Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Hậu sự phi tần triều Nguyễn: Đơn sơ mộ người làm vợ 2 vua

Sự cố mộ phi tần vua Tự Đức bị san ủi khi thi công dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh đã nhắc nhớ về thân phận cùng chuyện hậu sự của những phi tần khác ở cố đô Huế.

Đặt đá xây dựng tường bảo vệ lăng cho đức phi Lê Ngọc Bình /// Ảnh: Vĩnh Khánh

Đặt đá xây dựng tường bảo vệ lăng cho đức phi Lê Ngọc Bình
ẢNH: VĨNH KHÁNH
 Hãy bắt đầu với đức phi Lê Ngọc Bình, chánh cung triều Tây Sơn nhưng lại trở thành thứ phi của vua Gia Long.
Công chúa Lê Ngọc Bình, con vua Lê Hiển Tông, là người có thân phận đặc biệt. Bà là chánh cung của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, nhưng khi triều Tây Sơn sụp đổ lại trở thành thứ phi đệ tam cung của vua Gia Long. Ngôi mộ của bà sau cải táng hiện chỉ là một vỏ mộ đơn sơ, nằm ở một miền quê ven cố đô Huế.
Năm 2016, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc tại Huế đã khởi động tôn tạo lăng tẩm đức phi Lê Ngọc Bình tại đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, P.Hương Hồ (TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Thoạt đầu, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã khảo sát hiện trạng, lập dự toán và dự kiến nếu xây dựng tường bảo vệ lăng, đúc phần sàn khu mộ với diện tích sàn hơn 100m2, tường xây bờ lô nằm, cao khoảng 0,8m cộng thêm phần bia mộ, bình phong... Tuy nhiên, theo ông Liên Sơn, Trưởng ban lăng mộ của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, vì nhiều lý do khách quan nên việc xây tôn tạo trên hiện nay vẫn chưa được thực hiện.
Bị cải táng để làm đường
Dư luận quan tâm đến câu chuyện nấm mộ bà phi tần vua Tự Đức vừa bị san ủi hồi tháng 6.2017 và bàn luận nhiều đến chuyện dời hay giữ nguyên trạng nấm mộ. Nhưng trước đó, chính nấm mộ của bà Lê Ngọc Bình cũng từng bị di dời để "nhường" đất cho một dự án mở đường.

Chuyện rằng sau khi mất (năm 1810), bà Lê Ngọc Bình được táng tại làng Trúc Lâm (P.Hương Long, TX.Hương Trà). Chi tiết này được chép ở sách Đại Nam thực lục. Mãi đến năm 2008, để mở đường, Ban quản lý dự án đã làm việc với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc và di dời ngôi tẩm mộ bà đến táng ở đồi Mâm Xôi (P.Hương Hồ).
Ông Liên Sơn cho biết thêm, mặc dù được di dời đến nơi mới nhưng mộ bà hiện vẫn còn sơ sài so với lăng mộ các bậc thứ phi khác cũng như quy chuẩn theo điển chế triều Nguyễn. Cụ thể, ngôi lăng chỉ mới có nấm mộ, nền lát xi măng; chưa có tường thành, bình phong trước, sau, cổng vòm… theo đúng quy mô của một bậc thứ phi của triều Nguyễn.
Tương đồng và nhầm lẫn
Theo sử sách, Lê Ngọc Bình là em của công chúa Lê Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung. Năm 1795, sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Lê Ngọc Bình cho Cảnh Thịnh hoàng đế Nguyễn Quang Toản. Từ đó, công chúa Ngọc Bình trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn.
Sau khi chiếm Phú Xuân và lên ngôi năm 1802, mặc dù có lời can ngăn, nhưng Gia Long vẫn quyết lấy Lê Ngọc Bình làm phi. Bài viết “Mấy vấn đề về vua Gia Long” của cố GS Trần Quốc Vượng có nhắc chuyện, lúc lấy Ngọc Bình làm phi, các cận thần đã can ngăn: "Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp - trinh nguyên, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình?". Vua Gia Long cười ha hả mà nói: "Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc, “tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô”.
Sau khi lấy vua Gia Long, bà sinh được 2 hoàng tử nhà Nguyễn là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) và 2 công chúa Mỹ Khê Ngọc Khuê, An Nghĩa Ngọc Ngôn. Bà mất khi tuổi đời còn khá trẻ, được ban thụy là Cung Thận đức phi...
Hoàn cảnh của chị em Lê Ngọc Hân và Lê Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ, đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn tại Phú Xuân. Do những điểm tương đồng đó mà từ lâu đã có những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn, trong đó có nghi vấn Gia Long lấy Ngọc Hân công chúa (vợ vua Quang Trung). Tuy nhiên, trong quyển “Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tập hợp nhiều tài liệu và một lần nữa chứng minh rằng người lấy Nguyễn Ánh chính là cô em Ngọc Bình, bởi trên thực tế Ngọc Hân công chúa đã mất từ năm 1799.
Dời mộ bà Tài nhân để mở rộng nhà máy xi măng
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), cho biết trong dòng họ của ông cũng có một bà Tài nhân (chưa rõ vợ của vua nào, vì trên bia chỉ ghi "Tài nhân Nguyễn Hữu Thị chi mộ" - ảnh) từng bị di dời vào năm 1976 khi mở rộng Nhà máy xi măng Long Thọ (ở P.Thủy Biều, TP.Huế). Do bà này cũng không có con cháu nối dõi, nên gia đình họ Nguyễn Hữu đã dời về nghĩa trang của dòng họ và hiện bài vị của bà được thờ trong nhà thờ của họ Nguyễn Hữu tại TP.Huế.

Hậu sự phi tần triều Nguyễn: Đơn sơ mộ người làm vợ 2 vua - ảnh 2

ẢNH: DO ÔNG NGUYỄN VĂN THÀNH CUNG CẤP
Bùi Ngọc Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét