Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Xảo thuật thị giác giấu kín Chuồng Cọp Pháp trong 30 năm

BÀI VÀ ẢNH: HỒ HẠ
Kinhtedothi - Nhắc đến Nhà tù Côn Đảo, nhiều người ta rùng mình nghĩ đến “địa ngục trần gian” với những hình phạt tra tấn vô cùng tàn bạo. Ấy thế mà trong hệ thống nhà tù hà khắc đó vẫn còn cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” vi phạm nhân quyền đến tột độ, được giấu kín suốt 30 năm nhờ xảo thuật thị giác. Đó chính là Chuồng cọp Pháp.

Trại giam Phú Tường thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo là nơi có Chuồng Cọp được xây dựng năm 1940, có tổng diện tích 5.475m2. Chuồng cọp gồm hai khu, mỗi khu 2 dãy, mỗi dày 20 chuồng, phía trên có giàn song sắt, có hành lang để gác ngục hành hạ người tù bất kể lúc nào chúng muốn. Ngoài ra, còn có 60 phòng không có mái che được gọi là phòng "phòng tắm nắng" (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng). Phòng tắm nắng còn là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn.
Hướng dẫn viên du lịch tại đây kể rằng, rất nhiều đoàn thanh sát nghe đồn về một trại giam có tên Chuồng Cọp ở Côn Đảo nhưng mọi điều tra đều thất bại, cho đến khi có 5 sinh viên từ Chuồng Cọp Côn Đảo trở về tố cáo trước Hạ nghị viện Sài Gòn, lấy mạng sống của chính mình để khẳng định với báo chí Chuồng Cọp là có thật. Đến ngày 30/6/1970, phái đoàn dân biểu Mỹ cùng các nhà báo quốc tế cùng đến Côn Đảo để điều tra theo lời của các sinh viên kể trên.
Trong đoàn có phóng viên Don Luce, là phóng viên đã ở chiến trường Việt Nam nhiều năm. Cầm trong tay tấm sơ đồ do các sinh viên vẽ, cả đoàn tìm đến được đúng nơi mà các sinh viên mô tả là trại có hai lần cửa vào, nếu vào thẳng thì sẽ vào một trại tù bình thường, nếu rẽ ngang thì sẽ dẫn đến vườn rau, ở vườn rau sẽ có cánh cửa nhỏ dẫn sang Chuồng Cọp.
Khó một điều là các sinh viên bị bịt mắt nên không nhớ quẹo trái hay phải, Don Luce khéo léo hỏi Nguyễn Văn Vệ (chúa đảo), viên Trung tá khét tiếng tàn ác cai quản tù ở đây, rằng ở đây tù nhân có được cải thiện về ăn ở bằng cách trồng trọt hay không? Nguyễn Văn Vệ nhiệt tình dẫn cả đoàn rẽ phải để đến được vườn rau. Nhìn thấy chiếc cửa sắt, Don Luce hỏi cái cổng này đi đâu? Tên Vệ vô tình lấy batoong gõ gõ vào cửa và nói là nó qua Trại 8, và thật tình cờ, người lính gác sau cánh cổng này nghe tiếng Vệ và tiếng gõ cửa nên mở cửa ra. Đoàn thanh sát ùa vào mới tận mắt chứng kiến sự thật tàn ác, kinh khủng, kinh tởm này.
Chuồng Cọp được giấu kín trong nhiều năm là nhờ xảo thuật đánh lừa thị giác hết sức đơn giản nhưng tinh vi. Chuồng cọp này nằm giữa hai Trại 7 và Trại 8 nằm so le nhau. Khi vào Trại 7 thì tưởng nó là Trại 8, khi vào Trại 8 thì ngỡ nó chính là Trại 7. Các đoàn thanh sát ra đây thường được bố trí vào thời gian cuối ngày hoặc khi đoàn đã mệt nên chỉ vào hoặc Trại 7 hoặc Trại 8 mà không hề để ý đến "tiểu tiết" này. Chuồng Cọp bị phát hiện và bị đem ra chất vấn ở hạ nghị viện Mỹ cũng như bị tố cáo trên các tờ báo lớn gây ra một là sóng phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên toàn thế giới.
Đến khu Chuồng Cọp Pháp, tận mắt chứng kiến những hình ảnh được tái hiện sinh động, ai đó đều thấy đau thương và cảm phục các vị anh hùng, những chiến sĩ đã kiên cường chịu đựng khổ đau, đàn áp, hành hã dã man của bọn thực dân, đế quốc.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Trại Phú Tường, nơi có Chuồng Cọp Pháp:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét