Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Nét độc đáo ở bản người Mông

(Baonghean.vn)- Nằm trên đỉnh núi cao, bản Huồi Giảng 1, Tây Sơn (Kỳ Sơn) là nơi cư trú của đồng bào Mông. Bà con nơi đây lưu giữ được những phong tục độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Bản Huồi Giảng 1 nằm cách trung tâm xã khoảng 3km, cách trung tâm huyện trên 10km, với độ cao trên 1.300m so với mực nước biển. Điều kiện thời tiết ở đây có những nét khác biệt, nhiệt độ thấp hơn so với các xã trong vùng. Cư dân ở vùng núi cao và dốc này có những nét đặc trưng trong đời sống và sinh hoạt.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Nghệ An ghi lại được tại bản Mông Huồi Giảng 1:
Hầu hết các ngôi nhà ở Huồi Giảng 1 đều được lợp bằng gỗ sa mu - một nét đặc trưng trong kiến trúc nhà ở của người Mông. Tuy nhiên, hiện nay số lượng bản Mông giữ được mái gỗ sa mu như Huồi Giảng 1 không còn nhiều.
Ở đây, gia đình nào cũng treo bùa trừ tà trước cửa. Đây là một nét riêng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mông.
Người Mông ở Huồi Giảng 1 vẫn còn duy trì nghề làm giấy, nguyên liệu chính là cây rừng được giã nhỏ rồi nấu nhuyễn.
Sau khi nấu nhuyễn, nguyên liệu được rải ra phơi khô và trở thành những tờ giấy mỏng, được dùng vào việc thờ cúng.
Với độ cao và độ dốc lớn, bản Huồi Giảng 1 không có nhiều đất bằng để trồng rau, bà con phải tận dụng mái nhà hoặc chái cất đồ đạc để trồng rau xanh.
Trên mái nhà, bà con thường đặt chậu cây hoa, thể hiện sự gần gũi và gắn bó với thiên nhiên.
 Hồ Phương- Công Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét