Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Có phải cọp ở Nam bộ xưa đều là cọp dữ?

Theo Đăng Huỳnh/ Cần Thơ online



“Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua (um)” là khung cảnh Nam bộ thuở tiền nhân khẩn hoang, lập ấp.
Dĩ nhiên, cọp thì phải dữ! Thử điểm qua hệ thống truyện dân gian Nam bộ, có rất nhiều câu chuyện kể lại việc hổ giết hại, xâm phạm lợi ích của những lưu dân khẩn hoang. “Sự tích rạch Mồ Thị Cư”, “Sự tích rạch Mồ Thị Hương”… với những cuộc chiến một mất, một còn là ví dụ. Sự hoành hành của cọp dữ khiến bà con không ai dám gọi đích danh mà là “Ông Cọp”, “Ông Cả”, “Ông Ba Mươi”, hay “hia Khại”, “Hương quản” (vùng Cà Mau)… Cũng từ sự kính nể này mà có giai thoại giải thích vì sao người con lớn trong gia đình ở Nam bộ không phải là Cả mà là thứ Hai. Đó là vì cọp còn được gọi là “Đại Hương Cả”, “Hương Cả Cọp”… nên không ai dám gọi con mình là “thằng Cả” hay nhiếc mắng, đánh đập “thằng Cả”.
Bức bình phong có hình Ông Hổ ở đình Xà Phiên (Long Mỹ- Hậu Giang).

Phong tục thờ cúng ở đình làng Nam bộ mặc định “Tả Thanh long, hữu Bạch hổ” hoặc thờ “Sơn quân”. Đáo lệ Kỳ yên đều có lễ tế Sơn quân- nghĩa là tế Thần Hổ. Tín ngưỡng thờ cọp thường biểu hiện dưới dạng miếu thờ hoặc các bình phong ở trước đình làng. Vả lại, người Nam bộ quan niệm Bạch hổ là con hổ thần, hổ tu tiên, không ăn thịt, bách hại mà còn phù trợ dân làng. Rõ ra, trong quan niệm dân gian, hổ cũng có con dữ, con hiền.
Thực tế, hổ đồng bằng thường hiền hòa hơn hổ núi. Tác giả Nghê Văn Lương- Huỳnh Minh trong “Cà Mau xưa” thuật rằng, nhiều khi đi rừng ăn ong, đốn đuôn hay đốn lá, róc lạt hoặc đốn cây, nếu rủi gặp cọp thì nạt lớn cho vài tiếng vang dội, cọp hoảng sợ cong đuôi chạy mất. Họa hoằng khi đói, cọp mới vào sâu trong xóm, cắp heo, gà để ăn.
Nổi bật trong các truyện cọp sống có nghĩa, biết giúp đỡ dân làng mà mô típ truyện người dân đỡ đẻ cho “Bà Thầy”- tức cọp cái. Có khoảng 10 truyện kể về loại này. Mẫu số chung là khi cọp vợ chuyển dạ, cọp chồng vào trong xóm tìm các bà mụ vườn (người đỡ đẻ cho sản phụ) cõng vào rừng để giúp vợ “khai hoa nở nhụy”. Khi “mẹ tròn con vuông”, cọp lại đều đặn tha thú rừng thảy trước nhà bà mụ để trả ơn. Ở Hiệp Thành- Bạc Liêu có miếu Cọp Ba Chân, ẩn chứa trong đó là giai thoại: thấy con cọp nhiều lần tha thú rừng cho bà mụ, một gã thợ săn bèn đặt bẫy bắt cọp. Cọp dính bẫy, đành tự cắn đứt chân mình thoát thân, nên chỉ còn ba chân. Về sau cọp chết, dân làng cảm thương loài vật có nghĩa đã cất miếu thờ phượng.
Với cọp, lưu dân không hẳn lúc nào cũng ác cảm. Đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng (trên quốc lộ 1A) có cầu Nàng Rền, vào một chút có nhà thờ công giáo Nàng Rền. Chúng tôi có dịp trao đổi với linh mục Nguyễn Văn Chánh, thời điểm ấy là cha sở nhà thờ Nàng Rền (nay đã qua đời), về lai lịch địa danh này. Linh mục Nguyễn Văn Chánh kể rằng, hồi xưa cọp đực thì gọi là ông; còn cọp cái thì gọi là bà hoặc nàng. Mỗi lần cọp cái chuyển dạ đau đẻ lại rên khắp xóm cùng làng đều nghe. Bà con gọi là Nàng Rên, lâu dần đọc trại là Nàng Rền.
Ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, có địa danh và cũng là tên ấp “Cái Cấm”. Chúng tôi đã rất thắc mắc nguồn gốc địa danh này và đi tìm những người lớn tuổi trong xóm để tìm hiểu. Dịp may, bà con kể cho chúng tôi mấy câu chuyện thật lý thú, có liên quan đến cọp. Ngày kia ông Hội Núi- người dân trong xóm- đi đốn lá, thình lình lại thấy cọp đang ngồi nhìn ông. Ông cứ thản nhiên làm việc. Đến giờ Ngọ, cọp vào bọng cây ngủ trưa, ông lấy gốc cây đẽo thành cái nút chai khổng lồ nhét vào bọng cây nhốt cọp bên trong, thức giấc cọp nhảy lung tung. Ông nạt cọp, cọp nằm im vâng theo. Đến giờ Thân, trước khi về, ông thả cọp ra, đường ai nấy đi. Một chuyện khác xảy ra tại lung Cò Điếu, nơi tả ngạn rạch Cái Cấm, ông Ba Chánh- cũng là dân địa phương- đang đi xuồng liền bị 2 con cọp kéo lái xuồng xà quần hù dọa. Ông la inh ỏi, dân làng chạy đến cứu thì cọp bỏ đi. Mới hay, hồi đầu hôm ông Ba đã mạ lị khí khái cọp bằng mấy câu:
“Sáng mai ta đi rừng,
Gặp cọp đực nắm đuôi đá đít,
Gặp cọp cái nắm đuôi đá mông”
Bởi cọp thính tai nghe được nên thi gan, “dằn mặt” ông Ba cho biết. Bởi vậy mà ở Cái Cấm còn lưu truyền bài vè như vầy:
Mới nghe qua địa danh Cái Cấm,
Quan khách rằng chắc lắm tai ương.
Mặc dầu chưa được am tường,
Chắc là cọp dữ nhiễu nhương hại người,
Hội ông nhốt cọp tài tình bóng cây,
Ông Ba Chánh bị sa lầy,
Tại vàm Cỏ Điếu, cọp vây, la làng.
Truyện “Nghĩa hổ” sưu tầm ở Bến Tre sẽ minh chứng thêm cho lối sống có nghĩa của cọp. Truyện rằng ngày xưa ở Kiến Hòa, làng Hòa Phụng có vợ chồng Tú tài họ Võ, hiếm muộn con cái. Ông bà Tú có mua một con hổ con về nuôi. Sau vài năm, hổ lớn nhanh và rất mực nghe lời chủ. Riêng vợ chồng ông Tú thì xưng với hổ bằng con và hô là cha mẹ, nghe rất thân tình. Ông bà Tú cũng đã sinh được con trai. 10 năm sau đó, ông Tú phải ra kinh đô Huế nhậm chức quan. Con hổ nhất quyết đòi theo bảo vệ cha, nhưng rồi đành ở nhà vì nghe lời ông Tú là phải ở nhà bảo vệ mẹ và em. Vài năm sau nữa, ông Tú lâm bệnh nặng qua đời, thi hài được chở về Hòa Phụng để an táng. Con hổ và mẹ con bà Tú khóc thương vô hạn. Riêng con hổ thì không thèm ăn uống, cứ nằm li bì bên quan tài cha. Sau khi an táng ông Tú, con hổ đập đầu chết bên cạnh mộ cha. Bà con vô cùng cảm kích tình nghĩa của con hổ nên bèn chôn hổ bên cạnh mộ ông Tú và lập miễu nhỏ thờ con vật có nghĩa này. Người dân gọi nôm na là là miễu Hai Cha Con.
Cọp còn tu tâm dưỡng tánh- chuyện được lưu truyền ở vùng Đức Hòa- Long An ngày nay. Đó là ở chùa Phước Định, trước khi có chùa (cách đây hơn 100 năm) cọp về phá phách, không ai dám lui tới. Nhưng từ khi có chùa, cọp không còn quấy phá nữa. Riêng có hai con cọp- một đực, một cái to lớn vào chùa nằm nghe kinh. Mỗi khi chùa tụng kinh lại thấy chúng dắt nhau về nằm ngoài sân nghe. Sau này, chúng không đi nữa mà ra góc chùa, chui vào bọng gốc cây cổ thụ khổng lồ ở luôn.
Qua những giai thoại về cọp có nghĩa ở Nam bộ cho thấy ý nghĩa nhân văn của mảng truyện này. Truyện không đơn thuần là giải thích tên gọi địa danh hay nêu lên cá tính của các loài vật ấy mà sâu xa hơn truyện còn phản ánh tư tưởng nhân văn của tác giả dân gian. Loài vật mà biết sống thủy chung, tình nghĩa thì cũng thật xứng đáng sánh cùng con người, được con người quý mến. Âu đó cũng là hình thức cao độ của truyền thống “ở hiền gặp lành” của dân tộc ta. Bên cạnh đó, những mẩu chuyện này còn cho thấy lối sống hài hòa, thuận tự nhiên của người khẩn hoang kiểu “nước sông không phạm nước giếng”; đặc biệt, đó là những dấu chỉ của thuở khai phá gian nan, hiểm nguy, bất trắc.
Đến đây, có lẽ quý độc giả đã có câu trả lời cho câu hỏi “Cọp ở Nam bộ xưa có phải đều là cọp dữ”. Quả vậy, hổ cũng có con này, con khác- “rừng nào cọp ấy”. Chẳng phải dân gian có câu “hổ dữ còn chẳng ăn thịt con”, hay “hổ phục”- hổ biết kính nhường trước thần linh. Sự huyền thoại, đôi khi nhân cách hóa, loài cọp trong truyện dân gian Nam bộ phần nào cho thấy sự đồng hành của loài động vật này trong cuộc khẩn hoang của tiền nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét