn đang trong thời kỳ đồ đá mới.
Đến khoảng 4.000 năm trước, những nền tảng văn minh đầu tiên đã xuất hiện ở miền bắc Việt Nam. Tầng văn hóa Phùng Nguyên mà khảo cổ học khai phá đã cho chúng ta biết rằng những cư dân thời kỳ này đã biết chế tác công cụ bằng đá với độ tinh xảo cao, dựng nhà, làm gốm, đồ trang sức, lưới đánh cá … Đến giai đoạn khoảng 3.500 năm trước, cư dân tại đồng bằng bắc bộ đã chuyển sang một tầng văn hóa mới được định danh là văn hóa Đồng Đậu. Lúc này, nông nghiệp đã xuất hiện, và người ta đã bắt đầu bước vào thời đại đồ đồng. Nối tiếp thời kỳ văn hóa Đồng Đậu là văn hóa Gò Mun từ khoảng 3.000 năm trước, nông nghiệp trồng lúa nước và kỹ thuật luyện kim đồng đã đạt đến trình độ cao. Năng suất lao động thời bấy giờ tăng cao. Xã hội bắt đầu phân hóa mạnh, các cộng đồng người được tổ chức thành những bộ lạc được chỉ huy bởi những vị thủ lĩnh. Những bộ lạc sinh sống trên vùng bắc bộ chia sẻ ngôn ngữ và nhiều tập quán tương đồng, vừa hợp tác với nhau để chống cải tạo tự nhiên và các thế lực ngoài vùng, vừa có sự cạnh tranh lợi ích với nhau. Để chiến đấu và sinh tồn, các công nghệ mới được áp dụng vào chế tác vũ khí. Cung tên, giáo, rìu chiến … được làm bằng đồng thau trở nên phổ biến.
Sự phát triển của văn hóa Gò Mun đã dẫn đến văn hóa Đông Sơn, một nền văn minh thực sự của tổ tiên người Việt. Thời kỳ Đông Sơn có cột mốc xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh điểm của thời đại đồ đồng trên miền Bắc Việt Nam, và bắt đầu chuyển sang thời đại đồ sắt. Trên nền tảng xã hội phát triển khá hoàn chỉnh và một nền kinh tế đa dạng bao gồm nông nghiệp, thủ công, ngư nghiệp và hàng hải, nhà nước đầu tiên của người Việt ra đời.
Thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, trên lãnh thổ miền bắc Việt Nam đã định hình hai tộc người chủ yếu là người Âu Việt và người Lạc Việt, đều thuộc chủng Mongoloid phương nam. Người Lạc Việt có 15 bộ lạc gồm Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức (theo Việt Sử Lược). Trong số các bộ lạc, Văn Lang là bộ lạc hùng mạnh nhất. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã được các bộ lạc còn lại tôn làm vua, sử gọi là vua Hùng, lập ra nước Văn Lang. Lãnh thổ nước Văn Lang chủ yếu là vùng đồng bằng, vùng trung du bắc bộ và vùng bắc trung bộ ngày nay. Kinh đô Văn Lang đóng tại Phong Châu (Phú Thọ), cả nước chia làm 15 bộ tương ứng với vùng của 15 bộ lạc trước khi lập quốc.
Cư dân Văn Lang là những người giỏi nghề sông biển, trồng lúa nước và đúc đồng. Ở nơi sông nước, người dân có tục xăm mình để tránh giao long làm hại. Lương thực chính của người Văn Lang là lúa nếp, dùng để nấu xôi và làm bánh. Bên cạnh đó, lúa tẻ và những hoa màu khác cũng là những sản phẩm thường xuyên được sản xuất và tiêu dùng. Trống đồng Đông Sơn là di sản minh chứng cho trình độ phát triển cao của văn minh Đông Sơn. Qua các họa tiết trên trống, chúng ta có thể hiểu về trang phục, lối sinh hoạt hằng ngày, kiến trúc nhà cửa, kiểu dáng thuyền, nếp nghĩ, nếp sống thời xưa. Trống đồng không chỉ được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam, mà còn ở những nơi khác tại Đông Nam Á và vùng Hoa Nam. Điều đó chứng tỏ, đã có sự giao thoa về thương mại và văn hóa nhộn nhịp vào thời cổ đại. Về quân sự, người Việt giỏi thủy chiến và sử dụng cung nỏ trong chiến đấu. Mũi tên đồng của người Việt có khả năng xuyên giáp gieo rắc nổi kinh hoàng cho kẻ thù. Khi ra trận, trống đồng được dùng làm hiệu lệnh tiến công, khiến cho tinh thần chiến đấu của các chiến binh dâng cao. Bên cạnh vũ khí bằng đồng, từ giữa thời kỳ Đông Sơn đã xuất hiện vũ khí làm bằng sắt, là công nghệ tối tân thời bấy giờ. Truyền thuyết về Thánh Gióng được nhiều ý kiến đánh giá là một câu chuyện thần thánh hóa sự việc có thật rằng dựa vào vũ khí và áo giáp bằng sắt, người Lạc Việt đã chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.
Trong thời kỳ Đông Sơn, bên cạnh sự phát triển mạnh của cộng đồng người Lạc Việt thì người Âu Việt cũng phát triển thế lực ở gần vùng núi phía bắc và đông bắc bộ, ngay bên cạnh lãnh thổ nước Văn Lang. Khoảng gần công nguyên, người Âu Việt cũng đã lập quốc. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi nước của người Âu Việt là nước Thục. Còn theo truyền thuyết của dân Tày, Nùng thì nước này có tên là Nam Chưởng hoặc Nam Cương.
Thậm chí một số nhóm Âu Việt đã sinh sống hòa lẫn với người Lạc Việt trong vùng cai trị của các vua Hùng. Do có sự tương đồng nhất định về nhân chủng, phong tục tập quán nên hai cộng đồng Âu Việt và Lạc Việt chung sống với nhau tương đối hòa bình. Sự xâm lấn của các thế lực từ phương bắc càng thúc đẩy người Âu Việt tiến về phương nam. Năm 257 trước công nguyên, vua của người Âu Việt là Thục Phán nhân lúc vua Hùng nước Văn Lang không phòng bị, kéo quân đánh chiếm Phong Châu, lãnh thổ của nước Văn Lang và Âu Việt được sáp nhập làm một. Sau khi thay thế vua Hùng, Thục Phán thi hành chính sách hòa hợp hai cộng đồng, đặt tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương. Thời kỳ Âu Lạc cũng là thời mà văn minh Đông Sơn đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
2. Văn minh Sa Huỳnh:
Trên dải đất miền trung Việt Nam vào khoảng 4.000 năm trước, các cư dân thuộc chủng Malayo-Polynesian (Mã Lai – Nam Đảo) đã sinh sống tràn ngập. Họ đã biết làm nông nghiệp và bắt đầu bước vào thời đại kim khí. Các nhà khảo cổ học gọi thời kỳ này là thời kỳ văn hóa Tiền Sa Huỳnh. Khác với những cư dân vùng bắc Việt Nam cùng thời, những người Tiền Sa Huỳnh luyện đồng với quy mô nhỏ hơn nhiều.
Hiện vật nền văn minh Sa Huỳnh - Ảnh: báo Quảng Nam
Tuy nhiên, đến giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh vào khoảng 3.000 năm trước đến đầu công nguyên, người Sa Huỳnh đã có bước nhảy vọt về kỹ thuật luyện kim và bước vào kỷ nguyên đồ sắt sớm hơn cả văn minh Đông Sơn. Vũ khí và công cụ bằng sắt trong các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh có tỉ lệ vượt trội so với đồ đồng. Do đặc điểm của vùng đất ven biển với các đồng bằng nhỏ hẹp, người Sa Huỳnh không thể chỉ dựa vào nông nghiệp để sống mà có hoạt động kinh tế dựa trên cả ba nền tảng nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại.
Mặc dù cũng trồng lúa nước như cư dân Đông Sơn, cư dân Sa Huỳnh có lương thực chính là lúa tẻ chứ không phải lúa nếp. Sản phẩm của văn hóa Sa Huỳnh đa dạng, hướng đến nền kinh tế hàng hóa. Riêng về thủ công nghiệp, bên cạnh các sản phẩm đồ gốm, người Sa Huỳnh phát triển nghề luyện thủy tinh và chế tác đá quý thành những đồ trang sức tuyệt đẹp. Những đồ trang sức và thủy tinh của người Sa Huỳnh đã trở thành hàng hóa quý giá, được nhiều nước trong khu vực ưu chuộng.
Cư dân Sa Huỳnh thời cổ đại là tổ tiên của người Chăm, nền văn minh mà họ tạo nên chính là tiền đề cho văn minh Chămpa về sau. Hiện chưa có bằng chứng để khẳng định rằng liệu người Sa Huỳnh đã có thành lập nhà nước như những cư dân Đông Sơn hay chỉ tồn tại những thành bang, bộ lạc nhỏ cùng chia sẻ chung một nền văn minh. Đến đầu công nguyên, cư dân Sa Huỳnh đã có sự phát triển về văn minh ngang ngửa với văn minh Đông Sơn, với sức sản xuất không hề thua kém.
3. Văn minh Ốc Eo:
Tầng văn hóa đầu tiên được khảo cổ học tìm thấy ở vùng Nam bộ là tầng văn hóa Đồng Nai, xuất hiện vào khoảng 4.000 – 3.000 năm trước. Chủ thể của văn hóa Đồng Nai là cư dân thuộc chủng Mã Lai – Đa Đảo. Trên vùng đất Đông Nam Bộ màu mỡ, thiên nhiên trù phú, cư dân văn hóa Đồng Nai chủ yếu sinh sống bằng canh tác nương rẫy, săn bắt và hái lượm. Cũng giống như cư dân Sa Huỳnh, việc khan hiếm mỏ đồng thúc đẩy cư dân văn hóa Đồng Nai sớm phát triển kỹ thuật luyện sắt và tiến vào kỹ nguyên đồ sắt mạnh mẽ.
Các sản phẩm thủ công đặc trưng của văn hóa Đồng Nai là trang sức, đồ thủy tinh. Sự phát triển các nghề thủ công đã góp phần thúc đẩy thương mại và hàng hải. Về cuối giai đoạn văn hóa Đồng Nai, các thành thị ven biển đã hình thành và phát triển. Cho đến khoảng 2.000 năm trước, văn hóa Đồng Nai đã tiếp thu nhiều yếu tố ngoại lai. Cư dân văn hóa Đồng Nai vừa ưa chuộng những chiếc trống đồng du nhập từ Văn Lang, vừa học cách rèn vũ khí theo mẫu của các nước Chiến Quốc Trung Hoa. Đặc biệt là ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ đã chuyển biến văn hóa Đồng Nai sang một tầm cao mới, chính là văn minh Ốc Eo.
Tháp Chót Mạt đậm đà bản sắc nền văn hóa Óc Eo một thời - Ảnh: YAN
Văn minh Ốc Eo là sự nối tiếp, kế thừa của văn hóa Đồng Nai kết hợp với những yếu tố du nhập từ văn minh Ấn Độ. Vào khoảng đầu công nguyên, cư dân Ốc Eo đã lập nên vương quốc Phù Nam với trung tâm nằm tại vùng mà ngày nay là Hà Tiên, Kiên Giang. Phù Nam là một nước có nền kinh tế chuyên về thương mại và hàng hải. Cư dân Phù Nam là những chủ thể đầu tiên khai phá và làm chủ toàn bộ đất đai Nam bộ. Với tiềm lực kinh tế hùng mạnh, họ thiết lập được sự cai trị trên khắp vùng Nam bộ và lấn dần về phía tây, lần lượt kiểm soát đất đai của vùng ngày nay là nước Campuchia.
Đông Sơn, Sa Huỳnh và Ốc Eo là ba nền văn minh Việt Nam thời cổ đại đều đáng để người Việt trân trọng và nghiên cứu, bảo tồn. Trên đây là những nét khái quát về sự hình thành văn minh và một số đặc trưng sơ lược nhất. Để tìm hiểu sâu hơn về việc thịnh suy của các nền văn minh, mời độc giả đón xem những kỳ sau.
(còn nữa)
Quốc Huy

Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán


Tranh vẽ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Vào năm 111 TCN, nhà Hán sau khi dùng vũ lực xâm lược Nam Việt thì tiếp tục xua quân tiến sâu xuống phương nam, chiếm thêm những vùng đất của những cư dân thuộc nền văn minh Sa Huỳnh, vốn bấy giờ vẫn chưa lập quốc.
Cho đến khoảng đầu công nguyên, người Sa Huỳnh đã bước vào thời đại đồ sắt, với các thành tựu văn minh không hề thua kém người Đông Sơn. Tuy nhiên, điều khác biệt là trong khi những chủ thể của văn minh Đông Sơn đã cùng nhau chung sống trong một quốc gia thống nhất hàng trăm năm thì cư dân Sa Huỳnh chưa có một nhà nước chung. Họ sống trong các thành ấp riêng biệt trải dọc dải đất ven biển miền trung Việt Nam ngày nay.
Những vùng đất phương nam cùng với đất đai bộ Việt Thường của nước Âu Lạc bị triều đình nước Hán gộp chung lại, đặt thành quận Nhật Nam có địa giới tương ứng với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Quận này gồm có 5 huyện là Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung, Tượng Lâm.
Chuỗi sự kiện này là những nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp thúc đẩy những cư dân Sa Huỳnh cổ đại tiến tới thành lập nhà nước. Ban đầu, vốn là những thành ấp nhỏ không thống nhất về lực lượng, họ dễ dàng bị quân xâm lược phương bắc đánh bại và phải chịu nằm trong vòng kìm tỏa của đế chế Hán. Khi không còn tự do, tổ tiên người Chăm đã cùng với tổ tiên người Kinh Việt và những dân tộc khác vùng lên kháng cự mạnh mẽ để thoát khỏi ách đô hộ phương bắc. Tuy nhiên do điều kiện địa lý khác biệt, hiệu quả của những cuộc đấu tranh đó cũng khác nhau nhiều.
Bấy giờ vào năm 40 sau công nguyên, Trưng nữ vương Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã lãnh đạo quân dân Lạc Việt dấy binh khởi nghĩa. Chẳng những khôi phục lại chủ quyền cho người Âu Lạc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng còn được sự hưởng ứng của các tộc người láng giềng. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng”. Quận Nhật Nam đương thời tức là đất mà tổ tiên người Chăm cư trú. Sau khi Trưng nữ vương chiến thắng quân Hán thì giang sơn mà bà lập nên ngoài phần lớn vùng Lĩnh Nam (Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), đất đai Âu Lạc cũ còn bao gồm cả đất của người Chăm sinh sống. Đất nước mà Hai Bà Trưng lập nên, sử gọi là nước Lĩnh Nam, có kinh đô là Mê Linh (thuộc Hà Nội ngày nay). Đó là lần đầu tiên, người Việt và người Chăm cùng đứng chung một chiến tuyến, cùng chung một chính thể, một đất nước.
Tiếc rằng, cơ nghiệp của Hai Bà Trưng không được bền lâu do đế chế Hán thời kỳ này đang rất hùng mạnh, dưới sự cai trị của Hán Quang Vũ Đế là một bạo chúa cực kỳ quyết tâm bành trướng. Cuộc chiến không cân sức giữa quân dân Lĩnh Nam và đế chế Hán kết thúc sau 3 năm. Trên khắp một vùng rộng lớn, tướng Hán là Mã Viện tiến hành việc đàn áp và trả thù vô cùng tàn bạo. Sau khi cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại, các sắc dân Lĩnh Nam lại trở lại thân phận “dân hạng hai” dưới sự cai trị của Hán triều. Trong vòng kìm tỏa khổng lồ ấy, rải rác vẫn nổ ra những cuộc phản kháng nhằm giành lấy tự do, nhân phẩm và lợi ích chính đáng của các sắc dân. Một trong những cuộc phản kháng ấy là phong trào giành độc lập của quân dân huyện Tượng Lâm (bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay), thuộc quận Nhật Nam.
Ở quận Nhật Nam nói chung và huyện Tượng Lâm nói riêng thời kỳ này là địa bàn sinh sống của nhiều nhóm sắc tộc. Trong đó có người Âu Lạc cũ và người Chăm hai nhóm sắc tộc chính. Do là vùng đất ở xa trung tâm đế chế, vùng phía nam quận Nhật Nam thường xuyên là nơi xảy ra xung đột mà quân đội nước Hán không thể nào điều động đủ nhân lực để bình định hoàn toàn. Năm 100 sau công nguyên, 3000 quân dân Tượng Lâm nổi dậy đốt phá dinh thự các quan cai trị người Hán. Đến năm 137, nhân dân Tượng Lâm đứng lên khởi nghĩa, đánh chiếm huyện lị, giết chết quan đô hộ. Theo sử Việt, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này là Khu Liên. Thực tế, tên gọi Khu Liên này không phải chỉ một nhân vật cụ thể, mà là danh xưng của một dòng thủ lĩnh người Chăm đương thời.
Ngay sau khi biết tin, viên Thứ sử Giao Châu là Phàn Diễn đã điều động quân binh hai quận Giao Châu, Cửu Chân đông 1 vạn người tiến xuống đánh dẹp. Trong đội quân này có nhiều người bản địa bị bắt đi lính cho nhà Hán. Khi được điều động, đại bộ phận binh sĩ đã chống lệnh không tiến quân. Phàn Diễn cố gắng đốc thúc, binh sĩ không phục bèn làm binh biến bao vây phủ lị. Phàn Diễn bị dồn vào thế nguy, phải điều động những lực lượng quân người Hán đến để giải vây và đàn áp. Cuộc chiến của các binh lính địa phương tuy thất bại những đã góp phần chia lửa cho nghĩa quân Khu Liên. Phàn Diễn mải loay hoay với nội tình quận Giao Châu, không thể rảnh tay mà điều động quân đông đi cứu viện cho quận Nhật Nam.
Sang năm 138, thanh thế của nghĩa quân Tượng Lâm ngày càng mạnh. Vua nước bấy giờ là Hán Thuận Đế Lưu Bảo triệu đình thần bàn bạc, định phát binh bốn châu Kinh, Dương, Duyện, Dự cả thảy 4 vạn quân đi đánh. Có viên quan là Lý Cổ can gián, nói rằng: “… Người các châu Duyện, Dự phải đi xa muôn dặm, chiếu thư thúc bách, tất phải bỏ trốn. Nam Châu [tức chỉ Giao Châu, tên gọi phần lãnh thổ nước ta dưới thời thuộc Hán] thì trời nắng nực, ẩm thấp lại thêm lam chướng dịch lệ, 10 phần phải chết đến 4, 5 phần. Đường xa muôn dặm, quân lính mỏi mệt, đến lúc tới Lĩnh Nam thì đã không kham nổi chiến đấu. Quân đi mỗi ngày 30 dặm mà Duyện, Dự cách quận Nhật Nam hơn 9 nghìn dặm, phải 3 trăm ngày mới đến. Tính lương một người ăn mỗI ngày 5 thăng, thì phải dùng đến 60 vạn hộc gạo, đó là không kể lương thực của tướng lại và lừa ngựa. Đặt quân ở đấy, chết chóc tất nhiều, đã không đủ quân chống giặc, lại phải bắt thêm. Thế là xẻo cắt lòng bụng để chắp vá cho chân tay …” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Vua Hán nghe theo lời bàn, thôi không điều quân ở xa mà dùng quân ở hai quận Giao Châu, Cửu Chân giao cho hai tướng giỏi là Chúc Lương, Trương Kiều đi đánh, kết hợp với các chính sách chiêu an, mua chuộc. Những dân người Hán ở Nhật Nam đều phải dời sang trú ẩn ở Giao Châu. Quan tướng người Hán bắt đầu dùng nhiều tiền bạc, đất đai để chiêu mộ chính những người Chăm đánh lại đồng bào của mình. Tình hình từ đó biến chuyển thuận lợi cho quân Hán. Tuy nhiên, những nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của các Khu Liên vẫn can trường chiến đấu suốt hàng thập kỷ, buộc quan quân nước Hán phải nhiều phen tăng viện nhưng vẫn không dẹp yên nổi.
Năm 190, nghĩa quân Tượng Lâm trở nên hùng mạnh. Khu Liên dẫn quân đánh chiếm quận lị, giết Thứ sử nước Hán là Chu Phù. Nước Hán bấy giờ phải bận rộn với những cuộc phản kháng ở khắp nơi. Những sắc dân phi Hán khắp vùng lãnh thổ Bách Việt, Âu Lạc cũ luôn chực chờ nổi lên khi có cơ hội. Điều đó buộc Hán triều phải duy trì quân đội rải rác khắp các xứ để phòng bị, buộc lòng phải chấp nhận bỏ mặc vùng đất xa xôi như Tượng Lâm. Sau khi đại thắng, nhân dân Tượng Lâm bấy giờ, chủ yếu là người Chăm, đã tôn Khu Liên làm vua. Huyện Tượng Lâm chính thức thoát khỏi vòng nội thuộc của đế chế Hán. Một quốc gia mới được hình thành với tên gọi Lâm Ấp.
Quốc Huy

Chính quyền ông Ngô Đình Diệm và việc phát triển kinh tế Hoàng Sa


Lễ khao thề lính đi Hoàng Sa - Ảnh: Internet
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới thời ông Ngô Đình Diệm đã có ý thức rõ trong việc khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa, đặc biệt là phosphate. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh, nghị định về Hoàng Sa, nhất là tổ chức các hoạt động kinh tế tại đây như cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên Hoàng Sa ở Sài Gòn; xây dựng các cơ sở hạ tầng như nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn.
Sau hiệp định Geneve 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam và có khoảng trống trong bố phòng lực lượng tại Biển Đông. Lợi dụng hoàn cảnh đó, một số nước trong khu vực gồm cả Trung Quốc đã có hành động đổ bộ lén lút lên các đảo trong quần đảo Hoàng Sa vốn được người Việt khẳng định và thực thi chủ quyền từ trước đó rất lâu.
Cận thời điểm đó, các chính quyền ở miền Nam Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa. Đáng chú ý nhất là năm 1951, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của chính quyền Bảo Đại, đã tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định Geneve được ký kết cũng đã công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Các công văn thời đó cho thấy các nhà chức trách đã có ý thức bảo vệ Hoàng Sa rất cao.
Trong hồ sơ lưu trữ thời đó có công văn mật do Trung phần Thủ hiến Chính phủ gửi ngài Thủ tướng chính phủ quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn năm 1952 với nội dung như sau: "Trong lúc dự hội nghị quốc tế Cựu Kim Sơn (San Francisco), quý Thủ tướng có lên tiếng về chủ quyền của quốc gia Việt Nam ở những đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, tiếp theo lời tuyên bố của quý Thủ Tướng, các báo Tiếng Việt (số 250 ngày 10.9.1951), Dân quyền (số 705 ngày 14.9.1951), Liên hiệp (số 152 ngày 19.9.1951)... với những tài liệu lịch sử và căn cứ vào địa dư cùng tình trạng thực tế, đã đều quả quyết là đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa nay vẫn thuộc lãnh thổ Việt Nam".
Công văn này cũng cho biết: "Từ ngày 28.11.1950, sau mấy năm biến chuyển của tình thế, Thiểm Phủ đã phái một trung đội VBĐ (vệ binh đoàn, gồm có 35 người) đến đóng tại đó nhưng chưa thiết lập những cơ quan hành chánh như xưa. Trong khi chờ đợi và để chứng tỏ với dư luận quốc tế chủ quyền của quốc gia Việt Nam ở Hoàng Sa, Thiểm Phủ thiết tưởng cần phải tạm tháp nhập (sáp nhập) ngay Hoàng Sa (trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên) vào thị xã Đà Nẵng. Giải pháp ấy sẽ thuận tiện về phương diện liên lạc và tiếp tế đối với trung đội VBĐ hiện đóng tại đó".
Điều đặc biệt là khi khảo cứu các công văn liên quan đến Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới thời ông Ngô Đình Diệm, thì có thể thấy ngày đó đã có ý thức rõ trong việc khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa, đặc biệt là phosphate. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh, nghị định về Hoàng Sa, nhất là tổ chức các hoạt động kinh tế tại đây như cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên Hoàng Sa ở Sài Gòn; xây dựng các cơ sở hạ tầng như nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn..., cho thấy tính liên tục về khai thác, cai quản của người Việt Nam đối với các quần đảo, trong đó có Hoàng Sa.
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ban hành nghị định số 232-KT ngày 1.8.1956 cho phép trích xuất ở quỹ quốc gia bù trừ hàng hóa xuất nhập cảng một số tiền là 300.000 đồng để mua cầu "Cubies pontons" dùng vào việc khai thác phosphate tại đảo Hoàng Sa. Nội dung nghị định này nêu rõ: "Điều 1. Nay cho phép xuất ở quỹ quốc gia bù trừ hàng hóa xuất, nhập cảng một số bạc là ba trăm nghìn đồng (300.000) để mua ba trăm chiếc cầu "cubies pontons" dùng vào việc khai thác phốt phát (hay phosphate) tại đảo Paracels (tức Hoàng Sa). Dụng cụ này sẽ đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Kinh tế quốc gia. Điều 2. Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Kinh tế quốc gia chiếu nhiệm vụ lãnh thi hành nghị định này".
Công văn của Tỉnh trưởng Quảng Nam, Võ Hữu Thu gửi Phủ Tổng thống năm 1960 cũng nêu rõ: "Về phương diện kinh tế, tuy quần đảo Hoàng Sa không có triển vọng gì khả quan nhưng về phương diện quân sự thì địa điểm này rất xung yếu, hơn nữa đã thuộc về lãnh thổ quốc gia, có dân cư thì dầu dân số ít hay nhiều cũng phải tổ chức tại đó một cơ quan hành chính để lo việc an ninh trật tự cho dân chúng, nhất là để tượng trưng chủ quyền quốc gia cho đúng với quốc tế công pháp".
Tỉnh trưởng Quảng Nam cũng đề nghị: "Nếu thành lập một xã thì thành phần Hội đồng xã sẽ chọn trong các số công nhân của Hãng khai thác phân chim, trụ sở có thể đặt tại đảo Pattle vì tại đây có sẵn một lực lượng quân sự (thủy quân lục chiến) yêm hộ, cở sở của Hãng khai thác phân chim cũng đóng tại đó".
Tòa đô chính Đà Nẵng sau đó cũng có báo cáo về Phủ Tổng thống cho biết: "Hiện giờ trên đảo Hoàng Sa có: 30 bảo an viên và 30 thủy quân lục chiến dưới quyền chỉ huy của một thiếu úy hải quân, 4 nhân viên khí tượng và 38 công nhân của công ty khai thác phân chim Guano".
Theo Tập san Sử Địa số 29 xuất bản tại Sài Gòn đầu năm 1975, phân phosphate trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là một nguồn lợi mà nhiều nhà kinh doanh chú ý. Năm 1956, ông Lê Văn Cang được chính quyền VNCH cho phép khai thác phosphate trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1961, Công ty Lê Văn Cang bắt đầu khai thác, Công ty Hữu Phước được hợp đồng chở phân bón về Sài Gòn. Từ năm 1960, có thêm Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành tham gia. Sau năm 1970, thị trường phân bón mở rộng nên nhiều công ty khác cũng chú ý đến nguồn phosphate ở Hoàng Sa. Công ty Kỹ nghệ Phân bón Đại Nam (KYPHADACO) do ông Đào Nhật Tiến làm chủ, cho biết thành phần phosphate lấy từ các đảo Hoàng Sa có phẩm chất rất tốt. Ông Tiến còn khám phá ra một tài nguyên khác ở Hoàng Sa là cát và vỏ sò, vỏ ốc. Cát và vỏ sò, vỏ ốc Hoàng Sa xay thành bột nung ở nhiệt độ cao được sản phẩm gọi là "cát Hoàng Sa” có thể trị phèn trong ruộng và trộn với thức ăn gia súc.
Như vậy có thể thấy từ thời đó đã có cơ sở và công nhân phục vụ cho việc khai thác các nguồn lợi kinh tế từ Hoàng Sa dù ở mức độ khiêm tốn. Chỉ có điều, các chính quyền miền Nam sau thời ông Ngô Đình Diệm không đẩy mạnh việc phát triển kinh tế ở Hoàng Sa. Ở góc độ nào đó, khi kinh tế ở một khu vực được kích thích phát triển thì sự đầu tư sau đó để bảo vệ an ninh cũng được gia tăng theo tỷ lệ thuận. Nếu vậy, Hoàng Sa có khi đã khác...
A.T
Bài viết có dẫn thông tin từ bài Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Ngô Đình Diệm của Thạc sĩ Lưu Văn Rô đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử.

Khai thác phosphate Hoàng Sa thời Pháp thuộc
Theo ghi chú của Vụ Các vấn đề chính trị và bản xứ, Phủ toàn quyền Đông Dương, ngày 6.5.1921, một nhóm người Trung Quốc đã tìm cách thăm dò chúng (tức quần đảo Hoàng Sa) về khả năng khai thác các lớp phosphate phong phú.
Cũng theo tài liệu trên, tháng 9.1920 một công ty hàng hải của Nhật là Mitsui - Bussan Kaisha đã hỏi nhà cầm quyền Pháp trước khi khai thác phosphate trên vài đảo nhỏ, ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, việc khai thác của công ty này phải bỏ dở vì vận chuyển phosphate về đất liền khá khó khăn trong điều kiện lúc bấy giờ.
Theo báo cáo của Viện Hải dương học, năm 1930-1931, hơn 1 tấn mẫu phosphate được đưa về Đà Nẵng bằng tàu lưới kéo của tàu De Lanessan để ông Maurice Clerget phân tích. Những kết quả đầu tiên của nghiên cứu ấy cho biết ở Đông Dương số lượng quặng ấy có thể lên tới 8 triệu m³. Chỉ có một khó khăn lớn đó là vấn đề vận chuyển. “Trong tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã quan sát thấy rằng công ty Nhật Bản đã bỏ không khai thác phosphate nữa và trữ lượng bỏ ấy đã được một công ty Trung Quốc lấy đem đi bằng tàu chở hàng đến Hong Kong không khó khăn gì. Vấn đề khó khăn là đưa lên tàu một khối lượng vận chuyển lớn và cồng kềnh, trong vùng Biển Đông thường xuyên có gió mùa, dễ gặp phải nguy hiểm khi đụng đá ngầm là chướng ngại vật chìm trong nước. Về mặt này những kinh nghiệm của thủ thủy tàu De Lanessan trong hai lần đi nghiên cứu các đảo Hoàng Sa sẽ là thông báo quý báu cho tất cả những ai muốn thử khai thác những lớp quặng rất phong phú ấy ở Đông Dương” (trích báo cáo của Viện Hải dương học năm 1930-1931).
“Trong số những kết quả đã thu thập được ở quần đảo Hoàng Sa, nơi đã nghiên cứu vào tháng 6.1931, cần lưu ý là trong đó có một số kết luận của M.Clerget, người cùng cộng tác với chúng tôi, kỹ sư mỏ thuộc dân sự... Theo kết quả nghiên cứu, dự trữ về quặng phosphate dự tính ít nhất 1 triệu tấn có thể cung cấp phosphate canxi cho toàn Đông Dương trong 20 năm. Hơn nữa quặng ở đây gồm một tỉ lệ khá lớn phosphate hòa tan, như thế về mặt nông nghiệp rất có lợi. Các chuyên gia được hỏi ý kiến về vấn đề này cũng thống nhất như vậy” (trích báo cáo của Viện Hải dương học năm 1931-1932).
(Theo Huỳnh Hiếu/Tuổi Trẻ)

Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới

Vương quốc Phù Nam qua tranh vẽ - Ảnh: Internet
Nam bộ là vùng lãnh thổ quan trọng với những trọng điểm kinh tế lớn của nước Việt Nam hiện đại. Trên vùng đất này, thuở xưa đã trải qua nhiều cuộc bể dâu dời đổi. Đó là một câu chuyện dài, mà điểm khởi đầu là vương quốc Phù Nam.
Đây là quốc gia của những cư dân văn hóa Óc Eo thuộc chủng Malayo-Polinesien. Quốc gia này xuất hiện vào khoảng đầu công nguyên, tương ứng với điểm khởi đầu của nền văn hóa Óc Eo mà khảo cổ học đã khám phá được. Phù Nam ban đầu là những thành ấp tự trị cùng chia sẻ chung một nền văn hóa. Người Phù Nam có tục cởi trần hoặc khỏa thân, để tóc xõa hoặc búi cao, xăm hoặc vẽ mình. Cư dân nơi đây có lối sống phóng túng. Người Phù Nam có tín ngưỡng đa thần và tiếp thu nhiều yếu tố Phật giáo. Vào thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, một trong những thành ấp lớn nhất trong xứ là Koh Thlok được lãnh đạo bởi một nữ hoàng mà theo sử sách Trung Hoa chép lại có tên là Liễu Diệp, có sức khỏe như đàn ông.
Bấy giờ có một vị quý tộc từ Ấn Độ tên là Hỗn Điền thuộc dòng dõi Kaudinya đem một hạm đội viễn chinh khoảng 1.000 quân đến đánh chiếm Koh Thlok. Liễu Diệp đem quân chống cự bị bất lợi, phải chịu đầu hàng người Ấn. Hỗn Điền chấp nhận sự đầu hàng này và cưới Liễu Diệp làm vợ. Sau đó, Hỗn Điền tiếp tục dùng binh và ngoại giao bắt các thành ấp khác phải quy phục, lập nên một vương quốc thống nhất.
Sự kiện thành lập vương quốc Phù Nam là dấu mốc tập hợp những cư dân Óc Eo thành một cộng đồng thống nhất. Kinh đô của Phù Nam là thành Đặc Mục (Vyadrapura). Theo đoán định từ tổng hợp các nguồn tư liệu, thành Đặc Mục thuở xưa nằm ở miền Tây Nam Bộ hoặc cực đông Campuchia, gần vịnh Thái Lan ngày nay.
Dưới triều đại Kaudinya, nước Phù Nam tiếp thu nhiều văn hóa Ấn. Có nền tảng văn hóa tốt, giỏi trị thủy và chiếm giữ một vị thế thuận lợi trong tuyến đường hàng hải cổ đại, Phù Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia hùng mạnh và giàu có.
Theo các sách sử Trung Hoa, triều Kaudinya tồn tại khoảng 150 năm. Đến khoảng giữa thế kỷ thứ 2, dưới thời trị vì của vua Hỗn Bàn Bàn, chính sự chịu sự thao túng bởi vị tướng tên là Phạm Mạn. Sau khi vua Hỗn Bàn Bàn qua đời, người trong nước tôn Phạm Mạn làm vua, mở ra triều đại mới. Chữ Phạm theo âm Hán Việt thực chất là phiên âm từ chữ Varman trong ngôn ngữ các nước Ấn hóa, có nghĩa là vua. Vì vậy, cái tên Phạm Mạn trong sử cũ không phải là phiên âm từ tên thật, mà là phiên âm từ danh xưng của vị vua này sau khi đã lên ngôi.
Là một vị vua nhiều tham vọng, Phạm Mạn cho đóng thuyền lớn, cất quân đi thôn tính các quốc gia xung quanh. Quân Phù Nam biến 10 nước láng giềng thành thuộc địa. Lúc này, Phù Nam đã trở thành một đế quốc biển cả. Do đặc tính hướng biển, những nơi mà Phù Nam nhòm ngó và xâm chiếm là những vùng đất ven biển thuận lợi cho nông nghiệp trồng lúa nước và giao thương. Lãnh thổ Phù Nam mở rộng bao chiếm trọn vùng Nam Bộ Việt Nam, vùng đông nam Campuchia và bán đảo Malaysia ngày nay. Vương triều họ Phạm truyền đến đời vua Phạm Tầm tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, bắt đầu sửa sang thể chế, xây dựng cung điện nhiều tầng lầu. Nhà vua hạ lệnh cho dân chúng bỏ tục ở trần hoặc khỏa thân, bắt phải quấn vải khổ rộng (xà rông ).
Đến giữa thế kỷ thứ 4, Phù Nam được cai trị bởi vương triều Thiên Trúc Chiên Đàn (Chandan). Giai đoạn này Phù Nam phát triển ổn định và lãnh thổ tiếp tục được mở rộng thêm nhiều vùng thuộc lãnh thổ Campuchia ngày nay, vươn sang cả đồng bằng sông Mênam thuộc Thái Lan ngày nay. Trong lãnh thổ đế quốc Phù Nam, có nhiều sắc dân cùng chung sống. Tất nhiên là quyền lợi của họ không bình đẳng mà những dân chính quốc luôn được hưởng nhiều đặc quyền hơn nhưng dân thuộc quốc.
Vào thế kỷ thứ 5 một quý tộc thuộc dòng dõi Kaudinya tên là Kiều Trân Như được dân chúng suy tôn làm vua, lập ra vương triều Kaudinya II. Triều đại này càng tiếp thu nhiều văn hóa Ấn, lấy hai tôn giáo chính là Phật giáo và Bà La Môn làm nền tảng tư tưởng cho cả nước. Trong suốt nhiều năm, Phù Nam phát triển hưng thịnh, trở thành một trong những đế quốc hàng hải hùng mạnh nhất thế giới cổ đại, là cầu nối giữa các nền văn minh lớn thời bấy giờ là La Mã, Ba Tư ở phương Tây, và Ấn Độ, Trung Hoa ở phương Đông. Tuyến đường hàng hải từ Phù Nam là một trong những ngã đường du nhập Phật học vào Trung Hoa. Sử Trung Hoa các triều đại Đông Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Đường… ghi chép rất nhiều lần phái đoàn Phù Nam sang “tiến cống”. Về bản chất, những chuyến đi “tiến cống” này là một dạng thương mại cấp nhà nước. Phái bộ của nước ngoài đến tặng “cống phẩm” của nước sở tại. Đổi lại, nhà vua cũng phải gửi lại những “tặng phẩm” để đáp lễ.
Lãnh thổ Phù Nam xưa - Ảnh: Internet
Trải qua nhiều thế kỷ hưng thịnh, Phù Nam gặp phải tai ương vào giữa thế kỷ thứ 6. Bấy giờ ở vùng mà ngày nay là miền Bắc nước Campuchia và Nam Lào, một thuộc quốc của Phù Nam là nước Chân Lạp của người Khmer bắt đầu quật khởi. Dòng vua mang họ Kshatrya đã tiến hành cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc Khmer và ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra xung quanh. Trong lúc đó thì Phù Nam đang bị xáo trộn bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử, khiến thế nước suy sụp nhanh chóng. Nhân cơ hội, Chân Lạp lấn chiếm thêm nhiều vùng đất vốn trước đó thuộc quyền cai trị trực tiếp hoặc nằm trong hệ thống thuộc địa của vương quốc Phù Nam. Vào năm 550, vua Chân Lạp là Trì Đà Tư Na (Citrasena) dẫn quân thình lình tấn công kinh thành Đặc Mục của Phù Nam. Vua Phù Nam bấy giờ là Lưu Đà Bạt Ma (Rudravarman) chống không nổi, phải bỏ kinh thành chạy sang thành Na Phất Na (Navanagara). Thành Đặc Mục (Vyadrapura) là trung tâm của nước Phù Nam với nhiều di sản, của cải trọng yếu của đất nước bị quân Chân Lạp đốt phá tan hoang trong phút chốc. Từ đó, vương quốc Phù Nam suy sụp không còn gượng dậy nổi. Các phụ thuộc của Phù Nam dần ly khai và bản thân chính quốc bị người Chân Lạp lấn chiếm dần. Cho đến khoảng thế kỷ 7, nước Phù Nam hoàn toàn bị xóa sổ và bị sáp nhập vào nước Chân Lạp.
Chưa dừng lại ở đó, số phận của cư dân Phù Nam cổ không chỉ là trở thành một phần của đất nước mới mà còn bị bi thảm hơn. Những người Khmer tuy chiến thắng được Phù Nam bằng quân sự nhưng không đủ năng lực để duy trì khả năng khai thác lãnh thổ như trước. Người Khmer không giỏi trị thủy, không có tập quán canh tác ở những vùng đồng bằng phù sa ven biển. Các vua chúa Chân Lạp sau khi tàn phá các thành phố của người Phù Nam thì dần bỏ mặc những vùng đất mới chiếm được. Mất đi sự quan tâm từ thượng tầng, người Phù Nam dần trở nên bất lực trong việc trị thủy và xây dựng những trung tâm thương mại, hàng hải như xưa. Đó là những việc đòi hỏi phải có sự đoàn kết toàn xã hội.
Trên lãnh thổ Phù Nam xưa thuộc vùng Nam Bộ ngày nay, vào khoảng thế kỷ thứ 8 trở đi được sử sách Trung Hoa gọi là vùng Thủy Chân Lạp, để phân biệt với vùng Lục Chân Lạp là đất căn bản của nước Chân Lạp. Trong khi vùng Lục Chân Lạp được khai thác mạnh mẽ thì Thủy Chân Lạp dần biến thành những vùng đầm lầy hoang phế. Thêm vào đó, người Java cất quân xâm lấn biến đất Thủy Chân Lạp trở thành bãi chiến trường của quân Khmer và quân Java suốt nhiều năm trời. Cuộc chiến làm cho nhiều người chết, nhiều nơi bị tàn phá càng trở nên hoang vắng. Nhiều trăm năm sau nữa, người Khmer lao vào các cuộc chiến triền miên với thế lực người Thái nổi lên ở phía tây và người Chăm ở phía đông. Việc thực thi chủ quyền trên đất Thủy Chân Lạp rất hạn chế. Đến khoảng thế kỷ 17 khi những người Việt đặt chân lên vùng đất này, ký ức về một nền văn minh rực rỡ thuở xưa đã quá nhạt nhòa. Chỉ còn lại thiên nhiên hoang dã với những cánh đồng hoang bất tận, đầm lầy và rừng rậm nguyên sơ thưa thớt bóng người.
Quốc Huy

Những đặc sản Bình Phước ngon quên lối về

Đến Bình Phước, người ta không chỉ được thăm thú những cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa người dân nơi đây mà còn bị say mê bởi những món đặc sản ngon không thể chối từ.

Hạt điều và những món ngon từ hạt điều

00:02 / 03:48
Đang phát
Bình Phước là địa danh được biết đến như vùng thủ phủ của cây điều. Cũng có nhiều nơi trồng cây điều khác như Daklak, Đồng Nai, Bình Dương,… nhưng diện tích không lớn bằng cũng như sản lượng hàng năm không đâu bằng vùng Bình Phước. Hạt điều đã trở thành một đặc sản Bình Phước không thể không mua về làm quà của du khách.
Hiếm có loại hạt nào được sử dụng trong chế biến các món ăn nhiều như hạt điều, từ các món mặn cho đến bánh. Thế nhưng hầu hết các tín đồ hạt điều đều cho rằng chỉ rang lên bằng than củi mới có thể giữ trọn hương vị tự nhiên tuyệt vời cho hạt điều.
Bánh hạt điều là đặc sản khác từ hạt điều được khách du lịch tới Bình Phước được ưa thích. Nguyên liệu chính để làm bánh hạt điều là hạt điều, bột nổi, bột quế, trứng gà, đường, bột mì, một chút dầu ăn.
Bánh hạt điều khi chín sẽ có màu vàng của trứng, màu trắng của bột, kết hợp với mùi thơm và vị giòn tan của hạt điều, mùi thơm của bột quế, vị ngọt của đường, vị béo của dầu ăn rất hấp dẫn.
Tuy hạt điều là sản phẩm chính của cây điều, nhưng trẻ con Bình Phước vẫn thích ăn những trái điều mọng nước, chín vàng để chấm muối ớt, vừa ăn vừa sặc mà thấy thú vị. Hơn nữa người dân nơi đây dùng trái điều để làm gỏi rất ngon, vị chua chua ngọt ngọt được thêm một chút gì đó mặn mà của gia vị, rồi lại thêm miếng tôm, miếng thịt là được một món ăn lạ mắt, lại rẻ.

Ve sầu sữa chiên giòn
Vào mùa hè, khi ve bắt đầu lột xác, người ta thường rủ nhau đi bắt ve về làm món ve sầu chiên. Sau khi bắt ve, người ta bỏ ve vào túi ni – lông rồi bịt kín lại và mang đi chiên (rán) giòn. Bắc một chảo dầu lên bếp, đợi dầu sôi lên, nhanh tay bỏ ve vào. Khi ve vàng và tỏa mùi thơm là ve đã chín. Món ve sầu chiên giòn thường ăn kèm với ra sống và nước mắm tỏi ớt.
Những con ve vàng óng, béo ngậy và giòn tan cùng với hương thơm rất cuốn hút và hấp dẫn.Ve chiên thường ăn cùng với rau sống và nước mắm tỏi ớt. Chắc chắn thực khách sẽ bị mê hoặc bởi hương vị béo ngậy, giòn tan đầy hấp dẫn ấy của đặc sản Bình Phước này.
Đọt mây nướng
Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’Tiêng và đã trở thành một đặc sản Bình Phước, nhất là món mây nướng than củi. Đọt mây nướng dưới than củi hồng, thơm thơm, ngầy ngậy.
Ăn đọt mây, bạn sẽ cảm thấy đăng  đắng nhưng một lúc sau sẽ thấy vị ngọt, mát nơi cuống họng. Chấm đọt mây với muối ớt the nồng cộng thêm chút chanh, bạn đã tìm được ngũ vị tinh túy trên đời. Không chỉ vậy ăn đọt mây còn trị được chứng chướng bụng, đầy hơi và giải rượu.
Heo thả rông
Heo thả rông là đặc sản của sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được nhiều du khách biết đến. Đây là loại heo được nuôi bán hoang dã, hoàn toàn không dùng thức ăn chế biến nên chất lượng thịt ngon, ít mỡ. Loại heo nuôi thả rong này còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Heo tộc, heo do đồng bào nuôi…
Heo được nuôi bán hoang dã: ban ngày, chúng được thả rong và tự tìm thức ăn từ các loại rau, củ và những thứ gì tìm được; ban đêm, chúng trở về nhà chủ. Heo thả rông vận động suốt ngày và ăn nhiều chất xơ nên heo gần như không có mỡ, thịt ngọt và dai.
Thịt heo làm sạch, để nguyên da ướp với gia vị rồi nướng trên than hồng là món được xem là ngon nhất trong các cách chế biến thịt heo thả rông. Thịt heo nướng ăn kèm với chuối chát, rau sống, nhất là rau rừng được hái ở chân núi Bà Ra hay rừng Bù Gia Mập càng ngon.
Lá nhíp
Ở Bình Phước mua lá nhíp dễ hơn mua đọt mây. Các phiên chợ huyện và dọc đường về buôn sóc của đồng bào S’tiêng là địa điểm dễ tìm mua. Lá nhíp non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh. Khi nấu chín, lá có vị dẻo, ngọt và bùi. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ.
Ngoài dùng để nấu canh thụt, bây giờ lá nhíp còn được các quán ăn, nhà hàng biến chế thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Lá nhíp xào với tỏi, lá nhíp xào thịt bò, lòng gà, nấu lẩu, nấu canh với cá, tôm…
Tết Mậu Tuất này, chẳng cần đi đâu xa, các bạn ở Hà Nội cũng có thể tới nếm thử những món ăn đặc sản của Bình Phước ngay tại chương trình "Sắc thái văn hóa Bình Phước", được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ngày 24 - 25/2/2018 (tức mồng 9 - 10 Tết). Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi văn hóa khác đang chờ đón bạn đấy!

Theo Hà Mi (Tổng hợp); Nguồn video: Nông Nghiệp Sạch (Khám Phá)

8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước


Không chỉ có những cánh rừng cao su bạt ngàn, nơi đây còn có nhiều món ăn làm nức lòng du khách.

Gỏi trái điều
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 1
Những trái điều vàng ươm, lúc lĩu trên cành tỏa mùi thơm ngát cả khu vườn khiến ai ấy đều thích thú. Ban đầu, hạt điều mới là sản phẩm chính nên người ta thường vứt trái điều đi; tuy nhiên, sau này người ta đã biết tận dụng những quả điều để làm nên món gỏi vô cùng thơm ngon. Vị chua ngọt của quả điều là thứ nước trộn tuyệt vời cho món gỏi. Chỉ cần cho thêm thịt, tôm, rau, đậu phộng... vào trộn cùng là đã tạo nên một hương vị rất độc đáo, hấp dẫn.
Bánh, kẹo hạt điều
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 2
Từ hạt điều có thể chế biến ra nhiều món bánh, kẹo rất ngon, như bánh khoai lang tím hạt điều, bánh chuối hạt điều hay caramen hạt điều. Những chiếc bánh xinh xắn như thế này sẽ là lựa chọn hay để làm quà cho bạn bè và người thân.
Hạt điều rang muối
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 3
Hạt điều rang muối là món khoái khẩu của nhiều người, bởi ương vị thơm ngon, đậm đà của hạt điều vẫn còn được giữ nguyên trong lớp vỏ. Phần hạt giòn tan, bùi bùi thêm chút vị mặn mặn của muối bên ngoài khiến cho thực khác sẽ có cảm giác càng ăn càng nghiện.
Heo thả rong
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 4
Thịt heo thả rong này thường được nướng hay đem đi quay, cho độ ngon miễn bàn. Khi chế biến xong, lớp bì giòn rụm, từng thớ thịt săn lại thấm chắc gia vị, nếu cuốn cùng với một ít rau rừng nữa thì ngon tuyệt.
Cơm lam
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 5
Nếu chưa có dịp ra Bắc ăn cơm lam thì du khách có thể đến Bình Phước để thử món ăn này. Cơm có vị bùi, dẻo, mang mùi thơm đặc trưng của ống tre nướng. Người ta có thể dọn cơm lam ra ăn cùng với thịt heo rừng nướng hay thịt gà, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với muối vừng hoặc muối mè. Hơn nữa ở Bình Phước có món cơm lam chiên rất lạ, rất đáng để ăn thử.
Ve sầu sữa chiên giòn
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 6
Vào mùa hè, khi ve bắt đầu lột xác, người ta thường rủ nhau đi bắt ve về làm món ve sầu chiên. Những chú ve lúc này béo múp, nhiều sữa, cho vào chảo dầu chiên đến khi chín vàng sẽ tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn. Ve chiên thường ăn cùng với rau sống và nước mắm tỏi ớt. Chắc chắn thực khách sẽ bị mê hoặc bởi hương vị béo ngậy, giòn tan đầy hấp dẫn ấy.
Đọt mây nướng
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 7
Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước, nhất là món mây nướng than củi. Ăn đọt mây, bạn sẽ cảm thấy đăng  đắng nhưng một lúc sau sẽ thấy vị ngọt, mát nơi cuống họng.
Rượu cần
8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước - 8
Rượu cần S’Tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có mang ý nghĩa dấu mốc của đời người.
Theo Ngọc Phạm (tổng hợp) (Dân Việt)