Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Sách về Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng: chuyện mẹ chồng - nàng dâu


Hoàng hậu và Hoàng tử Bảo Long thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, khiến Thái hậu Từ Cung không hiểu con dâu và cháu nội nói gì.
Quyển Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa ra mắt bạn đọc. Sách in lần đầu vào năm 2005, có tên là Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn, được tái bản năm 2006 và 2016. Dựa trên đóng góp của bạn đọc, tác giả tiếp tục hoàn thiện bản thảo để ra ấn bản mới.
1. Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh thái tử Bảo Long
Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long (1936-2007) là Hoàng Thái tử cuối cùng của Việt Nam. Ông là con trai của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Ông có một em trai là Hoàng tử Bảo Thắng, ba cô em gái là Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Liên và Công chúa Phương Dung.
Bảo Long sinh vào đêm 4.1.1936 tại điện Kiến Trung trong Đại nội Huế. Ngày 7.3.1939, Bảo Long được phong làm Thái tử khi mới ba tuổi và bắt đầu học với nhà văn Ưng Quả, vị hoàng thân uyên bác thuộc phủ Tuy Lý vương.
Theo tư liệu của một giáo sư sử học Công giáo, thì “Bảo Long đã được chịu phép rửa tội (âm thầm) và được đặt tên theo bổn mạng (tên Thánh) là Philippe”. Một trong ba thầy dạy Bảo Long từ bốn tuổi cho tới khi khôn lớn tại trường D’Adran Đà Lạt đã khẳng định sự việc nói trên là đúng.
Hoàng hậu Nam Phương được đánh giá cao về phẩm hạnh và trí thông minh. Bà kết hợp hài hòa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại.
Vì việc Bảo Long rửa tội được giữ kín nên bà Nam Phương bề ngoài vẫn để Bảo Long được giáo dục theo tinh thần Phật giáo, nhưng đã khéo léo hạn chế Bảo Long tham dự các lễ nghi cổ truyền trong triều theo Phật giáo và Khổng giáo. Hoàng hậu Nam Phương còn phản đối kịch liệt việc Thái hậu Từ Cung bắt Bảo Long đeo bùa ở cổ tay.
Theo một vị cận thần của Vua Bảo Đại là Nguyễn Đệ và con gái của cụ Đệ là nữ tu Nguyễn Thị Nghĩa thuộc dòng kinh sĩ Thánh Augustino, Hoàng hậu Nam Phương vốn là cựu học sinh Couvent des Oiseaux nên rất mộ đạo. Mỗi tối, bà bắt Hoàng tử Bảo Long phải vào phòng cùng đọc kinh cầu nguyện. Hàng tuần, còn có linh mục tới làm lễ riêng cho Hoàng hậu Nam Phương và Bảo Long. Vì vậy, ngay từ nhỏ Bảo Long đã thuộc kinh bổn đạo Chúa rất thành thạo và siêng đọc kinh cầu nguyện với mẹ. Những lúc nói chuyện bằng tiếng Pháp, bà Nam Phương thường dạy con về luật giữ đạo, về tín điều của đạo Công giáo.
Bảo Long là người trầm tính nên cũng ít nói chuyện với mọi người, chỉ khi có ai hỏi thì mới trả lời. Nếu các quan trong triều muốn nói chuyện với bà Nam Phương và Bảo Long thì cũng phải dùng tiếng Pháp vì bà Nam Phương rất ít dùng tiếng Việt. Bảo Long cũng quen nói chuyện với quan Tây hơn là quan Việt.
Sau ngày vua cha Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự kết thúc của nhà Nguyễn, ông cùng các em theo Hoàng hậu Nam Phương về cung An Định sống và học tại trường Đồng Khánh. Vốn quen nếp sinh hoạt trong gia đình với cha mẹ chỉ nói tiếng Pháp nên sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, Bảo Long phải cố gắng lắm mới học được tiếng Việt.
Thỉnh thoảng, Bảo Long bị các cô giáo ở trường Đồng Khánh phạt quỳ quay mặt vào tường. Bảo Long ngoan ngoãn chấp hành. Nhiều hôm đi đón con, Hoàng hậu Nam Phương thấy con bị phạt đau lòng lắm nhưng cũng phải quay mặt đi để cho con thi hành xong giờ phạt. Ngoài giờ học, Bảo Long cùng chơi với học trò thường dân, hát Tiến quân ca, tập đánh trận. Nhiều lần Bảo Long đánh nhau với bạn học là trẻ con Tây.
Đến năm 1947, Chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, Nam Phương đem Bảo Long và các con sang Pháp sống tại lâu đài Thorenc, Cannes, thuộc miền duyên hải Đông Nam nước Pháp.
2. Chuyện mẹ chồng nàng dâu
Tuy là một phụ nữ nết na và rất biết cách ăn ở, trong thời gian sống ở Hoàng thành Huế, bà hoàng hậu cuối cùng của nước Việt cũng gặp phải những vấn đề mẹ chồng nàng dâu như bất kỳ phụ nữ nào khác.
Hoàng hậu Nam Phương được đánh giá cao về trí thông minh và phẩm hạnh, là người kết hợp hài hòa nét đẹp truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Tuy không phải là nàng dâu mà Hoàng tộc muốn lựa chọn nhưng khi vào sống trong kinh thành Huế, bà đã khéo léo giữ phận dâu con. Bà hoàng Tây học đầu tiên và duy nhất này ngoài việc dạy dỗ con cái còn cùng với Bộ Lễ lo về lễ tiết, cúng kỵ, thăm hỏi mẹ chồng và các bà nội chồng… Thật sự người ta không tìm ra được điểm nào trong cách hành xử của bà để chê bai, ấy vậy mà xung đột mẹ chồng nàng dâu vẫn ngấm ngầm nảy nở.
Những mâu thuẫn xung quanh “hoàng tử bé”
Những năm đầu tiên trong cuộc hôn nhân với Bảo Đại, Nam Phương cực kỳ hạnh phúc, vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Nhà vua thường tự mình lái xe chở vợ đi chơi mỗi tuần, hết Nha Trang lại Đà Lạt, thậm chí lên cả Tây Nguyên săn bắn. Ái ân đằm thắm nên những đứa con cũng nối nhau ra đời, đầu tiên là hoàng tử Bảo Long, sinh vào đêm 4.1.1936.
Đêm ấy, nghe bảy phát súng thần công, người dân Huế biết hoàng hậu đã hạ sinh hoàng tử, người sẽ kế vị ngai vàng. Với Thái hậu Từ Cung mà nói, đây là một sự kiện không thể vui hơn. Nước Việt thời ấy, ngay cả trong gia đình thường dân, đứa cháu trai cũng còn thuộc quyền của ông bà nội huống gì là gia đình vua chúa. Thế nhưng, gia đình Bảo Đại lại khác, để cưới được Nam Phương, nhà vua đã cam kết cho bà giữ đạo Thiên Chúa. Và để Hoàng hậu không bị Vatican rút phép thông công vì lấy chồng ngoại đạo, ông cũng chấp nhận điều kiện của Tòa thánh: các con sinh ra sẽ rửa tội theo đạo của mẹ.
Chính vì vậy, Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đã chịu phép rửa tội và đặt tên thánh là Philippe, dĩ nhiên cái lễ “nhạy cảm” này được Hoàng hậu tổ chức lặng lẽ và kín đáo. Với sự “bồi dưỡng” của mẹ, từ khi còn ít tuổi, Hoàng tử Bảo Long đã rất chăm cầu nguyện và thuộc nhiều kinh.
Là cháu đích tôn của Hoàng tộc, dĩ nhiên Bảo Long vẫn được giáo dục theo tinh thần Phật giáo, thế nhưng Nam Phương đã cố gắng tránh cho con trai mình tham dự quá nhiều lễ nghi cổ truyền mang màu sắc đạo Phật. Điều này, bà Từ Cung hẳn cũng cảm nhận được tuy không có cớ bắt bẻ con dâu.
Tuy nhiên, Thái hậu khó mà giữ được bình tĩnh khi bà bắt cháu đeo những đạo bùa cầu an, trừ tà ở cổ tay mà mẹ nó nhất quyết phản đối.
Một điều khiến Thái hậu Từ Cung khó chịu nữa là Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, khiến bà không thể hiểu con dâu và cháu nội nói gì. Bà Từ Cung vốn xuất thân không cao sang, học vấn lại khá khiêm tốn, nên hẳn không thoải mái, dễ chịu gì trước việc nàng dâu hiểu nhiều biết rộng, tiếng Pháp “nói như gió”, có thể qua mặt bà trong việc dạy dỗ đứa cháu đích tôn. Bà cũng biết rằng Bảo Long không thích dự các nghi lễ Phật giáo mà bà sùng mộ, chỉ thích các lễ nghi Tây phương và Thiên Chúa giáo. Cậu thích nói tiếng Pháp nên giao tiếp nhiều với các quan Tây, các quan trong triều muốn nói chuyện với Hoàng tử và Hoàng hậu thì buộc phải dùng tiếng Pháp.
Là một mẹ chồng, một thái hậu, có toàn quyền trong hậu cung nhưng bà Từ Cung lại bất lực nhìn kẻ nối ngôi được giáo dục theo một đường hướng mà bà không mong muốn. Vì thế, tuy không công khai đả kích Nam Phương nhưng tình cảm mẹ chồng nàng dâu không thể nói là tốt đẹp, mâu thuẫn cứ ngấm ngầm phát triển.
Không thích hoàng hậu, thái hậu mở lòng với “thứ phi”
Thực ra, mối bất hòa giữa thái hậu và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn cũng khó mà tránh được, cho dù hai bên có giỏi kiềm chế tới đâu chăng nữa. Trước hết, hai con người này quá khác nhau. Bà Từ Cung xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đến mức phải bán con làm hầu gái của một bà chúa, rồi sau đó được lấy sang hầu hạ bên dinh ông hoàng Bửu Đảo (sau là Vua Khải Định), rồi vì may mắn có thai với ông chủ mà trở thành mẹ vua. Trong khi đó Hoàng hậu Nam Phương sinh ra trong nhung lụa, được học hành đến nơi đến chốn, ngay ngày cưới đã được tấn phong hoàng hậu. Nếu người ta nói bà Từ Cung có chút mặc cảm với con dâu thì cũng chưa hẳn là đoán bừa.
Nam Phương là nàng dâu mà bà Từ Cung bị ép phải chấp nhận. Đã thế, cô dâu bất đắc dĩ này không phải cúi đầu vào cung, mà còn đưa ra cả mớ điều kiện “ngông cuồng” mới chịu lấy hoàng đế: phải được tấn phong hoàng hậu, nhà vua phải giải tán tam cung lục viện, thực hiện chế độ một vợ một chồng, con trai nàng sinh ra phải được phong thái tử. Thử hỏi từ trước đến nay, có người phụ nữ nào dám ra điều kiện với hoàng đế, mà lại là những điều kiện “trời long đất lở” chưa từng có như vậy không? Vậy mà con trai bà lại răm rắp chấp nhận. Nghĩ đến mình ngày trước phải chịu bao tủi nhục, ngay cả lúc mang thai còn bị hai bà mẹ chồng (bà Thánh Cung và Tiên Cung, vợ vua Đồng Khánh, mẹ đích và mẹ đẻ của Khải Định) bắt nằm úp bụng xuống một cái hố để đánh đòn, nhằm tra khảo xem cái bào thai ấy có đúng của Khải Định hay không... Thái hậu chắc sẽ còn chút chua chát và sinh ra ác cảm với con dâu.
Đã thế, Hoàng hậu Nam Phương vào cung còn mang theo số của hồi môn lớn, riêng tiền mặt mà cậu ruột mừng cưới đã là một triệu đồng, trong khi giá một tạ thóc hồi đó chỉ năm đồng. Nếu tính cả tiền bạc, nữ trang và bất động sản mà bố mẹ đẻ cho thì không biết bao nhiêu mà kể. Hoàng hậu lại chiếm trọn trái tim nhà vua nhờ nhan sắc và vẻ quyến rũ, cộng thêm sự ủng hộ của người Pháp, nên quyền lực của Nam Phương trong Hoàng cung không phải nhỏ. Hoàng hậu lại có tư tưởng tự do của Tây phương, nên không thể nói một câu, làm một việc nhỏ cũng phải đoán ý mẹ chồng. Tất cả những yếu tố đó khiến cho Thái hậu Từ Cung đối với con dâu có thể bằng mặt nhưng khó mà bằng lòng.
Có lẽ vì vậy mà bà Từ Cung rất dễ dàng chấp nhận bà Mộng Điệp, tình nhân của Bảo Đại, coi Mộng Điệp như thứ phi, cho dù chế độ phi tần đã bị chính con trai bà bãi bỏ từ lâu. Ngoài việc Mộng Điệp trên thực tế là người luôn kề cận chăm sóc Bảo Đại, được ông sủng ái, sinh con cho nhà vua, có một điểm nữa khiến thái hậu hài lòng là “thứ phi” này theo đạo Phật. Cho dù đây là người vợ không cưới xin, không hôn thú, nhưng bà vẫn nghiễm nhiên coi Mộng Điệp là dâu, và tin tưởng giao cho việc thờ cúng tổ tiên nhà chồng. Bà Mộng Điệp cũng tâm niệm mình suốt đời là vợ của Bảo Đại nên đã làm việc đó một cách thành tâm, chu đáo nhất. Tình cảm giữa bà Từ Cung và Mộng Điệp rất tốt đẹp. Thái hậu thậm chí còn ban mũ áo cho “thứ phi” để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc cúng tế, mà bà hoàng hậu theo Thiên Chúa giáo không muốn dính vào.
Tình vợ chồng giữa Bảo Đại và Nam Phương chỉ thắm thiết những năm đầu, sau đó Bảo Đại trở nên ham chơi và trăng hoa mải miết đuổi theo những bóng hồng khác. Nam Phương lại quá nề nếp và kiêu hãnh nên không cố gắng quyến rũ, giành giật chồng bằng những chiêu thức mà bà cho là không xứng với địa vị của mình. Vì thế, vợ chồng mỗi ngày một xa cách. Hoàng đế ít khi về với hoàng hậu. Trong cảnh sống cô đơn ở hoàng cung, sự lạnh lẽo trong quan hệ với mẹ chồng càng khiến cho trái tim Nam Phương thêm tủi buồn, đúng như lời ông thầy bói từng phán về bà thời con gái: bà sẽ bước lên địa vị tôn quý nhất, nhưng cuộc đời lại không có mấy niềm vui.

Sách về Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng: người vấn khăn vành dây cho hoàng hậu


Hoàng hậu Nam Phương thường mặc Âu phục, nhưng mỗi lần cần đến triều phục, bà lại cho vời người vào cung để vấn khăn cho bà.
Theo tư liệu của tác giả Trịnh Bách kể lại thì cuối mùa xuân năm 1931, nhà báo Mỹ W. Robert Moore đã mục kích lễ đón tiếp Vua và Hoàng hậu Thái Lan sang thăm Việt Nam tại kinh đô Huế. Bà Hoàng Thái hậu phải đảm nhiệm việc tiếp khách, vì Vua Bảo Đại còn đang du học bên Pháp. Nghi lễ và sự hoành tráng của các buổi tiếp tân, yến tiệc đã khiến ông Moore hồi tưởng lại các dịp lễ tương tự ở đế đô Bắc Kinh trước Cách mạng Tân Hợi 1911.
Nhưng kỷ niệm thú vị nhất của nhà báo Mỹ này khi ở Huế là việc ông được một vị Trưởng Công chúa triều Nguyễn tiếp kiến tại phủ riêng của bà. Ông Moore kể lại rằng: “Vị ái nữ xinh đẹp của bà Chúa đã rộng lượng cho chúng tôi được thưởng thức tài nghệ đàn tranh của cô. Sau đó cô cùng vị giáo sư già khiếm thị và nhạc sĩ đàn dây khác trong phủ hợp tấu, trong khi các ca công trẻ hát những bài ca Huế…”. Nàng công nữ xinh đẹp ấy có cái tên “rất Huế” là Mệ Bông. Theo tục lệ cổ của triều Nguyễn, tất cả thành viên của Hoàng tộc đều được gọi là Mệ, và kèm theo cái tên nghe thật bình dân. Tiếng Mệ dần dà đã trở thành âm thanh có tính biểu tượng rất dễ thương của Huế.
Nam Phương thuường mời Mệ Bông vào cung vấn khăn cho bà.
Hoàng hậu Nam Phương thường mời Mệ Bông vào cung vấn khăn cho bà.
Thân mẫu Mệ Bông là Công chúa Nguyễn Phúc Tôn Thụy, trưởng nữ của Cung Tôn Huệ Hoàng đế Dục Đức. Bà trở thành Trưởng Công chúa khi em trai bà là Hoàng đế Thành Thái lên ngôi năm 1889. Bà được sắc phong tước hiệu Mỹ Lương Công chúa năm 1897, thường được gọi là Bà Chúa Nhất. Công chúa Mỹ Lương có công rất lớn đối với nghệ thuật tuồng cung đình của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Đội ca vũ tuồng cung đình do bà lập ra và huấn luyện đã trình diễn trong Hoàng cung từ cuối triều Thành Thái, qua các triều Duy Tân, Khải Định và nhất là Bảo Đại. Bà Chúa cũng là một trong những sáng lập viên và mạnh thường quân chính của Hội Lạc Thiện, lập ra để cứu tế, giúp đỡ đồng bào khốn khổ và các nạn nhân bị thiên tai quanh kinh đô. Thân phụ của Mệ Bông là Nguyễn Kế, con trai của Diên Lộc Quận công Nguyễn Thân, một vị phụ chính đại thần nổi tiếng cuối triều nhà Nguyễn.
Khi đã là một bà lão ở tuổi cửu tuần, Mệ Bông vẫn chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến tuổi tác bằng những nụ cười thật hiền. Khi tác giả Trịnh Bách ngỏ lời muốn được gặp và phỏng vấn Mệ Bông vào đầu tháng 9/2001, thân quyến của Mệ tỏ ra lo ngại. Sau khi bị tai biến mạch máu não, Mệ đã nằm liệt giường gần hai năm, nói năng rất khó và Mệ không còn nhớ gì… Trên thực tế, Mệ Bông còn nhớ mọi chuyện rất rõ. “Lúc nào trong phủ Đức Bà cũng nuôi năm chục người. Họ vừa là người giúp việc, vừa là tài tử, đào hát của đoàn tuồng. Người ca giỏi nhất trong đoàn là Mụ Liễu. Ngoài ra còn Quý này, Ninh này, Thanh này, Yến này… đông lắm! Đức Bà cho họ huấn luyện cả ngày cả đêm...”. Mệ cũng kể đến một điệu múa mà các vũ công trên đầu vấn khăn, trong mặc áo bào xiêm, ngoài khoác áo lá tua. Đây là điệu múa Nữ tướng mà cậu của Mệ là Vua Thành Thái rất ưa thích. Qua điệu múa có tính chất tuồng này, nhà vua đã gián tiếp bảo lộ hoài bão cứu đất nước khỏi ách thống trị của người Pháp.
Tuy Mệ Bông rất thành thạo về đàn tranh và ca Huế, Mệ chỉ học và tự tiêu khiển thôi. Phần lớn thì giờ của Mệ được dành cho các công việc trong cung. Trong khi bà Tiên cung Thái hoàng Thái hậu, bà nội ruột của Hoàng đế Bảo Đại phải chăm sóc việc nghi lễ, tiếp khách thì bà Chính cung Thái hoàng Thái hậu, tức bà Thánh Cung thường phải nằm nghỉ trong cung Trường Sanh do bị bệnh khớp nặng. Từ thuở nhỏ, Mệ Bông đã phải vào đọc sách, truyện giải sầu cho bà Thánh Cung. Vì Mệ rất thân với Hoàng Thái tử Thiền (tức Hoàng đế Bảo Đại sau này) nên bà Thánh Cung coi Mệ như cháu bà.
Các bà trong nội cung cũng đều thích được Mệ Bông vấn khăn vành dây cho họ. Mệ Bông nổi tiếng về tài vấn khăn này. Khăn làm bằng nhiễu mỏng, dài từ 10 đến 20 thước tây. Khăn rộng khoảng 45 phân tây, được xếp lại còn chiều rộng chừng năm phân tây. Người có tước phẩm càng cao thì khăn càng dài. Trước hết một đoạn khăn vấn được bao vào tóc để làm nền, rồi khăn vành dây được cuộn tiếp theo, phủ ra ngoài. Khăn vành dây có vị trí rất quan trọng trong nghi lễ của triều đình Huế. Bà Tam giai Diệu tần Phạm Thị Hoài, vợ Vua Khải Định, đã phải ngủ ngồi nhiều ngày trong các dịp đại kỵ để khỏi phải vấn khăn lại. Mệ Bông rất hãnh diện về tài vấn khăn nhanh của Mệ, chỉ mất khoảng hơn nửa giờ là vấn xong. Hoàng hậu Nam Phương thường mặc Âu phục, nhưng mỗi lần cần đến triều phục thì bà lại cho vời người vào cung để vấn khăn cho bà.
Các hoàng đế cũng cần đến Mệ Bông vì tài bếp núc của Mệ. Khi cựu hoàng Thành Thái về thăm Huế năm 1953 sau suốt ba thập kỷ bị nhà cầm quyền Pháp an trí ở đảo Réunion thuộc châu Phi, ông đã quyết định: “Ở tại phủ chị Chúa để con Bông nó nấu cho ăn”. Trái với sự tưởng tượng của mọi người, các hoàng đế ở Huế không chuộng những món yến tiệc cầu kỳ cho lắm. Các đại yến 60 món, trung yến 49 món, tiểu yến 30 món với ảnh hưởng của Trung Quốc thường được dùng để đãi quốc khách hay các quan. Còn mỗi món ăn hàng ngày để hoàng đế ngự thiện có thể nói là đạm bạc. Trong cung có hai ông bếp chính là ông Lợi người Bắc và ông Nghĩa người Quảng Nam chuyên nấu các cỗ Âu. Nhưng mỗi khi trong cung cần đến tiệc Việt Nam thì Mệ Bông lại phải vào phụ Mã Thông, Mã Trọn – hai đầu bếp món Huế trong cung.
Đối với Mệ Bông thì thời gian đã dừng lại khi nhà Nguyễn cáo chung cùng với việc Bảo Đại thoái vị năm 1945. Sự mất mát lớn nhất trong đời Mệ Bông xảy ra vào năm 1948 khi chiến tranh cướp đi người chồng yêu quý của Mệ Bông và Mệ không bao giờ tái giá nữa. Niềm an ủi của Mệ bây giờ là cung An Định ở An Cựu, nơi Hoàng Thái hậu Từ Cung và một số mệnh phụ còn giữ lại được phần nào nếp sống xưa. Mệ vẫn hay vào cung sống với Bà, và giúp Bà với hai công việc ưa thích của Mệ là vấn khăn vành dây và bếp núc.
Năm 1954 lại biến đổi đời Mệ Bông thêm lần nữa. Người con gái độc nhất của Mệ Bông ở tuổi 18, bỗng nhiên một hôm biệt tích. Tìm con đến tận Sài Gòn cũng không ra, Mệ gần như điên loạn. Mãi hai năm sau Mệ mới nhận được thơ của cô gửi từ Hà Nội cho biết cô đã tập kết ra Bắc để tham gia cách mạng. Rồi sự bình yên của cung An Định cũng không còn khi ông Ngô Đình Diệm ra lệnh quốc hữu hóa cung này. Sau đó ông Diệm lại triệu Mệ Bông vào Sài Gòn để nhờ Mệ cố vấn cho các bữa yến tiệc trong Dinh Độc Lập. Từ đó Mệ không bao giờ trở về sống ở Huế nữa.
Khi đất nước thống nhất 1975, người con gái tập kết năm xưa lặn lội vào Sài Gòn tìm mẹ. Mệ Bông như được hồi sinh. Mệ xuống tóc để tạ ơn Trời Phật và từ đó Mệ chỉ vui với con cháu, ít khi ra ngoài. Lần cuối cùng Mệ Bông trổ tài vấn khăn vành dây là vào dịp đám cưới người cháu gái năm 1985. Các hình bóng một thời thân thương cũng dần dần ra đi. Hoàng hậu Nam Phương mất bên Pháp năm 1963. Bà Chúa Nhất mất năm 1964. Bà An Phi, vợ chính của Vua Khải Định mất năm 1978. Bà Hoàng Quý phi Mai Thị Vàng, vợ Vua Duy Tân mất năm 1980. Hoàng Thái hậu Từ Cung cũng mất năm 1980. Hoàng đế Bảo Đại, người anh em họ của Mệ cũng mất tại Pháp năm 1997.
Khi tác giả Trịnh Bách đến thăm và phỏng vấn Mệ Bông, như có một phép lạ, Mệ đã ngồi dậy được để mặc cái áo mệnh phụ tứ thân, giống như áo Bà Chúa Nhất mặc năm xưa, chụp ảnh lưu lại cho con cháu. Mệ cười thật tươi và đùa rằng nay Mệ được sắc phong.
Khi bài viết của tác giả Trịnh Bách được lên khuôn in, thì ông cũng nhận được tin Mệ Bông, tức Tôn Nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà, nhân chứng cuối cùng của cung vàng điện ngọc triều Nguyễn đã qua đời ngày 19.9.2001.
(Trích sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng, Saigonbooks và Nhà xuất bản Thế giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét