Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Tiên Linh


Chùa Tiên Linh có tên chữ Chung Linh Tự, còn gọi là chùa Tráng hoặc chùa Vạn Phúc. Xếp hạng: Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (1988). Địa chỉ: thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°54’46"N 105°53’30"E, cách Hồ Gươm hơn 18km về hướng đông-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đối diện hồ câu Duyên Hà, bến gần cuối tuyến 48 (Long Biên—Vạn Phúc) trên đê Hữu Hồng.

Lược sử

Gần làng Vạn Phúc có đầm Thọ Vực, còn có tên là đầm Vạn Xoan, vẫn được coi là dấu tích về địa danh của kinh đô nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế lập nên. Tại vùng này các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều di vật có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 6, phù hợp với thời gian ra đời của nhà nước Vạn Xuân.
Chùa Tiên Linh có thể ra đời từ thời Lý. Về niên đại khởi đầu, tuy hiện nay chưa có tài liệu khoa học để xác minh, nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: “Mùa thu tháng 7, vua ngự điện Hàm Quang xem đua thuyền, nước lên to. Trong vườn dâu ở xứ Ô Lộ có pho tượng Phật cổ nổi lên mặt nước…”.
Dân địa phương còn lưu truyền sự tích về việc vua Lý Thái Tổ đã cho đắp đê Cơ Xá lớn nhất thời ấy (đầu thế kỷ 11). Để kỷ niệm, nhà vua đã cho xây dựng chùa Tiên Linh ở dưới chân đê Vạn Phúc. Từ đó, vào những dịp lễ lớn các vua nhà Lý đều về chùa cầu cúng.
Năm 1425, Lê Lợi dẫn quân từ Lam Sơn tiến ra bao vây quân Minh ở trong thành Đông Quan. Đại bản doanh vua Lê đặt ngay tại làng Vạn Phúc, nơi có ngôi chùa Tiên Linh. Vua và nghĩa quân cho đắp con đê Vạn Xuân, làm thành một chiến lũy trong chiến dịch giải phóng Đông Quan.
Nơi đây cũng chứng kiến lần đầu Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc Hà (1786), đã cùng quân Trịnh giao tranh ở Vạn Phúc trong vòng một ngày. Quân Tây Sơn sau chiến thắng này đã từ đây kéo vào thành Thăng Long chiếm nốt sào huyệt nhà Chúa. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ lại tiến quân ra Bắc nhằm đánh quân xâm lược nhà Thanh. Một cánh quân thủy đã đổ bộ lên bờ và nghỉ chân tại đình làng Vạn Phúc. Theo truyền thuyết thì chính tại chùa Tiên Linh, Quang Trung đã đích thân hội họp tướng lĩnh trước khi tấn công vào đồn Ngọc Hồi cách đó không đầy 6km.
Trong kháng chiến chống Pháp (1947 – 1954), xã Vạn Phúc từng là một căn cứ tập kết của các chiến sĩ biệt động nội thành Hà Nội. Năm 1952, tiểu đoàn 15 và huyện đội Thường Tín đã lấy chùa Tiên Linh làm sở chỉ huy và địa điểm liên lạc bí mật. Tài liệu địa phương cho biết quân Pháp trước khi phải rút về nước đã phá hủy ngôi chùa này.

Kiến trúc và di vật

Năm 1954 hòa bình lập lại, sau đó nhân dân Vạn Phúc đã góp công góp của để xây lại Chung Linh Tự trên nền chùa cũ. Ngày 12-12-1988 Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng chùa là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Gần đây nhà chùa vừa hoàn thành một đợt trùng tu lớn, song dáng vẻ vẫn giữ lối kiến trúc cuối thời Nguyễn.
Tòa tam bảo nhìn về núi Ba Vì ở hướng tây qua mặt nước hồ, hậu đường dựa lưng vào mé trong của sườn đê, nơi sông Hồng có khúc ngoặt lớn. Trong khuôn viên chùa có nhiều cổ thụ. Chùa chính có mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhị với hai nếp nhà 5 gian xây trên nền rất cao, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta.
Trước tiền đường và hậu đường đều có sân gạch. Trên thượng điện, đáng chú ý hơn cả là pho tượng Quán thế âm Bồ tát nghìn mắt, nghìn tay. Bên cạnh một hệ thống tượng Phật giáo đầy đủ còn treo các câu đối ca ngợi cảnh chùa, ví dụ: 
"Mười phương rường cột, cảm vui nới rộng tới bờ từ bi lưu thắng tích
Tam bảo quy mô, trời đất núi sông xuân phong bát ngát cõi trời lành"
Trong chùa còn giữ được một cổ vật rất đẹp và quý là khám thờ làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí tứ linh, phía trên chạm khắc hình lưỡng long triều nguyệt, mang nét nghệ thuật cuối thế kỷ 18. Ngoài ra còn có quả chuông đồng “Tiên Linh tự chung” được đúc năm Thành Thái thứ 8 (1896).

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh (NCCong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét