Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Chùa Tiên Tích

Chùa Tiên Tích ra đời vào giữa thế kỷ 18, cuối thời Lê Trung Hưng. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa. Địa chỉ: số 110 phố Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toạ độ: 21°1’34"N 105°50’28"E, cách Hồ Gươm hơn 1,5km về hướng tây. Điểm dừng xe bus gần nhất: các phố Lê Duẩn (bus 01, 32, 38, 40), Nguyễn Thái Học (02, 23, 34, 45), Lý Thường Kiệt (49).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Tương truyền vào thời nhà Lý, có một hoàng tử đi chơi bị lạc được các tiên đưa về, vua cho dựng ngôi chùa Tiên Tích (dấu tích Tiên) để tạ ơn. Theo sách cũ, chùa này được xây bên hồ Kim Âu (Âu vàng), rộng chừng 10 mẫu, mặt nước sáng như gương. Một tư liệu khác cho biết chùa được mở rộng vào đầu đời Cảnh Hưng (1740-1786). Đến thời Nguyễn, vào năm Minh Mạng thứ 14 (1835) chùa được khôi phục và liên tục tu sửa, hoàn thiện.
Bản đồ Hà Nội 1898 vẽ một con phố nhỏ từ chợ Cửa Nam đi qua đất các thôn Vĩnh Xương, Nam Môn, Hoa Ngư, Tứ Mỹ đến chùa. Dân cư ở đây có các hộ làm nghề thêu và buôn bán ô, lọng nên gọi là phố Hàng Lọng. Khi thực dân Pháp sang, hồ Kim Âu bị lấp và chùa bị thu hẹp do việc xây ga Hàng Cỏ ở cuối phố Hàng Lọng, nơi mở đầu 千 里 道 (Thiên lý đạo) tức đường Cái Quan (Quan lộ hay Route Mandarine). Một trong những nhân viên của Sở Hỏa xa Đông Dương tại Hà Nội năm 1927-1928 là Lê Duẩn, sau trở thành Tổng bí thư ĐCSVN.
Năm 1952, trong thời kỳ Pháp tái chiếm, Hàng Lọng và đường Cái Quan đổi là đường De Lattre de Tassigny, vị thống chế Pháp vừa chết. Hòa bình trở lại năm 1954, chính quyền mới đổi tên thành đường Nam Bộ. Từ năm 1998 đường mang tên Lê Duẩn. Ngày 17-10-2006, tại số nhà 110 đã khai trương dự án “Khởi công tôn tạo, tu bổ Di tích lịch sử chùa Tiên Tích” nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long—Hà Nội. Việc này từng gây lùm xùm vì báo chí cho rằng ngôi chùa đã bị xây lại hoàn toàn.

Kiến trúc

Do bị mất đất để xây ga Hàng Cỏ, hiện nay chùa Tiên Tích nối với cổng mở thông ra mặt phố bằng một hành lang xây kín[1] đi sát bên hữu ngôi đền Trần Triều[2] ở số nhà 104 Lê Duẩn, nhìn sang KS Mercure bên góc phố đối diện. Sau lần đại trùng tu năm 2006 ngôi chùa bị đổi hướng và được tôn lên thành 2 tầng với cấu trúc bê tông cốt sắt
Tầng dưới hiện nay dành cho nhà thờ Mẫu, nhà Tổ, nhà Ni và khu phục vụ, hai bên đều có cầu thang dài dẫn lên gác. Tầng trên là tòa tam bảo thờ Phật, quay hướng đông, xung quanh có hàng hiên. Tiền đường 3 gian 2 dĩ kết nối với thiêu hương và thượng điện theo hình “chữ Đinh”, tất cả đều mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Chính điện được bài trí hệ thống tượng Phật giáo theo kiểu Bắc tông, với 5 bệ thờ được giật cấp cao dần tới cuối thượng điện..
Sân thượng chùa Tiên Tích. Panorama ©NCCong 2016

Lưu ý

Phần lớn các pho tượng của chùa Tiên Tích được tạo tác dưới triều Nguyễn và in đậm dấu vết nghệ thuật của thế kỷ 19 nhưng nay không còn màu thời gian sau khi tô vẽ lại. Trong chùa hiện cũng lưu giữ được 4 bia đá, một trong các tấm bia có ghi niên đại khá muộn vào năm Bảo Đại thứ 11 (1934) và lời ca ngợi “Từ vương triều Lý đến nay thời cuộc có biến thiên mà cảnh Phật càng rạng ngời hơn trước”. Ngoài ra còn có một quả chuông đồng mang tên “Tiên Tích Tự Chung”.

Di tích lân cận

Chú thích

[1] Hiện nay phía trên hành lang này là sân thượng và một phương đình 2 tầng 8 mái.
[2] Đền Trần Triều ở ngay trước chùa trong. Mặt tiền của đền cũng bị mấy hộ dân án ngữ, nhà số 108 thậm chí còn xây cao hơn và che khuất tam bảo chùa Tiên Tích.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét