Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Vì sao Sài Gòn có vòng xoay Lăng Cha Cả?

Lăng Cha Cả hiện là vòng xoay lớn ở TP HCM, nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc của tên gọi này.

Ở Sài Gòn, ngoài Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) thì còn một lăng khác ít người biết - Lăng Cha Cả. Đây là vòng xoay ở vùng ven Sài Gòn, nằm phía trước sân bay Tân Sơn Nhất.
vi-sao-sai-gon-co-vong-xoay-lang-cha-ca
Khung cảnh khu vực Lăng Cha Cả năm 1970. Ảnh: Frederick P Fellers
Bá Đa Lộc hay Bách Đa Lộc, tên thật là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, thường viết là Pigneau de Behaine. Ông sinh năm 1741, là giáo sĩ người Pháp được Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng trong việc lấy lại quyền bính từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18.
Ông được phong làm giám mục hiệu tòa Adran nên cũng thường được các sách sử gọi là Giám mục Adran. Hậu tố "de Béhaine" không có hàm ý chỉ ông thuộc dòng dõi quý tộc mà chỉ là tên của một điền trang nhỏ Béhaine, gần vùng Marle, nơi cha ông là chủ điền trang. 
dung-ong-la-nguoi-phap
Chân dung Bá Đa Lộc. Ảnh: Wikipedia
Thời thanh niên, ông theo học trường dòng và được đào tạo để trở thành nhà truyền giáo ở hải ngoại của Hội Thừa sai. Ông rời Pháp từ cảng Lorient vào tháng 12/1765 với sứ mạng truyền giáo tại Đàng Trong. 
Nửa năm sau đó, ông cập cảng tại Pondicherry và có vài tháng lưu trú tại Ma Cao, vài lần đến Hà Tiên bắt liên lạc với những người truyền giáo đi trước tại đây. Tháng 3/1767, ông đặt chân đến Hà Tiên với chức vụ giáo sư trong chủng viện của Hội Thừa sai tạm đặt cơ sở tại Hòn Đất.
Sau khi ông mất, nơi chôn cất được chính quyền nhà Nguyễn gìn giữ và do người Pháp cũng kính trọng nên người dân thường gọi ông là Cha Cả. 
Năm 1777, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chỉ huy kéo vào Gia Định đánh tan quân Nguyễn Ánh. Tây Sơn rượt quân Nguyễn Ánh xuống tận Long Xuyên bắt được Tân Chính Vương, Duệ Vương, Nguyễn Phúc Đồng đem về Sài Gòn giết.
Nguyễn Ánh thoát được nhờ sự che chở của Bá Đa Lộc, đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau. Ông ở nhờ Bá Đa Lộc chừng một tháng, sau khi Tây Sơn rút về Quy Nhơn thì mới về lại Long Xuyên tập hợp lực lượng.
Nguyễn Ánh mấy lần bị Tây Sơn truy đuổi phải chạy sang Xiêm cầu viện. Quân Tây Sơn sau đó đánh tan quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút. Vào đường cùng, Nguyễn Ánh quay sang cầu cứu Pháp thông qua Bá Đa Lộc.
Bá Đa Lộc xem đây là cơ hội tốt để thúc đẩy quá trình truyền giáo nên tìm cách giúp Nguyễn Ánh, dần dấn sâu hơn vào vấn đề chính trị hơn là truyền giáo.
Năm 1778, Nguyễn Ánh được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Ông nhanh chóng tổ chức cai trị, xây dựng chiến lũy phòng thủ và củng cố lực lượng thủy bộ, đặt quan hệ ngoại giao với Xiêm La và chiếm Chân Lạp, biến quốc gia này thành chư hầu năm 1779. Nhiều biện pháp chính trị của ông được thực hiện dưới sự cố vấn của Bá Đa Lộc.
Đầu năm 1785, Bá Đa Lộc dẫn Nguyễn Ánh cùng văn bản cầu viện lên thuyền ra đi. Cũng từ đó, ông trở thành người thân cận của Nguyễn Ánh.
Sau khi lấy lại Gia Định, năm 1790 Nguyễn Ánh đã xây cho Bá Đa Lộc một căn nhà, sau này gọi là nhà giám mục ở họ đạo Thị Nghè (nay là nền của Bảo tàng Lịch sử TP HCM). Căn nhà sau đó được dời về sân tòa Tổng giám mục Sài Gòn.
Ngoài công việc là nhà truyền giáo, theo vua Gia Long, giám mục Bá Đa Lộc còn biên soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum, hiện còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris (Pháp). Tác phẩm được hoàn thành năm 1773 và được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838, chú bằng chữ Latinh, chữ Quốc ngữ, chữ Nôm và chữ Nho.
dung-ba-da-loc-con-bien-soan-tu-dien
Một trang trong từ điển của Pigneau de Behaine được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. Ảnh: Wikipeia
Nhiều người đánh giá, Bá Đa Lộc có sức làm việc, óc tổ chức và khiếu về ngôn ngữ bởi cuốn từ điển này ra đời chỉ sau hơn 5 năm ông đến Việt Nam. Trong quá trình này, ông được một nhóm người phụ trợ đắc lực như nhà Nho Trần Văn Học (Việt Nam), Mạn Hòa (người Pháp, tên Manuel), Nguyễn Văn Chấn (người Pháp, tên Dayot), Nguyễn Văn Thắng (người Pháp, tên Vannier)...
Cuốn từ điển có vị trí và giá trị đặc biệt, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, tìm hiểu kho tàng tiếng Việt, trong đó có nhiều từ ngữ cổ, được ghi lại bằng tiếng Việt và chữ Nôm.
Năm 1799, Bá Đa Lộc mất vì bệnh tại cửa Thị Nại, Quy Nhơn trong khi cùng Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn. Thi thể ông được quàn trong hai tháng, đích thân Nguyễn Ánh chủ tang và tất cả quan viên đều viếng tang.
Sau đó, ông được đưa đi chôn trong khu vườn thuộc giáo phận Chí Hòa, sau này dân chúng quen gọi là Lăng Cha Cả. Do được trọng vọng, coi như bậc công thần nên Nguyễn Ánh cho xây khu lăng mộ Bá Đa Lộc rất bề thế.
dung-noi-nay-truoc-la-mot-khu-vuon
Toàn cảnh Lăng Cha Cả  năm 1970. Ảnh: Frederick P Fellers
Phạm Quỳnh nhân chuyến du ngoạn Nam Kỳ năm 1918 đã mô tả Lăng Cha Cả: "Lăng xây kín như kiểu một cái đình lối ta. Chính mộ Cha Cả là cái sập đá to ở giữa, xung quanh đặt cửa bức bàn. Hai cái mộ nhỏ hai bên thì bên tả là mộ cha Charbonnier, bên hữu là mộ cha Miche, mới phụ táng về sau. Trong đình trước mộ có tấm bia đá kỷ niệm cái công đức của Cha Cả... Sau lưng lăng Cha Cả có cái mộ địa chôn các cố đạo".
Còn trong tác phẩm Công giáo Đàng Trong của tiến sĩ sử học, linh mục Trương Bá Cần, viết: "Giám mục Pigneau được an táng trong một khu vườn lúc sinh thời đã có nhà nghỉ mát của người, hiện nay nằm ở đầu đường Lê Văn Sỹ nơi quen gọi là Lăng Cha Cả. Nhà Vương đã cho xây lăng trên ngôi mộ, gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ ván quý, có tường bao quanh, ở phía trước là một tấm bia đá lớn ghi tiểu sử và công đức của vị giám mục".
Lăng Cha Cả xưa là di tích lịch sử ở Sài Gòn, bên ngoài trông giống như ngôi nhà bình thường khoảng chừng một trăm thước vuông, có bình phong, bia đá, xung quanh có thêm vài chục ngôi mộ của các tu sĩ.
Sang thế kỷ 20, khu vực quanh Lăng Cha Cả dần phát triển, nhà được xây cất nhiều, khu trung tâm Sài Gòn mở rộng ra ngoại vi. Đây cũng là nơi đóng đại bản doanh Bộ Tổng tham mưu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. 
Gần đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các bến xe dần mọc lên. Những năm chiến tranh, khu vực lăng được rào bằng kẽm gai, riêng ngôi nhà thờ thì xiêu vẹo, xuống cấp nghiêm trọng. 
Khu lăng mộ vì thế bị thu hẹp dần thành điểm tròn nằm giữa đường.
dung-su-phat-trien-cua-do-thi-khu-lang-duoc-cai-tang-san-bang
Vòng xoay Lăng Cha Cả hiện nay. Ảnh: Thành Long.
Năm 1983, phần mộ được cải táng, san bằng và di cốt được trao lại cho lãnh sự Pháp. Di cốt khi về Pháp được chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions Etrangères (Paris).
Đầu năm 2013, TP HCM khánh thành cầu vượt bằng thép ở đây nhằm giải tỏa sức ép do lượng xe qua lại quá đông.

Lê Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét