Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Lễ hội “Chăm phtroong trmây” của người Ơ Đu

(Baonghean) - Người Ơ Đu nước ta cư trú duy nhất ở huyện Tương Dương. Họ có số dân ít (năm 2003 là 459 người), ngôn ngữ thuộc hệ Nam Á, ngành Môn – Khơme, nhưng tiếng Ơ Đu đang có nguy cơ bị biến mất, vì bây giờ họ không nhớ và dùng tiếng mẹ đẻ nữa. Theo đó, các phong tục tập quán cũng dần bị lãng quên. Tuy nhiên, đối với những người già, họ vẫn còn nhớ lễ hội “Chăm phtroong trmây”, tức lễ hội Mừng tiếng sấm đầu năm. 
Tiếng sấm đầu năm đối với người Ơ Đu rất quan trọng. Nó đánh dấu năm mới bắt đầu đồng thời khởi đầu cho một năm làm ăn mới; các thầy mo (Doọng Xưn Or) bắt đầu “lên lịch” ngày – giờ tốt, ngày – giờ xấu, ngày – giờ tiến hành các việc trọng đại (tang, cưới, làm nhà mới, cúng mường, cúng bản, cúng nhà…) trong năm… Đứa trẻ sinh trước tiếng sấm mấy ngày coi như “chưa sinh”, phải chờ có tiếng sấm mới tính tuổi, lúc đó nó được coi là đã 1 tuổi và mới được làm lễ đặt tên. Người chết cũng vậy, chết trước tiếng sấm thì coi như “chưa chết”, hồn chưa lên trời, có tiếng sấm đầu năm mới coi là “chết”, hồn mới lên trời để “đầu thai” trở lại trần gian. Vì vậy, ai góa chồng, góa vợ phải chờ sau khi có tiếng sấm đầu năm mới có thể “tái giá, đi bước nữa”, làm lễ cưới “Kệ Kangrai”,…

Vì thế, đối với người Ơ Đu, lễ hội “Chăm phtroong trmây” là lễ hội lớn nhất trong năm. Ngày đó, người Ơ Đu toàn Vương quốc “Phrom Ơ Đu” tụ tập về thung lũng núi Pú Pầu, vùng Xốp Pột, Huồi Pòng, Huồi San, để mở hội năm mới. Quốc vương Ơ Đu cùng với thầy cúng “Doọng Xưn Or” chủ trì lễ tế trời đất, mổ trâu, mổ lợn ăn mừng, đánh trống chiêng, đốt lửa trại, nhảy sạp, vỗ ống, khắc luống,… Tiếp đó, các gia đình mới về nhà của mình mổ lợn gà, cúng tổ tiên, cúng ma nhà, cúng hồn lúa – vua bếp…; mời họ hàng, thân thích ăn uống; mang vật hộ mệnh ra rửa để mang vào cổ, vào tay… cầu mong một năm mới tốt lành…

Ngày nay, huyện Tương Dương đang tiến hành bảo tồn tộc người Ơ Đu (quy tụ họ về bản Văng Môn), trong đó quan trọng nhất là phục hồi ngôn ngữ, phong tục tập quán, đương nhiên không thể quên lễ hội “Chăm phtroong trmây”.

Quán Vi Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét