Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

Thời phong kiến trị gian lận thi cử như thế nào?

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù cho đến xử án tử.


Năm 1673, đời Lê Gia Tông, tại khoa thi Hương, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò làm kỳ đệ tử. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của. Việc bị phát giác, cả hai đều bị xử đến tội đồ (bắt làm nô lệ).
Kỳ thi cuối năm 1696, Tham tụng (người đứng đầu chính quyền trong phủ chúa Định Nam vương Trịnh Căn) là Lê Hi gửi gắm con mình trong kì thi Hương cho Sách Tuân, nhưng cuối cùng quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng ém đi không tâu báo.
Sau khi sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt. Lê Hi là chủ mưu nhưng là quan to thì lại thoát tội.
Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả.
Trong kỳ thi Hương năm Minh Mạng thứ 15 (1834), tiến sĩ Ngô Thế Vinh được triều đình điều về trường thi Hà Nội làm giám khảo. Do vi phạm trường quy nên ông bị cách chức, tước học vị phải về nhà dạy học. Đến đời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhờ Tổng đốc Định An là Nguyễn Đình Tân dâng sớ cho phục chức hàm cho những người có tài năng từng bị cách chức, Ngô Thế Vinh mới được khôi phục học vị tiến sĩ.
Các quan trong ngành giáo dục dính đến gian lận thi cử có thể bị xử phạt nặng gấp nhiều lần dân thường. Nếu sửa bài thi của thí sinh cũng có thể bị xử đến án tử. Điển hình là sự việc có liên quan đến "thần Siêu, thánh Quát", diễn ra dưới thời nhà Nguyễn, năm 1841, niên hiệu Minh Mạng thứ 21.
Trong kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 quyển bài thi của học trò, đỗ được 5 người. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho đỗ.
Sự kiện này khiến dư luận bàn tán, triều đình tra xét. Các ông Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, nhưng sau đó được tha cho đổi thành giảo giam hậu (giam được 3 năm thì thả). Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, phạt trượng nhưng sau xét lại chỉ cách chức.
Dù nặng hay nhẹ, các án trường thi vẫn là dạng “án điểm”, các triều đình phong kiến hết sức phòng ngừa và khi phát giác sẽ xử lý rất nghiêm. Bởi thời xưa quan niệm giáo dục chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Nếu xảy ra gian lận trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được.
Sĩ tử thời xưa chỉ có con đường chủ yếu để tiến thân là qua thi cử. Trường thi chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức. Những người có “tì vết” về đường học hành thi cử thì đường tiến thân coi như khép lại.
Lê Tiên Long

Vụ án Cao Bá Quát suýt bị tử hình vì chữa hàng loạt bài thi

Thấy 24 bài thi văn hay nhưng phạm húy, không nỡ đánh trượt người tài, quan Ngoại trường Cao Bá Quát cùng một viên sơ khảo khác đã chữa lại bài thi.

Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong khi chấm bài thi thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài.
Trong 24 người này có 5 thí sinh đỗ cử nhân, gồm: Hoàng Kim Minh, Lê Thiều, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khánh, Phan Văn Trị. Thí sinh Trương Đăng Trinh - cháu ruột của Đại thần Trương Đăng Quế - có quyển văn thứ 2 bị nội trường đánh hỏng, phần khảo là Nguyễn Văn Siêu đánh giá bài thi tốt đã nói với quan Ngoại trường Cao Bá Quát cho liệt Trinh vào hạng đỗ. Cao Bá Quát đồng ý.
Luật tổ chức trường thi quy định trong thời gian chấm thi, quan Nội trường và quan Ngoại trường không được gặp nhau. Tuy nhiên thấy Cao Bá Quát viết tốt, Chủ khảo Bùi Quỹ bèn gọi ông ra Ngoại trường viết bảng thí sinh thi đỗ. Viết xong, Cao Bá Quát được Nguyễn Văn Siêu giữ lại qua đêm để uống rượu.
Đến khi tra bảng, các sĩ phu xôn xao. Khi bị Bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra, Cao Bá Quát nhận tất cả, nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”.
Án được dâng lên vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Nguyễn Văn Siêu bị tội phạt trượng (đánh bằng gậy) và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức...
Theo Đại Nam thực lục, nhà vua phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được. Đáng lẽ ra cứ theo như luật mà trị tội, nhưng ta tạm gia ơn tha cho tội đồ mà chỉ cách chức, cho gắng sức làm việc để chuộc tội."
Vua ban lệnh cho Thị lang Bộ Hình Ngô Văn Địch, Chưởng ấn Cấp sự trung là Lê Chân cho gọi 5 người được chấm đỗ cho thi lại. Nếu đúng văn khá, đáng được đỗ sẽ phong hạng cử nhân. Trong những người này, duy nhất cử nhân thứ 20 là Phan Văn Trị vì bài phú trùng vần, bị đánh hỏng.
Châu bản triều Nguyễn viết rằng, sau đó Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” (chém chết ngay) thành án “giảo giam hậu” (giam lại, đợi thắt cổ đến chết sau). Nguyễn Văn Siêu truyền miễn đánh gậy, giao cho Bộ Lại hiệu lực chuộc tội....
Cuối cùng, án Cao Bá Quát được đổi sang tống ngục. Năm 1843 ông được cho đi “dương trình hiệu lực” nghĩa là được phép lập công chuộc tội, theo đoàn Đào Trí Phú đến Indonesia. Sau đó vài năm, ông vào Viện Hàn lâm, lo việc sưu tầm và xếp đặt văn thư.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đánh giá, là quan Ngoại trường nên Cao Bá Quát không lạ gì quy chế thi, người đi thi nếu phạm húy, tùy lỗi nặng nhẹ, có khi còn bị chém đầu, huống gì lại chữa bài phạm húy để lấy đậu. Cao Bá Quát chắc chắn biết tội nhưng vẫn cứ làm, bởi từng nói: “Cầu nhân vị đắc thành chiêu họa, Đồng bệnh tương lân khước lụy nhân” (Tìm điều nhân chưa chắc được đã mang tai họa đến, Cùng cảnh thương nhau lại làm lụy cho người)”.
Chế độ thi cử triều Nguyễn nói chung và thời Thiệu Trị nói riêng rất nghiêm nhưng việc giảm án và việc bản án được trì hoãn qua nhiều ngày tháng cũng cho thấy vua triều Nguyễn không phải là không quý trọng người tài.
Hồng Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét