Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Ngọc Sơn


Đền Ngọc Sơn xây năm 1842, trong thờ thần Văn Xương và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử và kiến trúc, nghệ thuật (năm 2013). Địa chỉ: số 4 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tọa độ: 21°01’50"N 105°51’09"E; sát góc đông-bắc Hồ Gươm. Điểm dừng xe bus gần nhất: BĐX Bờ Hồ (bus 09, 14) và Hàng Tre (04, 08, 11, 18, 23, 31, 34, 36).

Bản đồ trực tuyến


Giới thiệu

JPEG - 119.3 kb
Tiêu bản Rùa ở đền Ngọc Sơn​
Tháp Bút —cũng như Đài Nghiên— mới có từ năm Ất Sửu (1865). Nhưng đền Ngọc Sơn đã có từ mùa thu năm Nhâm Dần (1842). Tấm bia “Ngọc Sơn đế quân từ ký” (Bài ký đền Ngọc Sơn đế quân) do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm Quý Mão (1843), hiện còn trong đền, cho biết:
“Đời Lê sơ, đây là nơi các vua thường ra câu cá, có xây một cái đài gọi là Điếu đài (đài câu cá). Sau đó, tại đây người ta dựng ngôi đền thờ Quan Đế (tức Quan Vũ, tướng đời Thục Hán, nổi tiếng là trung nghĩa). Sang đời vua Gia Long, ông Tín Trai người làng Nhị Khê mở rộng ngôi đền Quan Đế thành chùa Ngọc Sơn (Ngọc Sơn tự), trước chùa xây một gác chuông”...

Cổng đền Ngọc Sơn. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 229.2 kb
Đắc Nguyệt Lâu
...“Đến khoảng đời Thiệu Trị, các con ông Tín Trai nhượng chùa này cho hội Hướng Thiện (một hội do các nhà nho lập ra, vốn thờ thần Văn Xương là thần coi về văn chương thi cử). Hội này liền bỏ gác chuông, xây ở chỗ đó một đền thờ Văn Xương. Công việc xây dựng bắt đầu từ mùa đông Tân Sửu (1841) đến mùa thu Nhâm Dần (1842) thì hoàn thành và đổi chùa ra đền tức Ngọc Sơn Từ.”
Hai mươi ba năm sau, vào năm Ất Sửu (1865) án sát đương nhiệm ở tỉnh Hà Nội là Đặng Huy Tá cùng án sát về hưu là Nguyễn Văn Siêu đứng ra trùng tu lại ngôi đền. Lần này, ngoài sửa chữa các nếp nhà cũ còn xây dựng thêm Đình Trấn Ba, Đài Nghiên, Tháp Bút và đặt tên cho cây cầu nối bờ đông hồ với đảo là Thê Húc. Chiếc cổng trong của đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng), nằm bên gốc cây đa cổ thụ ở đầu cầu phía hòn đảo. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm".

Tháp Bút. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 135.1 kb
Tiền đường đền Ngọc Sơn
Tháp Bút, theo ý tưởng của những người thiết kế là “tượng trưng cho nền văn vật”. Điều này được nói trong bài Ký khắc trên bia “Trùng tu Văn Xương miếu ký” (Bài ghi việc tu sửa miếu Văn Xương) do Đặng Huy Tá soạn khi công việc xây dựng hoàn thành (năm 1865) hiện cũng vẫn còn bản dập trong đền. Văn vật theo sách Từ nguyên là “Vị lễ nhạc điển chương dã” có nghĩa nói về lễ nhạc và điển chương.
Tháp dựng trên ngọn núi do đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao cả thảy 28m. Đỉnh là một ngòi bút dựng ngược. Cả cán và ngòi cao 0,9m. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ “Tả Thanh Thiên” có nghĩa là “Viết (lên) trời xanh”.

Cầu Thê Húc. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 139.8 kb
Ban thờ Quan Công ở đền Ngọc Sơn
Thực ra cụm kiến trúc Tháp Bút vừa biểu dương văn chương đồng thời lại biểu dương võ công dẹp cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo Nguyễn Danh Phương. Đây mới là ngụ ý của các người thiết kế, vì ta thấy Tháp Bút dựng trên một cái gò chất đầy đá hộc. Gò này tượng trưng cho một ngọn núi (theo thuật phong thủy “cao nhất thốn giả vi sơn” tức là chỉ cần cao một tấc thì cũng là núi rồi). Núi đó có tên là Độc Tôn. Điều trên đã được nói rõ trong bài “Bút Tháp chí” do Nguyễn Văn Siêu soạn năm 1865 được khắc ngay trên thân tháp ở tầng thứ ba mặt nhìn về hướng nam.
Cùng lúc đắp núi Độc Tôn thì chúa Trịnh còn cho đắp núi Ngọc Bội bên bờ tây hồ (Ngọc Bội ở vùng Phổ Yên là ngọn núi mà chúa Trịnh đóng quân, còn Độc Tôn là doanh trại của Nguyễn Danh Phương). Cạnh núi có cung Khánh Thụy. Về sau Lê Chiêu Thống đã cho đốt cung này, song tên thì còn lưu lại ở hai ngôi làng ở hai bên cung là Tả Khánh Thụy và Hữu Khánh Thụy. Sang đời Nguyễn, 2 làng này nhập vào làng Báo Thiên thành làng Báo Khánh. Nay còn phố Báo Khánh là di tích.

Đắc Nguyệt Lâu. Panorama ©2010 Thang Bui
JPEG - 124.2 kb
Đình Trấn Ba
Trở lại Tháp Bút, đã có bút thì phải có nghiên. Cho nên ở đầu cầu Thê Húc là Đài Nghiên. Nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền. Đó là một cái nghiên mực bằng đá xanh đẽo tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m, có ba con thiềm thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng.
Đặc biệt trên thân của nghiên có khắc một bài minh mà tác giả lại cũng là Nguyễn Văn Siêu. Chỉ có 64 chữ (Hán) nhưng ý tứ thật hàm súc. Có nhiều cách hiểu và tới nay có nhiều bản dịch khác nhau. Dưới đây chúng tôi tạm dịch như sau: “Xưa lấy hốc đất làm nghiên, chú giải Đạo Đức kinh, nghiền ngẫm bên nghiên lớn, viết sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông không tròn, dùng vào mọi việc thật kỳ diệu. Không cao không thấp, ngôi ở chính giữa. Cúi soi hồ Hoàn Kiếm, ngửa trông ngọn Bút đá. Ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi. Ngậm nguyên khí mà mài hư không”....[1]

Đài Nghiên. Panorama ©2015 NCCong

Di tích lân cận

Chú thích

[1] Nguyễn Vinh Phúc: Phố và đường Hà Nội. Nxb. Giao thông Vận tải.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét