Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Ích Vịnh (Phúc Long Tự)

Ngôi chùa làng Ích Vịch có tên chữ Phúc Long Tự, còn gọi là chùa Đống. Xếp hạng: Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia (năm 1990). Địa chỉ: làng Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Tọa độ: 20°56’01’’N 105°49’58’’E; cách Hồ Gươm hơn 13km về hướng nam. Điểm dừng xe bus lân cận: ngã ba Lạc Thị (bus 12), hoặc ngã ba Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ (06, 08, 12, 62).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Xưa kia nằm trên phần đất phía tây sông Tô Lịch đoạn từ Văn Điển đến Lạc Thị là các làng cổ Quỳnh Đô (tổng Cổ Điển) và Vĩnh Ninh (tổng Vĩnh Hưng Đặng), đều thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1831 phủ Thường Tín thuộc vào tỉnh Hà Nội mới lập, năm 1904 cắt về tỉnh Hà Đông. Đầu năm 1946 hai làng Vĩnh Ninh và Quỳnh Đô sáp nhập thành xã Vĩnh Quỳnh. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Vĩnh Quỳnh nằm trong liên xã Việt Hưng—Đại Hưng, gồm tới 11 làng. Tháng 7-1956 liên xã này được chia thành 3 xã, trong đó có xã Đại Hưng. Năm 1968 xã Đại Hưng lại đổi tên là xã Vĩnh Quỳnh, gồm có 3 thôn: Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô và Ích Vịnh.
Thôn Ích Vịnh tên nôm là Giả Viềng. Tương truyền vào thời Mạc có một ông đồ người Kẻ Lủ (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đến Giả Viềng dạy học rồi lấy vợ là con gái làng thuộc họ Nguyễn Hữu. Bà đồ chỉ sinh được một gái, lớn lên trở thành cung phi của vua Lê Chiêu Tông. Người cháu ngoại của ông đồ được Nguyễn Kim đưa lên ngôi tức Lê Trang Tông. Cuối thời Lê Trung hưng, tại đây đất tự nhiên (?!) cao dần lên thành gò đống, dân cho là có thế rồng cuộn hổ ngồi và phong thủy cát tường nên chọn làm nơi dựng chùa làng, gọi là chùa Đống.
Từ ga Văn Điển rẽ sang đường Phan Trọng Tuệ rồi rẽ trái vào đường Vĩnh Quỳnh đi dọc theo sông Tô Lịch khoảng 1,5km gặp trường THCS Vĩnh Quỳnh thì rẽ phải đi tiếp 0,5km sẽ đến chùa. Ngày 9-1-1990 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chùa Ích Vịnh là Di tích kiến trúc—nghệ thuật quốc gia. Gần đây ngôi chùa được đại trùng tu và tôn tạo, năm Canh Dần (2010) đã từng dát vàng tượng Phật. Ngày 1 tháng 2 năm Ất Mùi (20/3/2015) lại tổ chức Đại lễ dát vàng tượng Bồ tát Quan Âm.

Kiến trúc

Tương truyền chùa Ích Vịnh có từ thời Tây Sơn, dáng dấp ngày nay chủ yếu mang đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Sau lần đại trùng tu và tôn tạo mới đây, chùa có mặt bằng xây dựng gần như kiểu "nội Công ngoại Quốc". Tam quan gồm 3 gian xây 3 tầng 8 mái, cửa chính giữa cao to hơn 2 cửa phụ, tầng trên có gác chuông nhìn về hướng nam hơi chếch ra cái hồ vuông. Trên hồ có một thủy đình nhỏ hình tứ giác với 4 cột tròn, bên trong đặt một pho tượng Bồ tát Quan Âm trắng toát.
Sau tam quan là một sân lớn, hai bên có nhà khách, lối đi ở giữa được che bằng mái tôn và dẫn đến các bậc thềm với chiếu nghỉ đủ làm một diễn đàn rồi dẫn tiếp lên hàng hiên vây quanh tòa tam bảo. Tiền tế gồm 5 gian rộng lớn, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ, cả hai đều xây kiểu 2 tầng 8 mái và ở trên tầng 2, tầng 1 là giảng đường. Sân sau cũng rất rộng, bên tả là vườn tháp mộ và cây cảnh, bên hữu có dãy nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.
Chùa có đầy đủ các pho tượng Phật giáo bài trí theo hệ thống Bắc tông và được tạo tác với phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét