Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Tết cổ truyền độc đáo của người Cờ Lao ở Hà Giang



Cộng đồng dân tộc Cờ Lao ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang là một trong những dân tộc rất ít người của cả nước. Dù vậy, nét văn hóa phong tục ăn tết của người Cờ Lao vẫn giữ được khá nguyên vẹn và có nhiều điểm độc đáo. Trong đó, cộng đồng người Cờ Lao ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, được xem là một trong những nơi vẫn gìn giữ được các phong tục, tập quán của dân tộc mình. Điển hình phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền.
Tết có ý nghĩa rất lớn với người Cờ Lao vì theo bà con đây chính là những ngày bình an, vui vẻ nhất trong năm, mọi người, mọi nhà đều được nghỉ ngơi và cùng nhau đón xuân mới. Họ quan niệm những ngày tết chính là dịp con cháu được báo hiếu ông bà, cha mẹ, tạ lễ tổ tiên và các vị thần đã phù độ cho con cháu người Cờ Lao được khỏe mạnh, công việc thuận buồm xuôi gió cả năm may mắn. Dịp tri ân công đức tổ tiên và các vị thần linh chính là lễ cúng mang nghi thức tâm linh, chính vì vậy rất được người dân quan tâm.
 
Tết có ý nghĩa rất lớn với người Cờ Lao.

Không khí ngày Tết thường đến với các gia đình Cờ Lao từ rất sớm, vào ngày 23 tháng chạp âm lịch trong các ngôi nhà đã bắt đầu bận rộn chuẩn bị cho lễ cúng thần bếp, một vị thần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Từ đó cho đến ngày 25 tháng chạp, các thành viên trong gia đình sẽ tập trung quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ chờ đón năm mới.

Thế nhưng, không khí rộn ràng thật sự bắt đầu vào ngày 26 tháng chạp khi các nhà mổ lợn chuẩn bị ăn Tết. Theo người già ở đây cho biết, trước đây nhà nào cũng phải mổ một con lợn béo đã được nuôi từ trong năm để ăn Tết vì cái Tết của người Cờ Lao không thể thiếu thịt lợn được. Mọi phần chuẩn bị gần như đã xong, nhưng cần làm một thức bánh đặc trưng trong ngày Tết nữa đó là bánh giầy; trong các ngôi nhà những thành viên gia đình sẽ trở về quây quần bên nhau để làm bánh. Khi bếp bập bùng đỏ lửa, những mẻ xôi nếp sẽ được đồ trong chõ gỗ, đến lúc mùi thơm của hương gạo nếp tỏa ra khắp nhà thì người đứng bếp liền nhanh tay đổ ra mẹt lá chuối xanh, rồi từng mẻ xôi lại được đổ vào các cối giã bánh giầy do 2 người đứng giã. Người Cờ Lao sẽ làm một chiếc bánh lớn bằng cái mâm và một số bánh bé to bằng miệng bát để ăn Tết. Những âm thanh của tiếng chày giã bánh cùng với tiếng cười nói náo nhiệt tạo nên sự vui vẻ, đầm ấm trong từng mái nhà.

Sau khi các lễ vật dùng để đặt lên bàn thờ tổ tiên đã chuẩn bị xong, người ta đặt 3 chiếc bánh giầy bé lên bàn thờ. Ngoài ra, người Cờ Lao sẽ treo chiếc bánh giầy lớn và 3 túm bánh nhỏ mỗi túm có 3 chiếc bánh, 1 miếng thịt lợn hun khói ở bên trái bàn thờ cho linh hồn của bố, mẹ về ăn tết. Vì theo phong tục của người Cờ Lao, hàng cháu phải làm lễ cúng ông, bà trước nên khi bố hoặc mẹ mất đi sẽ chưa được cúng ở trên bàn thờ tổ tiên mà phải cúng riêng ở bên cạnh.

Đến đêm 30 tết, một nồi nước thuốc lá cây với rất nhiều loại lá hái ở trên rừng và trong vườn nhà về như: lá chè, ổi, long não, bưởi… được nấu lên để cả nhà tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, người ta dâng mâm cơm cúng mời tổ tiên về ăn Tết lên bàn thờ, các lễ vật bắt buộc phải có gồm: 1 con gà trống, 3 miếng thịt lợn luộc cắt vuông, bánh dày, rượu, vàng hương. Theo quan niệm của người Cờ Lao thì gà trống có ý nghĩa quét nhà, quét đi những điều xấu ra khỏi nhà để đón cái tốt của năm mới đến.

Lễ mở cửa - khai môn năm mới được thực hiện vào đêm giao thừa. Lúc này, chủ nhà phải chuẩn bị một sàng gạo, tiền xu, tiền giấy và gà trống đặt trước cửa, và đọc bài cúng bằng tiếng dân tộc, sau đó nhận lời chúc phúc, chúc lộc từ mọi người.

Sáng mùng 1 tết, cúng cơm sẽ là việc phải làm đầu tiên; nhưng đặc biệt trong ngày này người ta kiêng không cho con gái đi ra khỏi nhà, không quét nhà hay làm bất cứ việc gì từ sáng đến tối. Thường thì họ sẽ chờ người khách là nam giới đến xông nhà, chúc tết xong thì con gái trong nhà mới được đi chơi xuân. Mùng 2 tết người ta sẽ mổ 2 con gà trống dành để thờ thủ công và bà mụ của trẻ con cầu mong sức khỏe, an khang, tài lộc… Đến mùng 3, nếu chọn được ngày tốt thì các gia đình sẽ hạ bánh giầy lớn xuống và kết thúc 3 ngày tết.

Giống như các dân tộc khác, ngày tết là dịp để cả thôn, bản cùng hòa mình vào các hoạt động sôi động như: đánh yến, đánh cù, đẩy gậy, đu quay… Trong các trò chơi dân gian này, những chàng trai, cô gái mới có dịp khoe quần áo mới đẹp nhất, tài nghệ khéo léo trong trò chơi. Người già và trẻ em cũng tham gia, đến xem, cổ vũ, hát múa… tạo nên không khí tưng bừng ngày Tết.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét