Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Đèn đường ở Sài Gòn có từ bao giờ?

Để có được đèn điện chiếu sáng đường phố, gần 150 năm trước, người Pháp đã thử nghiệm nhiều loại đèn chiếu sáng khá thủ công.

Vào thập niên 80 của thế kỷ 19, ở Paris (Pháp), người ta còn coi điện là phương tiện xa xỉ tốn kém và mãi đến năm 1888-1889 mới quyết định dùng đèn điện để thắp sáng một số trung tâm hành chính. Khi đó, ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa đã dự tính dùng nguồn năng lượng mới mẻ này.
den-duong-o-sai-gon-co-tu-bao-gio
Đường phố Sài Gòn thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Hữu Quang trong cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, Hải Phòng là nơi đầu tiên ở Việt Nam có đèn điện chiếu sáng phố năm 1892, sau đó là Hà Nội rồi mới tới Sài Gòn. Tuy nhiên, ý tưởng thắp sáng đường phố thì đã có ngay từ khi người Pháp đặt chân lên thành phố này.
Khi người Pháp chiếm xong Sài Gòn, thành phố hầu như chưa có gì về cơ sở hạ tầng đô thị, ngoại trừ một số đường phố đã có nền đất. Lúc đấy, vì đường sá ban đêm hoàn toàn tăm tối nên cảnh sát Pháp đã có chỉ thị mọi hộ dân cư nhà mặt đường phải thắp một chiếc đèn dầu ngay trước cửa kể từ phát súng đại bác buổi tối báo hiệu giờ binh lính phải về doanh trại cho đến khi trời sáng.
Đồng thời, họ cũng quy định xe cộ, chủ yếu là xe bò và xe ngựa đi trên đường phố vào ban đêm cũng phải treo đèn dầu trên xe.
Cuối năm 1865, nhà cầm quyền Sài Gòn đã dự định làm hơn 150 cột đèn lồng thắp dầu dừa, mỗi cột cách nhau 100 m tại một số con đường, bến sông và quảng trường (chủ yếu ở khu vực trung tâm quận 1 ngày nay) với tổng chiều dài hơn 15 km. Kinh phí dự kiến để mua thiết bị là 30.000 Franc, ước tính mỗi chiếc đèn lồng mỗi đêm cần 300 gram dầu dừa.
Mãi đến tháng 6/1867, ủy hội thành phố mới quyết định bỏ ra 2.400 Franc để mua 100 cây đèn lồng đầu tiên thắp bằng dầu dừa, đặt tại một số đường phố chính. Tháng 11 năm đó, việc lắp đặt này hoàn tất và ủy hội thành phố tuyên bố lệnh của cảnh sát thắp đèn ở cửa nhà không cần thiết nữa. Đó là lần đầu tiên mà Sài Gòn có đèn chiếu sáng đường phố.
100 cây đèn lồng ấy được giao cho một người Chà (người Pháp gọi là người Malabar) lãnh thầu việc bảo quản và thắp sáng mỗi đêm với giá là 0,33 Franc cho mỗi chiếc đèn trong ngày. Những người này làm việc khá chểnh mảng, không thay bấc cũng như không châm thêm dầu đều đặn mỗi đêm nên đèn đóm lúc nào cũng yếu ớt, lại bị hư bể đến nỗi phải thay một số đèn ngay trong tháng đầu tiên. 
Sau đó, ủy hội thành phố giao việc này lại cho một người Pháp tên là Andrieu, nhận trách nhiệm cung cấp dầu dừa, bấc, thắp sáng và bảo quản các đèn lồng, các cột chân đèn. Giá nhận khoán mỗi ngày là 0,6-0,63 Franc với điều kiện phải thắp sáng từ 18h hoặc 18h30 trở đi tùy theo mùa cho đến khi có phát súng đại bác báo hiệu buổi sáng.
Giữa năm 1869, nhà thầu thắp sáng đề nghị thành phố cho chuyển sang đèn thắp bằng dầu lửa (tức dầu hỏa) để thay cho dầu dừa. Lúc này người ta cũng có nghĩ đến khí đốt. Song, đến cuối năm đó, khi đọc được báo cáo của ngành cầu đường nhận định rằng đèn đốt bằng dầu lửa sáng hơn so với dầu dừa, ủy hội thành phố mới quyết định cho thắp sáng đường phố bằng đèn dầu lửa từ ngày 1/4/1870.
Trong một chuyến thăm Sài Gòn năm 1872, một ký giả Pháp kể lại rằng "các đường phố thắp sáng bằng đèn dầu và được hút dầu ra bởi các ống máng vươn dài ra ở các bên hông".
dung-vi-den-dau-lua-sang-hon-den-dau-dua
Một tờ quảng cáo đèn dầu lửa xưa. Ảnh tư liệu
Đến đầu năm 1876, một số đường phố Sài Gòn được chiếu sáng bằng 255 cây cột đèn lồng thắp bằng dầu lửa, trong đó 200 cái có chân bằng cột đúc và 55 cái đặt cột bằng gỗ. Theo Hội đồng thành phố, để Sài Gòn về đêm được tương đối sáng sủa, cần phải có hơn 450 cây đèn lồng này, đặt cách nhau tối thiểu 70 m, tức là trên một chiều dài tổng cộng gần 32 km đường phố.
Trong khi đó, khả năng dùng khí đốt để thắp sáng đèn đường liên tiếp được đặt ra suốt năm 1869 mãi cho đến năm 1891 nhưng không lần nào được chính quyền chấp thuận cho thực hiện.
Vào thập niên 1860, việc dùng khí đốt thắp đèn đường đã phổ biến ở nhiều nơi như Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Batavia (Indonesia), Yokohama (Nhật) hay Singapore...
Dự án đầu tiên đề nghị lên thành phố Sài Gòn là của Roberdeau, một nhà kinh doanh người Pháp vào giữa năm 1869. Ông đề xuất thành phố cho làm 300 cây đèn lồng dùng khí đốt với tổng kinh phí 150.000 Franc. Theo Roberdeau, lúc ấy Paris đang dùng tới 100 triệu m3 khí đốt mỗi năm để thắp đèn đường, trong khi nhu cầu của Sài Gòn vào năm 1872 (là năm dự kiến làm xong hệ thống đèn khí đốt) chỉ là 160.000 m3.
Phiên họp sau đó của Hội đồng thành phố Sài Gòn hoàn toàn tán đồng về khả năng dùng khí đốt và về nhu cầu 300 cây đèn lồng cho thành phố nhưng chưa nắm rõ khía cạnh kinh tế của vấn đề nên đã cử một ủy ban đặc biệt nghiên cứu thêm ở Singapore, Hong Kong và Batavia. Cuối cùng, dự án của Roberdeau không được thông qua với lý do là dùng khí đốt tốn kém hơn so với việc dùng dầu lửa mà ngân sách của thành phố lại eo hẹp.
Roberdeau sau đó còn nhiều lần đề nghị về câu chuyện dùng khí đốt vào các năm 1869, 1873, 1874 nhưng đều không đi đến đâu. Hội đồng thành phố còn nhiều lần xem xét các dự án khí đốt như lập nhà máy sản xuất khí đốt ở Sài Gòn của Parker vào tháng 1/1876, những lần đề nghị cho việc thầu khai thác đèn khí đốt của Spooner và Faure năm 1879 hay của Dolon năm 1891. Nhưng tất cả đều bị bác bỏ với lý do giá quá đắt, mặc dù đầu năm 1886, một ủy ban được giao nhiệm vụ nghiên cứu để tìm một phương thức thắp sáng ngoài đèn dầu đã đi đến kết luận là nên dùng khí đốt hoặc điện.
Từ năm 1869 đến 1891 là 22 năm liên tục có những dự án và đề nghị của giới kinh doanh, cũng như những cuộc tranh luận kéo dài của Hội đồng thành phố nhưng theo cuối cùng Sài Gòn vẫn chưa có ngày nào sử dụng đèn khí đốt cho việc thắp sáng đường phố.
Trong lúc Sài Gòn đã dùng đèn dầu lửa được 17 năm để chiếu sáng đường phố ở khu trung tâm thì đến tháng 3/1887, lần đầu tiên Hội đồng thành phố lập riêng một ủy ban xem xét các dự án chiếu sáng bằng đèn điện. Đầu năm sau đó, họ đã quyết định mở một cuộc thi tận bên Pháp để chọn dự án.
Hội đồng thành phố có nhiều ý kiến không đồng ý với nguồn năng lượng mới mẻ này và dư luận bên Pháp cũng thế. Bởi lúc bấy giờ ở bên Pháp, người ta vẫn coi đèn điện là một thứ đồ xa xỉ, tốn kém nên ở xứ Đông Dương thuộc địa không thể đủ ngân sách mà thực hiện.
Đèn khí đốt ở Paris khi đó vẫn rẻ hơn so với đèn điện. Tuy nhiên vào đầu năm 1889, Paris đã thông qua một hợp đồng ký với hãng Pope để chiếu sáng bằng đèn điện cho một số khu trung tâm hành chính của thành phố Paris. Tháng 3 năm đó, Hội đồng thành phố cũng biểu quyết đồng ý làm thử đèn điện.
Sang tháng 4 năm ấy, Ferret trình lên một bản đề nghị cho làm thí điểm đèn điện ở Nhà hát Thành phố và một đoạn đường Catinat (nay là Đồng Khởi) dùng đèn dây tóc và đèn hồ quang, cùng với các thiết bị phát điện, cột đèn, dây dẫn điện. Tổng số tiền dự kiến từ 25.000 đến 30.000 Franc. Vì ngân sách lúc này thành phố đã cạn nên chính quyền Sài Gòn đành dừng lại dự án này.
Bốn năm sau đó, Catoire trình ra một dự án khác thắp sáng đường phố Sài Gòn bằng đèn điện và đèn dầu lửa: làm 393 bóng đèn điện Edison, mỗi bóng có sức tỏa sáng đến 16 nến cho khu phố trung tâm; hơn 570 đèn dầu lửa cho các khu phố khác.
sai-do-la-ben-nha-rong
Bến Nhà Rồng xưa, nơi đầu tiên được thắp đèn điện ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Sau khi xem xét, Hội đồng thành phố nhận thấy phương án làm đèn điện đắt hơn dầu lửa, lại vừa không sáng bằng loại đèn dầu lửa phổ thông có sức tỏa sáng đến 25 nến. Do đó, họ đã quyết định cho dùng loại đèn dầu lửa phổ thông với hai kiểu: kiểu có bóng đèn 15 lignes (ligne là một loại đơn vị đo cổ của Pháp, bằng 2,25 mm), kiểu có bóng đèn 25 lignes cho trung tâm thành phố và loại đèn dầu có bóng đèn 14 lignes cho các khu phố còn lại.
Báo cáo của Monceaux cho Hội đồng thành phố giữa năm 1893 đã xác nhận điều nói trên: những bóng đèn điện ở hãng Messageries Maritimes (tức bến Nhà Rồng) chỉ có sức tỏa sáng 16 nến mỗi bóng, tức là yếu hơn nhiều so với đèn phổ thông thắp bằng dầu lửa mà thành phố đã cho thử nghiệm ở đường Catinat.
Như vậy, theo tư liệu này, nơi đầu tiên ở Sài Gòn thắp đèn điện là tại bến Nhà Rồng, tuy còn ở quy mô thử nghiệm nhỏ hẹp và sức tỏa sáng còn yếu ớt.
Năm 1892, hai ông Hermenier và Planté đã ký hợp đồng với Hải Phòng để thực hiện công việc lắp đặt và cung cấp dịch vụ chiếu sáng bằng nguồn điện. Ngay sau đó, hai nhà kinh doanh này lại ký tiếp một hợp đồng tương tự với thành phố Hà Nội, tuy là việc phân phối điện chỉ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một vài khu kế cận với nhà máy phát điện đặt ngay gần hồ này. 
Năm 1894, khi thảo luận về khả năng dùng điện lực, ngoài những ý kiến nhất định chống lại việc dùng điện, trong Hội đồng thành phố, người ta tranh luận nhiều về những nội dung sau: đặt đường dây dẫn điện ngầm dưới đất hay ở trên không; đặt nhà máy điện ở đâu cho kinh tế nhất; chọn dòng diện một chiều hay xoay chiều cao thế; ngân sách có thể cho toàn bộ công việc này hay không. 
dung-duong-day-dien-o-tren-khong
Đèn chiếu sáng bằng điện trên đường Catinat. Ảnh tư liệu
Cuối cùng, Hội đồng thành phố đã thống nhất nguyên tắc chính để các nhà kinh doanh tính toán: nhà máy đặt ở phía đường Bonard (nay là đường Lê Lợi), dòng điện một chiều với cường độ thấp, phân phối bằng 3 dây và đường dây dẫn điện trên không. Sự lựa chọn này được cân nhắc bởi các yếu tố làm trên không thì điện cao thế sẽ gây nguy hiểm, còn làm ngầm dưới đất thì rất tốn kém vì nền đất ở khu vực thấp Sài Gòn còn nhiều sình lầy.
Ngoài ra, công suất phát không chỉ đủ cho việc chiếu sáng đường phố, mà cả nhu cầu chiếu sáng của nhà tư nhân, thời gian nhượng quyền khai thác là 20 năm. Về ngân sách thì ngoài số tiền 5.000 đồng hàng năm chia cho mạng lưới đèn dầu, sẽ chi thêm 30.000 đồng cho hệ thống đèn điện. Hợp đồng khai thác điện đầu tiên đã được ký kết giữa thành phố và hãng của Hermenier vào ngày 11/5/1896.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét