Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Bối Khê


Chùa Bối Khê còn gọi tắt là chùa Bối, tên chữ Đại Bi Tự, được lập khoảng năm 1338 dưới đời vua Trần Hiến Tông. Xếp hạng: Di tích lịch sử - cách mạng quốc gia (1979). Địa chỉ: thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Tọa độ: 20°52’53"N 105°47’13"E, cách Hồ Gươm gần 25 km về phía nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn đường DT427B qua xã Tam Hưng (xe 94, 103).

Lược sử

Tương truyền chùa Bối Khê được xây dựng vào khoảng năm 1338 dưới đời vua Trần Hiến Tông, như vậy đến nay đã bước sang thế kỷ thứ tám. Tên chữ Đại Bi Tự có nghĩa là chùa Bia Lớn. Ngày 20-4-1979 Bộ Văn hóa đã xếp hạng chùa là Di tích lịch sử - cách mạng quốc gia. Ngay cạnh chùa còn có các di tích khác như từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474), lăng quận công Lê Tiến Quý (thời Lê Trung Hưng), v.v..
Nhân dân xã Tam Hưng [1] có truyền thống yêu nước từ lâu đời. Hồi năm 1895-1896, cụ Đô Hiên đã chỉ huy một cánh nghĩa quân chống Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám. Đến đầu thế kỷ 20, lại có nhiều người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục 1907 rồi cuộc vận động Mặt trận Bình dân 1936-1939.
Tư liệu lịch sử địa phương cho biết: sáng ngày 19-8-1945, sau khi bắn ba phát súng hiệu mở đầu, hàng nghìn quần chúng trong xã và một số thôn lân cận dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề đã phối hợp cùng nhiều cánh quân khác kéo lên Bình Đà. Hoảng sợ, tri huyện Lê Quang Nhạ đã bỏ huyện đường Thanh Oai để thoát thân.

Sân trước tiền đường chùa Bối Khê. Panorama ©2017 NCCong
Chùa Bối Khê từng là cơ sở kháng chiến chống Pháp của đội du kích sở tại, hiện nay trong chùa vẫn còn di tích một cửa ra vào hầm bí mật với đoạn địa đạo dài 7m. Hầm này đào từ năm 1948, chạy vòng quanh làng, tổng cộng dài 3km, có 3 ngách, 2 cửa. Rạng sáng 19-12-1972 một máy bay B52 của Không quân Mỹ đã bị Tiểu đoàn tên lửa số 77 của Hà Nội bắn cháy, xác rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng.

Kiến trúc

Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Kiến trúc hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ 18, rồi các năm 1923 và 2006. Chùa tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 5000m2 ở ngay đầu làng. Trước cổng ngũ môn nhìn về hướng tây là cây đa cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị trụ trì đã khuất.
Sau ngũ môn là chiếc cầu gạch và dấu tích sông Đỗ Động, dẫn tới cổng giữa của tam quan nội với một gác chuông hai tầng tám mái. Tam quan được dựng năm 1603 và sửa chữa năm 2006, phía sau là sân lớn và hai bên có hồ nước nhỏ. Chùa xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Tòa tiền đường rộng 5 gian 2 chái, hàng hiên tựa trên những cột đá xanh có chạm nhiều câu đối ca ngợi cảnh chùa.
Bên trong bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”. Tòa thượng điện nhô cao có kết cấu chồng rường. Đức thánh Bối được thờ ở đây tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê, có công giúp vua Trần đánh đuổi giặc xâm lược. Sau khi qua đời ngài đã được phong thành hoàng và thờ cả trong chùa. Hai bên tòa thượng điện còn có hai dãy hành lang bao bọc với những pho tượng sống động. 

Di sản

Trên sân trước chùa Bối Khê đặt một sập đá lớn với những họa tiết mang nét đặc trưng của nghệ thuật thời Mạc. Những viên gạch trang trí ở thềm tiền đường thuộc loại gạch mộc đất nung, trên mặt có khắc nhiều hình linh vật và cũng được cho là của thời Mạc. Còn có các dấu tích cổ hơn như ở những hình rồng chạm khắc gỗ trên đầu bẩy hàng hiên tiền đường (thời Trần) và văn bia ghi sự tích Đức thánh Bối, khắc năm 1450 (thời Lê sơ).
Trên thượng điện, cây nhang án chạm khắc từ một khối đá có niên đại từ năm 1382 cũng được coi như một trong những hiện vật cổ nhất của chùa. Nơi đây còn giữ được 52 pho tượng Phật giáo, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Cửu Long, Tam thế Phật, v.v.. Trong số đó, bức tượng Quan Âm Bồ tát với 12 tay được đánh giá là đẹp nhất. Ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện rõ ở hình chim thần Garuda đỡ bệ sen của tượng Quan Âm, ghi năm Xương Phù thứ 6 (tức 1382, đời vua Trần Phế Đế).
Ngoài ra, còn có hai quả chuông lớn, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) với đường kính 60cm, cao 100cm, đang treo ở tầng trên của tam quan nội. Bên tả tiền đường có nhà bia với tấm bia đá được khắc từ thời Trần để ghi lại công đức của Đức thánh Bối. Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, trong dịp đó sau lễ rước ngai Đức thánh Bối là nghi thức cầu mưa, có lẽ là một trong những tập tục cổ xưa nhất của cư dân trồng lúa nước mà nay vẫn lưu truyền.

Bản dồ trực tuyến


Du khách từ mạn Hồ Gươm có thể đi về phía Hà Đông qua Ngã Tư Sở, đến gần cầu sông Nhuệ thì đổi sang xe bus 103. Xe chạy theo đường Xa La - Cự Khê, quá Xóm Hạ sẽ rẽ phải vào đường ĐT427B. Du khách xuống xe ở đầu làng Đại Định rồi rẽ trái đi tiếp qua chợ, Bưu điện và trụ sở UBND xã Tam Hưng sẽ thấy vườn tháp chùa Bối Khê.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: NCCông (Đông Tỉnh)

U tịch chùa Bối Khê, Hà Nội



Chùa Bối Khê hay còn được gọi là Đại Bi tự (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là một ngôi cổ tự đã 700 năm, có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc lớn của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
u tich chua boi khe ha noi
Chùa nằm ngay đầu làng Bối Khê và có cảnh quan đẹp. Bước chân vào chùa, du khách dễ dàng cảm nhận được không gian u tịch, yên bình nơi đây.
u tich chua boi khe ha noi
Trước chùa có một bãi rộng, qua đó mới đến cổng gạch của chùa.
u tich chua boi khe ha noi
Vào chùa qua hệ thống cổng ngũ môn và cầu là tới tam quan gồm ba gian bằng gỗ theo kiểu hai tầng tám mái. Phía trên tam quan là gác chuông.
u tich chua boi khe ha noi
Tam quan được dựng vào năm 1603 thời Lê trung hưng. Hạng mục kiến trúc này vừa được sửa chữa vào năm 2006.
u tich chua boi khe ha noi
Kiến trúc chính của chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu ''tiền Phật, hậu Thánh''. Việc thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp đó đến tòa thiệu hương và thượng điện là nơi thờ thánh. Nhìn tổng thể, ngôi chùa có hình ''nội công ngoại quốc'' bởi hai bên có hai dãy hành lang.
u tich chua boi khe ha noi
Đáng chú ý ở tòa tiền đường là hệ thống cột bằng đá xanh. Trên các cột đá có chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa.
u tich chua boi khe ha noi
Bên trái tiền đường có một am nhỏ thờ bà công chúa thời Mạc đã có công tu sửa chùa.
u tich chua boi khe ha noi
Hai dãy hành lang ở hai bên được xây dựng song song, mỗi bên có bảy gian. Nơi đây thờ 18 vị La Hán.
u tich chua boi khe ha noi
Tòa tiền bái có chín gian. Hệ thống tượng Phật ở chùa Bối Khê khá phong phú và được bài trí, thờ phụng theo phái đại thừa. Ở đây có tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bệ đá khối hộp đồ sộ thời Trần, được tạo tác vào thế kỷ XVI.
u tich chua boi khe ha noi
Thượng điện của chùa là tòa nhà một gian hai chái cao 5,5 mét với bốn đầu đao trông như một bông sen hé nở.
u tich chua boi khe ha noi
Hiên của thượng điện có những bảy lớn đỡ mái qua những tấm ván nong, bảy hiên trang trí rồng há miệng đỡ các đấu vuông, đỡ hoành.
u tich chua boi khe ha noi
Rồng được khắc mào lửa. Đó là những họa tiết hoa văn thời Trần. Hình tượng chim thần Garuđa dược chạm ở bảy góc trái càng khẳng định thượng điện này được xây dựng từ thời Trần là chính xác.
u tich chua boi khe ha noi
Cạnh tòa nhà này có cây hoa sen (sen cạn) cao lớn, về mùa hè nở những bông hoa trắng thơm ngát. Người đến nơi đây dễ liên tưởng tới câu ca dao: ''… Lê chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn, đi cấu sáng trăng…''.
u tich chua boi khe ha noi
Chùa Bối Khê còn nhiều hiện vật quý giá như:10 tấm bia, trong đó bia cổ nhất là ''Bối động thánh tích bi ký'' có từ năm Thái Hòa thứ 11 91453) nhưng cũng là tấm bia mới nhất vì được khắc lại năm Thành Thái thứ 7 (1895) kể lại sự tích đức Thánh Bối với nhiều tình tiết ly kỳ. Tiếp theo là bia ''Đại bi tự'' dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ngoài việc nói thêm về đức Thánh Bối còn cho biết việc tu sửa chùa ở đầu thế kỷ XVI. Hiện vật đá đặc biệt quý hiếm là chiếc bệ hoa sen khối hộp, các góc chạm chim thần, trên chạm đài sen, dưới chạm sập thờ, mặt trước có chạm rồng và nhiều loài thú, do vị đạo sỹ ở Quốc Oai cúng tiến.
u tich chua boi khe ha noi
Ngày 20/4/1979, Bộ VHTT đã công nhận chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.
Theo Hồ Hạ/kinhtedothi.vn

Khám phá ngôi cổ tự 700 tuổi ở Hà Nội

LỆ THÚY
Kinhtedothi - Chùa Bối Khê hay còn được gọi là Đại Bi tự (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng không chỉ bởi ngôi chùa cổ này đã 700 năm tuổi, ôm ấp những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc lớn của Thủ đô mà còn bởi không gian u tịch, yên bình quanh năm rợp bóng cây xanh.

Đến thăm chùa Bối Khê, du khách sẽ ngỡ ngàng với kiến trúc độc đáo. Trước chùa là khoảng đất trống với cây đa cổ thụ. Qua cổng ngũ môn và cầu là tới tam quan gồm 3 gian bằng gỗ theo kiểu hai tầng tám mái. Phía trên tam quan là gác chuông. Hạng mục này được xây dựng vào năm 1603 thời Lê trung hưng mới được tu bổ năm 2006. Kiến trúc chính của chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu ''tiền Phật, hậu Thánh''. Tòa tiền đường và tiền bái là nơi thờ phật, có hệ thống cột bằng đá xanh chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa. Bên trái tiền đường có một am nhỏ thờ bà công chúa thời Mạc đã có công tu sửa chùa. Tiếp đó, tòa thiệu hương và thượng điện thờ thánh. Nhìn tổng thể, ngôi chùa có hình ''nội công ngoại quốc'' với hai dãy hành lang hai bên được xây dựng song song, mỗi bên có bảy gian là nơi thờ 18 vị La Hán.
Hệ thống tượng Phật ở chùa Bối Khê khá phong phú và được bài trí, thờ phụng theo phái đại thừa. Ở đây có tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bệ đá khối hộp đồ sộ thời Trần, được tạo tác vào thế kỷ XVI. Thượng điện của chùa là tòa nhà một gian hai chái cao 5,5m với bốn đầu đao trông như một bông sen hé nở. Hiên của thượng điện có những tấm ván nong đỡ mái, được trang trí rồng khắc mào lửa há miệng đỡ các đấu vuông, hoành. Đó là những họa tiết, hoa văn thời Trần. Cạnh tòa nhà có cây hoa sen cạn nở hoa trắng thơm ngát vào mùa Hè khiến bạn liên tưởng tới câu ca dao: ''Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng''.
Đáng chú ý, chùa Bối Khê còn nhiều hiện vật quý giá như: 10 tấm bia, trong đó bia cổ là ''Bối động thánh tích bi ký'' có từ năm Thái Hòa thứ 11 được khắc lại năm Thành Thái thứ 7 (1895) kể lại sự tích đức Thánh Bối với nhiều tình tiết ly kỳ. Tiếp theo là bia ''Đại bi tự'' dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ngoài việc nói thêm về đức Thánh Bối còn cho biết việc tu sửa chùa ở đầu thế kỷ XVI. Hiện vật đá đặc biệt quý hiếm là chiếc bệ hoa sen khối hộp, các góc chạm chim thần, trên chạm đài sen, dưới chạm sập thờ, mặt trước có chạm rồng và nhiều loài thú, do vị đạo sỹ ở Quốc Oai cúng tiến. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đồ sộ ấy, chùa Bối Khê đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt từ năm 1979.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét