Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Cọ om, đặc sản miền sơn cước

(Baonghean) - Cữ này lên Quỳ Châu, khách sẽ được thưởng thức món cọ om. Một đặc sản dân dã, mang đậm hương vị miền sơn cước. Quả cọ không thơm, chẳng ngọt mà chứa vị bùi, ngậy, chan chát, rất riêng, rất đặc trưng...
Hồi còn bé, hàng xóm là một bác vốn quê ở xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu; thi thoảng về quê, bác thường mang xuống ít cọ om làm quà. Quà quê vốn quý, tình láng giềng còn quý hơn. Trong cảm nhận hồi đó, cọ om hơi trái mùi, nhưng lạ miệng, có vị béo, bùi, chan chát rất hợp với cơm. Ăn chưa đã thèm, mấy đứa trẻ mài luôn hạt để ăn cái phần trăng trắng, cứng và dai nhách ở trong... Bẵng đi một thời gian, bác hàng xóm già yếu nên ngày càng ít về quê, món cọ om cũng lui dần vào ký ức.
 
Quả cọ - Ảnh Internet
 
Mới đây lên Quỳ Châu tôi có dịp thưởng thức món ăn thời thơ bé, quả cọ om. Món ngon lạ miệng, hợp với nhiều người trong đoàn nên rổ cọ nhanh vơi. Ai cũng muốn có một ít về làm quà nên hỏi gia chủ còn có quả cọ không? - chị chủ nhà đáp “còn”, hỏi “bán không” thì được trả lời “không bán. Nhưng biếu mỗi người một ít thì được” - chị chủ nhà cười tươi.
 
Tại Nghệ An, cây cọ thường mọc hoang tại một số ít huyện miền núi. Tất cả các bộ phận từ cây cọ đều có thể tận dụng. Lá cọ dùng để lợp mái nhà, tước lấy gân lá để bán, cuống lá dùng để chẻ nan dệt mành, hoặc thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Tháng 7 âm lịch, cây cọ bắt đầu ra hoa, kết trái. Mùa cọ chín bắt đầu từ tháng 10 âm lịch. Khi chín, quả chuyển từ màu vỏ xanh đậm rồi ngả sáng màu xanh da trời. Để hái quả người dân thường trèo lên cây hoặc dùng sào dài kéo xuống. Quả cọ có thể ăn sống, tuy nhiên, để làm cho quả mềm và bớt chát, người ta đem om. 
 
Quả cọ được hái về rửa sạch bụi đất, đem xóc lẫn với những mảnh cật nứa già cho bong vỏ xanh sau, đó mang đi om. Khi om (luộc) cần chú ý đến thời gian, độ sôi của nước và sự kinh nghiệm, khéo tay của người phụ nữ, không cẩn thận thì quả cọ nát hoặc quá cứng. Nếu muốn giữ độ chát cho quả thì không cần cạo vỏ khi om - chị Lang Thị Hạnh một người dân xã Châu Hạnh cho hay. Quả cọ được om chín có màu nâu sẫm bên ngoài, phần thịt mềm ở trong màu vàng ươm, khi ăn có vị bùi, ngọt, béo ngậy và mùi đặc trưng. Tùy theo khẩu vị của từng người mà có thể ăn không cần chấm hay chấm nước mắm ớt hay bằng bột canh... Quả cọ còn có thể nấu kèm với thịt, cá và dẫu chế biến như thế nào nó cũng có vị bùi, chát đặc trưng.
 
Là món ngon theo mùa và mỗi năm mới chỉ được ăn một lần, vậy nên rất nhiều người tìm mua. Bây giờ mới bắt đầu mùa cọ, một số chị em người dân tộc Thái Quỳ Châu, thu hoạch về rồi chế biến đem ra bán tại thị trấn từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa là hết hàng. Giá cọ om thành phẩm chừng khoảng 20.000 đồng/kg. Đối với những người con xa quê, cọ đã gắn liền vào ký ức tuổi thơ và sẽ theo suốt cuộc đời. Với họ, dù xa quê hương rất lâu, nhưng mỗi lần nhắc đến cọ thì không ai không nhớ đến nao lòng những chiều thả trâu trên đồi cọ, lúc nhọ mặt người đánh trâu về được hít hà món xôi cọ thơm phức, ấm nồng tình thương của người bà, người mẹ thuần hậu ở miền núi đồi trung du...
 
Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét