Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Thèm tô mì chũ của cô chủ

(NLĐO) – Cảm giác lần đầu thưởng thức tô mì chũ thật khó tả, đặc biệt hơn là nó được nấu bởi chính tay cô chủ nhà xinh đẹp.

Tôi là dân miền Nam nên khi nghe đến mì chũ thì thấy lạ lắm. Bởi vậy, khi cô chủ nhà bưng bát phở mì chũ nghi ngút khói thơm phức tôi liền nói: "Tưởng món gì chứ cái này ai chẳng biết là phở". Cô chủ nhà không đáp ngay mà chỉ cười và kêu tôi thưởng thức. Wow! Quả là khác thiệt, nhất là ở nước dùng và cọng mì ngọt dai, ăn hoài không ngán.
Thèm tô mì chũ của cô chủ - Ảnh 1.
Sợi mì sau khi được trụng sơ qua nước sôi
Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất khi ngày đầu lên Sài Gòn trọ học. Chủ nhà trọ là người Bắc Giang vào Sài Gòn lập nghiệp đã nhiều năm. Nhân dịp vừa xây xong dãy nhà trọ mới, chủ nhà muốn đãi chúng tôi một bữa làm quen. Nhà bà chủ có hai cô con gái – Hồng và Duyên, cô nào cũng ngoan hiền và đặc biệt nấu ăn rất ngon. Với món ăn truyền thống của quê hương họ - mì chũ - thì hầu như người nào trong nhà này cũng đều biết nấu.
Thèm tô mì chũ của cô chủ - Ảnh 2.
Duyên kể để làm được sợi mì vừa dai, vừa ngọt bùi, người dân Bắc Giang phải tốn rất nhiều công sức. Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm mì phải là những hạt căng mẩy được nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm trong nước khoảng 8 giờ, sau đó bỏ ra xay nhuyễn thành một thứ bột sánh và dẻo; rồi được lọc đi lọc lại nhiều lần, tiếp đó ủ qua một đêm. Sáng hôm sau đem tráng bánh, đem phơi và cắt thành sợi mì đều đặn…
Thèm tô mì chũ của cô chủ - Ảnh 3.
Cho thịt bò xắt lát lên trên tô mì kèm hành lá
Mì chũ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng ngon nhất là nấu phở bò. Để có nồi nước dùng đậm đà, Duyên mua xương gà về hầm với các gia vị làm nước dùng thật thơm. Thịt bò phải là loại mềm, dai và tươi thì mới ngon. Nêm nếm nước dùng cho vừa ăn rồi trụng sơ mì chũ với nước sôi cho mềm. Sau đó cho ra tô rồi để thịt bò xắt lát lên trên kèm hành lá… Cuối cùng là chan nước dùng đang sôi vào tô và thưởng thức.
Thoạt nhìn tô mì chũ tựa như món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam là phở nhưng khi ăn vào sẽ cảm nhận được vị khác biệt của nó. Đặc biệt, sợi mì không bị nở to, bở vụn khi để lâu trong nước dùng.
Thèm tô mì chũ của cô chủ - Ảnh 4.
Cũng vì tô mì chũ ngon khó tả đó mà tôi đem lòng thương mến cô chị. Những ngày cuối tuần, tôi thường sang nhà bà chủ phụ giúp vài việc vặt như làm vườn, sửa điện, nước… chỉ mong được cô chủ duyên dáng đãi cho món lạ... Vài năm sau đó, do gia đình chủ nhà xảy ra biến cố và dọn di nơi khác và mang theo mối tình vừa chớm nở của tôi với cô chủ nhỏ. 
Sáng nay, bất ngờ được thưởng thức lại món xưa từ tay bà xã nấu. Vẫn vị ngọt từ nước hầm gà và vị ngọt dai của mì nhưng tôi vẫn có cảm giác không đúng vị. Có thể với tôi, món này chỉ có "người xưa" là nấu ngon nhất.

Bài và ảnh: Duyên Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét