Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Về 'rạp hát Tây' đầu tiên ở Sài Gòn

Được xây dựng hơn 100 trước ở Sài Gòn, rạp hát này trở thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn của TP HCM, thu hút đông khách du lịch.

nam-cau-hoi-ve-rap-hat-tay-dau-tien-o-sai-gon
Rạp hát đầu tiên được Pháp xây dựng ở Sài Gòn. Ảnh: Wikipedia
Theo tài liệu của Pháp, rạp hát đầu tiên ở Sài Gòn được xây dựng ở Chợ Lớn năm 1866. Do thiếu nhiều dữ liệu, hình ảnh và thành phố thay đổi quá nhiều trong 150 năm qua nên khó xác định được địa điểm của rạp này.
Trong thập niên 1860-1870, Sài Gòn đã có nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật của người Pháp, chủ yếu là múa balê và opera do chính quyền Sài Gòn tài trợ. Buổi đầu, khi chưa có nhà hát, những buổi biểu diễn này phải tạm diễn tại dinh các đô đốc gần công trường Đồng Hồ (góc Nguyễn Du - Đồng Khởi hiện nay).
dung-do-la-nha-hat-thanh-pho
Nhà hát thành phố đầu thế kỷ 20. Ảnh: Wikipedia
Năm 1883, người Pháp nghĩ đến việc xây dựng rạp hát nhưng trong suốt 10 năm sau đó loay hoay chưa tìm được địa điểm. Năm 1894, công trình mới được xây dựng trên bản thiết kế của Eugène Ferret theo lối kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp. Toàn bộ mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Đầu năm 1900, rạp hát khánh thành và được dân chúng gọi là "Nhà hát Tây". Đây là rạp hát theo kiến trúc Pháp và do người Pháp xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn. Hiện, công trình mang tên là Nhà hát TP HCM, thường được gọi ngắn gọn là Nhà hát Thành phố, có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi, quận 1.
Ban đầu, việc xây dựng nhà hát không được Hội đồng quản hạt và dân chúng ủng hộ vì cho rằng "quá đắt đỏ" khi phải chi gần 3 triệu Franc để xây. Ngay cả 2.500 người châu Âu có mặt ở Sài Gòn cũng thấy không cần thiết phải xây dựng nhà hát. 
Song, riêng ông thị trưởng và Hội đồng thành phố lại thấy cần vì một thành phố như Sài Gòn phải có nhà hát lớn dùng cho hoạt động văn hóa nên họ quyết tâm xây dựng.
Nhà hát giữ nét đặc thù với cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais cất cùng năm tại Pháp. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng.
Ngoài tầng trệt còn hai tầng lầu với gần 800 chỗ ngồi. Phần trang trí ở mặt tiền nhà hát theo phong cách Đế quốc (sau được trang trí thêm theo phong cách Beaux Arts, rồi giản tiện hóa kiểu Art Deco), được gắn nhiều phù điêu và tượng đắp nên cũng bị nhiều người chỉ trích là rườm rà.
Mãi tới năm 1907, nhà hát thành phố mới gây được uy tín, thu hút nhiều đoàn nghệ thuật biểu diễn. Niên giám Đông Dương 1910 ghi rằng nhà hát chỉ hoạt động từ tháng 10 tới tháng 4 hàng năm, chuyên diễn các vở nhạc kịch, ca kịch, hài kịch, được nhà nước trợ cấp 120.000 Franc và trả chi phí đi về cho đoàn hát. 
Giá vé mỗi buổi biểu diễn từ hạng đắt nhất là ghế dưới đất và ghế hạng nhất là 5 Franc cho tới hạng rẻ nhất là 2 Franc ở tầng hai. Nếu mua vé đăng ký dài hạn thì rẻ hơn, tùy theo thời gian đăng ký 1-6 tháng.
Chính quyền Sài Gòn dự định nhà hát trở thành khu trung tâm giải trí dành riêng cho những nhân vật sang trọng, nhưng nơi đây càng ngày càng mất khách. Bởi dân ăn chơi chuyển sang giải trí ở hộp đêm, các quán ăn có nhạc và khiêu vũ.
Cũng vì vắng và ít hoạt động nên đến năm 1918, chính quyền đã cho nhà hát làm nơi trình diễn cho cả người Việt. Nhờ đó, ngày 18/11 năm đó, lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức biểu diễn tại nhà hát với một màn trình diễn kịch pha cải lương.
Sau thời gian đầu hoạt động sôi nổi, nhà hát chỉ còn sinh hoạt cầm chừng với các buổi ca hát, hòa nhạc và cải lương. Do có nhiều chỉ trích về kiến trúc rườm rà và chi phí tổ chức tốn kém, chính quyền thành phố từng có ý định chuyển nhà hát thành nơi hòa nhạc nhưng đã không được thực hiện. 
Năm 1943 phần trang trí, điêu khắc ở mặt tiền nhà hát bị xóa bỏ (tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn...) nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc. Một năm sau đó, nhà hát bị phi cơ oanh tạc, làm hư hại nặng, phải ngưng hoạt động.
dung-nha-hat-duoc-chuyen-sang-lam-toa-nha-quoc-hoi-ha-nghi-vien
Nhà hát về sau trở thành trụ sở Hạ nghị viện của Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Wikipedia
Sau 1954, nhà hát được chuyển công năng thành tòa nhà Quốc hội, rồi Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Suốt giai đoạn 1955-1975, nhà hát thành phố chỉ làm công việc chính trị.
Người ta phải thay đổi lại bộ mặt cho phù hợp với công năng mới, các họa tiết hoa văn nhỏ tiếp tục bị dỡ hẳn, hàng cột tròn bị phá bỏ. Phần họa tiết trang trí hoa văn trên cửa đi vào được thay đổi thành các đường kẻ sọc ngang gây cảm giác như kinh tuyến và vĩ tuyến trên địa cầu. Lối kiến trúc tạo đường nét vuông vức để phù hợp với vị thế của một trụ sở hội họp chính trị.

dung-dap-an-la-nha-hat-giao-huong-nhac-vu-kich-tp-hcm
Nhà hát thành phố được tu bổ năm 1998. Ảnh: Wikipedia
Sau năm 1975, nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Năm 1993, UBND TP HCM đặt tên là Nhà hát giao hưởng và thính phòng, sau đó đổi thành Nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP HCM.
Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Sài Gòn, chính quyền TP HCM đã cho tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu. Mái ngói với những vật liệu được chế tạo đúng theo khuôn mẫu ban đầu, thay ghế ngồi bằng ghế đệm, thay gạch lát nền, trùng tu các tượng, điêu khắc phía trong.
Một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa... được phục chế. Năm 2006, nhà hát được đổi tên thành Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP HCM, trở thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn của thành phố.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét