Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Người Việt trước đêm đánh bại cuộc xâm lược của Tần Thủy Hoàng


Tranh vẽ Tần Thủy Hoàng - Ảnh: Internet
Các nước nhỏ ở phía nam khá yên ổn ngay cả trong giai đoạn Chiến quốc biến loạn. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Tần Thủy Hoàng đánh bại 6 nước, thống nhất Trung Nguyên. Mặc dù là vị Hoàng đế sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn chưa hài lòng và muốn mở rộng biên giới hơn nữa.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có nhiều cuộc chống ngoại xâm vang dội từ thời Hai Bà Trưng đánh Tô Định cho đến Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, thiết lập nền độc lập, rồi Đinh, Lê, Lý, Trần... bao đời gây nền độc lập. Tuy nhiên, cuộc chiến chống ngoại xâm đầu tiên đánh bại đạo quân xâm lược của Tần Thủy Hoàng thì lại ít được nhắc đến một cách chi tiết. Các sách giáo khoa lớp 4, 6 hay lớp 10 kể về giai đoạn mở đầu lịch sử nước nhà chỉ dành 1, 2 dòng nói về cuộc chiến chống quân Tần năm 218 trước Công nguyên. Do vậy, chúng tôi gắng kể lại và phân tích rõ hơn về cuộc chiến chống xâm lược đáng tự hào này.
Trước thời Tần Thủy Hoàng
Trong huyền sử thì ghi nhận cuộc chống ngoại xâm đầu tiên của nước ta là Thánh Gióng đánh giặc Ân ở thời Hùng vương thứ 6. Nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư khi kể chuyện Thánh Gióng cũng chỉ nhắc:Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vường nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế.
Rõ ràng, bộ chính sử này khi nhắc truyền thuyết cũng chỉ nói Thánh Gióng đánh giặc chứ không hề đề cập đến giặc Ân (Ân còn được hiểu là triều đại Thương bên Trung Quốc). Cũng phải nói rằng vào thời Thương hay Chu sau này thì lãnh địa của các nước này cách khá xa khu vực người Việt sinh sống.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn lại Sử ký (Trung Quốc) chép: Năm Tân Mão thứ sáu (1110 trước Công nguyên - TCN) đời Thành Vương nhà Chu, phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường thị qua ba lần sứ dịch, sang dâng chim trĩ trắng. Chu công nói: "Đức trạch chưa thấm khắp đến phương xa, người quân tử không nhận đồ lễ ra mắt; chính lệnh chưa ban ra tới, người quân tử không bắt người ta thần phục". Theo lời thông dịch, sứ giả muốn nói: "Ông già trong nước chúng tôi có nói: "Trời mưa không dầm gió dữ và biển không nổi sóng đã ba năm nay, ý chừng Trung Quốc có thánh nhân chăng?". Vì thế, chúng tôi sang chầu". Chu Công đem dâng lễ vật lên nhà tôn miếu. Sứ giả không thuộc đường về, Chu Công cho năm cỗ xe biền7 đều làm theo lối chỉ nam. Sứ giả đi xe ấy theo ven biển nước Phù Nam* và nước Lâm Ấp**, vừa một năm mới về đến nước.
Sử ký của Trung Quốc nói sứ giả các nước phía Nam gặp vua Chu đi lại mất cả năm đủ thấy giao thông thời ấy rất khó khăn. Với mức độ phát triển thời Thương - Chu thì không thể có chuyện mang quân đi thôn tính các vùng đất xa như vậy, nhất là khi thời Thương hay Xuân Thu thì chưa hề có kỵ binh. Ngay cả thời Chiến quốc, các nước cũng chỉ lo việc tranh bá ở Trung Nguyên chứ xem nhẹ việc mở rộng lãnh thổ (trừ Tần). Nước Tần theo chủ trương của Bách Lý Hề mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây ngày càng cường thịnh. Nước Sở ở phía Nam chỉ nhòm ngó lên phía Bắc tranh bá với Tam Tấn, Tề, Tần chứ không đặt nặng tư tưởng bành trướng xuống phía nam. Thế nên các nước nhỏ ở phía nam khá yên ổn ngay cả trong giai đoạn Chiến quốc biến loạn. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Tần Thủy Hoàng đánh bại 6 nước, thống nhất Trung Nguyên.
Tần Thủy Hoàng thống nhất và bành trướng
Năm 230 TCN, Tần vương Doanh Chính tung ra các chiến dịch cuối cùng của thời kỳ Chiến Quốc nhằm chinh phục các vương quốc độc lập còn lại. Nước Hànsau nhiều lần thua trận, đã rất nhỏ yếu không còn khả năng kháng cự nên là nước đầu tiên bị hạ. Hàn vương An sợ hãi, vội thu hết sổ sách, địa đồ trong nước sang đầu hàng nộp đất. Tần vương chính thức thôn tính nước Hàn.
Hàn với Triệu vốn như môi với răng, trong lịch sử thì Triệu nhiều lần phải phát quân cứu Hàn nhưng lần này cũng bó tay. Sau khi diệt Hàn, Tần đánh Triệu. Năm 228 TCN, quân Tần phá vỡ kinh thành Hàm Đan, bắt sống Triệu vương Thiên. Hạ xong Hàn, Triệu thì Tần vương Chính quay sang đánh Ngụy để hoàn tất chiến thuật diệt Tam Tấn. Năm 225 TCN, quân Tần hùng mạnh tấn công Đại Lương, tháo nước sông vào thành. Ngụy vương Giả không chống nổi phải ra hàng.
Ngay trong năm 225 TCN, Tần vương Chính sai Lý Tín mang 20 vạn quân đánh Sở. Lý Tín bị tướng Sở là Hạng Yên đánh bại. Tần vương Chính bèn nghe theo lão tướng Vương Tiễn, tổng động viên 60 vạn quân giao cho Vương Tiễn ra mặt trận. Vương Tiễn đánh Sở trong 2 năm, đánh bại Hạng Yên, bắt sống Sở vương Phụ Sô. Hạng Yên chạy thoát, lập vua Sở mới là Xương Bình quân lên ngôi. Vương Tiễn lại tấn công xuống phía nam, giết chết vua Sở và Hạng Yên, bình định nước Sở. Nước Sở, quốc gia chư hầu lớn lớn nhất và kình địch nhất của nước Tần đến năm 223 TCN bị chinh phục
Một năm sau khi đánh bại Sở, Tần vương sai quân tấn công Yên và nhanh chóng thôn tính nước Yên và nước Đại - tàn dư của nước Triệu. Năm 221 TCN, Tần vương Chính lấy cớ Tề vương Kiến mang 30 vạn quân phòng thủ ở biên giới phía tây là hành động gây hấn, bèn sai Vương Bí mang quân từ nước Yên tiến thẳng xuống phía nam đánh úp kinh thành Lâm Tri. Nước Tề vốn 40 năm không binh đao nên không chống nổi, Tề vương Kiến phải đầu hàng. Cả 6 nước hoàn toàn bị thôn tính.
Sau khi thống nhất 6 nước, Doanh Chính tự xưng là Tần Thủy Hoàng. Mặc dù là vị Hoàng đế sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn chưa hài lòng và muốn mở rộng biên giới hơn nữa. Các dân tộc ở phía nam trong đó có người Việt phải trải qua những tháng ngày không yên ổn sau đó.

A.T
Lời chua của Khâm định Việt sử thông giám cương mục:
Phù Nam: Theo Phương dư kỷ yếu, nước Phù Nam ở trong cù lao lớn về phía tây Nam Hải thuộc quận Nhật Nam và ở về phía Tây Nam nước Lâm Ấp, cách quận Nhật Nam bảy nghìn dặm về phía Bắc, cách nước Lâm Ấp hơn ba nghìn dặm về phía Tây, diện tích được hơn ba nghìn dặm.
**Lâm Ấp: Quốc giới của Việt Thường thị xưa; đời Tần là huyện Lâm Ấp, thuộc Tượng Quận; đời Hán đổi làm huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam

Tần Thủy Hoàng nhập nhèm chuyện biên giới với người Việt

Tần Thủy Hoàng chỉ xuống được đến Cối Kê - Ảnh: Internet
Sau khi thống nhất 6 nước, Tần Thủy Hoàng bắt đầu tính chuyện đất đai bằng việc cắm lộ giới, phân chia quận. Ngay từ đó, đã có sự nhập nhèm về biên giới giữa nhà Tần với khu vực người Việt sinh sống.
Về việc chia quận thì nhà Tần đặt ra 36 quận* bao gồm lãnh thổ của các khu vực các nước thời Chiến Quốc bị Tần đánh bại. 36 là con số khá đẹp với quan điểm của người Trung Quốc thời ấy nhưng nhà Tần không hề hài lòng mà sau đó tiếp tục bành trướng lãnh thổ lớn hơn và lập ra 5 quận là Cửu Nguyên (quận trị phía tây Bao Đầu, Nội Mông Cổ hiện nay), Nam Hải (quận trị ở Quảng Châu, Quảng Đông hiện nay), Quế Lâm (quận trị phía tây Liễu Châu, Quảng Tây hiện nay), Tượng Quận (quận trị ở Sùng Tả, Quảng Tây hiện nay), Mân Trung (quận trị ở Phúc Châu, Phúc Kiến hiện nay) để thành 41 quận.
Trong số 5 quận này, chúng ta có thể thấy 4 quận mà Tần Thủy Hoàng lập thêm là các vùng lãnh thổ bành trướng xuống phương nam: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận và Mân Trung. Điều đó không hề ngẫu nhiên mà là việc làm có chủ đích của nhà Tấn nếu chúng ta xét lộ giới kỳ lạ mà Tần Thủy Hoàng quan niệm khi đó.
Lộ giới nước Tần được Tần Thủy Hoàng quan niệm chỉ có 3 mặt chứ không phải 4 mặt như thông thường, cụ thể hơn là chỉ có 3 mạn Đông, Bắc, Tây chứ không hề có mạn nam. Sử ký Tư Mã Thiên ghi rất rõ chuyện này: Đất đai chạy dài phía đông đến biển và đất Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao (huyện Dận Cam Túc hiện nay), Khương Trung, phía nam tới Bắc hướng bộ, phía bắc lấy Hoàng Hà làm biên giới và men theo Âm Sơn đến tận Liêu Đông.
Biên giới phía Nam nhà Tần tự xác định Bắc hướng bộ nghĩa là gì? Theo giải thích của một số dịch giả thì Bắc hướng bộ tức là những nhà phải làm quay cửa về phía Bắc để lấy ánh mặt trời. Cách vạch biên giới này vô cùng trừu tượng đã thổi dã tâm xâm chiếm phương nam lên nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc sau này. Thậm chí, khi cả khu vực người dân Việt có thói quen làm nhà quay về phương nam để đón gió mát mùa hè, tránh gió lạnh đông, cũng bị người phong kiến phương Bắc coi là khu vực Bắc hướng bộ.
Thời Chiến Quốc, nước nằm ở phía Nam là Sở. Lãnh thổ của Sở kéo dài về phía nam cũng chỉ ở phía nam sông Dương Tử một chút và khu vực quanh hồ Động Đình, chứ không đủ sức vươn tầm ảnh hưởng xuống vùng người Việt sinh sống (không ám chỉ khu vực Cối Kê của nước Việt thời Xuân Thu). Nhà Tần chiếm được nước Sở còn muốn bành trướng sâu hơn nữa khu vực phía nam.
Chính vì chủ trương nam tiến lấn đất nên ngay thời Tần Thủy Hoàng, việc đó đã được thực hiện bằng việc lập thêm 4 quận ở phía nam với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, ngay cả việc đặt thêm quận đó cũng chỉ mang tính hình thức chứ không hẳn đã kiểm soát trên thực tế.
Chúng ta có thể hiểu điều này qua việc Tần Thủy Hoàng đi tuần thú. Sau khi thống nhất, Tần Thủy Hoàng rất thích đi tuần thú khắp lãnh thổ của mình để vừa thể hiện uy quyền trên toàn lãnh thổ, vừa được dịp hưởng thụ của ngon vật lạ khắp đất nước.
Năm thứ 33 trị vì, Tần Thủy Hoàng lập 4 quận thì 4 năm sau, vị quân vương nhà Tần thực hiện chuyến tuần thú tới Vân Mộng, vọng tế Ngu Thuấn ở núi Cửu Nghi, lại theo Trường Giang đi xuống qua Đan Dương, tới Tiền Đường, ra Chiết Giang lên núi Cối Kê tế Đại Vũ, nhìn ra Nam Hải khắc bia ca tụng công đức nhà Tần rồi lại trở về đất Ngô (Tô Châu, Chiết Giang hiện nay), men theo bờ biển lên bắc, sau cùng chết giữa đường và đó cũng lần Tần Thủy Hoàng đi xa nhất về phía nam.
Cái mà Sử ký Tư Mã Thiên gọi là Nam Hải thực ra là biển Hoa Đông hiện giờ vì từ Cối Kê thì chỉ nhìn được ra biển Hoa Đông chứ thời đó khu vực duyên hải phía nam vẫn là nơi sinh sống của các dân tộc trong Bách Việt. Cho tới lúc chết, Tần Thủy Hoàng cũng chưa bao giờ được nhìn thấy Biển Đông.
Nếu thực sự mà nhà Tần kiểm soát được các vùng đất mới phía nam, giao thông dễ dàng thì có lẽ bánh xe của vua Tần không chỉ dừng ở Cối Kê. Trong lúc xe của Tần Thủy Hoàng lăn khắp nước thì vị hoàng đế nhà Tần vẫn có các chính sách để thực hiện dã tâm đặt nền móng cai trị lên 4 quận mới phía nam và tiếp tục lấn sâu xuống tiếp khu vực người Việt sinh sống. Đó là phần chúng tôi sẽ đề cập trong lần sau.

Anh Tú
Bản đồ thời Chiến Quốc trước khi nhà Tần thống nhất trong đó:
Chu: nước Sở
Yan: nước Yên
Qi: nước Tề
Qin: nước Tần
Han: nước Hàn
Wei: nước Ngụy
Zhao: nước Triệu
ngôi sao ở nước Sở là vị trí của Cối Kê
Ghi chú:
*36 quận ban đầu mà nhà Tần đặt gồm:
Lũng Tây (quận trị ở Lâm Thao, Cam Túc hiện nay), Đắc Địa (quận trị ở tây nam Khồnh Đương (Cam Túc hiện nay), Thượng Quận (quận trị ở Hán Trung, Thiểm Tây hiện nay), Hán Trung (quận trị ở hiện nay), Thục Quận (quận trị ở Thành Đô, Tứ Xuyên hiện nay), Đa Quận (quận trị ở Trùng Khánh hiện nay), Hàm Đan (quận trị ở Hàm Đan, Hà Bắc hiện nay), Cự Lộc quận trị ở tây nam Binh Hương, Hà Bắc hiện nay), Thái Nguyên (quận trị phía nam Thái Nguyên, Sơn Tây hiện nay), Thượng Đảng (quận trị ở Trưởng Tử, Sơn Tây hiện nay), Nhạn Môn (quận trị phía ty Đại Đồng, Sơn Tây hiện nay), Đại Quận (quận trị phía đông bắc huyện Úy, Hà Bắc hiện nay), Vân Trung (quận trị phía đông bác Thác Khắc Thác, Nội Mông Cổ hiện nay), Hà Đông (quận trị ở huyện Hạ, Sơn Tây hiện nay), Đông Quận (quận trị phía nam Bộc Dương, Hà Nam hiện nay), Nãng Quận (quận trị ở Thương Khâu, Hà Nam hiện nay), Hà Nội (quận trị phía nam Vũ Thiệp, Hà Nam hiện nay), Tam Xuyên (quận trị phía đông Lạc Dương, Hà Nam hiện nay), Dĩnh Xuyên (quận trị ở huyện Võ, Hà Nam hiện nay), Nam Quận (quận trị ở Giang Lăng, Hồ Bắc hiện nay), Kiềm Trung (quận trị ở Nguyên Lăng Hồ hiện nay), Nam Dương (quận trị ở Nam Dương, Hà Nam hiện nay), Trường Sa (quận trị ở Trường Sa, Hồ Nam hiện nay), Cửu Giang trị ở huyện Thọ, An Huy hiện nay), Tứ Thủy (quận tri phía tây Hoài Bắc, An Huy hiện nay), Tiết Quận (quận trị ở Khúc Phụ, Sơn Đông hiện nay), Đông Hải (quận trị ở Viêm Thành, Sơn Đông hiện nay), Cối Kê (quận trị ở Thiệu Hưng, Chiết Giang hiện nay), Tề Quận (quận trị ở Trị Bắc, Sơn Đông hiện nay), Lang Nha (quận trị phía nam Giao Nam, Sơn Đông hiện nay), Quảng Dương (quận trị Mật Vân, Bắc Kinh hiện nay), Thượng Cốc (quận trị phía đông nam Hoài Lai Hà Bắc hiện nay), Thượng Bình (quận trị ở huyện Tô, Hà Bắc hiện nay), Liêu Đông (quận trị ở Liêu Dương, Liêu Ninh hiện nay)

Tần Thủy Hoàng: Từ xây Vạn lý trường thành đến gây sự với người Việt

Việc tạo ra căn cứ vững chắc để không lo mặt bắc sẽ tạo tiền đề để nhà Tấn thực hiện việc đánh xuống phía nam lấn đất của người Việt như cách vạch biên giới Bắc hướng bộ mà chúng tôi đã đề cập trong phần trước. Có một công trình được Tần Thủy Hoàng tạo ra ở phía nam xứng đáng gọi là Vạn lý trường giang. Chúng ta đang nói đến kênh Linh cừ mà Tần Thủy Hoàng ra lệnh đào năm 214 trước CN.
Như đã đề cập trong phần trước, sau khi thống nhất được Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng đã phân chia quận huyện, tạo lộ giới rõ ràng ở mặt Đông, Bắc, Tây. Đặc biệt, ở mạn Bắc thì Tần Thủy Hoàng đã thực hiện việc tạo biên giới với người Hồ hay Hung Nô bằng việc xây Vạn Lý trường thành vào khoảng năm 220 trước Công nguyên.
Thực tế thì trước thời Tần Thủy Hoàng, các nước Chiến Quốc ở phía bắc như Yên, Triệu, Tần đã có những bức tường thành dài để ngăn cản các sắc dân người Hồ thâm nhập xuống phía nam. Công việc của Tần Thủy Hoàng là nối các bức tường đó lại để tạo thành một dãy công sự vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại khi đó. Nhà Tần bắt người dân phải làm việc để đắp thành, và các công nhân luôn bị đe dọa bởi tai nạn, bệnh tật và cướp tấn công. Có lẽ trong 2 thập kỷ, khoảng một triệu công nhân đã chết khi xây dựng bức tường thành. Bởi vì có nhiều người đã chết khi xây dựng thành, nó được đặt cho cái tên khủng khiếp, "Nghĩa địa dài nhất Trái Đất".
Tại sao Tần Thủy Hoàng phải lao tâm, khổ tứ xây tường thành? Vì nỗi lo câu "sấm": "Vong Tần giả, Hồ dã" (Tần mất là do Hồ) mà Hồ ở đây được Tần Thủy Hoàng hiểu là người Hồ. Trong các lần chiến đấu trước đây, quân đội Trung Nguyên thật sự ngán các bộ lạc du mục phía bắc rất có tài cung ngựa và di chuyển cơ động. Quân đội Yên, Triệu, Tần không bao giờ tiêu diệt được các bộ lạc ở thảo nguyên bao la phía bắc cả và các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh sau này cũng vậy. Hơn nữa, đánh lên mạn bắc hoang vu thì cũng chẳng giữ được đất do điều kiện tự nhiên không phù hợp với tập quán trồng trọt của dân Trung Nguyên. Cách tốt nhất để đối phó với các bộ lạc láng giềng người Hồ là xây tường làm hệ thống phòng ngự, ngăn vó ngựa của họ xuống Trung Nguyên.
Kênh Linh Cừ (màu xanh lam) - Ảnh: Wikipedia
Việc tạo ra căn cứ vững chắc để không lo mặt bắc sẽ tạo tiền đề để nhà Tấn thực hiện việc đánh xuống phía nam lấn đất của người Việt như cách vạch biên giới Bắc hướng bộ mà chúng tôi đã đề cập trong phần trước. Có một công trình được Tần Thủy Hoàng tạo ra ở phía nam xứng đáng gọi là Vạn lý trường giang. Chúng ta đang nói đến kênh Linh cừ mà Tần Thủy Hoàng ra lệnh đào năm 214 trước CN.
Miền Nam Trung Quốc có một câu nói nổi tiếng "Ở miền Bắc có Trường Thành, ở miền Nam có kênh Linh Cừ" để nói về con kênh nổi tiếng này. Nơi khởi nguồn của sông Quế cùng nơi khởi nguồn của Tương Giang thuộc hệ thống sông Dương Tử đều nằm ở phía bắc huyện Hưng An. Việc đào kênh chỉ dài 34 cây số này đã nối liền sông Tương và sông Quế mà sông Quế lại chảy vào sông Châu Giang. Có thể nói con kênh Linh Cừ đã thông đường thủy giúp tàu bè từ Dương Tử xuống cả hệ thống lưu vực đồng bằng Châu Giang (miền nam Trung Quốc) hiện giờ. Thực sự con kênh này hỗ trợ đắc lực cho sự mở rộng của nhà Tần xuống phía nam.
Để đánh xuống phía nam thì giao thông đường bộ vô cùng khó khăn cho việc tải lương. Ngoài việc đường đi vất vả phải băng qua núi đồi quanh co thì còn có thể bị đánh chặn. Nhưng với đường sông thì dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần một đội thuyền lương thì không cần tốn quá nhiều nhân lực mà có thể vận chuyển được một lượng lương lớn trong thời gian tương đối ngắn nếu so với việc đi đường bộ Chính nhờ việc đào con kênh Linh Cừ đã giúp nhà Tần và các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này thuận lợi trong việc lấn chiếm địa bàn người Việt sinh sống.
Có thể nói xây Vạn lý trường thành giúp nhà Tần yên tâm mặc bắc còn đào kênh Linh Cừ thì giúp nhà Tần bành trướng xuống phía nam. Nếu không có kênh Linh Cừ thì chưa chắc nhà Tần và các triều đại phong kiến sau của Trung Quốc đã thực hiện được dã tâm xuống phương nam.
Thực ra ngay khi chưa khởi công đào kênh Linh Cừ, Tần Thủy Hoàng đã nóng ruột muốn xua quân xuống phía nam để chiếm các vùng đất màu mỡ. Khu vực phía nam sông Dương Tử là nơi khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển nông nghiệp chứ không giống như miền bắc hoang vu lạnh lẽo. Có lẽ Tần Thủy Hoàng cũng chủ quan xem nhẹ sức chiến đấu của các dân tộc Bách Việt nên phát động cuộc chiến xâm lược xuống phía nam và phải hứng chịu thất bại ngoài tưởng tượng. Đó là điều sẽ được đề cập trong phần sau.

Anh Tú
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Theo Lĩnh Nam di thư của Âu Đại Nhâm, tiên tổ Sử Lộc là người nước Việt. Khi nhà Tần sang đánh Bách Việt, sai hiệu úy Đồ Thư chia binh sĩ làm năm quân, cắt Lộc tải lương, khai cừ để tiện lối chở lương thực. Lộc bèn khơi nguồn nước từ núi Dương Sơn (thuộc Phiên Ngung) xuôi xuống, thấy rằng theo sông Tương chảy về phía Bắc, đổ vào sông Sở Dung, là hạ lưu sông Tường Kha chảy về phía nam đổ ra biển mà vận tải lương thực thì thật vất vả. Lộc bấy giờ mới lượng tính làm ra cái đập để nước sói mạnh vào trong bãi cát sỏi, rồi xếp đá làm vũng, lái nước sông Tương đổ ra. Nước chảy xói đi hàng 60 dặm. Lại đặt ra 36 cửa đập, hễ thuyền qua một cửa đập thì đóng cửa đập ấy lại, khiến cho nước tụ lại, đầy lên dần dần. Vì thế thuyền có thể lần theo sườn núi mà lên, dễ dàng mà xuống. Không những thuyền bè đi lại được, mà lấy nước vào ruộng cày cấy cũng tiện. Người ta gọi cừ ấy là Linh Cừ. Theo Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, nhà Tần có đào cái cừ ở về phía Nam huyện Hưng An (nay thuộc Quế Châu) hai mươi dặm. Gốc tận sông Ly, từ phía Bắc núi Thác Sơn, chảy về Tây Bắc, đến phía Tây Nam huyện Hưng An, hợp với Linh Cừ năm dặm mới chia ra hai dòng. Xưa, nhà Tần sai ngự sử giám, tên là Lộc, từ huyện Linh Lăng đào cừ đến Quế Lâm tức là đấy

Thực hư đạo quân 50 vạn của Tần Thủy Hoàng gây chiến với người Việt

Quân Tần bằng đất nung - Ảnh: Internet
Trong một số cuốn sách và các bài báo trước đây nói về cuộc chiến này thì thường nhắc đến "sự kiện Đồ Thư mang 50 vạn quân xuống phía nam" nhưng bị sa lầy bởi chiến tranh du kích của người Việt và cuối cùng là Đồ Thư bị chết cùng hàng chục vạn người. Thực hư chuyện này thế nào?
Phần trước, chúng tôi có đề cập đến truyện Tần Thủy Hoàng cho người đào kênh Linh Cừ để nối liền hệ thống sông Dương Tử với hệ thống sông Quế để thâu tóm huyết mạch đường sông xuống hạ lưu châu thổ Châu Giang. Việc khơi thông đường thủy có tác dụng lớn trong việc vận chuyển lương thảo, quân nhu nhằm bành trướng xuống phía nam.
Có một điều phải bàn là trong một số cuốn sách và các bài báo trước đây nói về cuộc chiến này thì thường nhắc đến sự kiện Đồ Thư mang 50 vạn quân xuống phía nam nhưng bị sa lầy bởi chiến tranh du kích của người Việt và cuối cùng là Đồ Thư bị chết cùng hàng chục vạn người. Thực hư chuyện này thế nào?
Trước hết những lời kể về truyện Đồ Thư toàn dựa theo lời kể của cuốn Hoài Nam Tử của Lưu An. Cuốn Hoài Nam Tử chép như sau: “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành. Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Ho kén chọn ngưòi tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn”.
Có thể nói chính Hoài Nam tử được Lưu An viết năm 139 TCN đã làm nhiều sách sử bị việt vị. Hoài Nam tử được coi là một cuốn sách quý nhưng ở góc độ nghiên cứu triết học mang hơi hướng Lão Trang chứ không phải lịch sử nên thường được so sánh với Đạo Đức Kinh hay Nam Hoa Kinh chứ không được coi là sử như Sử Ký hay Hán thư. Ngay trong phần kể trên thuộc chương 18 của Hoài Nam Tử là Nhân gian huấn thì cũng chỉ thấy sách dẫn lại truyện xưa chứ không hề dựa theo ghi chép chính sử nào.
Bản thân Lưu An lại là cháu nội của Hán Cao Tổ Lưu Bang (Lưu An là con trưởng của Lưu Trường, và Lưu Trường là con thứ 7 của Lưu Bang) nên không ngạc nhiên khi ông viết có phần nói quá về mức tàn tệ của Tần Thủy Hoàng. Lưu An là người theo Đạo giáo nên ông càng ghét việc dùng bạo lực và không ngại tô thêm đen các thất bại của nhà Tần. Đúng là Tần Thủy Hoàng vô cùng tàn bạo và nuôi dã tâm cực lớn trong việc bành trướng xuống phía nam nhưng Tần Thủy Hoàng là một con người vô cùng đa nghi. Chắc chắn Tần Thủy Hoàng không bao giờ có chuyện giao đạo quân đến 50 vạn cho một viên hiệu úy như Đồ Thư xuống phía nam. Điều này cũng vô lý như việc trao một "phương diện quân" vào tay một viên đại úy vậy. Theo quan chế thời Tần thì hiệu úy là chức quan võ rất thấp nên không thể nào thống lĩnh một đạo quân 50 vạn được.
Dựa vào các sử liệu thì Đồ Thư không phải là một trọng thần của Tần Thủy Hoàng thì làm sao được tin tưởng để trao 50 vạn quân. Đó là chưa kể việc nếu đưa 50 vạn quân đánh xuống phía nam thì vô cùng tốn kém về mặt hậu cần. Với việc đang điều động cả triệu người đi phục dịch cho xây Vạn lý trường thành ở thời điểm đó thì Tần khó có khả năng huy động một đạo quân viễn chinh đến 50 vạn xuống phía nam xa xôi như vậy.
Các sách thì dẫn Sử ký chép truyện này như sau: “Lại sai quan Úy là Đồ Thư đem quân thuyền lầu xuống phía nam đánh người Bách Việt, sai quan Giám tên là Lộc đào kênh chở lương, vào sâu đất Việt, người Việt bỏ trốn. Ngày dài chờ đợi, lương thực thiếu hết, người Việt ra đánh, quân Tần thua to. Nhà Tần mới sai quan Úy tên là Đà đem quân đến đóng ở đất Việt. Lúc bấy giờ, nhà Tần phía bắc gây họa binh đao với người Hồ, phía nam kết oán với người Việt, đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau. Đến lúc Tần Hoàng Đế băng, thiên hạ nổi lên chống”.
Thực ra phần Sử ký đó ở trong Quyển 112 bình tân Hầu Chủ Phụ liệt truyện (không phổ biến trong các bản in ở nước ta vì quá vụn) và chỉ là dẫn lại lời kể chứ không phải ghi chép thành sự kiện.
Đến Đại Việt sử ký toàn thư của nước ta thì có nói đến con số 50 vạn nhưng cho rằng đó không phải quân tinh nhuệ mà thực chất chỉ là những người bị lưu đày trừng giới. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây), Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam); cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta".
Nhưng về sau, các sử gia nhà Nguyễn cũng không tin vào con số 50 vạn quân nên khi chép sự kiện này chỉ nói chung chung: Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu úy là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú. Người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng. Lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu úy Đồ Thư.
Có thể tin rằng nhà Tần huy động rất nhiều người cho chiến dịch bành trướng xuống phía nam nhưng khó có chuyện là một đạo quân đông đến 50 vạn để một viên úy là Đồ Thư thống lĩnh đạo quân này. Có chăng thì người Tần huy động một lực lượng lớn quân và dân để vừa bành trướng, vừa đồng hóa mà Đồ Thư chỉ là một viên tướng chỉ huy cánh quân đánh xuống sâu nhất, tới tận khu vực thuộc ảnh hưởng của Âu - Lạc rồi bị chết dưới tay người Việt mà thôi.

Tần Thủy Hoàng và toan tính đưa 3 vạn phụ nữ không chồng xuống đất Việt

Tranh vẽ Tần Thủy Hoàng - Ảnh: Internet
Theo cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, Triệu Đà đã từng xin Tần Thủy Hoàng cho đưa 3 vạn đàn bà con gái không chồng xuống để "may vá áo quần" cho quân sĩ xây dựng cơ sở lâu dài.
Trong phần trước, chúng tôi đã phủ nhận về khả năng nhà Tần sai một viên hiệu úy là Đồ Thư làm chủ một đạo quân 50 vạn đánh xuống phía Nam với hai lý do: thứ nhất, nhà Tần không đủ vật lực để cung ứng cho đạo quân nửa triệu người xuống nơi xa hàng ngàn dặm và thứ hai là Tần Thủy Hoàng không thể mang quân trao cho một viên úy chức vụ thấp kém làm việc này. Chúng tôi cũng phân tích cái sai trong việc sách báo dẫn chứng sai trong việc dùng sử liệu thời kỳ này.
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng người Tần huy động một lực lượng lớn quân và dân để vừa bành trướng, vừa đồng hóa. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất xong các nước thời Chiến Quốc thì ông rất coi trọng việc di dân để đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Sử ký chép Tần Thủy Hoàng "sai dời các nhà hào khí trong thiên hạ đến Hàm Dương tất cả mười hai vạn nhà". Có thể hiểu đây là việc Tần Thủy Hoàng bắt hết quý tộc các nước bị thu phục về Hàm Dương để giam lỏng, dập tắt mầm mống làm loạn từ Tề, Sở, Yên, Tam Tấn... Cái này gọi là đảm bảo cho an ninh nước Tần.
Ngược với chính sách di dân về đô thì Tần Thủy Hoàng cho di dân ra các vùng biên giới để phục vụ kế hoạch lấn đất. Sử ký phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: "Năm thứ 31 thời Tần Thủy Hoàng (216 TCN), đem đày những quan coi ngục không thanh liêm đi xây Trường Thành và đi thú ở đất Nam Việt (địa bàn người Việt sinh sống gần duyên hải biển Hoa Đông hiện giờ)".
Rồi: “Năm thứ 33 thời Tần Thủy Hoàng (năm 214 TCN), phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy đất Lục Lương, đặt thành các quận Quế Lâm, Tượng, Nam Hải (vốn là khu vực người Việt sinh sống ở phía nam Trung Quốc hiện giờ) đem lính thú đến giữ”.
Thời điểm đó, các khu vực Nam Việt, Quế Lâm, Tượng, Nam Hải bị người Trung Nguyên coi là những nơi rừng thiêng, nước độc nên không mấy ai chịu tự nguyện chuyển tới phục vụ cho mưu đồ bành trướng của nhà Tần. Do vậy, để có người đi thì nhà Tần chỉ còn cách ép buộc những kẻ phạm tội xuống đó. Ban đầu là quan coi ngục bị lưu đày, sau mở rộng ra cả người trốn lính, phạm nhân, thậm chí người ở rể.
Chưa hết, năm thứ 34 thời Tần Thủy Hoàng (213 TCN), nhà Tần chủ trương đốt sách chôn Nho, những kẻ tội nặng thì bị chôn sống còn những người bị đày ra biên giới cũng khá nhiều. Sử ký chép: sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho. Các nhà Nho tố giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều đã cấm. Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở Hàm Dương,báo cho thiên hạ biết để làm răn. Sau đó lại sai đày biên giới nhiều người bị tội để đi thú".
Bên cạnh việc đưa những người phạm tội thì Tần Thủy Hoàng còn có các chính sách khuyến khích để di dân quy mô. Sử ký chép: "Thủy Hoàng bèn sai dựng đá ở bờ biển Đông Hải (tức biển Hoa Đông) thuộc đất Cù để làm cửa phía đông của Tần, nhân đấy dời 3 vạn nhà đến Ly Ấp, 5 vạn nhà đến Vân Dương, những này đều được tha việc công dịch mười năm".
Với khu vực bành trướng địa bàn người Việt, việc di dân được đẩy mạnh nhưng không thu hút được các hộ gia đình đến đó mà chỉ toàn là lính thú và các phạm nhân bị lưu đày mà thôi. Phạm nhân và lính thú thì cũng toàn là nam giới nên nảy sinh việc mất cân bằng giới tính. Thời điểm đó, Triệu Đà là một trong những viên võ tướng tham gia chiến lược bành trướng xuống phương Nam của Tần Thủy hoàng vào những năm 218 đến 208 trước Công nguyên. Theo cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, Triệu Đà đã từng xin Tần Thủy Hoàng cho đưa 3 vạn đàn bà con gái không chồng xuống để "may vá áo quần" cho quân sĩ xây dựng cơ sở lâu dài. Triệu Đà cũng khuyến khích các tướng lĩnh, quan lại, quân lính người Hán lấy vợ người Việt nhưng thời gian đó người Việt bất hợp tác nên lấy đâu ra phụ nữ chịu lấy quân lính người Hán đông đảo.
Việc đề nghị đưa 3 vạn đàn bà con gái xuống cho thấy lượng lính và phạm nhân được đưa xuống địa bàn người Việt cũng phải tương đương 3 vạn (chứ không thể có chuyện là 50 vạn được). Việc đưa phụ nữ xuống như vậy sẽ giúp giải quyết 2 chuyện cho kế hoạch bành trướng xuống phía nam của nhà Tần. Thứ nhất sẽ giúp ổn định tinh thần của lính đóng ở biên giới, tránh việc lâu ngày xa nhà sinh loạn. Thứ hai, tạo ra một cộng đồng với các thế hệ cắm rễ lâu dài tại vùng bành trướng. Tuy nhiên, việc này cũng không được thực hiện êm ả chút nào trước sự phản kháng của người Việt.
Những lời đồn đại về cuộc sống khổ cực được ghi vào lời kể của Nghiêm an thượng thư trong phần Bình Tân hầu chủ phụ liệt truyện (Sử ký - quyền 112) nói rằng: "Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau" - nguyên văn là: "Hành thập dư niên, đinh nam bị giáp, đinh nữ chuyển thâu, khổ bất liêu sinh, tự kinh ô đạo thụ, tử giả tương vọng".

Người Việt và nghệ thuật chiến tranh đánh bại quân của Tần Thủy Hoàng

Quân đội thời Chiến quốc - Ảnh: Chụp màn hình
Cuộc chiến chống sự bành trướng của nhà Tần có thể coi là cuộc chiến chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử của người Việt. Đây là cuộc chiến trường kỳ mà nghệ thuật đánh du kích của người Việt được phát huy hiệu quả khiến cho quân Tần không thể đạt được mục đích dễ dàng.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước thời Chiến quốc thì đã có ý định rõ ràng về việc lấn đất về phía Nam, nơi người Việt sinh sống bằng việc mở quận huyện mới và thi hành chính sách di dân xuống. Tuy không phải đạo quân đông đảo đến 50 vạn nhưng khả năng vài ba vạn là có cơ sở đáng tin cậy.
Thời điểm đó, do chiến tranh liên minh trong suốt 400 năm thời Xuân Thu – Chiến quốc thì trình độ quân sự ở Trung Nguyên đã được đẩy lên mức cao. Thợ rèn của Trung Quốc đã có thể tạo ra những thanh kiếm tốt là do nắm được công nghệ luyện kim để chế tạo ra các vật dụng bằng sắt cứng. Nếu thời Xuân Thu, các trận chiến thường chỉ có vài trăm cỗ xe ngựa kéo tham gia thì đến cuối thời Chiến quốc, đã có thể huy động cả chục vạn quân cho một chiến dịch quân sự. Đặc biệt thời Chiến quốc thì bắt đầu xuất hiện kỵ binh do Triệu Vũ Linh Vương học theo cách cưỡi ngựa của người Hồ phía bắc. Nhìn vào dàn tượng đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng với các chiến binh mặc giáp và cả kỵ binh hay xa kỵ thì chúng ta có thể hình dung về sức mạnh đạo quân nhà Tần khi ấy.
Phương tiện vũ khí chiến tranh được phát minh liên tục được phát triển, nâng cấp. Thời Chiến Quốc, Lỗ Ban đã phát minh ra những vũ khí công thành hiệu quả cho nước Sở như thang mây chuyên để phá thành cao. Sách Mặc Tử, thiên Công Thâu chép: “Công Thâu Ban làm thang mây cho nước Sở xong, sắp đem đi đánh Tống. Mặc Tử nghe tin, bèn đi suốt mười ngày mười đêm từ nước Lỗ đến kinh đô của nước Sở để yết kiến Công Thâu Ban. [...] Mặc Tử cởi đai lưng giả làm thành, lấy thẻ tre giả làm khí giới. Công Thâu Ban chín lần bày cách đánh thành giả ấy nhưng Mặc Tử chín lần cự lại. Công Thâu Ban dùng hết khí giới đánh thành mà Mặc Tử thì còn cách chống giữ. Công Thâu Ban chịu thua”. Câu chuyện đọ trí giữa Công Thâu Ban (có sách chép đó chính Lỗ Ban) và Mặc Tử đã phần nào cho thấy về quy mô phát triển phương tiện quân sự tại Trung Nguyên thời Chiến Quốc.
Về học thuyết quân sự, thời Xuân Thu đã có nhà tư tưởng quân sự giỏi như Tôn Vũ, đến thời Chiến quốc lại có Ngô Khởi và các bộ binh thư nổi tiếng như Binh pháp Tôn Tử, Binh pháp Ngô Tử. Riêng nhà Tần thì lúc đó hấp thu tinh hoa hết của các nước thời Chiến Quốc nên trình độ quân sự có thể coi là cao bậc nhất thế giới thời kỳ đó (tiếc là không có cuộc đọ sức với quân đội La Mã tinh nhuệ để so sánh).
Trong khi đó, người Việt khi đó đang ở cuối thời Hùng vương. Các di vật khảo cổ cho thấy thời đại đó, người Việt vẫn dùng đồ đồng là chủ yếu. Người Việt khi đó cũng phải trải qua chiến tranh nhưng chỉ ở mức quy mô nhỏ chứ không thể huy động vài vạn người. Ấy vậy mà người Việt đã đánh bại được sự xâm lấn của quân Tần. Tất cả là nhờ chiến tranh trường kỳ và nghệ thuật đánh du kích.
Quân Tần không thể triển khai những chiến dịch quân sự quy mô khi bành trướng xuống phía nam, lấn đất của người Việt. Ngoài việc giao thông khó khăn, hậu cần thiếu thốn thì địa bàn ở khu vực phía nam cũng không đủ lớn để tiến hành dùng xa kỵ hay kị binh. Hơn nữa, quân Tần có muốn tìm người Việt để thực hiện một chiến quy mô là điều không thể vì người Việt không có thói quen dàn trận đánh quy mô mà chỉ thích phục kích, đánh tỉa. Do vậy, người phương Bắc chịu cảnh sa lầy không thể tiến sâu mà chỉ gắng giữ những vùng giáp ranh và phải trả giá bằng không ít sinh mạng do bị phục kích, bệnh tật...
Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam chép: “Sau ba năm hành quân (kể từ 218 trước Công nguyên), quân Tần mới tiến đến đất Lĩnh Nam của người Việt. Đất Lĩnh Nam bấy giờ tương ứng với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và là địa bàn sinh sống của người Mân Việt, Tây Âu V.V.. Năm 214 trước Công nguyên, với một lực lượng mạnh, quân xâm lược Tần đã chiếm được cả vùng Lĩnh Nam, giết chết tù trưỏng Tây Âu là Dịch Hu Tống, chia đất Lĩnh Nam thành 3 quận sáp nhập vào lãnh thổ đế chế Tần (3 quận là Nam Hải, Quế Lâm, Quận Tượng). Nhưng bây giờ người Việt Tây Âu không chịu khuất phục, kéo nhau chạy vào rừng, dưới sự chỉ huy của các tù trưởng chiến đấu chống lại quân Tẩn.
Từ Tây Giang, quân Tần đã tiến vào xâm lược nước Văn Lang. Người Tây Âu và người Lạc Việt đã chiến đấu rất ngoan cường. Họ rút vào rừng "Không ai chịu để cho quân Tần bắt" ngày ẩn, đêm đánh phá quân xâm lược, dựa vào các chiềng, chạ, tận dụng địa hình địa vật hiểm trở là núi rừng để chiến đấu lâu dài, tiêu hao binh lực địch. Cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Tây Âu và Lạc Việt đã làm cho quân Tần tiến thoái lưỡng nan "lương thực bị tuyệt và thiếu, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được mà thoái cũng không xong".
Năm 210 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng mất. Không lâu sau, Trung Nguyên lại xảy ra đại loạn nên nhà Tần không còn tâm trí đâu mở rộng bành trướng xuống phía nam. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Tần của người Việt coi như thắng lợi. Và trong các cuộc chiến chống phương Bắc sau này, ông cha ta cũng phát huy lại những bài học từ chiến tranh du kích, kháng chiến trường kỳ để giành thắng lợi trước đối phương được trang bị phương tiện quân sự hùng hậu hơn hẳn.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét