Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chùa Tự Khoát (Hưng Phúc Tự)

Chùa làng Tự Khoát có tên chữ Hưng Phúc Tự, tương truyền được xây từ thời Lý. Địa chỉ: thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Xếp hạng: Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia (năm 1988). Tọa độ: 20°55’32"N 105°51’16"E; cách Hồ Gươm hơn 13km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: ngay sau ngã ba từ quốc lộ QL1A đi Đông Mỹ theo tỉnh lộ TL70B (bus 08).

Bản đồ trực tuyến

Lược sử

Chùa Tự Khoát tên chữ là Hưng Phúc Tự, tọa lạc tại thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Năm 1988 Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận chùa là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Du khách từ ga trung tâm Hà Nội xuôi thẳng xuống quốc lộ QL1A, đến ngã ba gần Ngọc Hồi thì rẽ trái theo tỉnh lộ TL70B đi khoảng 200m qua bến xe bus 08 rồi tiếp tục độ 100m nữa sẽ thấy con đường Lưu Phái bên tay trái là lối vào chùa.
JPEG - 29.5 kb
Tượng thờ hai công chúa Từ Thục, Từ Huy
Theo truyền thuyết, dưới thời Lý có hai chị em công chúa là Từ Thục và Từ Huy xuất gia tu hành ở am Đông Phù đều thuộc vùng Ngũ Hiệp. Hai bà đã chia ruộng đất cho dân nghèo và giúp họ vốn liếng để trồng lúa, trồng dâu, mở lò rèn... Khi vua cha gọi về triều để gả cho thổ hào vùng biên giới, hai bà nhất quyết không tuân lệnh. Nhà vua nổi giận cho đốt am nhằm triệt chỗ nương thân của con song hai bà lại được dân làng Tự Khoát đón về, dựng lại am trên gò Trúc Lĩnh, rồi mở mang am thành chùa, nên gọi là chùa Tự Khoát (chùa mở rộng). Hai bà hóa vào ngày 15 tháng Ba âm lịch.
Sử ghi: đầu năm 1789, hoàng đế Quang Trung đích thân chỉ huy cánh trung quân Tây Sơn vây hãm rồi đại phá đồn Ngọc Hồi của quân nhà Thanh, tiến về giải phóng Thăng Long. 200 năm sau, cách chùa Tự Khoát chỉ chừng 700m, một Đài chiến thắng khá lớn đã được dựng lên để kỷ niệm trận đánh oai hùng. Dân sở tại cho biết ở gần miếu Tự Khoát còn lưu danh Mả Ngô tức là cái gò chôn xác giặc Thanh bị chết trong dịp ấy.

Kiến trúc

Được biết chùa Tự Khoát đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ vào các năm 1830, 1865, 1907, 1939, 1995 và gần đây nên dáng vẻ hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của cuối thời Nguyễn. Chùa Tự Khoát quay mặt về hướng Nam, nhìn ra một đầm sen hình vuông. Từ đường làng có lối đi rộng rãi vào cổng ngách mới mở ở bên hữu tam quan.
Cổng tam quan được xây dựng năm 1939 với hai trụ biểu rồi đến 2 cửa phụ kiểu 2 tầng, 8 mái đắp giả ngói ống, phía trên cửa giữa có một ngọn tháp 4 tầng. Tháp này tuy cùng kiểu dáng nhưng kích thước và số tầng đều nhỏ hơn so với ngọn tháp ở chùa Ngọc Hồi gần đó. Sau cổng là sân rộng, bày vạc đá và đôi nghê đá phía trước hòn non bộ. Bên trái sân có giếng to rồi đến vườn mộ của các vị sư trụ trì đã quá cố. Bên phải sân có các cổ thụ, vườn cau và một đàn tràng nhỏ xây cao.
Sau hòn non bộ là sân chùa chính, bên trái có nhà Tổ mới trùng tu rộng 5 gian, thờ tượng 2 công chúa Từ Thục và Từ Huy. Chùa chính được xây theo hình chữ “Công”, bao gồm tiền đường 5 gian, thiêu hương 2 gian và thượng điện 5 gian. Ngoài ra còn có nhà thờ Mẫu, nhà khách và khu vực dành cho sư sãi dựa lưng vào một cái hồ dài hình chữ nhật.
Sân sau tam quan chùa Tự Khoát. Panorama ©NCCong 2014

Di vật

Chùa Tự Khoát hiện giữ được 2 con rồng đá trước cửa, 52 pho tượng tròn, 1 quả chuông, 3 tấm bia đá, nhiều hoành phi, câu đối, kiệu rước, long ngai, bát hương…. Trên các tầng của điện Phật tính từ trong ra có đặt các pho tượng Tam thế, A Di Đà tam tôn, Thích Ca đắc đạo, Di Lặc, Thích Ca sơ sinh (Cửu Long) với hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài tiền đường, sát tường hậu và ở hai bên bày các tượng Tuyết Sơn, Quan Âm tống tử, Khuyến Thiện, Trừng Ác. Hai bên gian sát tường hồi còn có tượng Giám Trai, Đức Ông và bàn thờ hậu. Nhà thiêu hương bày bộ tượng Thập điện Diêm Vương. Hầu hết hiện vật đều mang các nét đặc trưng của nghệ thuật thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn.

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét