Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Hậu sự phi tần triều Nguyễn: Thăng trầm số phận bà Học phi

Khi ngôi mộ bà Tài nhân họ Lê bị san ủi làm bãi đỗ xe gây xôn xao dư luận ở Huế, bà Học phi - một nhân vật lịch sử có mộ nằm cạnh đó - được nhắc nhớ vì có số phận thăng trầm, nhiều uẩn khúc...
Con cháu Nguyễn Phúc tộc tại Huế viếng mộ bà Học phi /// Ảnh: B.N.L
Con cháu Nguyễn Phúc tộc tại Huế viếng mộ bà Học phi
ẢNH: B.N.L
Danh gia vọng tộc
Nằm cách ngôi mộ bà Tài nhân Cửu giai họ Lê khoảng 500m là lăng mộ bà Học phi, thứ phi của vua Tự Đức. Theo hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lập năm 2013, ở khu vực vòng ngoài Khiêm lăng có 2 khu lăng mộ là lăng bà Học phi Nguyễn Thị Hương và khu lăng mộ 15 phi tần khác của vua Tự Đức.
Bà Học phi quê gốc Vĩnh Long. Theo kết quả khảo cứu, bà sinh ngày 12 tháng giêng nhưng không rõ năm, là cháu nội của Hoàng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng (làm quan dưới 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị), con gái của ông Nguyễn Văn Tuấn. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Văn hiện lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Song (P.Thủy Xuân, TP.Huế), dưới thời vua Tự Đức, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng là một vị quan triều đình, được biết đến với chức Nghiêm Oai tướng quân. Năm Canh Ngọ (1865), theo lệnh của vua Tự Đức, bà Học phi nhận Nguyễn Phúc Ưng Hỗ (trước đó có tên Nguyễn Phúc Ưng Đăng) làm con nuôi khi mới 2 tuổi. Sau này, Ưng Hỗ (Ưng Đăng) nối ngôi lấy niên hiệu Kiến Phúc.

Bà xuất thân trong một danh gia vọng tộc, lại có sắc đẹp, nên sau khi được tiến cung đã khiến vua Tự Đức mê đắm và sủng ái. Vào cung không lâu, vua Tự Đức sắc phong cho bà giai hàm Lượng tần, ở vào bậc thứ 3 trong hệ thống cửu giai. Năm Tự Đức thứ 23 (1870), bà được vua tấn phong Khiêm phi; đến năm 1874 được sắc phong hàm Học phi (chỉ đứng sau Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên). Tấm sắc phong này hiện nay vẫn được dòng họ Nguyễn Văn lưu giữ. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, lập di chiếu truyền ngôi lại cho Hoàng trưởng tử Ưng Chân (tức vua Dục Đức), và triều đình Huế rơi vào giai đoạn biến động “4 tháng 3 vua”.
Cũng theo di chiếu, sau khi vua Tự Đức mất, bà Học phi Nguyễn Thị Hương và bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm lên sống ở Khiêm lăng để lo hương khói và cúng kỵ.
Nghi án chưa có lời giải
Dưới sự chuyên quyền của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, Dục Đức làm vua được 3 ngày thì phế, Hiệp Hòa lên thay cũng chỉ được 4 tháng rồi bị bức tử. Ngày 1.12.1883, hoàng tử Ưng Hỗ vâng ý chỉ của Từ Dụ thái hoàng thái hậu lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc, khi vừa tròn 15 tuổi.
Vua Kiến Phúc lên ngôi đã cho đón bà Học phi vào cung và đưa bà lên một địa vị mới đầy quyền lực. Nhà vua sai bàn định điển lễ tấn tôn Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi và làm sách vàng (kim sách), con dấu vàng. Lúc này, các bậc hoàng thân vương công và đình thần cùng dâng lời tâu xin theo di chiếu tấn tôn Khiêm hoàng hậu (Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) lên làm hoàng thái hậu, và tôn Học phi Nguyễn Thị Hương làm Hoàng thái phi. Nhà vua liền xin ý chỉ của Thái hoàng thái hậu Từ Dụ và được chuẩn y. Các công tác liên quan đến việc sắc phong cho Học phi đã được chuẩn bị, dự định sau khi mãn tang triều đình sẽ cử hành nghi lễ.
Nhưng vua Kiến Phúc ở ngôi vỏn vẹn chỉ 8 tháng thì mất (từ ngày 2.12.1883, 31.7.1884), khiến Học phi Nguyễn Thị Hương mất hết quyền lực, danh tiếng vì vướng vào nghi án có tư tình với Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và âm mưu đầu độc vua Kiến Phúc khi vua đang lâm trọng bệnh.

Sau khi vua Kiến Phúc mất, đến lượt Đồng Khánh kế vị. Triều đình lấy lý do rằng huy hiệu Hoàng thái phi của bà Nguyễn Thị Hương là do quyền thần tự tấn tôn chứ không phải là di mệnh của tiên triều nên cho đình lại và giáng về vị thứ Học phi như cũ. Từ đó về sau, không thấy sử sách đề cập gì về cuộc đời của bà nữa.
Về nghi án tư tình với đại thần Nguyễn Văn Tường, trong bài khảo cứu “Học phi Nguyễn Thị Hương và cuộc đời thăng trầm của một bà phi trong cung Nguyễn”, hai tác giả Phan Thúy Vân và Nguyễn Phương Lan (Phòng nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) đã đặt câu hỏi: Phải chăng đây là âm mưu của phe “cánh tả” muốn hạ thấp uy tín của Nguyễn Văn Tường và cô lập quyền lực của bà Học phi? Tất cả những nghi án này, đến nay vẫn chưa có lời giải.
Theo con cháu của họ Nguyễn Văn ở Thủy Xuân, sau khi vua Kiến Phúc mất khoảng 2-3 năm sau bà cũng bệnh mà chết, nhưng thông tin cụ thể thì chẳng ai biết rõ. Chỉ biết, hằng năm đến ngày 4.4 âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Văn lại đến lăng chạp mộ thắp hương cho bà Học phi, để tưởng nhớ đến một người con tài hoa, xinh đẹp, đầy danh vọng của dòng họ và cũng chính là người hứng chịu nhiều tiếng đời thị phi.
Cần bảo tồn tẩm mộ
Theo khảo tả của hai tác giả Phan Thúy Vân và Nguyễn Phương Lan, lăng bà Học phi có cấu trúc mang nhiều đặc điểm tương đồng với các lăng hoàng hậu ở Huế với 3 tầng sân ở phía trước, 2 lớp bửu thành bao bọc; bên trong có nhà bia, tẩm, bình phong tiền - hậu.
Hậu sự phi tần triều Nguyễn: Thăng trầm số phận bà Học phi - ảnh 3
Lăng mộ bà Học phi
ẢNH: B.N.L
Tuy nhiên, các chi tiết trang trí ở bình phong, nhà bia, đường nét, mô tuýp trang trí... lại khác biệt. Đặc biệt, nội dung bia chỉ ghi vỏn vẹn 1 dòng chữ Hán: Tiền triều Học phi Nguyễn Văn thị thụy Huy Thuận chi tẩm (tẩm của bà Học phi họ Nguyễn Văn thị có thụy là Huy Thuận thuộc triều trước), mà không có dòng lạc khoản nào ghi lại ngày dựng lăng, lập mộ.
Vì vậy, giới nghiên cứu đề xuất cần quan tâm, gìn giữ di tích lăng mộ này và giới thiệu thêm về cuộc đời bà Học phi, góp phần tạo thêm ấn tượng cho du khách trong hành trình viếng thăm vùng đất cố đô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét