Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Phong vị báo xuân xưa

Hồi ức tết và thơ xuân

Có hai mảng nội dung mang tính văn nghệ của báo xuân xưa có sức thu hút độc giả. Đó là hồi ức tết xưa và thơ.

Bài trên báo Tiếng Chuông 1963

Bài trên báo Tiếng Chuông 1963
Người đọc xem báo xuân vẫn thường đọc được những hồi ức rất hay của một số tác giả viết về những cái tết ngày xưa. Người viết có thể là một nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, một người hoạt động chính trường, một họa sĩ... Họ kể về chính mình, một kỷ niệm đã trải qua ở một khoảng đời, một tuổi thơ xa lắc lơ, một cái tết đáng nhớ...
Nhà văn Mai Thảo, trong Khởi Hành số xuân Canh Tuất 1970 viết tùy bút Thăm nhà một buổithể hiện tâm trạng u hoài sau 16 năm gia đình ông di cư vào nam. Trong 16 năm, có những người già đã ra đi và những em bé trong dòng họ được khai sinh. Khi về Phú Nhuận thăm cha mẹ ở một căn chung cư, ông thấy ở đó bầu không khí lặng lẽ, tịch mịch như trong một tản văn của Alphonse Daudet viết về cõi của người già. Khi soi vào tấm gương mà gia đình mang từ miền Bắc vào, ông đã từng soi những ngày thơ, ông thấy bên kia gương “sự truyền tiếp vô hình mà rực rỡ... tự động, hiển hiện trên từng xó góc một”. Nhà văn - họa sĩ Tạ Tỵ cũng trong tờ báo này, có bài hồi ức Quê ngoại viết rất chi tiết, giọng văn chân thật. Ông kể về một dịp tết ngày còn bé, được mẹ đưa về thăm quê ngoại ở một vùng biển nghèo gần Yên Tử. Chuyện vất vả tàu xe ngày tết thuở xưa đi từ Hà Nội qua mấy chặng tàu lửa, tàu thủy, đi bộ dưới mưa rét mới đến quê.
Những ngày xuân ở quê nghèo vùng biển Bắc bộ, những đối đãi trong người thân ở gia đình ngày tết đọc sao mà xúc động, mà buồn cho những con người và một quê hương nghèo khó. Hoặc bài viết Cái tết cuối cùng trên đất Pháp của nghệ sĩ Kim Cương trong giai phẩm Sốngxuân con gà Tết Kỷ Dậu 1969. Bà kể chuyện trong thời gian sống bên Paris, một đêm giao thừa nghỉ diễn, bà cùng em gái là Kim Quang nắm tay nhau dạo chơi trong ánh đèn rực rỡ của kinh đô ánh sáng mà cảm thấy nhớ nhà da diết. Cả hai hướng về quê nhà, không chỉ nhớ má và em, nồi thịt kho dưa giá mà còn nhớ quê hương, sân khấu, khán giả. Khi hai chị em vào quán cà phê gọi hai tách trà nóng uống cho ấm bụng, lấy ra mấy thứ mứt mang theo để nhấm nháp thì cảnh quê hương trên máy truyền hình được bật lên với bom rơi đạn nổ khiến cả hai vội vã ra về, lòng đau xót. Về tới nhà, nằm nghe khúc dân ca lại trào nước mắt và bà thấy một niềm thương dâng trào như men say, như sóng ngầm, xao động từ trong sâu kín của tâm hồn. Sau đó bà đánh điện xin má cho trở về ngay và lòng nguyện gắn bó không bao giờ rời bỏ quê hương.
Mảng thơ trên báo xuân, có bài nằm trong trang mục hẳn hoi, có bài được đệm vào chỗ trống của trang. Đọc báo xuân xưa, thường nhặt được những bài thơ hay, nhiều câu thơ hàm súc, cảm động. Thơ của các tác giả như Tạ Ký, Viễn Châu, Lê Minh Ngọc, Thanh Nam, Đinh Hùng, Kiên Giang (Hà Huy Hà), Hoàng Hương Trang... luôn buồn, cái buồn man mác trước một mùa xuân đẹp khi con người còn nặng nỗi hoài hương, thương xót cho quê nhà đang cảnh chiến tranh hay nhớ về cảnh sum họp đã không còn. Xin trích dẫn vài khổ thơ hay: “Lòng riêng nào những xuân hay tết/Dứt áo ra đi một chuyến này/Những chuyện tâm tình không tỏ được/Hoa đào trước cửa lả lơi bay...” (Xuân về thương nhớ với ai đây - Tạ Ký. Đời Mới - xuân 1955); “Tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc/không mây/Dù mùa lá rụng hay dù tiếng kèn nửa đêm có căng buồm thổi/đến Honolulu nhiều gió/Xa rồi Việt Nam Đà Lạt và cà phê Tùng cuối năm/ Anh gục đầu trong hầm cà phê Figaro Nữu Ước/Chuyến ô-tô-buýt của đời tôi vẫn chạy hoài/ Trên những con đường Mỹ châu trống rỗng”... (New York, tháng 11, 1965 - Phạm Công Thiện. Văn - xuân 1966); “Ngõ hẹp đêm nay trên gác trống/Nhớ vô cùng nhớ tuổi hai mươi!/Dây nào kéo được thời gian lại/Để tóc này xanh miệng ấy tươi?” (Gửi nhau tâm sự - Hà Thượng Nhân. Tiền Tuyến - xuân 1972)...
Hầu hết những bài này được viết bằng giọng văn rất chân thành, đầy cảm xúc nên càng đọc càng thấm. Các cây bút nổi tiếng thường viết cho báo xuân miền Nam trước đây có: Vương Hồng Sển, Tùng Lâm, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Bà Tùng Long, Việt Tha, Tô Nguyệt Đình, Song Thao, Ngọa Long... Các báo Tự Do, Sáng Dội Miền Nam, Tiền Tuyến... có nhiều bài vở của các cây bút gốc bắc. Một số cây bút thường thấy xuất hiện trên báo xuân thập niên 1970 như Trường Kỳ chuyên viết về nhạc trẻ và đời sống giới trẻ, Trần Trọng Thức viết về kinh tế và bình luận thời cuộc...

Bài vở trên giai phẩm xuân

Các giai phẩm xuân ở miền Nam từ khoảng giữa thế kỷ 20 đến sau này, thường thấy bài bản tổ chức nội dung na ná nhau, với các mục như Thơ ông Táo, xuân con gì kể chuyện con đó, trang thiếu nhi, tử vi cả năm... Phần văn nghệ, nhất thiết phải có kể chuyện ăn tết khắp nơi.

Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuân
Bài tết đặc sắc trên báo xuân thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 thường là chuyện “Tết khổ sở”, trong đó kể những trải nghiệm ăn tết trong tù: hết ăn tết trong khám Chí Hòa, ở Côn Đảo lại ăn tết ở khám lớn Sài Gòn, ở Hỏa lò Hà Nội. Ăn tết trong tù chưa đủ, đến chuyện ăn tết với người Thượng trên cao nguyên, ăn tết kháng chiến trong rừng

Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuân - ảnh 1

Bìa báo giai phẩm Xuân báo Sóng Thần 1973 với chuyên đề “Chung sống” giật ra ngoài bìa
U Minh… Kiểu bài thứ hai là bài “xông đất”. Hết xông đất các tòa soạn báo, rồi lại xông đất các nghệ sĩ với những dự định diễn xuất trong và sau tết. Có báo như Đời Mới thì quan tâm đến người nghèo, đi hỏi chuyện người nghèo ăn tết, hỏi từ viên công chức ở Bàn Cờ đến anh thợ hớt tóc ở Phú Nhuận. Đặc biệt, các báo xuân miền Nam rất chuộng đăng bài giai thoại về nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhất là về nhà thơ Tản Đà. Đại thi sĩ này rất được yêu quý nên chỉ trong thời gian ngắn ông vào Gia Định viết cho báo Thần Chung và Đông Pháp Thời Báo cũng đủ nảy sinh những chuyện thú vị về ông đăng dài dài trên một số tờ báo xuân sau này. Bên cạnh đó còn có các giai thoại về các nhà thơ, nhà văn khác như Phan Khôi, Nguyễn Bính, Hồng Tiêu, Bùi Thế Mỹ, Lê Văn Trương...

Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuân - ảnh 2

Minh họa bài Đêm 30 tết - thi sĩ biến thành du côn vào bót ăn tết của Bang Gia (báo xuân Đời Mới 1955)
Báo xuân thường có những bài tổng kết có giá trị, như Nhìn về văn chương VN trong năm 1969 (Nguyễn Nhật Duật - Khởi Hành 1970), Làng báo Sài Gòn 21 năm về trước - Trần Tấn Quốc (báo Hương Xuân, năm Đinh Dậu 1957)... Hoặc có những bài báo chỉ đọc tựa là thấy hấp dẫn như: bài Toàn quyền Decoux vác bạc Mỹ của quân đội Pháp đã vứt bỏ xuống sông Kỳ Kùng (Lạng Sơn) hồi Tết 1885 của A Mi, báo Việt Thanh số xuân 1952; bài Ngày xuân nghe chim hót hay là đi xem những cô Thanh Nga tập sự của Sơn Nam (Tin Sớm - xuân Bính Ngọ 1966); bài Một đêm 30 tết rùng rợn, chuyện có thật xảy ra năm 1928 của Nhã Hiền (Thời Cuộc - Canh Dần 1950); bài Người Việt miền Nam có lắm tật xấu đáng yêu của Sơn Nam (Thời Nay - Kỷ Dậu 1969).

Đặc biệt, có những tờ báo làm khá bài bản một tờ báo xuân tập trung chuyên đề riêng. Ví dụ: giai phẩm Xuân báo Sóng Thần số xuân 1973 làm chuyên đề Chung sống, trong đó, hầu hết bài vở xoay quanh câu chuyện những đối tượng khác nhau, đối lập nhau, đặt vấn đề liệu họ có thể chung sống yên bình, hài hòa với nhau không. Đề tài cho chủ đề này khá đa dạng, như “Nghệ sĩ và chung sống”, “Thế giới sắp chung sống và hòa bình”, “Cuộc trao đổi sinh hoạt nghệ thuật cải lương Bắc Nam hồi tiền chiến”... và những bài báo về triển vọng kinh tế và viện trợ cả hai miền sau khi chiến tranh chấm dứt, chuyện sống chung của hai mẹ con, hai thế hệ cách xa với hai cách nghĩ khác nhau. Giai phẩm Đuốc Nhà Nam số xuân 1971 chuyên đề đặc biệt Tiền được coi là “công trình sưu khảo” có các bài viết khá hấp dẫn từ các ký ức thời xa xưa về đồng tiền Đông Dương, chuyện đồng tiền những năm Đại khủng hoảng kinh tế 1929 -1933 đến giá trị đồng bạc đương thời. Chuyên đề về kinh tế Hoa Kỳ trên giai phẩm Thần Chung của báo Đại Dân Tộc năm 1975 chiếm 70% số trang báo. Trên giai phẩm Thời nay xuân Bính Ngọ năm 1966, phụ trang đặc biệt “100 năm báo chí VN” có nhiều bài hay như Lịch trình tiến hóa, Tiếng Việt qua 100 năm báo chí, 50 năm làng báo đất Thần kinh, Giở chồng báo cũ, Gia Định báo, Bút chiến, hí họa. Các chuyên đề trên báo xuân là nguồn tư liệu tham khảo rất đáng quý cho người viết thế hệ sau.

Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933

Phụ Nữ Tân Văn Tết 1930 là một trong những tờ báo xuân phát hành sớm nhất ở miền Nam mà chúng tôi xem được đầy đủ. Trang đầu tờ báo ghi rõ “Số báo mùa xuân 1930”.

Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933 1

Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn các năm 1932
Tên tờ báo đặt trên nền mai vàng ẩn hiện và bài thơ bốn câu man mác: “Nghe nói xuân vừa đến/Tìm xuân chẳng thấy xuân/Đầu nhành mai chiếng (?) trổ/Xuân đã vẹn mười phân”. Bài vở bên trong đã có màu sắc báo xuân, như bài Nam Âm thi thoại của Chương Dân (Phan Khôi) viết về thơ xuân của Tú Xương, truyện vui xuân mới, trang nhi đồng...
Năm 1931, Phụ Nữ Tân Văn không ra báo xuân. Đến số báo xuân 1932, bằng kỹ thuật in màu đơn giản, tờ báo danh tiếng này đã trình bày một bìa báo có màu đỏ rực rỡ làm nền cho hình vẽ bình hoa đặt cạnh tờ báo xuân. Nội dung bài vở bên trong đã rõ phong cách báo tết, như có tới hai trang ảnh quê hương đất nước từ nam ra bắc, có những bài mang tính “nhìn lại” như bài điểm qua thơ xuân các nhà thơ từ Tây, Tàu, Nhật đến ta, hay bài viết về phụ nữ Việt bước vào năm 1932 và ngoái nhìn lại năm cũ. Bên cạnh đó, có bài về một nhân vật lớn là Alexandre de Rhodes, về nhân tài đất Việt sống ở hải ngoại là Nguyễn Chấn Nam, một nhà ảo thuật. Tờ báo này dùng minh họa khá nhiều, có trang tới ba, bốn tranh.
Giữa năm 1933, báo Phụ Nữ Tân Văn mặc dù mới ra được 3 số báo xuân đã mở một cuộc thi vẽ bìa báo xuân năm 1934. Đến số báo 229 (ra ngày 21.12.1933), báo đăng danh sách người dự thi và thông báo là đến ngày 25.12 chấm xong sẽ trưng bày các mẫu tranh dự thi tại nhà in Jh Nguyễn Văn Viết. Danh sách gửi tranh dự thi gồm 42 người, có đủ thí sinh các nơi, xa nhất có 2 người ở tận Cao Bằng, 7 người ở Hà Nội, vài người ở Hà Đông, Phúc Yên. Trong nam đông hơn, tập trung nhiều nhất ở Gia Định 7 người, Sài Gòn 3 người và từ các nơi khác như Chợ Lớn, Tây Ninh, Sa Đéc, Tân An, Cần Thơ… Cuối cùng, tòa soạn chấm bức tranh của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, tự Lemur, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương giải nhất. Giải nhì trao cho ông Nguyễn Duy Tân, Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một. Bìa báo xuân năm đó rất thơ mộng, với 3 cô gái mặc áo dài ngồi trên thuyền ngang qua bóng của một cây mai trắng cổ thụ đang nở đầy hoa. Dù trong điều kiện in ấn đơn giản của thời đó, dưới tay người họa sĩ có tiếng từng sáng tạo ra chiếc áo dài, bức tranh hiện lên cảnh chơi xuân êm đềm bằng tông màu nhẹ nhàng, hài hòa như trong một giấc mơ xuân êm ả. Có thể nói đây là một trong những bìa báo đẹp trong làng báo xuân Việt trăm năm qua.
Đọc lại 4 tờ báo xuân Phụ Nữ Tân Văn năm 1930, 1932, 1933 và 1934, ta thấy có điều đáng lưu ý là không tờ báo xuân nào nhắc đến năm âm lịch của tết đó, không chỉ trên bìa báo, mà toàn bộ bài vở bên trong. Chi tiết tuy nhỏ nhưng thể hiện chủ trương canh tân mà báo nhắm tới.

Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933 2

Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn các năm 1933


Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933 3

Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn các năm 1934

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950

Nhận thấy có “một khoảng trống lớn về đời sống đô thị đời thường ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960”, trong các tác phẩm về Sài Gòn - TP.HCM ấn hành gần đây, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã miệt mài tìm kiếm, ghi chép tư liệu về Sài Gòn xưa.

Nhận thấy có “một khoảng trống lớn về đời sống đô thị đời thường ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960”, trong các tác phẩm về Sài Gòn - TP.HCM ấn hành gần đây, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã miệt mài tìm kiếm, ghi chép tư liệu về Sài Gòn xưa.


Một bìa báo xuân thập niên 1950
Một bìa báo xuân thập niên 1950
Tập sách khảo cứu kết hợp tản văn Sài Gòn - chuyện đời của phố phần 2 của ông (do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book vừa ấn hành) tiếp tục mang đến độc giả những câu chuyện thú vị. Thanh Niên xin trích giới thiệu một số bài viết trong tập sách.
Một ngày giáp tết cuối thập niên 1950, có hai người đàn ông chạy xe gắn máy tông vào nhau trên đường Lê Lợi, đoạn gần chợ Bến Thành. Sau khi dựng xe, lấy lại tư thế, hai ông ngỡ ngàng nhận ra nhau. Người lớn tuổi hơn đi Vespa là họa sĩ Duy Liêm, nổi tiếng vẽ bìa nhạc tờ, mẫu tranh sơn mài và bìa báo. Người đi Lambretta là họa sĩ Lê Minh. Hai ông hỏi nhau đi đâu mà gấp gáp vậy, và cả hai có cùng câu trả lời: “Tôi đi giao tranh bìa báo xuân, gấp quá nên đi nhanh!”.
Câu chuyện cũ đơn giản vậy nhưng còn đọng lại trong tâm trí Lê Minh, họa sĩ nổi tiếng một thời chuyên vẽ bìa sách truyện chưởng Kim Dung và tranh các loại cho các ấn bản. Năm nay 77 tuổi, còn tráng kiện và đang sống cùng vợ con ở đường Lê Quang Định (TP.HCM), ông hồi tưởng: “Thập niên 1950 là thời hoàng kim của giới họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân. Lúc đó xu hướng dùng ảnh làm bìa báo xuân chưa rộ lên, người trong giới họa sĩ chúng tôi như Lê Trung, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm tha hồ tung hoành. Những năm đó, tôi còn trẻ, ngoài việc vẽ bìa sách còn nhận thêm vẽ bìa báo xuân. Mỗi năm nhận khoảng 5 - 6 bìa là có tiền ăn cái tết huy hoàng rồi”.
Họa sĩ Lê Minh kể rằng khoảng một tháng trước tết, các báo như Sân Khấu Mới, Tia Sáng, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai bắt đầu đặt ông vẽ bìa. Các chủ báo không có yêu cầu gì cụ thể, chỉ giao họa sĩ vẽ một bìa báo cho đẹp với tông màu rực rỡ. Thế là các họa sĩ tha hồ sáng tạo. Tuy nhiên, bìa báo xuân nhất nhất phải có hình một cô gái xinh đẹp, có cành hoa mai, có cảnh đi lễ chùa, đi chợ hoa, cho bồ câu ăn, lư nhang trầm... cứ thế mà thay đổi, thêm bớt, miễn các tranh bìa đừng giống nhau. Thập niên 1950, kỹ thuật làm bản kẽm chỉ dùng để in ảnh trên bìa nên họa sĩ vẽ tranh làm sao cho phù hợp với kỹ thuật in mộc bản, dễ chạm khắc trên gỗ để in. Một bức tranh thường vẽ chỉ mất một buổi nhưng vì nhiều tranh dồn lại phải giao gấp, nên mới có chuyện tông xe vào nhau trên đường Lê Lợi với ông Duy Liêm.

Họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân nổi bật lúc đó là Lê Trung, người mà họa sĩ Lê Minh ngưỡng mộ từ khi còn trẻ. Họa sĩ Lê Trung tên thật là Lê Toàn Trung, người gốc Châu Đốc. Ông tốt nghiệp Trường trung học trang trí Gia Định và là cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938, có thụ huấn Giáo sư Besson, Claude Lemaire, La Jonchères. Tranh của Lê Trung được chú ý nhiều nhất là vẽ thiếu nữ với nét đẹp diễm lệ, sóng mắt ướt rượt, ngực nở, eo thon hừng hực sức sống như cây trái miền Nam. Giới bình dân ở Sài Gòn, người dân miền Tây Nam bộ đặc biệt mê tranh bìa báo xuân do Lê Trung vẽ. Tranh của ông đứng hẳn riêng một góc, khác hẳn dáng thiếu nữ thướt tha, mảnh mai yểu điệu kiểu “mỹ thuật Đông Dương” rất thịnh hành. Dạng tranh này có sức sống thật sự đến nỗi cho đến nay nhiều người còn nhắc đến để nhớ về một dĩ vãng êm đềm của thập niên 1950 lúc vừa thoát khỏi chế độ thực dân và chiến tranh chưa lan rộng. Sau một cái tết, bìa báo xuân, phụ bản màu sẽ được cắt ra dán trên vách nhà, cột cái để ngắm nghía suốt năm.
Đến đầu thập niên 1960, xu hướng tranh bìa báo xuân dần dần yếu thế. Lúc đó, sân khấu cải lương và tân nhạc đang hồi mạnh mẽ với nhiều gương mặt đào, kép, ca sĩ đẹp, có tài. Kỹ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật in ấn cũng tiến bộ hơn. Công chúng đòi hỏi được tiếp cận hình ảnh nghệ sĩ mà họ từng xem biểu diễn trên sân khấu. Các báo lần lượt đưa lên bìa hình ảnh nghệ sĩ được chụp công phu trong các studio Bình Minh, Viễn Kính. Tranh của các họa sĩ vẽ cho báo xuân vẫn còn được ưa chuộng nhưng đã lùi dần vào bìa sau các tờ báo xuân.
Khi xem các tờ báo xuân cách nay gần 60 năm, tôi thật sự thấy đó là những bức tranh đẹp, gợi cảm. Đó là dạng mỹ thuật dành cho đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ tích cực dành cho những người bình thường không có mấy khi tiếp cận những gallery sang trọng hay các phòng khách xa hoa. Trong ký ức của người Sài Gòn, lục tỉnh hay ở các tỉnh xa ở tuổi trên 50, đó là những hình ảnh khó phai, đầy cảm xúc khi nhìn lại.

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 2

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 3

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 4

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 5

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 6

Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 7
Một số tranh bìa báo xuân thập niên 1950
Thiếu nữ trên phụ bản xuân
Cách nay nửa thế kỷ, các giai phẩm xuân thường bán kèm phụ bản có vẽ tranh thiếu nữ. Sau đó là những tấm lịch có in ảnh các nữ nghệ sĩ. Báo Tiếng Chuông từng ra phụ bản là tập lịch cứ mỗi hai tháng một tờ in ảnh các nữ nghệ sĩ, mà hai tháng đầu năm in ảnh nghệ sĩ Kim Cương. Nhiều gia đình thấy tranh, ảnh đẹp nên dán lên vách để lưu giữ hay như một cách trang trí. Qua thời gian, tất nhiên tranh ảnh xuống màu, cũ rách nên đến tết người ta lại mua giai phẩm xuân để có phụ bản mới thay thế. Kiểu trang trí bình dân này không khác chi thú dán tranh dân gian xưa kia.
Xuyên Vân
(ghi)
PHẠM CÔNG LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét