Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Đình Quỳnh Đô


Đình Quỳnh Đô thờ vọng Thái uý Tô Hiến Thành (?—1179). Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1989). Địa chỉ: làng Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°56’18’’N 105°50’21’’E; cách Hồ Gươm chừng 12km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: ngã ba đường Phan Trọng Tuệ—Ngọc Hồi (bus 06, 08, 12, 37) hoặc ngã ba đường Quỳnh Đô—Ngọc Hồi (06, 08, 12, 62).

Bản đồ trực tuyến

Từ ngã ba đường Phan Trọng Tuệ—Ngọc Hồi du khách đi về hướng tây gần 200m rồi rẽ trái men theo sông Tô Lịch về hướng tây-nam khoảng 600m sẽ đến đình làng Quỳnh Đô. Nếu xuống xe bus ở ngã ba đường Quỳnh Đô—Ngọc Hồi và đi về hướng tây-bắc chừng 700m thì cũng đến nơi.

Lược sử

JPEG - 147.9 kb
Tam quan đình Quỳnh Đô nhìn từ trong. Ảnh ©2015 NCCong
Làng trước đây có tên nôm là Giả Quỳnh hay Kẻ Đô, đến thời nhà Nguyễn đổi thành xã Quỳnh Đô. Từ năm 1945 được gọi là làng Quỳnh Đô. Hai từ này ca ngợi sự khoẻ, đẹp trong tinh thần thượng võ của dân làng Quỳnh Đô, vốn là một lò vật nổi tiếng.
JPEG - 138.6 kb
Đình Quỳnh Đô, lễ hội 2013
Đầu thế kỷ 19, làng cũng là một xã của tổng Cổ Điển, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với làng Vĩnh Ninh thành xã Vĩnh Quỳnh, thuộc về huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình làng được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Thành hoàng của làng Quỳnh Đô là Thái uý phụ chính Tô Hiến Thành. Ngài sinh ngày 22 tháng 1 âm lịch (không rõ năm) tại làng Hạ Mỗ, thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Sơn Tây cũ. Lớn lên lấy hiệu là Phi Diên, đỗ Thái học sinh rồi làm quan đại thần trải suốt ba triều: Lý Thần Tông (1128—1138), Lý Anh Tông (1138—1175), Lý Cao Tông (1175—1210).
JPEG - 92.5 kb
Toà tiền tế đình Quỳnh Đô. Ảnh ©2015 NCCong
Khi vua Anh Tông ốm nặng sắp mất, triều đình cử ngài làm Thái phó Bình chương Quân quốc trọng sự, lĩnh tước vương giúp vua nhỏ nhiếp chính. Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử văn võ toàn tài, có công lớn trong việc mở mang văn hiến, chăm lo đời sống dân cư, tiến cử hiền tài phò vua giúp nước, trọn cả cuộc đời liêm khiết. Ngài mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179), vua thương tiếc nghỉ chầu 6 hôm, nhiều nơi lập đền thờ ngài.
Trong đình làng Quỳnh Đô có ban thờ Ngài với đôi câu đối:
Hào kiệt thánh hiền vi thái sư vi nguyên tướng vi thượng đẳng phúc thần uy linh hoá hạ
Trung lao huân nghiệp tại triều đình tại biên thuỳ tại thiên hạ hậu thế danh bá thư sử
Tạm dịch:
Thánh hiền hào kiệt, làm thái sư, làm nguyên tướng, làm thượng đẳng phúc thần linh thiêng hoá hạ
Sự nghiệp trung thần, nơi triều đình, nơi biên thuỳ, nơi thiên hạ đời sau phải ghi danh sử sách.
Trong sân đình Quỳnh Đô. Panorama ©2015 NCCong
JPEG - 178.7 kb
Hát chầu văn tại sân đình Quỳnh Đô

Kiến trúc

Đình làng Quỳnh Đô nhìn về sông Tô Lịch ở hướng đông-nam, bên trái và phía sau tọa lạc chùa Hưng Long trong một khuôn viên còn rộng lớn hơn cả đình. Cạnh cổng đình có một cây bồ đề to đã hơn 200 năm tuổi, được xếp hạng là Cây di sản Việt Nam. Tam quan ngày nay giáp với mặt đường, bên trên có đắp 4 chữ Hán “Quỳnh Đô Công Đình”.
Sau tam quan là một sân gạch lớn, hai bên có dãy nhà tả, hữu mạc năm gian xây đơn giản. Tòa tiền tế rộng năm gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc. Song song với toà tiền tế là nhà đại bái, cũng xây kiểu đầu hồi bít đốc. Đại bái kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ.
JPEG - 235.1 kb
Thiếu niên nhi đồng Quỳnh Đô trong lễ hội

Lưu ý

Ngoài các bức đại tự và câu đối lời hay chữ đẹp, trong đình hiện còn giữ được những hiện vật có niên đại khá sớm. Đáng quý nhất là cuốn “Thần phả” và 24 đạo sắc phong, bao gồm từ sắc phong đầu tiên mang niên hiệu Vĩnh Khánh thứ hai (1720) thời Lê Trung Hưng cho đến sắc phong cuối cùng vào năm Khải Định thứ chín (1925) thời Nguyễn.
JPEG - 174 kb
Đoàn rước kiệu đi quanh làng Quỳnh Đô
Ngày 5-9-1989, đình Quỳnh Đô cùng với ngôi chùa Hưng Long bên cạnh đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là một cụm Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 16-3-2013, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Lễ trao quyết định xếp hạng cây bồ đề 200 tuổi ở làng Quỳnh Đô là “Cây di sản Việt Nam”.
JPEG - 167.5 kb
Chùa làng Quỳnh Đô chào đón lễ hội 2013
Hằng năm, nhân dân làng Quỳnh Đô tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày mồng 5 đến mồng 7 tháng 2 âm lịch. Mồng 5 là ngày diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi nhất. Phần lễ diễn ra long trọng với nghi lễ rước kiệu từ đình Quỳnh Đô đến miếu Trúc. Tại miếu Trúc, các cụ bô lão trong làng sẽ làm lễ tế thánh để rước nước trở lại đình Quỳnh Đô. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, đấu vật…

Di tích lân cận


Bài và ảnh: Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét