Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Thầy mo người Mông Nghệ An làm lễ cúng, trả công bằng thịt lợn

(Baonghean.vn)- Người Mông ở Nghệ An rất coi trọng thầy mo. Họ thường mời thầy về cúng lễ vào những dịp trọng và trả công bằng thịt lợn.
Dòng họ Xồng ở Bản Huồi Nhao (xã Nậm Càn - Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa mời các thầy mo về tổ chức lễ cúng và ăn uống xôm tụ. Khác với lễ cúng của từng gia đình, lễ cúng bản tổ chức quy mô và phải có từ 3-4 thầy mo hành lễ.
Theo già làng Xồng Vả Tu, trước đó, các bậc cao niên trong họ sẽ chọn hoặc thuê thầy cúng về để làm nghi thức cúng bái. Theo phong tục người Mông, thầy cúng phải đủ bốn người. Trong quan niệm, thầy mo đều là những người thấu hiểu tiếng nói của vong hồn người đã khuất, thấu hiểu tiếng nói của thần linh.
Thầy mo làm lễ cúng trong gia đình người Mông. Ảnh: Đào Thọ.
Bốn thầy cúng cho họ Xồng lần này mỗi người làm một nhiệm vụ khác nhau. Ba thầy sẽ cúng trong hai ngày đầu để tập hợp vong hồn người đã khuất của các hộ gia đình về nhà trưởng họ. Các vong hồn này qua thầy cúng sẽ nói lên những điều xấu, những điều không may mắn của năm cũ. Mỗi thầy như vậy cúng cho một số hộ gia đình nhất định. Ngày cuối cùng thầy thứ tư cúng để tiễn đưa những điều xấu, không may ấy đi chỗ khác, không để trong bản làm ảnh hưởng đến con em mình đồng thời cầu mong một cuộc sống an lành hạnh phúc và đầy may mắn sẽ về”.
Thầy mo làm lễ cúng trong đám cưới người Mông. Ảnh: Đào Thọ
Không chỉ có lễ cúng họ, các buổi làm vía, đặt tên hay cưới hỏi các gia đình đều phải thuê thầy mo về nhà. Thực phẩm chủ yếu trong các buổi lễ này thường là những con lợn to được nuôi trong gia đình mang ra làm thịt. Và tất nhiên, sau buổi lễ, thầy mo được chia một phần thịt của con lợn ấy, coi như đó là lễ trả công.
Ông Vừ Chống Dì ở bản Huồi Giảng 2 (xã Tây Sơn) cho hay, thầy mo có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Muốn được hành nghề, họ phải là người được thần linh chọn và hiểu được tiếng nói của người đã khuất. Các thầy mo của dân tộc Thái đều được đào tạo bài bản nhưng với người Mông, người có hiện tượng thần linh nhập vào mới là người được thừa nhận.
Phần thịt để dành cho thầy mo của người Mông. Ảnh: Đào Thọ
 Có thể nói rằng, đây chính là nét văn hóa tâm linh riêng của người Mông Nghệ An. Tuy nhiên, việc tổ chức cúng bái dài ngày gây lãng phí lâu nay cũng đang được vận động giảm bỏ dần.
Đào Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét