Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Giáp Nhất


Chùa Giáp Nhất tên chữ Phúc Lâm Tự, là ngôi chùa của làng Giáp Nhất tức Lý Thôn, trước đây thuộc xã Nhân Mục (Mọc). Xếp hạng: Di tích lịch sử, nghệ thuật quốc gia (1992). Địa chỉ: số 223 phố Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 21°0’25"N 105°48’53"E, cạnh Royal City, cách Hồ Gươm gần 7km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn đường Láng gần cầu Mọc (bus 16, 24, 27) hoặc đầu phố Lê Văn Lương (22, 30, 51) hoặc đoạn phố Nguyễn Trãi gần Royal City (01, 02, 19, 21, 27, 44).

Lược sử

Theo “Quốc sử tạp lục”, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng, nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân số tăng, phải chia đôi thành xã Nhân Mục Cựu (Thượng Đình, Hạ Đình) và xã Nhân Mục (4 thôn Mọc: Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất)
Chùa làng Giáp Nhất có tên chữ Phúc Lâm Tự, xưa còn gọi Trùng Quang Tự. Đây là ngôi chùa của làng Giáp Nhất tức Lý Thôn, trước đây thuộc xã Nhân Mục. Tương truyền chùa được xây dựng từ lâu đời và đã trải qua nhiều lần bị đổ nát và hủy hoại do thời gian và nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp.
Năm 1941 chùa đã từng có một đợt sửa chữa lớn và tô tượng Phật. Năm 1972, bom Mỹ đã làm đổ nhà Tổ, nhà Trai và làm sạt mái nhà Mẫu. Năm 1973 dân làng đã quyên góp công của và sửa chữa tòa Tam bảo cùng nhà Tổ. Cùng với ngôi đình làng ngay bên cạnh, ngày 31-01-1992 chùa Giáp Nhất đã được Bộ Văn hoá và Thông tin ra Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật quốc gia.
Năm 2002 sư thầy Thích Đàm Biên được cử về thay sư cụ vừa viên tịch. Cho đến 2007 nhà chùa cùng nhân dân tổ chức quyên góp và xây dựng nhà Tổ rồi nhà Mẫu. Năm 2007, Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân đã giao cho UBND phường Nhân Chính làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tu bổ toà Tam bảo theo bản thiết kế quy hoạch được phê duyệt. Năm 2013 hoàn thành đợt đại trùng tu này, thực tế đã bê tông hóa hầu hết các công trình.

Kiến trúc và di sản

Mặt chùa xoay hướng đông-bắc nhìn ra sông Tô Lịch, dòng sông gắn liền với nhiều huyền thoại và lịch sử của Thăng Long — Hà Nội. Cổng cũ không còn, thay vào đó là một tam quan xây hai tầng với gác chuông ở giữa và các mái làm giả tầng ba khá rườm rà. Hai bên cửa chính có cặp phù điêu hộ pháp đứng gác thay vì voi, ngựa. Một dãy tường dài với trang trí đắp nổi ngăn phố và chùa.
Du khách bước qua cổng vào một sân gạch không có cổ thụ che mát, bên trái có vườn tháp mộ tổ, bên phải là hông chùa chính. Tiền đường 3 gian 2 dĩ đầu hồi bít đốc nối với hậu cung 3 gian theo hình “chữ Đinh”. Xa hơn về phía phải còn có một phương đình nhỏ, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, bếp, sân, vườn... và một cổng phụ cũng mở ra phố Giáp Nhất.
Trong chùa vẫn còn một tấm bia đá khắc năm 1892 ghi việc trùng tu dưới đời vua Thành Thái (1889-1907). Ngoài ra còn có một hệ thống tượng Phật giáo đầy đủ bằng gỗ và đồng, 01 khánh đồng, 01 chuông đồng và các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối cổ...

Bản đồ trực tuyến

Bạn có thể đi từ trung tâm Hà Nội về chùa Giáp Nhất bằng lối đầu phố Nguyễn Trãi ở phía Đông qua cầu vượt Ngã Tư Sở rẽ phải vào phố Giáp Nhất hoặc bằng lối đường Láng ở phía Tây qua cầu Mọc rẽ trái.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét