Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Sài Gòn xóm

'Vùng cấm' Cống Bà Xếp và giai thoại Điền Khắc Kim

Không chỉ là nơi cư ngụ của những tay giang hồ thời trước, xóm Cống Bà Xếp còn được nhiều người rỉ tai nhau về các câu chuyện kỳ bí và không kém phần ma quái, bắt nguồn từ 'cây cổ thụ mọc giữa nhà dân'.
Cống Bà Xếp là một địa danh ở quận 3, cống chính nằm ngay khu vực ga xe lửa Hòa Hưng và thông ra kênh Nhiêu Lộc /// Ảnh: Lưu Trân
Cống Bà Xếp là một địa danh ở quận 3, cống chính nằm ngay khu vực ga xe lửa Hòa Hưng và thông ra kênh Nhiêu Lộc
ẢNH: LƯU TRÂN

Chúng tôi ghé xóm Cống Bà Xếp vào một chiều giữa tháng 5, nhiều người nói hệ thống đường đi trong khu xóm này giống hệt bàn cờ, chúng tôi thì lại thấy nó chẳng khác gì một cái mê cung.
Mấy con hẻm nhỏ xíu, nếu một anh lái xe ba gác thấy hẻm đủ để chạy thì chắc chắn vào sâu bên trong sẽ “không có đường lui”, vì diện tích con hẻm càng lúc càng thu hẹp, chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi lọt.
Current Time0:00
/
Duration4:46
Quảng cáo
Remaining Time-0:00
VIDEO: Cống Bà Xếp -  nơi lánh nạn của giang hồ khét tiếng Sài Gòn một thời
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
'Bà Xếp' hay 'Bà Sếp'?
Lý giải về cái tên Cống Bà Xếp, bà Nguyễn Thị Lệ (68 tuổi), một người dân sinh sống trong khu này cho biết: “Thời ông bà, cha mẹ tui kể lại là xưa có một bà không rõ tên gì, bà là vợ của một ông sếp làm việc ở ga Hòa Hưng thời Tây nên mọi người hay gọi là Bà Xếp”.

Theo ký ức của bà Lệ từ lời kể truyền miệng của ông bà, Bà Xếp thấy dân quanh đây sống cảnh “mưa nhỏ chút thôi cũng bị ngập liên miên”, không biết bao nhiêu đứa con nít bị nước cuốn mất xác mỗi bận mưa, nước dâng, nên đã bỏ tiền túi ra làm cái cống thoát nước cho bà con được sinh hoạt thoải mái hơn.
“Tên cống cũng là đặt theo tên người dân hay gọi bà Xếp, “đáng lý ra là “Sếp”, nhưng thời đó đâu có nhiêu người biết chữ, người ta cứ viết là “Xếp” nên thành ra như vậy luôn”, bà Lệ lập luận.
Theo lời bà Lệ: “Cái cống này mở đầu ở khúc ngay đường Cách Mạng Tháng 8, hồi xưa là đường Lê Văn Duyệt đó. Nó chạy dài ra tới kênh Nhiêu Lộc là điểm cuối cùng. Đường đi ngoằn nghèo dữ lắm, giờ là đỡ rồi chứ ngày xưa thì dễ gì mà chạy xe trơn tru được vậy. Khu này mà đếm thì không nhớ có bao nhiêu cái hẻm, hẻm chính thì tầm chục cái đổ lại, còn mấy hẻm nhỏ thông nhau thì nhiều vô cùng”…
Có lẽ cũng do địa hình hiểm trở mà khu vực này từng được giới giang hồ Sài Gòn vào những năm 50 - 60 chọn làm “nơi cư ngụ”.
Sài Gòn xóm - Kỳ 1: 'Vùng cấm' Cống Bà Xếp và giai thoại Điền Khắc Kim - ảnh 2
Khu vực Cống Bà Xếp bao gồm những con đường như Trần Văn Đang, Kỳ Đồng, Rạch Bùng Binh hay Nguyễn Thông… ngày trước vốn chỉ là những con hẻm nhỏ, hẹp và ngoằn nghèo
ẢNH: LƯU TRÂN

Nơi 'nghịch' nhất Sài Gòn


Bà Lệ vừa dứt lời, bà Hồng Ngọc (65 tuổi) - người hàng xóm kế bên liền lên tiếng: “Gì chứ về tệ nạn xã hội thì khu này ngày xưa nhiều không đâu bằng. Trộm cắp, cướp giật, mại dâm gì cũng có hết. Nhiều bữa đang ngồi chơi trước nhà mà cướp nó chạy vèo cái ngang mặt. Có khi mấy đứa ăn trộm bị rượt, nó chạy luôn vô nhà mình xin “cô ơi cho con trốn chút”. Mình thấy đứa nào tội tội thì mình cho nấp, xong nó đi. Còn thấy mà có vẻ ghê quá thì đợi công an chạy tới hỏi mình nháy mắt cho mấy chú biết nó nấp trong nhà đó, vô mà bắt”.
“À đúng rồi”, bà Ngọc bất ngờ nói lớn như chợt nhớ ra chuyện gì đó: “Mấy đứa chắc không biết ông tướng cướp Điền Khắc Kim phải không? Trước là ổng nổi tiếng nhất cái Sài Gòn này đó, ổng còn thuê cái nhà ở đâu trong xóm này, gần kênh Nhiêu Lộc làm nơi ở ẩn. Có mấy lần ổng bị công an vây bắt mà cũng nhờ cái hẻm này khó đi nên mới chạy thoát nè”.
Sài Gòn xóm - Kỳ 1: 'Vùng cấm' Cống Bà Xếp và giai thoại Điền Khắc Kim - ảnh 4
Người dân ở đây cho biết, ngày trước cứ chục người vào trong những con hẻm này thuê nhà thì có đến tám người là con nghiện hoặc gái mại dâm
ẢNH: LƯU TRÂN


Nghe tới đó, tôi buột miệng hỏi: “Thiệt hả bà?”. Bà Ngọc cười xuề xòa: “Mấy vụ trộm cắp, mại dâm này kia là có thiệt hết đó. Còn cái vụ ông Khắc Kim thì tôi nghe nhiều người kể lại, chứ tôi không rõ. Nhưng mà đi khắp xóm hỏi thì mấy người già già, tầm 60 tuổi trở lên ai cũng biết mà kể vanh vách”.
Giai thoại về tướng cướp Điền Khắc Kim cứ được truyền miệng và nhóm người U.60 ở đây ai cũng nằm lòng.
Không chỉ là nơi trú ẩn lý tưởng, hệ thống hẻm Cống Bà Xếp thời xưa còn là thị trường tiêu thụ ma túy tương đối lớn vào lúc đó.
Ông Nguyễn Xuân Tứ (97 tuổi, di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1953) kể lại: “Ma túy, thuốc phiện là nó bán công khai luôn nhé, mấy anh xăm mình ngồi đầy khắp xóm. Mấy vụ ẩu đả tranh giành địa bàn của các băng nhóm giang hồ diễn ra thường xuyên, cứ vài ngày lại có một vụ. Nếu mà nói về Cống Bà Xếp này thì thời đó dùng đúng một từ là “nghịch”, nghịch nhất Sài Gòn. Chiều tối chạng vạng mà ai bắt taxi, xe ôm về khu này thì đố anh tài xế nào dám chở”.
Sài Gòn xóm - Kỳ 1: 'Vùng cấm' Cống Bà Xếp và giai thoại Điền Khắc Kim - ảnh 6
Những câu chuyện được kể lại từ những người dân sinh sống lâu năm trong khu Cống Bà Xếp
ẢNH: LƯU TRÂN
Bí ẩn những cây cổ thụ mọc giữa nhà
Nổi tiếng với chuyện về giới giang hồ một phần, xóm Cống Bà Xếp còn được nhiều người rỉ tai nhau về các câu chuyện kỳ bí và không kém phần ma quái, bắt nguồn từ “cây cổ thụ mọc giữa nhà dân”.

Những câu chuyện cứ truyền miệng qua bao nhiêu thế hệ, rằng, ngày trước khu này u ám, lạnh lẽo. Mỗi bận mưa mà nước dâng là thể nào cũng có đứa con nít bị nước cuốn trôi, có khi tìm được, khi thì trôi mất xác luôn.
“Rồi quanh quanh trong khu này cũng có mấy nhà mọc nguyên cây cổ thụ bên mé hoặc giữa nhà vậy đó. Tui nghe đâu ngày xưa có nhà bà kia tối ngủ nghe tiếng con nít khóc, khóc to lắm ngủ không có được. Bả mới chắp tay vái “thôi cho cô ngủ, mai cô cho em chơi với con nha”. Vái xong là tiếng khóc ngưng, sáng mai lại đứa nhỏ cháu bả bị sặc sữa chết. Không biết do trùng hợp hay sao, nhưng mà nhiều người nói mấy cây cổ thụ linh lắm, không ai dám nói quở cái gì nữa”, bà Hồng Ngọc kể.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng nói thêm: “Đó là người ta đồn vậy thôi, chứ thực ra mấy cái cây này đã có từ lâu lắm rồi. Lúc người dân tới đây sinh sống, dựng nhà dựng cửa thì để nguyên cái cây đó để tiện che bóng mát. Sau này đổ nhà bằng gạch, bê tông này kia rồi thì cũng có người cưa cái cây đi cho rộng rãi. Nghe chuyện ma thì nhiều chứ chưa ai khẳng định đã từng gặp ma quỷ gì hết”.
Sài Gòn xóm - Kỳ 1: 'Vùng cấm' Cống Bà Xếp và giai thoại Điền Khắc Kim - ảnh 8
Giờ đây, các con hẻm đã khác hẳn ngày xưa, nhà nào nhà nấy đều xây cao hơn, đẹp hơn, đường đi cũng rộng rãi và thoáng hơn nhiều 
ẢNH: LƯU TRÂN
Mà đó là kể chuyện vậy, chứ sau nhiều năm đắm chìm trong vô số các tệ nạn, khu vực xóm Cống Bà Xếp giờ đã đổi thay nhiều. “Hẻm rộng rãi, thoáng hơn, mỗi năm chính quyền cũng nâng đường lên một lần nên việc ngập nước hay nước chảy mạnh do hẻm dốc cũng không còn như trước”.
An ninh trật tự cũng dần đi vào ổn định, chuyện cướp giật hay trộm cắp xin “trú tạm” không còn diễn ra thường xuyên, người dân nơi đây cứ bình yên mà sống.
Lâu lâu có người ghé hỏi thì cả xóm lại tụ tập mà kể về cái “thời oanh liệt” ngày xưa bằng câu mở đầu: “Xóm Cống Bà Xếp trước đây như vầy, như vầy nè

Xóm Vườn Chuối không chỉ bán... chuối!

Sài Gòn ngày trước có nhiều tên đường được đặt theo tên chợ và nhiều tên chợ được đặt theo tên đường. Một trong số đó có khu Vườn Chuối, bao gồm chợ và đường Vườn Chuối vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.
Khu chợ Vườn Chuối nằm bên cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thượng Hiền rất đông đúc  /// Ảnh: Hồng Thắm
Khu chợ Vườn Chuối nằm bên cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thượng Hiền rất đông đúc
ẢNH: HỒNG THẮM
Tại TP.HCM, có nhiều tên loài cây được sử dụng để đặt tên cho xóm, chợ hoặc tên đường. Có thể nhắc đến như chợ Bàu Sen (quận 5), chợ Cây Thị (quận Bình Thạnh), chợ Vườn Lài, chợ Cây Gõ (quận 6),… và không thể không nhắc đến chợ Vườn Chuối (quận 3), một trong những khu chợ đông đúc và tấp nập.
Current Time0:00
/
Duration0:00
Quảng cáo
Remaining Time-0:24
VIDEO: Chợ Vườn Chuối ngày nay
Lý giải tên gọi xóm Vườn Chuối
Ngay tại trung tâm quận 3, nằm bên cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thượng Hiền là chợ Vườn Chuối, thuộc xóm Vườn Chuối ngày xưa. Chạy dọc bên cạnh chợ là một con đường cùng tên, dài khoảng hơn 400 mét.


Thoạt đầu, ai không biết nghe vào sẽ nghĩ chợ Vườn Chuối sẽ là nơi bán nhiều… chuối, hoặc chí ít cũng là khu thu gom chuối từ các tỉnh để phân phối đi những tỉnh thành khác. Thế nhưng, không hề giống như trong tưởng tượng, nơi đây cũng như các khu chợ khác trong TP.HCM bán đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Và tất nhiên, có chuối nhưng không đến mức gọi là nhiều.
Đường Vườn Chuối nhỏ nhưng đi được hai chiều, thuộc khu vực Cư xá Đô Thành. Từ xưa đến nay, con đường này có nhiều nhà may, tiệm quần áo cũ, áo cưới, quán ăn,… nằm san sát nhau.
Những người sống trong khu vực này cho biết, xóm Vườn Chuối nằm trong khu tập trận. Người dân không ai dám khai khẩn làm gì, chỉ trồng chuối thành vườn rồi từ đó truyền tai nhau gọi tên là xóm Vườn Chuối. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn dùng chính tên mà người dân hay gọi để đặt cho chợ và con đường Vườn Chuối ngày nay.
Xóm Vườn Chuối xưa và nay
Theo ông Nguyễn Minh Phương (53 tuổi), một trong những người dân sống từ nhỏ ở đây cho biết: “Trước đây, theo lời cha mẹ tôi kể thì khu Vườn Chuối này toàn là nhà lá, nhưng sau bị cháy, nghi là có người đốt. Rồi từ vụ cháy đó, chính quyền mới lấy đất, phân lô bán lại cho dân lao động hoặc cấp cho những người cán bộ để cất nhà”.
Sài Gòn xóm - Kỳ 2: Xóm Vườn Chuối không chỉ bán... chuối! - ảnh 2
Một trong những căn nhà cũ còn sót lại
ẢNH: HỒNG THẮM


Ông Phương cũng tiết lộ, nơi đây lúc trước còn có những trang trại nuôi ngựa rất lớn. Cho đến những năm 1954 - 1955 thì trở thành khu dân cư đông đúc, náo nhiệt.
Sống trên đường Vườn Chuối đã lâu, bà Nguyễn Thị Yến (68 tuổi) chia sẻ: “Trước giải phóng năm 1975, khu này nổi tiếng là nơi bán vàng chui. Do bị chính quyền xử lí gắt gao nên hầu hết người dân nơi đây bỏ đi nơi khác sinh sống. Bây giờ, những người lớn tuổi hoặc sống lâu năm ở đây không còn nhiều nữa”.
Thay vì những ngôi nhà lá, giờ đây, với sự phát triển của đô thị thì nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Đan xen vào đó chỉ còn một vài ngôi nhà cũ kĩ, ọp ẹp đã có từ rất lâu.
Sài Gòn xóm - Kỳ 2: Xóm Vườn Chuối không chỉ bán... chuối! - ảnh 4
Bà Nguyễn Thị Yến sống lâu năm ở khu Vườn Chuối nhớ lại kí ức ngày xưa
ẢNH: HỒNG THẮM

Trong khu vực chợ Vườn Chuối có một cây bồ đề nằm chễm chệ ở góc chợ. Không ai biết cây này mọc đã bao lâu hay từ khi nào. Chỉ hay rằng người dân thấy cây lâu năm, linh thiêng nên lập bàn thờ dưới gốc cây, rồi mỗi ngày mọi người ra xung quanh nhang khói, hương đèn như một nơi cầu bình an cho gia đình.
“Từ lúc tôi tới ở là đã thấy cây bồ đề này đã có ở đây rồi. Tôi cũng giống người ta, đều đặn ra đây mỗi chiều thắp nhang khấn nguyện, mong được sức khỏe, an yên”, một người dân thắp nhang dưới gốc cây bồ đề chia sẻ.
Chợ Vườn Chuối còn được nhắc đến như một “thiên đường ẩm thực” mời gọi các tín đồ đam mê ăn uống ghé lại. Từ các món ăn vặt, ăn chơi đến các món ăn mang đặc trưng vùng miền, món nào cũng hấp dẫn và thu hút thực khách. Thú vị nhất có thể kể tới nhiều loại bún ở khắp các vùng miền khác nhau như: bún bò Huế, bún đậu mắm tôm, bún mọc...
Sài Gòn xóm - Kỳ 2: Xóm Vườn Chuối không chỉ bán... chuối! - ảnh 6
Nhiều người mỗi ngày đến dưới gốc cây để cầu nguyện sức khỏe cho gia đình
ẢNH: HỒNG THẮM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét