Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Cháo lòng miền Tây - món ăn khiến du khách thập phương ‘cả một đời thương nhớ’

Cháo lòng - món ăn quen thuộc khắp dải đất hình chữ S, thế nhưng, mỗi miền mỗi vị, mỗi miền mỗi cách chế biến. Ở miền Tây, món ăn bình dị ấy đã biến tấu trở thành thứ có hương vị khiến bạn đã ăn một lần sẽ phải nhớ mãi cả đời!
Nói về cháo lòng, có lẽ, không đâu rẻ và thú vị như về miền Tây. Giống như “đặc sản” cải lương, món ăn này rất được lòng người dân miền sông nước.  Dọc đường về đây, hàng quán bày bán cháo lòng mọc lên nhan nhản, từ cao cấp đến bình dân. Vui vui chạy ra đầu phố, đầu bù tóc rối lúc sáng sớm, người dân dễ dàng mua ngay được một bát cháo lòng nóng hổi. Lúc đi cùng bạn bè, quần ảo chỉn chu, bước vào chỗ sang trọng cũng thấy cháo lòng xuấthieenj. Nói vậy để thấy, ở vùng miệt vườn, người ta yêu và chuộng món ăn này tới cỡ nào.
Cháo lòng vốn là món ăn khoái khẩu của người dân Nam Bộ.
Cháo lòng miền Tây có hai vị là cháo nấu bằng gạo rang và gạo trơn. Đặc biệt, cháo chế biến từ gạo rang đôi khi sẽ khiến thực khách lầm tưởng rằng cháo ở đây nấu chưa chín hoặc bị sượng mà không biết rằng đây chính là nét đặc trưng của cháo lòng miền Tây Nam Bộ.
Thường thì những người miền Bắc đã quen với kiểu cháo đặc sệt, dẻo nên sẽ cảm thấy lạ lẫm với hạt gạo và nước không kết dính với nhau theo kiểu của người miền Tây. Tô cháo miền Tây có màu vàng, hơi nâu, thơm mùi gạo rang. Vì cháo loãng nên ăn kèm bánh quẩy là vừa, không quá đặc và bị ngấy.
Tô cháo miền Tây có màu vàng, hơi nâu, thơm mùi gạo rang, thường được ăn kèm cùng bánh quẩy.
Bên cạnh rau thơm ăn kèm như nhiều quán lòng miền Bắc, cháo lòng miền Tây sẽ kèm theo chén nước mắm ngọt vừa miệng, vài lát tỏi ngâm chua ngọt thái mỏng ăn giúp thực khách bớt ngao ngán.
Khi ăn, thực khách cho giá vào tô cháo, sau đó vắt thêm một ít chanh, một chút tiêu cay và một ít ớt bằm ngâm. Có một đặc điểm là ăn cháo lòng phải ăn với ớt bằm ngâm mới ra vị cháo lòng, nếu kẹt không có ớt bằm ngâm thì ăn tạm với ớt tươi xắt thành từng lát mỏng. Bạn có thể gọi một tô cháo lòng đầy hoặc cháo huyết và nhâm nhi đĩa lòng riêng.
Khi ăn cháo vắt thêm chút chanh, chút tiêu, chút ớt bằm ngâm sẽ khiến hương vị cháo hấp dẫn hơn.
Có lẽ, phần hấp dẫn nhất của tô cháo lòng là phèo (có vị nhân nhẩn đắng) và dồi heo. Riêng bộ lòng heo phải được chọn khi mới ra lò mổ, nấu cháo mới thơm. Khác với miền Bắc, người miền Nam không làm dồi huyết. Vị sả bằm trộn trong thịt dồi vào ruột heo, sau đó chiên vàng thơm chính là vị ngon không lẫn lộn của cháo lòng miền Tây.
Vị sả bằm trộn trong thịt dồi vào ruột heo, sau đó chiên vàng thơm chính là vị ngon không lẫn lộn của cháo lòng miền Nam.
Ngày nay, người ta bị ‘nhiễm’ tin tức về bệnh mỡ trong máu, trong gan và sợ đột quỵ vì ‘cholesterol’ nên có thèm cháo lòng lắm cũng chỉ dám ăn tim hay thịt nạc.
Có người còn kiêng luôn cả gan heo vì thời buổi kinh tế thị trường, làm ăn gian dối, đâu đâu cũng toàn những tin tức hóa chất tăng trọng tồn đọng trong gan heo. Vậy nhưng, có vị bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh ung thư từng nói: “Thèm quá thì lâu lâu cứ nhào vô ăn, chớ sống mà trong tình trạng chết thèm coi như uổng đời.”
Chỉ với món cháo lòng thôi, nhưng đi từ Bắc vô Nam là đã thấy khác nhau rồi và trong những chuyến đường dài về miền sông nước, những ai đã từng thưởng thức tô cháo nóng hổi, ngập hành, tiêu, múc từng muỗng cháo nóng đưa lên miệng, mồ hôi túa ra, hít hà trước vị cay của tiêu, ớt… hẳn sẽ mang ấn tượng suốt một đời khoogn quên.
Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét