Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Bánh chưng gù của người Sán Dìu

Làm bánh chưng gù cầu kỳ, kỹ lưỡng, gói trọn trong đó sự khéo léo của người phụ nữ Sán Dìu.
Gói bánh chưng gù cần 2 loại lá

Bánh chưng của người Sán Dìu thon dài, vát hai đầu và nhô lên ở giữa. Bánh được gói bằng 2 lớp lá: lá chít và lá dong. Lá chít bên trong, lá dong bên ngoài, để khi luộc lá chít quyện mùi thơm vào bánh và cho màu đẹp mắt. Đặc biệt, lá chít còn giúp bánh không bị dính lá.

Nguyên liệu gói bánh được chọn lựa kỹ lưỡng. Đó là gạo nếp cái hoa vàng thơm dẻo được người Sán Dìu lựa chọn sau mỗi mùa gặt. Những hạt gạo chắc mẩy, dẻo đanh này sẽ cho những mẻ bánh thơm ngon.

Ông Lam Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, nói đồng bào Sán Dìu nơi đây không ngâm gạo trước khi gói bánh, chỉ vo rồi để ráo nước:

Người Sán Dìu quan niệm bánh chưng gù càng ngon, càng đẹp thì gia đình năm đó càng có phước lộc

“Vo ướt xong họ gói thôi. Khi gói bánh xong rồi họ mới ngâm nước lã khoảng độ một tiếng, để cho nước ngấm vào trong gạo. Lúc đó luộc, bánh sẽ săn chắc. Còn gạo ngâm trước rồi, luộc ngay nước nóng, bánh chỉ chín bên ngoài, bên trong không nhuyễn”.

Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thịt ba chỉ béo ngậy có cả nạc và mỡ. Nêm muối, hạt tiêu, đảo đều rồi đem gói bánh. Đây là công đoạn khó nhất vì bánh được gói bằng tay chứ không bằng khuôn như một trong những cách gói bánh chưng vuông.

Đặt lá dong lên trước, lá to một tàu, lá nhỏ đặt 2 tàu. Lá chít sắp theo sau, thứ tự từ trong ra ngoài. Đổ bát gạo đầu tiên, ấn tạo rãnh cho nhân đỗ, thịt lợn vào đó. Đổ tiếp bát gạo thứ 2 chồng lên. Người ta gập lá tại một đầu bánh tạo vát nhỏ sao cho nguyên liệu ùn lên ở giữa, lấy lạt quấn quanh. Sau đó, gấp lá ở đầu bánh còn lại gói tương tự.

Lạt được buộc cách đều nhau, trông rất đẹp mắt. Người ta ngâm bánh trong nước lã tầm 1 giờ rồi xếp bánh đứng trong nồi. Sau đó đem luộc trong củi cứng cho lửa cháy đều, rền bánh.

Bánh chín, vớt ra để lên cái nong, lăn qua lăn lại vừa ráo nước lại vừa khiến bánh thêm săn chắc. Bóc từng lớp lá, để lộ ra lớp thịt bánh bên ngoài óng vàng, bên trong trắng mịn. Vậy là có mẻ bánh ngon để dâng lên tổ tiên ngày Tết.

Người Sán Dìu chỉ gói bánh chưng gù 2 dịp lễ

Trong mâm cỗ ngày Tết người Sán Dìu dâng cúng tổ tiên không thể thiếu món bánh chưng gù. Và không phải ngẫu nhiên người Sán Dìu ở Đạo Trù lại gói chiếc bánh có hình thù như vậy.

Cách gói bánh chưng gù có lá dong bọc ngoài lá chít, hàm ý con người trong gia đình, cộng đồng phải luôn gắn bó, đùm bọc lẫn nhau. Lạt buộc 7 – 9 đoạn, tượng trưng cho 7 – 9 đời người kết nối với nhau duy trì nòi giống.

Tại sao lại gói bánh chưng gù? Ông Lam Xuân Tiến giải thích: “Bánh chưng gù ở giữa tượng trưng tổ tiên phân đều tài lộc cho con cháu. Ngồi trên đỉnh phân đều ở hai bên”.

Ông Trương Văn Thăng, ở Đạo Trù, cho biết ngoài ý nghĩa này, đồng bào gói bánh chưng gù còn có một mục đích khác. Ông nói, người Sán Dìu quê ông chỉ gói bánh chưng gù vào 2 ngày Tết lớn trong năm, đó là Tết Nguyên Đán và Tết nửa năm diệt sâu bọ, tức mùng 5/5 âm lịch. Hai dịp Tết này phải có bánh chưng gù thắp hương tổ tiên và cũng là món quà đón con cháu về cho gia đình, đón phước lộc, an khang.

Người Sán Dìu gói bánh chưng gù rất cầu kỳ và kỹ lưỡng
 
“Theo các cụ xa xưa truyền lại, cái bánh này gói mục đích là để để mùng Một Tết các cụ tổ tiên đi đón con cháu. Nó có hai cái quai thế này để các cụ ngoắc lên vai đi đón con cháu ở âm phủ. Các cụ đi đến vườn toàn là trẻ con thôi. Nếu như ông nào đi được nhanh đến sớm, thì đón được con cháu đẹp, con cháu ngoan, con cháu khôn về cho nhà mình" - ông Thăng nói.

Người Sán Dìu quan niệm bánh chưng gù có đẹp, có ngon thì phước lộc, an khang mới đầy nhà năm ấy. Đặc biệt hơn, đó cũng là tín hiệu ông bà, tổ tiên “đón” được những đứa cháu ngoan ngoãn, giỏi giang cho gia đình.

Chính vì bánh chưng gù mang một ý nghĩa thiêng liêng như vậy nên gói bánh người ta mới cần cầu kỳ, kỹ lưỡng. 
Theo vov4.vov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét