Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Chiếc ấn vàng truyền quốc của triều Nguyễn

Trong 25 năm Nguyễn Ánh bôn ba chống lại nhà Tây Sơn, chiếc ấn vàng theo ông đi qua nhiều cuộc binh biến, từng lưu lạc tới tận Thái Lan, nhiều lần mất rồi lại tìm thấy.


n vàng Đại Việt Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo đúc vào năm Vĩnh Thịnh thứ năm (1709) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Núm ấn không có hình rồng, biểu tượng của vương quyền cao quý mà tạo hình sư tử hí cầu. Ấn hình vuông được làm từ vàng 8 tuổi. Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo.
chiec-an-vang-truyen-quoc-cua-trieu-nguyen
Chiếc ấn vàng có tạo hình sư tử hí cầu. Ảnh: Hoàng Phương.
Thời điểm chiếc ấn được đúc, xứ Đàng Trong đã trải qua 6 đời chúa Nguyễn trị vì, trở thành vùng đất thái bình thịnh trị. Sở dĩ ấn không có hình rồng mà thay thế bằng sư tử vì nhà Lê vẫn là chủ thiên hạ (tồn tại từ 1427-1789), dù chiến tranh Nam - Bắc triều đã chia đôi đất nước thành hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Trước đó khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, vua Lê đã ban cho ông chức vụ chính danh là Tổng trấn tướng quân, trao trấn tiết, ấn tín riêng. Chiếc ấn Tổng trấn tướng quân được dùng để đóng lên các văn bản cao nhất thời bấy giờ của xứ Đàng Trong. Trải qua 5 đời chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Trăn lập vương phủ vẫn dùng ấn tín vua Lê ban.
Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, ông là người tài văn võ lược, cầu hiền tài, nuôi chí lớn. Nắm quyền khi mới 17 tuổi và trị vì suốt 34 năm, Quốc Chúa có ý thức mở rộng đất đai, muốn lập nên một quốc gia có chủ quyền riêng nên đã cho người sang cầu phong với nhà Thanh. Việc không thành vì còn có nhà Lê ở phía Bắc, nhà Thanh cũng lo sợ sự lớn mạnh của vùng đất phương Nam sẽ có họa lớn sau này.
Năm 1709, chúa sai người đúc chiếc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, nghĩa là Bảo vật của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài, cho thấy chí lớn của người đứng đầu xứ Đàng Trong. Chiếc ấn đúc xong thì các đời chúa Nguyễn sau này đều lấy làm quốc bảo.
chiec-an-vang-truyen-quoc-cua-trieu-nguyen-1
Lưng sư tử có họa tiết mây lửa. Ảnh: Hoàng Phương.
Năm 1775 nổ ra cuộc phân tranh cuối cùng giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn, chấm dứt hơn 200 năm chia cắt nước Đại Việt thành hai xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài. Bị quân Trịnh và quân Tây Sơn giáp công hai phía, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải mang gia quyến chạy vào Nam. Ông mang theo chiếc ấn vàng, sau để lại cho Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh).
Năm 1777, gần như toàn bộ gia tộc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn bắt giết, Nguyễn Ánh thoát nạn phải trốn chạy khắp nơi, bắt đầu cuộc chiến kéo dài 25 năm gây dựng lại cơ nghiệp của dòng tộc. Sau nhiều lần thất bại phải cầu viện quân Xiêm La và sự giúp đỡ của người Pháp, ông giữ được Nam Hà, lật đổ nhà Tây Sơn khi triều đại này suy yếu, thống nhất đất nước và lên ngôi ở Phú Xuân năm 1802.
Trong 25 năm ấy, chiếc ấn vàng theo Nguyễn Ánh lưu lạc khắp nơi, qua nhiều binh biến, từng vượt biển tới tận Thái Lan, nhiều lần mất đi rồi lại tìm thấy. Có lần quân Tây Sơn đánh Gia Định, Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc. Tùy tùng là Ngô Công Quý mang ấn theo sau bị lạc. Đến khi thuộc hạ phá được quân Tây Sơn, rước Nguyễn Ánh về thì người tùy tùng kia cũng mang chiếc ấn về dâng lên.
Đến chiến dịch Ba Lai, thế quân Tây Sơn mạnh, những người theo Nguyễn Ánh tháo chạy, qua sông thì làm rơi chiếc ấn báu nhưng may mắn mò lại được. Khi ông lánh nạn ở đảo Thổ Chu có mang theo gia quyến. Vua Xiêm sai tùy tùng đến đón, vì chưa biết được lòng dạ quân Xiêm nên Nguyễn Ánh bảo người đem chiếc ấn đi giấu.
chiec-an-vang-truyen-quoc-cua-trieu-nguyen-2
Dấu ấn vàng được khắc theo lối chữ triện. Ảnh: Hoàng Phương.
Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, kim bảo này trở thành báu vật truyền ngôi chính thức, cũng là bảo ấn truyền quốc qua các đời vua Nguyễn sau này.
Có lần, ông dặn Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mạng rằng "Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau... Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ... Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi".
Chiếc báu truyền quốc được lưu giữ cẩn trọng. Sách Đại Nam thực lục có đoạn chép khi vua Minh Mạng lên ngôi đã tự tay phong kín chiếc ấn cất đi. Nhiều năm sau này, vua mới mở xem một lần, viết chữ son niêm lại rồi cất như cũ.
Trải qua 143 năm tồn tại, nhà Nguyễn để lại số kim bảo ngọc tỷ lớn nhất so với các triều đại phong kiến trước. Vì chiến tranh, loạn lạc, một số ấn quý lưu lạc tại nước ngoài, trôi nổi trong dân chúng. Ấn vàng Đại Việt Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo hiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, lần đầu tiên trưng bày vào ngày 10/1 vừa qua. Chiếc ấn được công nhận bảo vật quốc gia hồi tháng 12/2016.
PGS Phạm Xanh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng việc vua Gia Long chọn chiếc ấn này làm bảo vật truyền quốc mang ý nghĩa lớn. "Chiếc ấn là vật nối hai giai đoạn lịch sử huy hoàng thời chúa Nguyễn với một sự khởi đầu vương triều mới, cũng là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, như một sự khẳng định về việc vương quyền sẽ được tiếp nối dài lâu", ông nói.
Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét