Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Chiếc quần bò xuyên hai thế kỷ

Ông Barack Obama khi còn là Tổng thống Mỹ cũng thường mặc jeans làm việc tại Nhà Trắng /// Ảnh: WHITE HOUSE
Ông Barack Obama khi còn là Tổng thống Mỹ cũng thường mặc jeans làm việc tại Nhà TrắngẢNH: WHITE HOUSE
Từ chiếc quần dành cho giới đào vàng, công nhân mỏ vào thế kỷ 19, ngày nay, jeans còn được giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp chọn để tạo ra hình ảnh gần gũi và trẻ trung.
Lịch sử quần jeans
Theo trang web historyofjeans.com, dù ra đời từ vùng hoang dã miền tây nước Mỹ nhưng quần jeans (quần bò) lại có nguồn gốc từ… Genoa, Ý. Vải may quần jeans được gọi là jean hay jeane ở châu Âu, sản xuất từ bông vải to sợi. Vào thế kỷ 18, chất liệu vải này được sử dụng nhiều để may trang phục cho giới công nhân và nô lệ.
Đến giữa thế kỷ 19, giới đào vàng bắt đầu đổ xô đến Mỹ nên rất cần một chiếc quần bền bỉ, giúp người thợ đào vàng không bị trầy xước khi làm việc. Câu chuyện bắt đầu từ Levi Strauss - một người Đức đã đến New York (Mỹ) vào năm 1851. Năm 1853, ông chuyển sang San Francisco ở bờ Tây, gia nhập vào đội ngũ doanh nhân ở đây, chuyên kinh doanh vải sợi. Một trong những khách hàng thân thiết của Strauss là Jacob W.Davis chuyên may trang phục và lều bạt, chăn bông đã đặt ông may một chiếc quần bền chắc dành cho giới đào vàng. Levi Strauss nghĩ ngay đến thứ vải dệt từ bông ở quê hương châu Âu, giờ đang được sử dụng để làm lều bạt ở châu Mỹ. Lập tức, Levi Strauss thiết kế chiếc quần jeans dành cho các công nhân làm trong vùng mỏ. Ông cũng là người đầu tiên nghĩ ra cách đóng những đinh đồng nhỏ vào góc túi quần để tăng cường độ bền chắc.
Ngày 20.5.1873, Jacob W.Davis và Levi Strauss nhận bằng sáng chế cho chiếc quần jeans với các đinh tán. Đây được coi là ngày ra đời chính thức của quần jeans. Chiếc quần dần dần được các thợ mỏ, thợ đào vàng yêu chuộng vì không sờn rách như trước đây. Năm 1890, Levi Strauss & Company ra đời, nhà máy đầu tiên đặt tại San Francisco. Sau đó lần lượt 2 đối thủ của Levi Strauss xuất hiện, là Wrangler (1905) và Lee (1911).
Quyền lực “jeans”
Khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham gia một sự kiện trên đường phố Montreal với người đồng cấp Ireland Leo Varadkar hồi tháng 8 qua, nhà lãnh đạo xứ sở Bắc Mỹ đã thoải mái diện quần jeans trắng, khiến các tạp chí dành cho đàn ông như GQ không ngớt lời khen ngợi. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2015, Thủ tướng Canada thường xuyên mặc trang phục jeans tại tòa thị chính, gặp gỡ công dân Canada, hoặc tham gia sự kiện với hoàng tử Anh Harry. Có thể nói, ông Trudeau là hình mẫu dễ thấy nhất của hiện tượng gọi là “power jeans”, tức trào lưu các nhà lãnh đạo thế giới xuất hiện trước công chúng trong chiếc quần bò như bao người bình thường khác.
Cách đây gần 10 năm, tờ The Wall Street Journal đã có bài viết phản ánh xu hướng “jeans hóa” trong chính trường. Trên thực tế, từ vài năm trước, jeans đã trở thành một trang phục hợp lệ cho giới nắm quyền lực trên toàn cầu, được lựa chọn vào những dịp mà người mặc muốn rũ bỏ vẻ ngoài kiểu cách, khó gần. Họ cho thấy mình sẵn sàng xắn tay áo và “đào” việc đến tận gốc rễ.
Trong những năm qua, số nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo đất nước gia nhập “câu lạc bộ jeans quyền lực” ngày càng tăng lên. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đương nhiệm đã mặc jeans ngay từ năm đầu tiên trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Thậm chí ông còn tự nhận xét mình “trông rất phong độ với đồ jeans” khi lên sóng với người dẫn chương trình Ryan Seacrest của Mỹ vào năm 2014. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng không ngoại lệ. Hai ông thường xuyên xuất hiện với trang phục jeans trong các sự kiện ngoài trời, khi đóng vai trò chủ nhà hướng dẫn cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi thăm Crimea vào năm 2015. Ông Medvedev từng đón tiếp vợ chồng Tổng thống Obama thăm Moscow vào năm 2009 trong trang phục mà theo tờ The Washington Post là mang đến “sự thoải mái và mạnh mẽ”. Nữ Thủ tướng Anh Theresa May cũng nhận được những lời trầm trồ khi diện quần jeans bó vô cùng hợp thời trang trong nhiều sự kiện. Phong cách của bà May phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của giới lãnh đạo xứ sở sương mù.
Tờ The Telegraph UK vào năm 2013 đưa tin Viện các giám đốc, một trong những tổ chức doanh nhân danh giá nhất của Anh, đã cập nhật quy cách phục trang mới. Theo đó, các thành viên của viện - các giám đốc được phép mặc quần jeans, áo thun, giày thể thao khi đến trụ sở của tổ chức tại trung tâm London. Đài CNBC (Mỹ) cũng cho biết các lãnh đạo đầu tàu trong giới công nghệ ở Thung lũng Silicon như nhà đồng sáng lập Apple quá cố Steve Jobs và Tổng giám đốc điều hành, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg gần như lúc nào cũng xuất hiện trong bộ quần jeans áo thun. Đối với họ, việc tạo ra phong cách thân thiện, dễ dàng tiếp xúc và trao đổi, đóng vai trò quan trọng để có thể lãnh đạo tốt, như Sheldon Yellen, Tổng giám đốc điều hành Hãng Belfor với doanh thu hơn 1,5 tỉ USD/năm, đã tiết lộ.
Đỗ Tuấn - Thụy Miên

Quần jeans vào Việt Nam

Giới trẻ mặc quần jeans ở TP.HCM năm 1989ẢNH: DOI KURO
Trước năm 1975, quần jeans đã xuất hiện trên các phim Mỹ chiếu khắp Sài Gòn và được nhiều người Mỹ sang VN mặc.
Đầu thập niên 1970, từ mốt quần jeans ống loe và áo bó sát người của thời trang hippy, tại Sài Gòn, một số người Việt đã cải tiến may quần ống loe bằng vải tổng hợp và áo chẽn bằng vải polyester. Những năm đó ra đường, đâu đâu cũng thấy thanh niên nam nữ mặc quần ống loe, áo chẽn, đi giày đế cao, đeo kính mát mắt to. Trang phục phổ biến dễ nhận ra giới hippy nhất là quần jeans gấu bung tua mặc với áo sô mỏng, mắt kính gọng tròn kiểu John Lennon, con trai và con gái đều để tóc dài, tới vai hoặc hơn.
Trong khi đó, người Hà Nội biết đến quần jeans do xem phim Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại (do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất), trong đó nhân vật đóng vai người hùng da đỏ mặc quần jeans do diễn viên nổi tiếng Dinzit đóng. Và cũng nhiều người biết kiểu quần này vì có một vài người mặc, họ được người thân sống ở Pháp gửi cho.
Sau khi đất nước thống nhất, thời trang có sự thay đổi lớn. Thanh niên miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, nhanh chóng chuyển sang ăn mặc theo các mốt: quần loe, áo hoa may chẽn, đi giày đế cao, thắt chiếc khăn lụa hoa ở cổ. Và, từng có nhiều cơ quan treo tấm biển ở ngay cổng ra vào có dòng chữ: “Không tiếp thanh niên quần loe tóc dài”. Rất nhiều phường đã thành lập đội thanh niên cờ đỏ, buổi tối họ chặn một khúc phố, cứ thấy ai mặc quần loe, hay tóc dài là giữ lại lấy kéo cắt một nhát từ gấu lên tận đùi. Quần jeans cũng bị cấm vì bị coi là biểu trưng cho nước Mỹ, cho chủ nghĩa tư bản.
Chiếc quần bò xuyên hai thế kỷ: Quần jeans vào Việt Nam1
Quần jeans phổ biến ở TP.HCM thập niên 1990ẢNH: T.L
Mốt “bụi”
Sau khi quân tình nguyện VN giúp Campuchia giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng năm 1979, hàng hóa Thái Lan các loại qua ngả Campuchia tràn về VN. Bên cạnh vải, thuốc lá, đồ tiêu dùng có cả chiếc quần jeans hiệu KingJo. Quần chỉ có màu xanh với hai kiểu là ống đứng và ống hơi loe. Thời điểm này, quần áo bằng chất liệu ni lông và sợi tổng hợp không còn hấp dẫn nữa nên nhiều thanh niên đã chọn quần jeans, loại quần mà cả nam và nữ đều mặc được lại tha hồ “lăn lê bò toài”, nếu bị chê bẩn thì có thể thanh minh là theo mốt bụi. Một số thanh niên dùng bật lửa Zippo còn nhét vào túi nhỏ để lòi cái nắp trắng cho thiên hạ biết ta là dân chơi. Điều làm cho nhiều thanh niên thời kỳ này lựa chọn quần jeans vì mặc đi làm cũng được, đi chơi cũng phù hợp nên dù giá 2 chỉ vàng một chiếc, họ vẫn bỏ tiền mua. Vì nhu cầu tăng lên nên đầu những năm 1980, hầu như các chợ lớn ở VN đều có bán quần bò Thái.
Cũng trong những năm này, vì gửi USD về nước rất khó nên nhiều người định cư ở Mỹ và Tây Âu đã gửi cho người nhà trong nước quần jeans hiệu Levi Strauss, Lee… màu xanh hay màu chì để bán lấy tiền sinh sống. Mặc quần jeans của các hãng nổi tiếng thành mốt của nhiều thanh niên có điều kiện, thêm giày thể thao Tiệp hay Đức thì quá đỉnh.
Trong những năm 1980, ngoài cán bộ đi học tập, công tác ở Liên Xô, còn một số lượng lớn người lao động VN sang đó làm việc và khi đi thì trai hay gái, già hay trẻ, đa số khoác một bộ jeans trên người, trong hành lý còn có thêm một bộ nữa theo tiêu chuẩn. Một chiếc quần Lee hay Levi Strauss có giá là 250 rúp (tiền Nga) thời đó thì người mang sang lãi một nửa.
Những năm 1987, 1988, ngoài các kiểu quần jeans cổ điển thì thị trường xuất hiện nhiều kiểu khác là jeans mốc, jeans mài, rách gối, loang lổ..

Nguyễn Ngọc Tiến

 Jeans phá cách cùng nghệ sĩ và giới trẻ

La Kim Phụng một thời được yêu thích khi đi đầu xu hướng thời trang jeansẢNH: NGHỆ SĨ CUNG CẤP
Từ việc tạo dấu ấn “ngầu và bụi” qua phong cách nghệ sĩ thập niên 1980, chiếc quần bò đã trở thành phổ biến và được yêu thích với mọi tầng lớp người dùng tại VN.
La Kim Phụng với jeans “ngầu và bụi”
Thập niên 1980 - 1990, khi phần lớn các ảnh hậu, “nữ hoàng ảnh lịch” như Diễm My, Thu Hà, Diễm Hương, Việt Trinh, Thanh Mai, Thanh Xuân... thích chọn thời trang dịu dàng như áo dài, đầm, áo kiểu... thì La Kim Phụng lại làm chuyện “khác người”. Chị nổi lên như một hiện tượng ảnh lịch từ trang điểm đến mái tóc và cả trang phục mạnh mẽ mang dấu ấn riêng. Ngoài mái tóc xù được giới trẻ thời ấy bắt chước theo thì xu hướng La Kim Phụng “lăng xê” mốt quần áo jeans cũng được nhắc đến với vẻ “ngầu và bụi”. Sau La Kim Phụng còn có Y Phụng, Kim Khánh....
Nhớ lại, La Kim Phụng kể: “Ngày ấy làng người mẫu hầu như rất hiếm người mặc đồ jeans, giới trẻ cũng thế bởi thị trường còn hiếm jeans. Mỗi lần muốn mua phải chờ hàng xách tay từ Mỹ hoặc Hồng Kông về hay nhờ người thân mua giúp. Tôi nhớ hai thương hiệu jeans lúc đó được thích nhất là Levi’s và Tommy. Thời điểm đó, một chiếc quần jeans phá cách, thêu thùa thêm một chút có giá khoảng 2 chỉ vàng (giá trị lớn), còn jeans cổ điển bình thường khoảng 1 chỉ vàng hoặc dưới một chút tùy hiệu”. Ảnh La Kim Phụng mặc đồ jeans ở lịch tờ, lịch treo tường thường được “cắt” ra làm mẫu trưng bày ở các cửa hàng chuyên jeans khu Lưu Văn Lang (Q.1, TP.HCM).
“Họ lấy hình của tôi trưng bày khá nhiều và giới trẻ ngày ấy rất thích vì lạ và tạo phong cách mạnh mẽ, cá tính. Chúng tôi hay nói đùa là “dân chơi” thích bụi bặm, thích ngầu thì mặc jeans. Vậy nên “dân chơi” muốn kiếm đồ jeans cứ ra khu Tạ Thu Thâu (Lưu Văn Lang - NV) tìm kiếm những mẫu jeans mới, lạ. Sau này, một số shop nổi lên khu vực gần đó”, La Kim Phụng kể.
Jeans thịnh hành trong giới trẻ VN từ những năm 2000 và đó cũng là thời các ca sĩ, nhóm nhạc rầm rộ “yêu” jeans. Nhóm MTV, Trio 666 thời kỳ đầu luôn ưu ái những mốt jeans vừa cổ điển vừa hiện đại. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Tuấn Hưng, Hồng Ngọc, Mỹ Tâm, Thanh Thảo... cũng là các “fan” trung thành với jeans từ khi vào nghề.
Nên mặc jeans như thế nào ?
Là nhà thiết kế từng chứng kiến từ những ngày đầu tiên jeans gia nhập thị trường VN cũng như nghiên cứu sự phát triển quần jeans, đặc biệt dành cho nữ, Liên Hương kể lại: “Những năm đầu thập niên 1960, phụ nữ trên thế giới bắt đầu mặc quần jeans nhằm thể hiện sự nữ quyền. Quần jeans thời ấy còn thô cứng, dáng quần rộng từ mông đến đùi, ống quần thì túm... Đến những năm 1970, quần jeans phát triển, kiểu dáng gợi cảm hơn, tôn vóc dáng phụ nữ. Thời này phụ nữ VN mặc quần jeans may ôm sát mông, đùi, ống loe rộng, lai bẻ to, kết hợp với giày cao gót trông rất sexy. Sau năm 1975, quần jeans vắng bóng một thời gian”.
Jeans dù đẹp và thể hiện sự mạnh mẽ nhưng nếu mặc không khéo theo từng môi trường phù hợp, hay bất chấp... vóc dáng sẽ dễ phản tác dụng. Vậy nên, theo nhà thiết kế Liên Hương: “Quần jeans ngày nay có nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú dễ dàng cho các bạn gái chọn lựa. Quần jeans có thể kết hợp với nhiều kiểu áo để xuống phố, đi làm (tùy theo ngành nghề). Khi có hội họp, tiệc tùng, bạn nên khoác thêm vest để trở nên chỉn chu, trang trọng. Tuy nhiên, với những buổi tiệc sang trọng, đẳng cấp hay những lễ trang nghiêm, theo tôi, không nên mặc jeans...”. Còn về cách để bạn trẻ mặc jeans đẹp hơn, nhà thiết kế Trisha Võ (tốt nghiệp chuyên về thiết kế thời trang tại Canada) tư vấn: “Với những bạn gái có vóc dáng thấp, chỉ nên mặc quần jeans ít chi tiết, một màu wash nhẹ, ống hơi rộng để che giày cao làm tăng thêm chiều dài đôi chân. Jeans xé rách nhiều hay thêu thêm họa tiết chỉ hợp với bạn trẻ cá tính, cho những buổi dã ngoại...
17 năm làm thiết kế và 9 năm miệt mài với một thương hiệu thời trang jeans nổi tiếng tại VN, Văn Thành Công từng chứng kiến thời “lên ngôi” của jeans trong giới nghệ sĩ lẫn giới trẻ. Anh cho biết: “Vào những năm 2000, khi tôi thiết kế đồ jeans cho nhóm MTV, Trio 666 hay ca sĩ Quang Dũng... các bạn trẻ nhìn nghệ sĩ mặc lúc ấy thích lắm. Họ xem như một xu hướng mới để mặc theo. Jeans sau này cũng đi vào đời sống, uyển chuyển hơn với chất liệu mới được nhập về từ một số nước châu Á. Chất liệu jeans nhập ở đây phần lớn có lớp nhũ bạc ở trên, có độ co giãn. Điều này giúp các nhà thiết kế không chỉ tạo ra các mẫu quần, áo jeans truyền thống mà còn có thể thiết kế đầm, váy, vest... cho các buổi tiệc đẳng cấp”.
Dạ Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét