Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Đầu Xuân, viếng những ngôi chùa "độc" từ Nam chí Bắc

(NLĐO)- Viếng chùa đầu năm hoặc du Xuân kết hợp vãn chùa là nét văn hóa phổ cập của người Việt, dù đôi khi khác tôn giáo. Ngoài việc cầu bình an, đi chùa cũng là phút ta tĩnh tâm, thiền tịnh cho bản thân.

Nước ta hiện có gần 13.000 ngôi chùa. 60% trong số đó theo hệ phái Bắc tông, số còn lại theo hệ phái Nam tông. Chùa cổ thường khiêm tốn về diện mạo nhưng sắc sảo về trang trí, tinh tế về kiến trúc, không gian trầm mặc, linh thiêng và thường ở vị trí đẹp nhất. Khác hẳn nhiều chùa mới bề thế khoa trương mà kém phần trang nghiêm và thiếu chất Phật.
Xuân này, thử làm một chuyến hành hương xuyên Việt, viếng các ngôi chùa độc đáo, nổi tiếng cả nước. Từ phương Nam nắng ấm ta có thể ghé lần lượt:
Bửu Sơn tự, còn gọi là chùa Đất Sét. Chùa ở phường 5, TP Sóc Trăng. Có lẽ đây là ngôi chùa độc nhất vô nhị, không chỉ của Việt Nam mà với cả thế giới vì đúng như tên gọi, chùa được làm bằng đất sét, được lấy từ ruộng gần nhà để xây chùa. Trừ kèo, mái nhà và cửa, toàn bộ chùa đều làm bằng đất sét không nung, kể cả những pho tượng như tượng "Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận" có đến 1.000 cánh sen, mỗi cánh sen là 1 vị thần ngự. 
Phía dưới đài sen là "Bát quái Thiên tiên" gồm 8 cung Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi cung có 2 tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và bát quái có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ. Gần đó là Tháp Đa Bảo cao 3, 5 m, có 13 tầng với 208 vị thần, dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ. Lục Long đăng (có 3 chóp đỉnh lớn), 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh sư, Bạch tượng, Bạch hổ, Long mã... đều là những hiện vật được tạo tác tinh xảo. 
Chùa do ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970), cư sĩ tu tại gia, chỉ học tới lớp 3, tự mày mò thiết kế và xây dựng suốt 42 năm ròng rã. 
Chùa còn có  3 cặp đèn cầy khổng lồ, cao 2, 6 m, đường kính cặp nhỏ là 0,7m, 2 cặp lớn là 1 m. Cặp nhỏ đốt từ năm 1970 đến nay còn 1/5.                                     
Đầu xuân, viếng những ngôi chùa độc từ Nam chí Bắc - Ảnh 1.
Một góc Bảo tòa Liên Hoa ở chùa Đất Sét. Ảnh TL.
Linh Quang tự, còn gọi là chùa Căm Xe, chùa Tây Thiên Nhất Trụ ở xã Điểm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nằm cạnh di tích chiến thắng Ấp Bắc. Chùa nguyên thủy đã bị bom đạn phá nát vào năm 1967. Sau này, chùa được tái lập vào cuối năm 2017. 
Nét độc đáo của chùa là toàn làm bằng lõi gỗ căm xe. Đặc biệt giữa hồ sen là chùa Một Cột, theo đúng từng nét họa tiết, góc cạnh, chu vi, chiều cao kể cả màu sắc và tỉ lệ 1/1 của chùa Một Cột (ở TP Hà Nội). Gần 500 m3 gỗ căm xe được được chạm trổ sắc sảo để dùng xây chùa. Màu nâu của ngói và tự nhiên của gỗ nổi bật giữa màu xanh ruộng vườn và cây trái, nối với trời xanh, lồng lộng mây trắng, cò trắng.
Đầu xuân, viếng những ngôi chùa độc từ Nam chí Bắc - Ảnh 2.
Linh Quang tự, phía trước là chùa Một Cột, phía sau là chánh điện, toàn làm bằng gỗ căm xe. Ảnh NTH.
Chùa cổ Phật Quang, tên gốc là Bồ Đề, trú phường Hưng Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chùa được xây vào cuối thế kỷ XVII. Xưa dân cư thưa thớt, toàn cát, chạy dài tới biển nên dân gian gọi là chùa Cát. Trải qua 18 đời truyền thừa; thầy Thích Huệ Tánh, đời 44 phái thiền Lâm Tế về làm trụ trì từ năm 1987. Năm 2002, chùa được trùng kiến, to đẹp hơn với 15 vườn tượng Phật nhưng chùa cũ vẫn giữ nguyên với nhiều pho tượng và pháp khí cổ.
Xưa, chùa có khuôn viên khá rộng nhưng thiếu người chăm sóc, tu sửa nên bị lấn chiếm rất nhiều. Năm 1987, trong lúc trùng tu, thầy Huệ Tánh phát hiện dưới tượng Phật chánh điện có hầm bí mật. Hầm dài 2 m, rộng 1 m và sâu 1,2 m. Trong hầm có 2 báu vật: bộ kinh Pháp Hoa và 100 cuốn tài liệu Việt Minh "Muốn thành cán bộ tốt" in ngày 30-7-1947, khổ 15 x 20 cm, gói cẩn thận trong mo cau. Bộ kinh được Vietbook công nhận kỷ lục năm 2006 là "Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam". Bộ kinh chữ Hán, khắc ngược trên 118 tấm ván gỗ thị đỏ, gồm 110 tấm khắc 60.000 chữ, 8 tấm khắc tranh về cuộc đời của Đức Phật. Mỗi tấm dày 4 cm, dài 80 cm, rộng 35 cm.
Đầu xuân, viếng những ngôi chùa độc từ Nam chí Bắc - Ảnh 3.
Thầy Huệ Tánh và các nhà báo chụp ảnh với bộ kinh Pháp Hoa. Ảnh NVM.
Chùa Hương Tích hay Hương Tích cổ tự (chùa Thơm), ở độ cao 650 m, trên đỉnh Hương Tích, thuộc dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Hỏa hoạn năm 1885 đã thiêu hủy phần lớn các công trình và hiện vật của chùa. Năm 1901, Đào Tấn- ông tổ Tuồng cổ Việt Nam và tổng đốc An Tĩnh đã khởi dựng lại.
Chùa xây dựng vào đầu thế kỷ XIII, trước chùa Hương (Hà Tây, Hà Nội) gần 450 năm. Hương Tích cổ tự là cả quần thể di tích gồm chùa thờ Phật, đền thờ Thần, đền tín ngưỡng nông nghiệp và thờ mẫu.
Chùa chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi công chúa Diệu Thiện, con vua Trang Vương, tu hành và hóa Phật Quan Âm.
Chùa có kiến thúc thuần Việt, từ bậc thang đá đến tường và mái ngói cổ xưa. Quanh chùa có nhiều cảnh quan như động Tiên Nữ, am Phun mây, miếu Cô, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc…Chùa gắn liền truyền thuyết vua Hùng tìm đất đóng đô và 99 con Phụng hoàng, về ông Đùng xếp 99 ngọn núi để cưới bà Đùng và nhiều di tích trên núi Hồng Lĩnh.
Cung Tam Bảo là kiến trúc tiêu biểu nhất của chùa, lưu giữ nhiều pho tượng Phật có niên đại hàng trăm năm. Điện thờ có 50 pho tượng Phật ngồi, cao ngang tầm ngực, vô vi, ưu tư trầm mặc giữa sương, mây, ánh nến và hương đồng gió nội.
Từ năm 1960-1975 để tránh bom đạn, các tăng ni đã bí mật chôn giấu các pho tượng Phật vào lòng đất và năm 2006, các tượng này mới được đưa lên phúng viếng, thờ phụng. Như có phép lạ, trải qua bao nhiêu năm bị vùi sâu, các pho tượng vẫn bóng loáng, không có dấu hiệu ố tàn.
Đầu xuân, viếng những ngôi chùa độc từ Nam chí Bắc - Ảnh 4.
Mái chùa Hương Tích cổ kính, rêu phong. Ảnh NVM.
Quần thể chùa Yên Tử với chùa Đồng hay Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), trên đỉnh núi thiêng Yên Tử, còn gọi là Bạch Vân sơn, cao 1.068 m. 
"Trăm năm tích đức tu hành. Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu". Hành hương viếng chùa Yên Tử ngày xưa cực kỳ vất vả. Phải có lòng thành lẫn sức khỏe và ý chí vì lên được đỉnh Yên Tử gian nan không kém lên đỉnh Fansipan thời chưa có cáp treo. 
Chùa xây dựng từ đầu thế kỷ XVII. Sau nhiều lần trùng tu, được khởi dựng mới vào năm 1993. Chùa được xây theo kiến trúc chữ Đinh, theo mẫu chùa Dâu Keo (Bắc Ninh), đậm phong cách đời Trần.
Chùa nặng 70 tấn, dài 4, 6, rộng 3, 6 m, cao 3, 35 m, tựa bông sen đang nở vươn lên.
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu đá xanh nhỏ cổ kính, vững chãi. Tục truyền xưa, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Rất nhiều cung tần và mỹ nữ khuyên vua trở về cung nhưng không được nên gieo mình tự vẫn. Thương cảm họ, vua lập ngôi chùa siêu độ, từ đó con suối mang tên Giải Oan.
Chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang. Đường đi uốn lượn bên sườn núi, giữa rừng nguyên sinh rợp bóng cây. Ở độ cao 543 m là chùa Hoa Yên (chùa Cả, chùa Phù Vân) với hàng cây tùng cổ, tương truyền được vua Trần Nhân Tông trồng khi lên Yên Tử.
Ở độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây. Dọc đường, du khách có thể viếng tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, Phật đài Trần Nhân Tông, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh…
Nay chùa đã có cáp treo 2 chặng nhưng hành trình vẫn còn hơn 2.000 m đi bộ và một đoạn leo dốc để lên chùa Đồng.
Từ đỉnh Yên Sơn, bạn sẽ thỏa thuê ngắm nhìn cả vùng Đông Bắc hùng vĩ. Trời quang, có thể thấy vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng.
Đầu xuân, viếng những ngôi chùa độc từ Nam chí Bắc - Ảnh 5.
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, nhìn từ xa. Ảnh TL.
Chùa Đậu, chùa thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ nên còn gọi là chùa Đậu hoặc Pháp Vũ tự (trú ở Thường Tín, Hà Nội). Tương truyền, chùa xây vào đầu thế kỷ thứ 7. Chùa có kiến trúc kiểu "nội cong, ngoại quốc". Tam quan là gác chuông đẹp, 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong vút, chạm khắc hình rồng phượng và hoa lá. Tầng trên treo quả chuông đúc năm 1801. Tiền đường phía trước, nối liền hành lang 2 bên và nhà tổ phía sau, thành khung vuông bao bọc tòa thiêu hương và điện thờ bà Đậu.
Chùa có khánh đồng đúc năm 1774, 2 tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ Nôm của chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương. Đặc biệt, 2 pho tượng nhục thân của nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, tu ở chùa vào khoảng thế kỷ XVII, được tạo thành bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài thi hài. Năm 1993, bảo tàng Lịch sử Việt Nam được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và trùng tu 2 pho tượng này.
Khi chiếu tia X - quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng: không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút nội tạng, hút óc; các khớp xương dính chặt với nhau tự nhiên. Đây là 2 vị thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi, đốt không cháy, ngâm trong nước không tan.                         
Đầu xuân, viếng những ngôi chùa độc từ Nam chí Bắc - Ảnh 6.
Một góc chùa Đậu, nhìn từ phai trước. Ảnh TL.
NGUYỄN VĂN MỸ

Lên Eo Bù - Chút Mút ăn cải cay Vân Kiều

Bản Eo Bù - Chút Mút nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc biên giới Việt - Lào, dưới chân dãy Trường Sơn thuộc xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Bà Hồ Thị Thoa (trái) chọn cải mang về từ rẫy để nấu ăn /// Ảnh: Trương Quang Nam
Bà Hồ Thị Thoa (trái) chọn cải mang về từ rẫy để nấu ăn
ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM
Ở đây có loài cây cải cay đến chảy nước mắt, được người Vân Kiều xem là đặc sản.
Không nhiều người biết về loài cải đặc biệt này ở Eo Bù - Chút Mút. Tôi cũng vậy, chuyện “phát hiện” loài cải cay này rất tình cờ. Một lần cùng ăn cơm với tổ công tác biên phòng đóng tại Chút Mút, thấy trên mâm có 2 đĩa cây lạ, hình dáng và màu sắc gần giống cây cải dưới xuôi nhưng cọng lá tròn như thân cây và có màu tím, tôi liền dò hỏi. Các chiến sĩ biên phòng tỏ ra bí hiểm: “Đúng là cây cải, cứ ăn rồi cảm nhận”, nhưng dặn thêm: “Lần đầu chưa quen thì nên ăn ít thôi!”.
Tôi bèn cẩn thận ngắt từng miếng lá nhỏ, nhai thử. Một vị cay nồng gần như mù tạt. Hèn gì chúng được dùng làm rau gia vị ăn kèm hải sản, thịt... Đối với những người thích ăn cay thì loại cải này đúng là khoái khẩu. Cọng cải giòn và cay, chỉ cần ăn hơi nhiều thì cay đến chảy nước mắt. Cây càng còi, độ cay càng dữ dội.
Lên Eo Bù - Chút Mút ăn cải cay Vân Kiều - ảnh 2
Trưởng bản Hồ Văn Bình giới thiệu về cây cải đặc sản ở bản
Đã đi qua nhiều nơi, chưa bao giờ tôi gặp loại cải thú vị như thế...
Anh Hồ Văn Bình, Trưởng bản Eo Bù - Chút Mút, cho hay loại cải cay này mọc tự nhiên trên nương rẫy, nhưng đồng bào Vân Kiều coi như “bảo bối”. Không cần gieo trồng, chăm sóc mà vẫn có nguồn để ăn đều đặn, nhất là những lúc thiếu thốn. Bà con Vân Kiều chỉ việc đi hái về nấu canh hoặc muối chua. Thú vị ở chỗ, khi nấu canh thì cải không còn vị cay nồng như lúc ăn sống.
Để tôi mục sở thị nơi có loại cải đặc biệt này, trưởng bản Bình dẫn tôi băng qua suối Rào Reng, leo dốc đi về phía đỉnh núi. Đến ruộng lúa xanh tốt thì cải xuất hiện. Cải mọc rải rác, xen lẫn với lúa. Sau một lúc tìm nhổ, anh Bình trở lại với một ôm cải tươi tốt trên tay và bật mí: “Nhiều người mang hạt và cây về trồng nhưng nó không cay bằng ở đây, chắc do đất và khí hậu bản địa có chỗ khác lạ nên mới cho ra vị cay như thế”.
Eo Bù - Chút Mút có 61 hộ dân với 254 nhân khẩu. Sống giữa rừng già nên đất sản xuất ở đây rất hiếm, toàn bản chỉ có 3,3 ha ruộng nước và mỗi hộ được khoảng 2,5 sào hoa màu. Đã thế, việc trồng trọt cũng không thuận lợi vì thường bị thú rừng phá hoại. Nhưng có một thứ chả con vật nào dám ăn, đó là cây cải, vì nó... quá cay.
Muốn thưởng thức vị cải cay lạ lẫm ấy, chỉ còn cách lên với bà con Eo Bù - Chút Mút.

Ngày Tết lên núi thưởng thức quà vặt

Lên Hà Giang ngày cuối đông đón tết chờ xuân về, du khách có thể ấm bụng với những món quà vặt cực kỳ gây thương nhớ.
Món nướng đặc sản vùng cao trên đỉnh Mã Pí Lèng /// Ảnh: Liên Châu
Món nướng đặc sản vùng cao trên đỉnh Mã Pí Lèng
ẢNH: LIÊN CHÂU
Xôi nóng, bánh rán nếp nướng
Con đường từ homestay ở trung tâm thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) đến khu chợ len qua những ngôi nhà gỗ đơn sơ - nơi có chú gà trống với bộ lông rực rỡ chạy đôn chạy đáo. Chỉ chưa đầy 20 phút thả bộ, chúng tôi đã thấy mình đứng giữa chợ.
Dù đã phần nào được “cách tân” theo kiểu miền xuôi với những dãy nhà bán hàng lợp tôn cao rộng, nhưng chợ ở đây vẫn mang đậm nét núi rừng: những chiếc gùi đựng rau xanh còn đọng sương xếp hai bên lối vào khu chợ; những chú dê ngoan ngoãn đứng yên cho ông chủ chào bán; một con gà nhơ nhỡ được cậu bé choai choai ôm gọn trên tay...
Đến đây, du khách miền xuôi sẽ bị “dụ dỗ” bởi những chiếc bánh rán tẩm đường tròn căng được xếp từng lớp bên cạnh chảo dầu nóng sôi. Chỉ 20.000 đồng có thể mua được 4 - 5 chiếc bánh rán thơm lừng được làm từ bột nếp, đậu xanh, đường mía. Cũng chỉ 10.000 - 15.000 đồng, thực khách đã được một hộp xôi nếp nướng dẻo ngon ăn cùng thịt băm nhỏ rang khô hoặc ruốc (chà bông) làm từ thịt heo.
Bánh cuốn chan... mềm môi
Nếu chậm rãi hơn, thực khách có thể thưởng thức bánh cuốn chan - món riêng có ở vùng cao. Vừa dẻo tay múc bột trải một lượt mỏng lên chiếc khuôn tròn, bà chủ quán bánh cuốn vừa thủng thẳng: “Bánh làm bằng bột gạo xay ướt, sau đó gạn lấy nước trong, bột mịn lắng lại để làm bánh. Chẳng cần thêm gì, chỉ cần tỷ lệ nước - bột vừa đủ là tráng được bánh”. Ông chủ nhanh nhảu bảo: “Ở dưới xuôi có bánh cuốn chấm, còn trên này có bánh cuốn chan”.
Bánh cuốn chan thu hút bởi vị ngon hết sức mộc mạc, bày biện chân phương. Nhân có vị thơm ngon của nấm hương rừng cùng thịt lợn và mộc nhĩ băm nhỏ, xào chín. Tất cả những nguyên liệu sẵn có của miền rừng núi quyện lại nằm gọn ghẽ trong những miếng bánh tráng mỏng, mềm mà vẫn có độ dai đủ để ôm gọn nhân bánh.
Thứ bánh này còn rất “đáng nhớ” bởi hương thơm mới từ bột gạo nương. Không có màu trắng tinh như bánh cuốn dưới xuôi, cũng không trắng trong như bánh cuốn thị thành, bánh cuốn chan của vùng núi cao đậm, ngọt, thơm từ bột gạo nương không hề trau chuốt mà vẫn mềm mịn khi đưa lên môi. Ngay cạnh lò tráng bánh là nồi nước dùng ninh từ xương heo thơm ngậy, rắc thêm chút hành hoa, nước dùng được múc chan cho mỗi suất bánh làm nên món bánh cuốn chan ngon lạ.
Cũng là lượt bột gạo mịn trong khuôn, bà chủ thả vào đó một lòng đỏ trứng gà rồi rải đều, chiếc bánh cuốn nóng ngả màu vàng rộm. “Trẻ con trên này hay được ăn như vậy cho cứng cáp, mau lớn”, bà chủ giải thích.
Thơm lừng món nướng trên đỉnh Mã Pí Lèng
Lên Hà Giang những ngày cuối đông, khi cái rét đã trở nên sâu hơn, cảm nhận các đầu ngón tay buôn buốt, chính là lúc không thể bỏ qua những món nướng nóng hổi trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Trên cung đường đèo hiểm trở, dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng ở độ cao 1.200 m so với mặt nước biển, du khách không chỉ chiêm ngưỡng cao nguyên đá kỳ thú mà còn thỏa sức thưởng thức những món nướng thơm ngon. Chị bán hàng với chiếc khăn thổ cẩm chít trên đầu, hai má hồng rực bởi hơi ấm từ bếp than hồng và kế bên là nồi ngô luộc nóng hổi luôn tay phục vụ thực khách. Dù bận bịu với cuốn sổ nhỏ và cây bút ghi chép thực đơn, tính tiền nhưng chị vẫn kịp thời chuyển đến khách nào thịt xiên, khoai nướng, ngô dẻo...
Chúng tôi vẫn nhớ xiên thịt đậm ngon của thớ thịt nạc quyện với vị ngầy ngậy của miếng mỡ khổ lát mỏng. Đặc biệt, những chiếc lá mắc khén được xếp xen kẽ giữa các lát thịt khiến xiên thịt thơm đến khó tả. Ăn món nướng trên đỉnh Mã Pí Lèng, nếu không cẩn trọng thực khách có thể bỏng rẫy tay bởi những củ khoai nướng trên bếp than hồng.
Đặc sản ở Mã Pí Lèng còn có món trứng nướng độc đáo. Món này đòi hỏi sự khéo léo của chủ bếp vì nếu không canh chừng, lửa quá nóng sẽ làm trứng nứt vỡ. Với chiếc vỉ sắt đặt trên bếp than hồng, chủ bếp phải sắp xếp mẻ trứng ở mé ngoài đủ để chín trứng mà vẫn nguyên vẹn.
Khi khách gọi món, những quả trứng có vỏ màu vàng nhạt, sem sém đốm vàng sậm sẽ được lựa chọn để phục vụ. Hương vị thơm bùi của lòng đỏ trứng nướng giữa đỉnh Mã Pí Lèng cứ mãi làm lữ khách thương nhớ.

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng gồm những gì?

Quan niệm dân gian của người Việt đã cho rằng, "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", chính vì vậy, vào ngày lễ này, các gia đình thường rất cẩn thận trong việc sắm lễ cúng. Cũng vì thế, việc mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì được rất nhiều bà nội trợ quan tâm, để làm sao được chu đáo, đủ đầy và thể hiện được cái tâm của người làm lễ.

Mâm cỗ cúng Phật:
Nhiều gia đình vẫn quan niệm rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm. Lễ vật dâng cúng thường là hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Ngày nay, nhiều người dân cúng rằm tháng Giêng có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Chè xôi - 1 trong những món ăn trong mâm cỗ chay cúng Phật ngày rằm tháng Giêng.
Chè xôi - 1 trong những món ăn trong mâm cỗ chay cúng Phật ngày rằm tháng Giêng.
Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Mâm cỗ cúng gia tiên
Một số món trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng.
Một số món trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng.
Với những gia đình không theo đạo Phật, mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn, khá giống mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa. Với nhà khá giả có thể có nhiều hơn. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm. Tổng cộng là tròn 10 món.
Những món ăn trong mâm cỗ cúng cũng thể hiện những ước mong riêng của người Việt. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; thịt lợn đã chế biến thuộc về âm, dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển. Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đẩy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
Mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
Dù cỗ chay hay cỗ mặn, đối với người Việt, ngày rằm tháng Giêng luôn có vị trí trọng đại. Đây là dịp để tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, cùng ước mong năm mới với nhiều may mắn an nhiên.
Các vật phẩm khác như:
- Hương hoa vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau
- Rượu
Theo Nguyên Thảo
Dân Việt

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Kỳ lạ 5 bàn thờ và tục cúng tổ tiên lúc nửa đêm của người Khơ Mú

(Baonghean.vn)- Người dân tộc Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An có tới 5 bàn thờ tổ tiên, mỗi gian thờ chỉ là một gian bếp nhỏ, có treo một số dụng cụ sản xuất và nồi ninh xôi hàng ngày. Mỗi bàn thờ mang một ý nghĩa khác nhau.
Đây là gian thờ tổ tiên của đồng bào Khơ Mú vào ngày bình thường. Ngày thường, gian thờ này là gian bếp chỉ làm nhiệm vụ ninh xôi cho cả gia đình, không được nấu canh hay bất cứ thức ăn nào khác.
Nếu bình thường ta lên nhà của người Khơ Mú mà thấy 2 biểu tưởng này thì không nên quá tò mò mà chạm tay vào, vì đây là 2 bàn thờ tổ tiên quan trọng nhất của gia chủ. 2 "bàn thờ" này là nơi thờ cúng người cha quá cố của gia chủ và người cha đã mất bên vợ. Nếu ống tre phía trên là thờ người cha bên nội, thì máng bằng tre bên dưới là nơi thờ người cha bên ngoại.
Để thực hiện lễ cúng ở "bàn thờ" này, đồng bào thường lấy tiết của con gà bôi lên, thể hiện sự tôn kính đối với người cha đã khuất.
Còn bàn thờ đặt trên góc của gian bếp chính là bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa bảo vệ những người phụ nữ và phù hộ họ sinh con đàn cháu đống.
Bàn thờ được đặt ngay phía trên cửa ra vào là bàn thờ tổ tiên có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe, trừ tà ma cho tất cả các thành viên trong gia đình. Theo quan niệm của người Khơ Mú, nếu đã lập bàn thờ này thì bắt buộc phải giiết 1 con trâu để cúng.
Ban thờ này ở phía ngoài gian nhà, nó có ý nghĩa như một hàng rào linh thiêng bảo vệ toàn bộ ngôi nhà. Theo ông Moong Thái Nhi, trưởng phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn cho biết, bàn thờ này gắn với một truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ. Một hôm người chồng đi quăng chài dưới suối được rất nhiều cá nên người chồng ham cứ quăng mãi vào đến khu vực sinh sống của con hổ dữ. Người chồng bị con hổ này ăn thịt và lấy quần, áo hóa thành người chồng quay về nhà thức người vợ. Người vợ dậy nhóm lửa bếp cho sáng thì con hổ không cho nhóm vì sợ bị lộ đuôi của mình ra. Người vợ cũng rất nhanh ý, biết ngay đây không phải người chồng của mình, liền đi gọi anh em họ hàng xung quanh đến, người thì lấy cây quấn đuôi con hổ thò xuống dưới sàn nhà, người lấy cây rìu chặt đứt cổ con hổ. Từ đó đến nay, loài cây được người dân dùng quấn đuôi con hổ rất được người Khơ Mú quý trọng, thậm chí người dân không được sử dụng làm nhà, bờ rào hay bất cứ mọi cộng việc gì. Và cũng từ đó người Khơ Mú có thêm một bàn thờ này.
Vật cúng có ý nghĩa nhất trong tục cúng tổ tiên là trâu.
Để làm lễ cúng này phải có thời gian dài chuẩn bị vì nó khá tốn kém cho gia chủ. Trong ảnh là con trâu đã được làm thịt chuẩn bị cho lễ cúng dâng lên tổ tiên. Trong tất cả các phong tục của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn, tục cúng tổ tiên là phong tục lớn nhất và có tầm quan trọng nhất với đồng bào nơi đây. Nhưng đây không phải không phải là phong tục được thực hiện thường xuyên, đôi khi cả một đời người chỉ làm duy nhất 1 lần.
Rượu cần cũng là thứ quan trọng trong các buổi lễ.
Thầy mo đang làm lễ.
Đặc biệt, lễ cúng tổ tiên hơn của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn được thực hiện vào lúc giữa đêm.
Đốt lửa bằng que đuốc ngoài đường để mời tổ tiên về dự lễ.
Lễ cúng bên ngoài căn nhà, nơi có ban thờ tổ tiên bảo vệ căn nhà.
Sau lễ cúng tổ tiên, mời anh em họ hàng ăn uống tại gian nhà chính.


Lữ Phú 

Độc đáo tục ném que, xin lúa tốt của đồng bào Khơ mú

(Baonghean.vn) - Trong tín ngưỡng nông nhiệp của người Khơ Mú ở các huyện miền Tây Nghệ An, cúng rẫy là một trong những lễ cúng ngoài trời lớn nhất. Đây là phong tục cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được mùa, cho lúa, ngô đầy kho, cuộc sống đủ đầy.
C5 hay còn gọi là chòi bên các nương lúa, là nơi diễn ra lễ cúng. Đối với đồng bào Khơ mú và một số đồng bào thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ, C5 được xem là ngôi nhà thứ hai của họ, đồng bào sẽ sống và sinh hoạt tại đây cho hết mùa nương rẫy mới trở về bản.
Để chuẩn bị cho lễ cúng rẫy, người dân dựng lên hai giàn cúng. Nếu giàn trên cao tượng trưng cho chúa trời (Pí Phá, Chàu Phá), thì giàn thấp hơn là nơi thờ cúng thần linh, thần núi, rừng, khe suối, nương rẫy (Pí Pu, Pí Pà, …)
Trên hai giàn cúng là biểu tượng cho sự hợp nhất giữa trời và đất, với quan niệm đất trời thuận hòa thì mùa màng mới bội thu.
Tại giàn thờ trên như trong ảnh, đồng bào dâng lên của cải vật chất, các đồ dùng thể hiện sự sung túc đủ đầy, như: trang phục, đồ trang sức, tiền bạc… Tại giàn thờ dưới thường là đồ ăn, sản vật do chính gia chủ làm ra.
Trong tục cúng rẫy của đồng bào Khơ mú tại xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, giàn cúng phía trên không thể thiếu nén bạc trắng và ngà voi được làm tượng trưng bằng gỗ.
Sau công đoạn chuẩn bị hoàn tất, lễ cúng được tiến hành theo 3 bước chính và tất cả đều do thầy mo thực hiện.
Đầu tiên, thầy mo sẽ khấn và ném que 3 lần để xin, nếu 2/3 lần cả hai que đều nằm ngửa, có nghĩa là thần linh đã nhất trí, lúc đó mới được giết lợn, gà và mở vò rượu cần.
Khi gà, lợn đã được bày biện, thầy mo lại khấn mời thần linh ăn. Đây cũng là bước tiếp theo trong lễ cúng.
Bước cuối cùng trong lễ cúng, đó là bước mời rượu, cũng là bước quan trọng nhất trong lễ cúng. Trong bước này thầy mo lại tiếp tục ném que, sau 5 lần ném, hai que đều nằm ngửa có nghĩa mùa lúa này đạt năng suất cao. Theo quan niệm của đồng bào, năng suất của mùa rẫy thể hiện qua tỉ lệ ngửa hay sấp của hai que thầy mo ném, trong 5 lần xin này.
Lễ cúng rẫy của đồng bào Khơ mú được tổ chức trọn một ngày. Sau khi hoàn tất các bước trong lễ cúng, những người tham gia sẽ cùng nhau chung vui bên chum rượu cần cho đến hết ngày.
Và sau lễ cúng, cũng là lúc chị em phụ nữ bắt đầu lên nương gặt lúa. Cứ thế, lễ cúng rẫy được xem là tín ngưỡng truyền từ đời này sang đời khác của đồng bào Khơ mú, phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, trời đất, khe suối, nương rẫy… Với họ đó là những vị thần luôn ấp ôm, che chở, giúp họ có được cuộc sống đủ đầy.


Lữ Phú

Tục dựng cây nêu, cột đèn tiễn ông Táo về trời ở xứ Nghệ

(Baonghean.vn)- Cùng với phong tục thả cá chép, vào ngày ông Táo 23/12 âm lịch hàng năm, người dân một số nơi ở Yên Thành còn dựng cây nêu, cột đèn để tiến ông Táo về trời. Cây nêu, cột đèn có ý nghĩa bảo vệ gia chủ trong suốt thời gian ông Táo đi vắng.
Việc dựng cây nêu, cột đèn đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều người. Ảnh: Lan Thái.
Mờ sáng 23 tháng Chạp, các thành viên gia đình ông Hồ Sỹ Vân, xóm 5, xã Bắc Thành đã tất bật chuẩn bị lễ tiễn ông Táo về trời báo cáo thành quả một năm lao động của gia đình với Ngọc Hoàng. Vật  dụng không thể thiếu của gia đình ông Vân trong ngày ông Táo là cây cột đèn đã gắn bó với gia đình ông gần 20 năm.
Cột đèn của gia đình ông Vân gồm một cây tre to, dài trên 10m, một con hạc và một con phượng bằng gỗ, bóng điện, và lá cờ tổ quốc. Ông Vân cho biết, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, gia đình ông mang ra treo trước cổng nhà, đến hết ngày 7 đón ông Táo về thì hạ xuống.
Hình con phượng trên cột đèn. Ảnh: Lan Thái.
Sáng 23 tháng Chạp, đi khắp những ngôi làng nhỏ ở các xã Trung Thành, Bắc Thành,… những cây nêu, cột đèn đã được người dân nơi đây dựng trước sân nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trong mưa xuân. Cây tre chọn làm nêu phải cao, thẳng, không có dấu vết của sâu bệnh và quan trọng là không được cụt ngọn. Trên cây nêu thường được treo thêm lá cờ tổ quốc và một bóng đèn.
Cây tre để làm cây nêu phải cao, thẳng, không sâu bệnh và đặc biệt không được cụt ngọn. Ảnh: Lan Thái.
Còn việc làm cột đèn lại kỳ công hơn rất nhiều. Cột đèn là cây tre già, cao, thẳng, thật chắc, có thể dùng từ năm này qua năm khác. Trên đỉnh cột được buộc túm lông gà làm ngọn, phía dưới là một con phượng bằng gỗ được sơn màu đỏ, đuôi con chim phượng cũng được trang trí bằng lông gà. Cách chim phượng tầm một mét là một con hạc bằng gỗ cũng sơn màu đỏ, phần “cổ” công được kéo dài, vừa để làm giá buộc cờ. Dưới cổ phượng và cổ công đều được treo một chiếc “chuông” bằng gỗ.
Cột đèn có thể dùng năm này qua năm khác. Ảnh: Lan Thái.
Ông Nguyễn Duy Long (sn 1938, xóm 5, xã Bắc Thành) cho biết: ‘Tương truyền, ngày xưa, phong tục dựng cây nêu tiễn ông Táo về trời chỉ dành cho những gia đình nghèo khó. Việc dựng cây nêu đơn giản và cũng không tốn kém gì ngoài một cây tre hoặc một cây hóp còn nguyên ngọn cây. Còn việc dựng cột đèn chỉ dành cho các hộ khá giả, các hộ giàu có bởi lẽ phải thuê người đẽo phượng, rồng”. 
Con hạc tượng trưng cho sự mạnh mẽ, có ý nghĩa mong đàn ông, con trai luôn mạnh khỏe, giữ được cái uy nghiêm trong nhà đồng thời cũng thể hiện mong muốn gia chủ được khỏe manh, sống trường thọ. Còn con chim phượng tương trưng cho phụ nữ với ý nghĩa mong muốn đàn bà, con gái trong nhà được xinh đẹp, hiền dịu, nết na. Con phượng được đặt trên một trục xoay, đầu của chim phượng quay theo hướng gió. Còn đầu rồng thì được buộc cố định quay vào trong nhà gia chủ với mong muốn gia chủ có sức khỏe dồi dào, sống trường thọ.
Hình đầu rồng luôn được buộc cố định trên cột đèn hướng về nhà gia chủ. Ảnh: Lan Thái.
Ông Long cho biết thêm, phong tục dựng cây nêu, cột đèn trong ngày ông Táo có từ bao giờ không ai còn nhớ. Trước cách mạng tháng Tám, ở làng của ông chỉ có khoảng 7 cột đèn của những gia đình giàu có. Các gia đình nghèo thường dựng cây nêu thay thế. Trong thời kỳ chiến tranh, việc dựng nêu, cột đèn bị mất đi, sau này đất nước thống nhất, phát triển thì mọi người lại cùng nhau phục dựng lại nét văn hóa truyền thống độc đáo này.
Cột đèn trong ngày ông Táo ở xã Bắc Thành, Yên Thành. Ảnh: Lan Thái.
Ý nghĩa của cây nêu và cột đèn đều nhằm tiễn ông Táo lên Thiên đình đồng thời trong những ngày ông Táo đi vắng, cây nêu, cột đèn còn xua đuổi tà ma bảo vệ gia chủ. Trước đây một số làng ở Bắc Thành mọi người còn tụ tập thành nhóm để cùng dựng nêu, cột đèn, sau khi xong việc thì tổ chức ăn uống rất đông vui, ấm áp. Ngày nay khi cuộc sống ngày càng sung túc, đủ đầy, người dân còn trang trí trên cây nêu, cột đèn hệ thống bóng nháy rất công phu, cầu kỳ.
Theo ông Trần Minh Tôn, ở xóm 4, xã Bắc Thành cho biết: “Dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp nhằm tiễn ông Táo về trời. Theo quan niệm từ xưa thì cây nêu được dựng trên đất nhà Phật, do vậy sẽ giữ được uy linh, phòng tránh tà ma xâm nhập, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Táo đi vắng. Ngày mùng Bảy Tết, sau khi làm lễ đón ông Táo về nhà thì cây nêu cũng được hạ xuống”.
Lan Thái