Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn

Từ nhu cầu chiếu sáng đường phố, nhiều nhà máy điện ở Sài Gòn ra đời rồi dần hình thành hệ thống điện lực rộng khắp.

do-do-am-hieu-sai-gon-qua-5-cau-hoi-ve-nha-may-dien-dau-tien
Thành phố Sài Gòn xưa. Ảnh tư liệu
Năm 1892, hai ông Hermenier và Planté ký hợp đồng với Hải Phòng để thực hiện việc lắp đặt và cung cấp dịch vụ chiếu sáng bằng nguồn điện. Hải Phòng là nơi đầu tiên của Việt Nam ứng đụng điện lực ở Đông Dương.
Theo PGS.TS Trần Hữu Quang trong cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, nhà máy điện của Sài Gòn do Hermenier và một số người khác xây dựng, hoàn thành năm 1897, tức 10 năm sau khi Nhật Bản có nhà máy điện đầu tiên ở Tokyo.
Theo Tổng niên giám Đông Dương năm 1910, nhà máy điện đầu tiên của công ty Điện lực Sài Gòn cung cấp dòng điện một chiều với điện xoay thế 120 Volt, phân phối bằng ba dây. Điện được sản xuất bằng máy hơi nước với một bộ nồi hơi nửa ống, mỗi nồi có diện tích đun là 150 m2; hai máy hơi kiểu Corliss công suất 350 mã lực, mỗi máy vận hành hai dynamo (máy phát điện) 425 Ampère với điện thế 300 Volt.
dung-do-la-nha-maynhiet-dien-chay-may-hoi-nuoc
Nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn (phía sau Nhà hát thành phố ngày nay). Ảnh tư liệu
Ngoài ra, còn có ba tuôcbin Laval 150 mã lực, mỗi cái vận hành hai dynamo 360 Ampère với điện thế 160 Volt, một bộ ắc quy lưu động 1.000 Ampère giờ để phân phối điện, có kèm theo những thiết bị an toàn và kiểm soát. Ban đầu, nhà máy này cung cấp điện cho 40 đèn hồ quang, 394 đèn dây tóc với nhiều công suất khác nhau để chiếu sáng đường phố và 100 bóng đèn có công suất 6 nến để thắp sáng cho các công thự của thành phố.
Từ năm 1897 đến 1904, chỉ có khu vực nằm trong chu vi sau là được thắp sáng bằng đèn điện: đường bến Francis-Garnier (nay là đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hai Bà Trưng tới rạch Bến Nghé), các đường Deperré (Hàm Nghi), Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn từ bờ sông đến đường Lê Lợi), Colombert (Alexandre de Rhodes), Blancsubé (Phạm Ngọc Thạch), đại lộ Norodom (Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), La Grandière (Lý Tự Trọng), Pastuer (Thái Văn Lung), đường bến Primauguet (Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hai Bà Trưng tới Ba Son).
Ban đầu, Sài Gòn có nhà máy điện với mục tiêu cung cấp điện cho hệ thống đèn chiếu sáng đường phố nên người ta hay gọi là nhà đèn hoặc nhà máy đèn. Số đường có đèn điện được mở rộng dần, lần đầu vào năm 1904.
Hai năm sau đó, công ty Điện lực Sài Gòn trở thành công ty Nước và Điện Sài Gòn và sau đó là công ty Nước và Điện Đông Dương ký hợp đồng bổ sung cung cấp điện. Trong đó có một số điều khoản gia tăng số đường có đèn điện, đưa công suất số đèn dây tóc lên tối thiểu 16 nến (nến là bougies - một đơn vị cũ để đo độ chiếu sáng) và các cột đèn được đặt cạnh nhau tối thiểu 50 m.
Đến cuối năm 1908, phạm vi thành phố Sài Gòn được chiếu sáng lan tỏa rộng hơn. Lúc này, đã có 867 đèn dây tóc 16 nến và 67 đèn hồ quang.
Năm 1904, tại Chợ Lớn chính quyền ký hợp đồng lập một nhà máy điện có hai môtơ chạy bằng khí với tổng công suất là 120 kW. Sang năm 1905, công ty Điện lực Viễn Đông lập một nhà máy khác ở ngay địa điểm mà về sau người ta làm nhà máy nước Chợ Lớn.
Tháng 2/1909, công ty Nước và Điện Đông Dương (CEE) hoạt động thay cho công ty Nước và Điện Sài Gòn và công ty Điện lực Viễn Đông ở Chợ Lớn. Lúc này, CEE được nhượng quyền khai thác tại Sài Gòn và Chợ Lớn.
CEE có trụ sở chính tại Paris nhưng văn phòng điều hành ở Sài Gòn, sau này còn lấn sân khai thác mọi dịch vụ phân phối điện và nước ở một số tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Phnôm Pênh (Campuchia).
Ba tháng sau khi được nhượng quyền khai thác, CEE đã xin phép xây dựng một nhà máy phát điện (tên Cầu Kho) nằm bên bờ Arroyo Chinois (tức rạch Bến Nghé), chỗ giáp ranh Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhà đèn Cầu Kho được xây xong năm 1912, có công suất 4.500 mã lực, lần đầu cung cấp dòng điện xoay chiều.
Năm 1917, xưởng đóng tàu và thị trấn Thủ Đức được cung cấp điện, sau đó điện được đưa tới Biên Hòa. Lúc này, nhà máy điện Cầu Kho không còn đáp ứng đủ nhu cầu tăng vọt do phát triển kinh tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
dung-lan-dau-tien-thanh-pho-co-nguon-cung-cap-dong-dien-xoay-chieu
Nhà máy điện Chợ Quán. Ảnh tư liệu
CEE đã bắt tay xây dựng nhà đèn Chợ Quán với công suất thiết kế năm 1922 là 5.000 kW, đủ cho nhu cầu của Sài Gòn, Chợ Lớn và một số thị trấn như Lái Thiêu, Búng và Thủ Dầu Một. Điện cũng được cung cấp cho hệ thống điện báo vô tuyến, xe điện và một vài cơ sở công nghiệp.
Từ năm 1932, CEE bắt đầu thay đổi dần hệ thống phân phối dòng điện một chiều bằng dòng diện xoay chiều, khoảng 5 năm sau đó thì hoàn tất công việc này.
Trong thập niên 1920, ngoài công ty CEE chủ yếu khi thác điện ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn còn có một số công ty khác ra đời nhằm mở rộng cung cấp điện cho các địa phương Bến Tre, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Bạc Liêu, Bà Rịa, Vũng Tàu, Phan Thiết...
Năm 1923, sản lượng điện Sài Gòn - Chợ Lớn là 17,65 triệu kWh sau đó tăng lên 37,8 triệu kWh nhờ có thêm các nhà máy điện. Tính về sản lượng điện hàng năm thì chỉ hai thành phố trên đã chiếm đến 90% vùng Nam Kỳ và khoảng 40% so với toàn Đông Dương.
chua-chinh-xac-dap-an-la-ca-hai-he-thong-nay
Mạng lưới phân phối điện ở Sài Gòn - Chợ Lớn gồm cả đường dây cáp ngầm và đường dây trên không. Ảnh tư liệu
Việc truyền tải điện được đảm bảo bằng một mạng lưới phân phối 6.600 Volt đối với vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và 15.000 Volt với một vài tỉnh phía bắc Sài Gòn. Hệ thống này gồm hơn 73 km đường cáp ngầm 6.600 Volt, hơn 19 km đường dây trên không 6.600 Volt và gần 73 km đường dây trên không 15.000 Volt. Ngoài ra, hệ thống còn bốn trạm ngắt điện và phân phối, 227 trạm biến thế và 260 km đường dây trên không hạ thế.
Cuối năm 1945, CEE gặp phải hai khó khăn lớn: bị phong tỏa nên số thiết bị và nồi hơi mà công ty đặt mua mãi đến một năm sau mới lấy về được; số than đá được cung cấp từ Hòn Gai ngày càng khó khăn, sau đó ngưng hẳn. Các nhà máy điện phải dùng đủ thứ để đốt lò như vỏ trấu, bắp, than bùn.
Công ty buộc ngưng cung cấp điện cho mấy tỉnh phía bắc Sài Gòn, năm 1945-1946 sản lượng điện sụt giảm thê thảm. Mức cung cấp điện cho giờ cao điểm Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ đạt 4.200 kW, trong khi dân số thành phố ngày càng gia tăng.
Sau đó, công ty CEE đã nỗ lực đưa công suất và sản lượng điện gia tăng bằng cách đầu tư trang bị lại cho nhà máy điện Chợ Quán, đến năm 1951 thì công suất nhà máy này lên 36.200 kW. Phần hơi nước gồm chín nồi hơi nước với năng lực sản xuất mỗi giờ là 135 tấn hơi nước, trong đó ba nồi được làm lại mới hoàn toàn để sử dụng dầu mazut.
chinh-xac-ho-dung-ca-hai-cach-nay
Điện ở Sài Gòn khi đó còn được sử dụng cho xe điện và động cơ các loại. Ảnh tư liệu
Nhận thấy những thay đổi trên chưa đủ cung cấp điện cho nhu cầu rất lớn của Sài Gòn - Chợ Lớn khi đó nên CEE đã thực hiện chương trình đầu tư kéo dài 5 năm với kinh phí trên hai tỷ Franc. Họ phục hồi nhà máy đèn Cầu Kho bằng cách lắp đặt ba nhóm máy diesel với công suất 900 kW mỗi máy, trang bị thêm hai nhóm máy phát điện, bốn nồi hơi có áp suất lớn hơn, mua thêm một máy phát điện tuôcbin công suất 12.000 kW.
Đến đầu năm 1954, công suất thiết kế của cả hai nhà máy Chợ Quán và Cầu Kho đã đạt được 54.000 kW. CEE tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối điện, tăng số trạm biến thế và chiều dài đường cáp ngầm.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét