Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Chà Uốm, quả rừng thành đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Trong các cánh rừng tự nhiên ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có một loài cây mà đồng bào người Thái thường gọi là cây chà uốm. Ngoài giá trị sử dụng lấy gỗ làm nhà, làm chất đốt... thì vào cuối mùa thu, quả của loại cây này rụng xuống, được đồng bào người Thái thu nhặt về và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon.
Chà uốm là loài cây phát triển nhiều ở các khu rừng nguyên sinh khu vực miền Tây Nghệ An, tuy nhiên, do tác động của con người nên số lượng ngày càng ít dần và hiện chỉ có ở cánh rừng nguyên sinh sát tuyến biên giới Việt- Lào.
Ngoài công dụng có thể dùng gỗ làm nhà, chất đốt, chà uốm còn cho quả mỗi độ vào mùa thu. Dịp này, quả chà uốm rụng nhiều, vì vậy bà con chỉ việc đi lặt. Quả chà uốm có hình tròn, có lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài.
Để có thể sử dụng và chế biến món ăn, sau khi lặt về, bà con phải đập vỡ lớp vỏ cứng để lấy phần hạt nhân bên trong.
Sau khi lặt thật sạch lớp vỏ cứng, để chế biến thành món ăn phải dùng chày đâm thật nhuyễn và cho thêm một ít muối trắng.
Với những thao tác đơn giản nhưng loại quả này đã trở thành món ăn kèm với xôi hay còn gọi là Khàu Pằn- món xôi trộn truyền thống, vừa ngon, vừa béo bùi, được đồng bào người Thái ở các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn rất thích.
Ngoài món Khàu Pằn, quả chà uốm còn được dùng làm gia vị trộn với các loại rau, quả, măng rừng để tạo thành món nộm, theo tiếng thái gọi là Nỏ Máy chúp, Pắc chúp...
Với vị ngon, bùi, béo ngậy, quả chà uốm hiện nay không chỉ được sử dụng đơn thuần trong bữa ăn của mỗi gia đình người Thái, mà còn được nhiều người tìm mua, trở thành thức quà mang về xuôi, với giá bán hiện nay 50 nghìn đồng/1kg.


                                                                                                        Lữ Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét